Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi

tra-lai-tai-san-boi-thuong-thiet-hai-va-cong-khai-xin-loi

Khi thực hiện hành vi phạm tội, bên cạnh những chế định hình phạt, Bộ luật Hình sự còn có quy định về các biện pháp tư pháp nhằm bổ trợ cho chế định hình phạt, đồng thời khắc phục thiệt hại mà các tội phạm gây ra như: Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi. Vậy, dưới góc độ pháp luật hình sự, biện pháp tư pháp này được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

Các biện pháp tư pháp là gì?

1. Trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.” Như vậy tài sản mà điều luật này đề cập ở đây đó chính là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản.

Tiếp đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút. Bồi thường thiệt hại có hai loại là bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Bên cạnh việc bồi thường thiệt hại, chấm dứt hành vi vi phạm thì chủ thể gây thiệt hại cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự của người khác còn phải buộc công khai xin lỗi. Dưới góc độ pháp luật, buộc công khai xin lỗi là biện pháp do Toà án quyết định buộc người vi phạm pháp luật phải công khai xin lỗi người bị vi phạm. Người bị buộc công khai xin lỗi người bị hại trước sự chứng kiến của Toà án.

Biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi được xem là một trong các biện pháp tư pháp tại Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi; Bắt buộc chữa bệnh.

Như vậy có thể hiểu biện pháp trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi là biện pháp cưỡng chế do Bộ luật Hình sự quy định và được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng buộc các chủ thể phạm tội phải trả lại những tài sản mà họ đã chiếm đoạt một cách trái phép cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.Trong trường hợp gây ra thiệt hại về tinh thần, chủ thể phạm tội vừa thực hiện việc bồi thường bằng vật chất, đồng thời phải thực hiện việc xin lỗi trước mặt bị hại theo hình thức công khai có sự chứng kiến của đại diện nhà nước.

2. Quy định về trả lại tài sản

Khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”

Theo đó, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Không ai có quyền hạn chế hay tước đoạt nó một cách trái pháp luật. Do đó khi xuất hiện hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản thì buộc phải trả lại cho chủ sở hữu của nó.

Chiếm đoạt ở đây được hiểu là người phạm tội có được tài sản một cách bất hợp pháp, không có trong ý chí của bị hại. Theo quy định của pháp luật thì các tài sản bị chiếm đoạt này phải được hoàn trả sau khi xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trường hợp, không tìm được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của tài sản thì tài sản sẽ được sung vào ngân sách nhà nước.

Đối với trường hợp này thì Toà án chỉ buộc người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp khi tài sản đó còn đúng giá trị vào lúc người phạm tội chiếm đoạt. Trường hợp nếu tài sản đó đã hư hỏng thì buộc người phạm tội phải sửa chữa lại hoặc bồi thường cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tồn tại trường hợp tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt nhưng lại bán cho người khác sau đó người mua cải tạo nâng giá trị của tài sản lên thì Toà án vẫn có thể buộc người chiếm hữu bất hợp pháp đó phải trả lại tài sản bị chiếm đoạt cho chủ sở hữu khi có yêu cầu.

3. Quy định về bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 thì thay vì trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì trong một số trường hợp họ phải thực hiện việc sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra.

Trường hợp này đặt ra khi chủ thể phạm tội không chiếm đoạt tài sản nhưng lại sử dụng trái phép tài sản đó và làm hư hỏng thì phải sửa chữa nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc căn cứ vào quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự hoặc luật khác có liên quan quy định khác.

Bồi thường thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Theo đó, các thiệt hại về vật chất là những thiệt hại có thể tính ra bằng tiền, ngược lại thiệt hại về tinh thần là thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín. Đối với thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người thì mặc dù không phải là thiệt hại vật chất nhưng có thể dẫn đến những thiệt hại về vật chất như: tiền mai táng, chi phí điều trị,…Việc bồi thường này có thể bằng tiền (theo giá trị tài sản) hoặc bằng một tài sản khác có giá trị tương đương.

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự của người gây ra thiệt hại. Mức độ, chi phí, cách thức, nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự được dẫn chiếu đến bồi thường thiệt hại dân sự nhưng hẹp hơn. Bởi lẽ, bồi thường thiệt hại trong dân sự bao gồm cả những thiệt hại trực tiếp do tội phạm gây ra và những thiệt hại gián tiếp và những tổn thất về tinh thần mà người liên quan phải gánh chịu khi đã bị thiệt hại trực tiếp và gián tiếp.

4. Quy định về buộc công khai xin lỗi

Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.”

Buộc công khai xin lỗi là biện pháp cưỡng chế để khôi phục lại hậu quả do tội phạm gây ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Theo đó, khi người phạm tội gây ra thiệt hại về tinh thần thì ngoài việc bồi thường thiệt hại, người đó còn phải công khai xin lỗi người bị hại. Vấn đề này xuất phát từ việc, tổn thất về tinh thần khó đong đếm trên thực tế cũng như biểu hiện trực tiếp ngoài thế giới khách quan và thậm chí có nhiều trường hợp còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bị hại hơn thiệt hại về vật chất.

Biện pháp này do Toà án áp dụng, có thể được áp dụng cùng với hình phạt hoặc áp dụng độc lập. Hiện nay, không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp này. Tuy nhiên, có thể hiểu cơ sở để áp dụng biện pháp này xuất phát từ yêu cầu của bị hại và sự tự nguyện của người phạm tội.

Đối với quy định tại khoản 2 Điều 48 này thì thực tiễn xét xử cho thấy, việc Toà án buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại không có gì vướng mắc, nhưng việc bồi thường về vật chất đối với thiệt hại về tinh thần lại khó xác định. Cho đến nay, chưa có hướng dẫn nào của các cơ quan có thẩm quyền về bồi thường thiệt hại tinh thần do hành vi phạm tội gây ra, nên thực tiễn xét xử mỗi Tòa án áp dụng khác nhau.

5. Biện pháp trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi qua các thời kỳ ở Việt Nam

5.1. Giai đoạn từ 1945 đến trước 1985

Do xã hội gặp nhiều khó khăn, lịch sử có nhiều biến động nên lúc này công tác xây dựng pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng chưa được chú trọng quan tâm và còn nhiều hạn chế. Thời kỳ này nước ta chưa có quy định cụ thể về các biện pháp tư pháp, tuy nhiên tồn tại một số biện pháp tư pháp đã được quy định rải rác trong các Sắc lệnh như: Sắc lệnh số 01/SL ngày 19/4/1957 trừng trị tội đánh bạc tại Điều 2 quy định về biện pháp tịch thu tang vật; Sắc lệnh 267/SL ngày 15/6/1956 quy định về biện pháp bồi thường thiệt hại.

Như vậy có thể nói biện pháp “Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại” trong thời kỳ này được đề cập chủ yếu trong thực tiễn xét xử.

5.2. Giai đoạn từ 1985 đến nay

Kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 1985 ra đời, các biện pháp tư pháp bắt đầu được ghi nhận hoàn toàn tại một chương riêng. Theo đó, điểm mới của các bộ luật sau này là việc các nhà làm luật đã nêu thêm trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần (nếu có và xác định được) thì còn cho phép Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất theo quy định của Bộ luật dân sự đồng thời công khai xin lỗi người bị hại. Việc công khai xin lỗi người bị hại là biện pháp tốt, góp phần an ủi, xoa dịu nỗi đau phần nào hậu quả mà người phạm tội đã gây ra cho họ. Ngoài ra biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi được áp dụng đối với tất cả các giai đoạn tố tụng. Vì vậy Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp tư pháp này khi có căn cứ đối với người phạm tội nói chung, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và cả người bị kết án.

Cụ thể quy định về biện pháp trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi lần lượt được quy định tại: Điều 34 Bộ luật Hình sự năm 1985; Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trên đây là những nội dung phân tích liên quan đến “Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại và buộc công khai xin lỗi ”. Hy vọng qua bài viết, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác, hãy liên hệ Hotline: 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon