Độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự mới nhất?

do-tuoi-tham-gia-nghia-vu-quan-su-moi-nhat

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của mỗi công dân để phục vụ cho quân đội nhân dân Việt Nam. Hàng năm, lại có những lớp thanh niên đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự với mong muốn được tham gia vào lực lượng quân đội để góp phần cho công cuộc giữ gìn nền độc lập, hòa bình của dân tộc. Thế nhưng không phải ai cũng được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự mà phải đáp ứng các quy định về độ tuổi cũng như sức khỏe, v.v… Vậy, độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý

– Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015

1. Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự

Trước khi tìm hiểu về các độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự chúng ta cần phải hiểu độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

“1. Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là độ tuổi công dân thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.”

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ như sau:

Điều 30. Độ tuổi gọi nhập ngũ

“Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.”

Theo đó, khi thuộc độ tuổi quy định, bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn cũng như nghề nghiệp, nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

Từ quy định trên, có thể thấy, công dân sẽ bị gọi nhập ngũ nếu đáp ứng về độ tuổi quy định trong hai trường hợp sau đây:

Thứ nhất, độ tuổi thông thường công dân được bắt đầu gọi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi trở lên đến hết 25 tuổi.

Thứ hai, độ tuổi gọi nhập ngũ đối với công dân có trình độ đào tạo là cao đẳng, đại học là từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. Trong trường hợp này, công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ nên độ tuổi sẽ bị kéo dài thêm 02 năm so với các trường hợp thông thường.

Như vậy, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi hết 25 tuổi (trường hợp thông thường) hoặc từ đủ 18 tuổi hết 27 tuổi (bị tạm hoãn gọi nhập ngũ khi được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học.

Tuy nhiên, độ tuổi chỉ là một trong các tiêu chuẩn để công dân được gọi nhập ngũ. Bên cạnh tuổi thì công dân còn phải đáp ứng các điều kiện khác căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 (được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP):

Điều 4. Tiêu chuẩn tuyển quân

1. Tuổi đời:

a) Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

b) Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

2. Tiêu chuẩn chính trị:

a) Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

b) Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

3. Tiêu chuẩn sức khỏe:

a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

b) Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.

4. Tiêu chuẩn văn hóa:

a) Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.

b) Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.

Như vậy, khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên công dân phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.

2. Cách tính tuổi nhập ngũ

Hiện nay, chưa có quy định nào cụ thể về cách tính tuổi gọi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định hiện hành về độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì độ tuổi gọi nghĩa vụ quân sự bao gồm:

– Từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

– Từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi.

Mặc dù, không có quy định về cách xác định độ tuổi gọi nghĩa vụ quân sự, tuy nhiên thuật ngữ “từ đủ” có thể được xác định theo cách sau:

– Từ đủ 18 tuổi: Ngày/tháng/năm + 18

– Hết 25 tuổi: Ngày/tháng/năm + 26

– Hết 27 tuổi: Ngày/tháng/năm + 28

Để hiểu rõ hơn về nội dung trên, quý bạn đọc có thể tìm hiểu qua ví dụ cụ thể sau:

Nguyễn Văn T sinh ngày 20/8/2004. Thời điểm xác định Nguyễn Văn T đủ 18 tuổi là ngày 20/8/2022. Thời điểm xác định Nguyễn Văn T hết 25 tuổi là ngày 20/8/2030 và thời điểm hết 27 tuổi là 20/8/2032.

Như vậy, nếu không thuộc trường hợp bị tạm hoãn, không phải gọi nghĩa vụ quân sự, Nguyễn Văn T sẽ được gọi nhập ngũ từ ngày 20/8/22 – 20/8/2030. Nếu có trình độ đào tạo cao đẳng, đại học thì đến ngày 20/8/2022, Nguyễn Văn T sẽ không được gọi nhập ngũ nữa.

3. Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử phạt như thế nào?

Khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như nêu ở trên mà công dân có hành vi gian dối nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì tùy theo mức độ vi phạm, trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, cụ thể như sau:

3.1. Xử phạt hành chính

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP người vi phạm quy định về nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

3.2. Xử lý hình sự

Căn cứ theo Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Cụ thể, người nào không chấp hành đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử lý như sau:

– Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc

– Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình hay phạm tội trong thời chiến hay lôi kéo người khác phạm tội thì mức phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Trên đây là nội dung liên quan đến độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự được quy định như thế nào? Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ theo số hotline 1900.6568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon