Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

toi-tang-tru-van-chuyen-hang-cam

Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, hàng hoá đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Đảng và Nhà nước ta luôn đưa ra các chính sách nhằm tạo điều kiện để người dân có thể buôn bán, trao đổi hàng hoá với nhau. Hơn thế nữa, nhằm phục vụ cho việc buôn bán, trao đổi hàng hoá Nhà nước còn chủ trương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi giúp người dân thuân tiện hơn trong việc vận chuyển hàng hoá giữa các nơi. Tuy nhiên, không phải bất kì loại hàng hoá nào cũng được pháp luật nước ta thông qua và bảo hộ. Những loại hàng hoá này được gọi là hàng cấm. Pháp luật Việt Nam có những quy định chặt chẽ đối với các loại tội liên quan đến hàng cấm. Trong số đó phải kể đến “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”. Vậy “Hàng cấm” là gì? “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” là gì? Và hình phạt nào sẽ giành cho người phạm tội này? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
  • Phụ lục 1A Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh (Ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ)

1. Hàng cấm là gì?

Hiện nay vẫn chưa có quy định pháp luật nào nêu rõ khái niệm hàng cấm là gì. Nhưng, có thể hiểu đơn giản hàng cấm là những hàng hoá bị Nhà nước cấm tàng trữ, vận chuyển, sản xuất buôn bán dưới mọi hình thức. Lý do những loại hàng hoá này bị cấm chính là do sự ảnh hưởng xấu của chúng đến nền kinh tế thị trường, xã hội, môi trường cũng như sức khoẻ của con người.

Danh mục các loại hàng cấm hiện nay của nước ta không phải là cố định hoàn toàn. Bên cạnh những hàng hoá cấm cố định như ma tuý, thì cũng cũng những loại hàng được thêm vào hoặc bỏ ra tuỳ thuộc vào từng thời điểm mà Nhà nước sẽ xem xét. Một số hàng cấm theo quy định hiện nay như:

– Các chất ma tuý;

– Các loại pháo;

 – Phân bón có trong danh mục không được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam;

– Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự, công an;…

Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo phụ lục quy định tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ nêu trên hiện không còn phù hợp nhưng vẫn có giá trị tham khảo, bởi hiện nay vẫn chưa có quy định về việc bãi bỏ Nghị định 59/2006.

2. Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là gì?

Đầu tiên, tàng trữ hàng cấm chính là hành vi cố ý cất giữ hay cất giấu những mặt hàng đã bị pháp luật cấm. Chủ thể thực hiện hành vi này sẽ không để ai biết về việc cất giữ hay cất giấu đó nhằm mục đích vận chuyển, mua bán hay sản xuất.

Tiếp theo, vận chuyển hàng cấm được hiểu là hành vi của chủ thể nào đó đưa hàng cấm dịch chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Ví dụ có thể vận chuyển hàng cấm bằng tàu thuỷ, vận chuyển bằng máy bay, bằng đường bộ,…

3. Cấu thành tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

– Mặt khách quan:

Dấu hiệu về mặt khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là:

+ Là người có hành vi cất giữ, cất giấu các loại hàng hoá mà Nhà nước cấm.

+ Là người có hành vi vận chuyển hàng hoá bị Nhà nước cấm từ nơi này sang nơi khác bằng các cách thức, thủ đoạn khác nhau.

– Mặt khách thể:

Tội này xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với hàng hoá mà Nhà nước đã cấm kinh doanh, lưu thông.

– Mặt chủ quan:

Chủ thể thực hiện hành vi này với lỗi cố ý.

– Chủ thể:

Chủ thể của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

4. Quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm trong tiếng anh là: Storage, transport of banned goods

Căn cứ theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì:

“1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;

e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;

g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;

k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;

l) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;

c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

…..”

Ngoài ra, điều luật còn quy định khoản 4, khoản 5 về hình phạt bổ sung và pháp nhân thương mại phạm tội.

Có thể thấy, trong quy định của điều luật này bao gồm tất cả 5 khoản, tương ứng với khung hình phạt khác nhau.

– Khoản thứ nhất, quy định dấu hiệu và khung hình phạt cơ bản của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khoản thứ hai của điều luật này quy định những tình tiết, trường hợp tăng nặng như: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp;…. Nếu có những hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm

– Khoản thứ ba quy định những tình tiết, trường hợp tăng nặng có định mức. Ở khoản này, người phạm tội sẽ không còn được áp dụng hình phạt tiền mà chỉ có hình phạt tù, cụ thể người vi phạm khoản 3 điều này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

– Theo quy định tại khoản 4 thì ngoài việc bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, người vi phạm còn nhận hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Khoản 5 của điều luật quy định khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

+ Trường hợp hành vi phạm tội thuộc khoản 1 của điều luật thì khung hình phạt cho pháp nhân thương mại có mức phạt từ 300 triệu đồng đến 01 tỷ đồng;

+ Trường hợp hành vi phạm tội thuộc khoản 2 của điều luật (các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và 1) thì khung hình phạt cho phép pháp nhân thương mại phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng;

+ Trường hợp hành vi phạm tội thuộc khoản 3 của điều luật thì khung hình phạt cho pháp nhân thương mại là phạt tiền từ 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

+ Nếu hành vi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điều 79 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một sô lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tóm lại, hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng hoá bị nhà nước cấm là hình vi phạm tội. Người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi do mình gây ra. Ngoài việc bị phạt một số tiền lớn, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (đối với cá nhân) và cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn (đối với pháp nhân thương mại).

5. Bản án về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

5.1. Bản án về tội tàng trữ hàng cấm số 05/2022/HS-ST:

– Cơ quan giải quyết: Tòa án nhân dân huyện N.L, tỉnh Nghệ An.

– Nội dung trích dẫn: Khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 04/11/2021, tại khu vực xóm 8, xã P.T, huyện N. L, tỉnh Nghệ An, Tổ công tác Công an thành phố V đang làm nhiệm vụ thì phát hiện Nguyễn Doãn Đ đang đi bộ, bê 01 bì xác rắn màu xanh. Kiểm tra hành chính, tổ công tác phát hiện bên trong có chứa 10 khối hình hộp chữ nhật, kích thước mỗi khối 15cmx15cmx12cm (nghi là pháo nổ). Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ, niêm phong tang vật, đưa đối tượng về trụ sở Công an thành phố Vinh tạm giữ. Trong cùng ngày, Công an thành phố V đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Đ, thu giữ thêm 01 túi nilong màu đen bên trong đựng 10 khối hình hộp chữ nhật, kích thước mỗi khối 15cmx15cmx12cm (nghi là pháo nổ), niêm phong đưa về tạm giữ. Mục đích Đ tàng trữ là nhằm sử dụng.

– Kết luận giám định: Theo KLGĐ số 362/KL-PC09(Đ2-CN) và 363/KL-PC09(Đ2-CN) ngày 09/11, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận: Mẫu vật gửi giám định là pháo, là loại pháo nổ. Mẫu cần giám định đã sử dụng hết trong quá trình giám định.

– Quyết định trong bản án: Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 191; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 35 của Bộ luật Hình sự, xử phạt tiền bị cáo Nguyễn Doãn Đ 50.000.000 (Năm mươi triệu) đồng. Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và xử lý vật chứng.

5.2. Bản án về tội vận chuyển hàng cấm số 22/2022/HS-ST

– Cơ quan giải quyết: Tòa án nhân dân huyện Đ. H, tỉnh Long An

– Nội dung trích dẫn: Khoảng 16 giờ 00 phút ngày 07/12/2021, tại đoạn đường tỉnh lộ 825 thuộc xã Đ.H.H, huyện Đ.H, tỉnh Long An, bị cáo Lê Trọng T có hành vi sử dụng xe ô tô, hiệu Toyota Vios, màu trắng, biển số 62A-172… vận chuyển thuê thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng tổng cộng là 5.960 bao, trong đó gồm: trong đó: 4.960 bao hiệu Jet, 1.000 bao hiệu Hero từ ngã năm B, xã B, huyện Đ Huệ, tỉnh Long An đến huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh cho một người tên Bé (không xác định nhân thân, lai lịch) với tiền công là 600.000đồng/chuyến thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt quả tang, tạm giữ người và vật chứng vụ án.

– Tại Công văn số 173/CV-2021 HHTLVN ngày 09/12/2021 của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam phúc đáp công văn 906/CV-ĐCSĐT ngày 07/12/2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ.H, tỉnh Long An như sau: “02 mẫu cây thuốc lá điếu có nhãn hiệu: Hero và Jet do cơ quan cung cấp là thuốc lá điếu nhập lậu…”

– Quyết định trong bản án: Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 191; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Xử phạt: Bị cáo Lê Trọng T 05 (Năm) năm tù. Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và xử lý vật chứng.

Nguồn bản án: Trang thông tin điện tử Công bố bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao.

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi đưa ra cho quý bạn đọc về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Hy vọng, với những gì Luật Dương Gia cung cấp trong bài viết này cũng đã giúp cho các bạn giải đáp thêm được một số thắc mắc về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và những quy định liên quan. Nếu còn những thắc mắc chưa hiểu rõ, cần giải đáp chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi qua số Hotline 1900.6568 để được tư vấn, hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon