Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-vi-pham-quyen-loi-cua-nguoi-tieu-dung

Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) nhằm khôi phục, bù đắp những tổn thất, thiệt hại gây ra cho NTD. Dù vấn đề này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau nhưng không cụ thể gây khó khăn cho quá trình áp dụng vào thực tiễn. Bài viết Luật Dương Gia chủ yếu nghiên cứu nhằm khái quát những vấn đề lý luận liên quan đến điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do vi phạm quyền của NTD, tập trung vào thực trạng với những bất cập từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD nhằm nâng cao tính hiệu quả chế tài dân sự BTTH.

Căn cứ pháp lý

  • Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010

1. Khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

1.1. Khái quát về người tiêu dùng

Hiện nay trên thế giới, thuật ngữ NTD được sử dụng tương đối phổ biến. Dưới góc độ kinh tế, NTD là phạm trù chỉ những chủ thể tiêu thụ của cải được tạo ra bởi nền kinh tế. NTD là người mua nhưng khác với mua nguyên liệu hoặc mua hàng hóa để bán lại, họ là những người sử dụng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng và làm chúng tiêu hao hoặc biến mất qua việc sử dụng nó. Có thể nói, trong mọi nền sản xuất của các quốc gia, NTD là đối tượng được hướng tới của mọi doanh nghiệp. NTD quyết định nhóm ngành, hàng được sản xuất, định hướng đầu tư và phát tiển cho các doanh nghiệp trong thị trường.

Dưới góc độ pháp lý, tại Luật bảo vệ quyền lợi NTD 2010 như sau: “NTD là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức” 

Như vậy dựa trên khái niệm về NTD chúng ta sẽ thấy NTD ở Việt Nam có những đặc trưng sau:

Luật bảo vệ quyền lợi NTD 2010 không quy định về hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Tuy vậy, có thể hiểu được rằng, đó là những gì được phép lưu thông và được người ta mua về để sử dụng cho các mục đích sinh hoạt, tiêu dùng cá nhân, cho gia đình.

Hơn thế, so với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đối tượng là NTD được bảo vệ theo pháp luật bảo vệ NTD của Việt Nam có sự mở rộng hơn. Ngoài đối tượng là các cá nhân được pháp luật bảo vệ như thông lệ quốc tế, pháp luật Việt Nam còn coi tổ chức cũng là NTD khi tổ chức đó mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt.

Ngoài ra, NTD dù rất đông đảo nhưng lại là nhóm người quan trọng duy nhất mà quan điểm của họ lại thường không được lắng nghe…. Chính vì vậy, pháp luật bảo vệ NTD Việt Nam đã ghi nhận và cụ thể hoá các quyền của NTD dựa trên những quyền cơ bản đã được Quốc tế công nhận. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để NTD ở Việt Nam  có quyền yêu cầu BTTH khi tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi xâm phạm quyền lợi NTD.

1.2. Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

1.2.1. Lý luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

Khái niệm trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD quy định tại Điều 608 Bộ luật dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Dựa trên khái niệm trên chúng ta nhận thấy trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD là trách nhiệm pháp lý áp dụng với chủ thể có hành vi vi phạm quyền lợi của NTD và là trách nhiệm liên quan đến nhiều chủ thể. Bởi lẽ trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi NTD là trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nhưng điều kiện phát sinh trách nhiệm này không hoàn toàn dựa trên quan hệ hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người mua hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh đó mà lợi ích của NTD bị vi phạm có thể là người mua hoặc có thể là người sử dụng hàng hoá dịch vụ do người mua tặng, cho… Chủ thể gây thiệt hại có thể là từ nhà sản xuất có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật; hay các nhà phân phối dùng thủ đoạn giữ hàng tươi sống, không bị thiu thối trong thời gian dài bằng hoá chất độc hại cho đến những nhà bán lẻ sẵn sàng đưa lương thực, mỹ phẩm, dược phẩm xoá hạn sử dụng nhằm thu lợi bất chính… Vì vậy việc xác định trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi NTD rất phức tạp, không thật sự xác định được rõ ràng như hành vi trái pháp luật khác gây thiệt hại.

1.2.2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Thứ nhất, có thiệt hại cho NTD

Từ điển Luật học do Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội xuất bản năm 1999 giải thích: “Thiệt hại là tổn thất về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ”. Bộ luật dân sự 2015 không nêu định nghĩa nhưng liệt kê các loại thiệt hại được bồi thường gồm:

  • Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
  • Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
  • Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
  • Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Thứ hai, hành vi vi phạm quyền lợi NTD là hành vi trái pháp luật

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế kéo theo sự tinh vi, gian xảo trong thương mại ngày càng nhiều. Những hành vi vi phạm quyền lợi NTD vì thế ngày càng phổ biến, tinh vi và nhiều biến tướng. Từ hành vi gian lận về tiêu chuẩn đo lường, về chất lượng hàng hoá, giá cả; hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái đến hành vi sản xuất sản phẩm gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ…của NTD; hành vi lừa dối NTD như thông tin, quảng cáo thiếu chính xác, sai sự thật về hàng hoá, dịch vụ gây phương hại đến lợi ích của NTD – tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín…

Thiết nghĩ hành vi vi phạm quyền lợi của NTD là hành vi vi phạm pháp luật không đáp ứng đầy đủ các quyền lợi của NTD theo quy định của pháp luật dân sự, Luật bảo vệ quyền lợi NTD, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác…và có thể gây thiệt hại đến quyền lợi của NTD.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm quyền lợi của NTD và thiệt hại đã xảy ra trên thực tế

Trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD chỉ phát sinh khi có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra trên thực tế. Hay có thể hiểu thiệt hại trên thực tế phải là kết quả của hành vi vi phạm quyền lợi của NTD. Mối quan hệ này luôn có tính khách quan, tính phổ biến và tính tất yếu: không phụ thuộc vào ý chí của con người, tồn tại trong mọi xã hội và cùng nguyên nhân thì trong những điều kiện giống nhau sẽ gây ra kết quả như nhau.

Ví dụ như: Hành vi của nhà sản xuất là sản xuất hàng hoá kém chất lượng, nhà phân phối phân phối hàng hoá đã quá hạn sử dụng, các khâu bảo quản hàng hoá không đạt chuẩn đã gây ra sự biến chất, giảm sút giá trị sử dụng của sản phẩm, người làm hàng giả, phân phối hàng giả…là những hành vi trái pháp luật, đồng thời là nguyên nhân gây thiệt hại cho NTD, thì nhà sản xuất, nhà phân phối có trách nhiệm BTTH cho NTD. Hành vi vi phạm quyền lợi của NTD không những về tài sản mà còn về sức khoẻ, tính mạng như khâu vệ sinh ăn toàn thực phẩm, dược mỹ phẩm không đảm bảo từ nhà sản xuất, đến nhà phân phối sản phẩm.

Thứ tư, có lỗi của bên gây thiệt hại

Hiện nay có hai nhóm quan điểm về tác động của yếu tố lỗi đến trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi NTD.

Một là, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm BTTH trong mọi trường hợp không phụ thuộc vào yếu tố lỗi .

Bởi lẽ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá luôn ở thế chủ động và am hiểu nhất về sản phẩm của mình nên không thể đẩy rủi ro cho NTD. Quan điểm này với mục đích nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD và bảo vệ tối đa quyền lợi của NTD. Chỉ cần xác định hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh gây ra thiệt hại thì tổ chức cá nhân kinh doanh đó phải bồi thường không cần quan tâm đến yếu tố lỗi. Điển hình như quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi NTD 2010: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm BTTH trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”.

Hai là, tổ chức, cá nhân kinh doanh mặc nhiên bị coi là có lỗi (cố ý hoặc vô ý) nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại. Mặc dù trong quan hệ với NTD thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ luôn có ưu thế cả về hiểu biết, nguồn lực tài chính và nhân lực.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng có lỗi đối với thiệt hại gây ra cho NTD (trường hợp bất khả kháng, hay khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho NTD8). Vì vậy, trong những trường hợp đó vẫn gắn trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân kinh  doanh hàng hoá, dịch vụ là thiếu công bằng. Nên dù được quy định trong Luật bảo vệ quyền lợi NTD nhưng có thể thấy quan điểm pháp luật chúng ta dựa trên cơ sở phải đảm bảo sự công bằng, hợp lý.

2. Thực trạng và hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo trách nhiệm với người tiêu dùng gây thiệt hại cho NTD hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm BTTH trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. Theo đó phát sinh một số bấc cập như sau:

Thứ nhất, chưa có vụ việc nào ở Việt Nam về bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng có giá trị lớn, tạo ra niềm tin rằng người tiêu dùng ở Việt Nam theo kiện đến cùng và được bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng trong những trường hợp thương nhân biết rõ mình có lỗi với người tiêu dùng nhưng vẫn trì hoãn hoặc từ chối trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều đó cho thấy pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đang thiếu chế định về tiền bồi thường thiệt hại có tính trừng phạt.

Như vậy, pháp luật về bồi thường thiệt hại do vị phạm quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam nên bổ sung chế định về tiền bồi thường thiệt hại có tính trừng phạt để đảm bảo thương nhân phải có trách nhiệm cao hơn trong việc đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thứ hai, trong các chế định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chưa có chế định về “Class-action” – khởi kiện tập thể trong quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chế định kiện tập thể trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cho phép một người có thể đại diện cho nhiều người khởi kiện một vụ việc về người tiêu dùng, trừ khi có đơn của một người hoặc một số người trong vụ kiện tập thể đó từ chối không muốn tham gia. Khi vụ khởi kiện tập thể thành công, giá trị đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng sẽ cho nhiều người và giá trị của đền bù thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần để đảm bảo tất cả những người có quyền lợi tương tự được bảm bảo đền bù. Ví dụ : Một người hút thuốc lá bị ung thư phổi có thể đại diện cho nhóm người hút thuốc lá bị ung thư phổi khởi kiện một công ty sản xuất thuốc lá (nếu công ty đó không có cảnh báo với người tiêu dùng).

Những vụ việc đền bù thiệt hại với nhiều người tiêu dùng thì sẽ khiến kể cả những công ty lớn phải chi trả số tiền rất lớn cho người tiêu dùng. Bất kỳ hãng lớn nào nếu người tiêu dùng tẩy chay do lỗi của sản phẩm hoặc từ chối các nghĩa vụ đền bù thiệt hại do lỗi của nhà sản xuất thì hãng đó có thể bị thâm hụt tài chính lớn, đứng bên bờ vực phá sản hoặc phá sản.

Vụ việc cho thấy pháp luật về bồi thường thiệt hại do vị phạm quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam nên bổ sung chế định về khởi kiện tập thể (Class-action) vì những vụ việc liên quan đến người tiêu dùng thì sẽ có những vụ việc liên quan đến nhiều người.

tiêu dùng, một nhóm người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó và rõ ràng chế định này hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về người tiêu dùng.

Thứ ba, về vấn đề cơ chế hợp lí để giải quyết các vụ việc về cá nhân, tổ chức kinh doanh từ chối trách nhiệm bồi thường thiệt hại người tiêu dùng vì lí do không chính đáng hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm với người tiêu dùng. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có thủ tục rút gọn, tuy nhiên thủ tục này chưa được đi vào thực tế xét xử. Điều đó dẫn tới câu chuyện nếu theo kiện về bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng thường mất thời gian, hơn nữa với tâm lí chung :” được vạ thì má đã sưng” dẫn tới nhiều vụ việc người tiêu dùng đành chịu thiệt. Như vậy, cần nghiên cứu thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền lợi người tiêu dùng phù hợp ở Toà án, toà án này chỉ xét xử một cấp theo thủ tục rút gọn, và có thể theo mô hình toà chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chúng ta cần mạnh dạn ghi nhận các trường hợp ngoại lệ này trong Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc có quy định rõ ràng về thủ tục rút gọn này khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự. Nếu dám thay đổi và đặt ra một cơ chế nhanh trong giải quyết các vụ việc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung thì sẽ khuyến khích được người tiêu dùng bỏ qua thói quen “được vạ thì má đã sưng”, sợ đi kiện, sợ mất thời gian sử dụng cơ quan toà án để bảo vệ mình, đồng thời để các thương nhân phải chịu hậu quả đích đáng khi đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các “thượng đế” là người tiêu dùng.

Như vậy, hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng là vấn đề đa chiều, phải có sự kết hợp đồng bộ của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, bổ sung một số chế định như những đóng góp của tác giả cũng góp phần hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon