Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

thoi-hieu-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su

Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình cần phải thực hiện đúng nguyên tắc “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trường hợp hành vi phạm tội không được xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội. Do đó, pháp luật đã ban hành quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm đảm bảo nguyên tắc đấu tranh, phòng chống tội phạm được nhanh chóng, tránh việc bỏ lọt tội phạm đồng thời có ý nghĩa nhân văn, mang tính giáo dục pháp luật. Vậy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra.

Truy cứu trách nhiệm hình sự là buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện trên cơ thể chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đã thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong pháp luật hình sự.

Dưới góc độ pháp luật hình sự, khoản 1 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ đảm bảo được tính nhân đạo, cần thiết mà còn tạo điều kiện cho con người thay đổi và sửa chữa những sai lầm mà họ phạm phải.

Luật sư uy tín tại Đà Nẵng

2. Quy định pháp luật về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

2.1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

Thứ nhất, năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. 

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Ví dụ: Tội giết hoặc vứt con mới đẻ theo Điều 124 Bộ luật Hình sự; Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội theo Khoản 1 Điều 126 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng.

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.

Ví dụ: Tội đe doạ giết người quy định tại Khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự; Tội trộm cắp tài sản quy định tại Khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng.

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.

Ví dụ: Tội Hiếp dâm quy định tài Điều 141 Bộ luật Hình sự; Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 189 Bộ luật Hình sự.

Thứ tư, hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ví dụ: Tội phản bội tổ quốc thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 108 Bộ luật Hình sự. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự.

Việc xác định loại tội phạm chỉ cần căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy. Trường hợp mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù là tội phạm ít nghiêm trọng; đến bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng; đến mười lăm năm tù là tội phạm rất nghiêm trọng; đến chung thân hoặc tử hình là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2.2 Các trường hợp tính lại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thứ nhất, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện và hoàn thành, lúc này người phạm tội đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội tương ứng với một trong bốn loại tội phạm: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp trong thời gian tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 01 năm tù, thì lúc này thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Ví dụ: Ngày 05/02/2015, Nguyễn Văn A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự nhưng chưa bị khởi tố, điều tra. Đến ngày 09/11/2018, A lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Ngày 12/3/2020, thông qua xác minh tố giác về tội phạm, cơ quan điều tra mới phát hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy, nếu căn cứ vào Điểm a Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản đã hết. Tuy nhiên, trong thời gian tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản, ngày 09/11/2018, A lại phạm tội mới nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản sẽ được tính lại từ ngày 09/11/2018. Do đó, lúc này A sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội: Trộm cắp tài sản và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, bên cạnh các trường hợp nói trên thì khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự quy định: Nếu trong thời gian tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội cố tình trốn tránh và có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính, thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự, nếu phạm tội mang tính chất đồng phạm mà có người bỏ trốn thì cách tính thời hiệu sẽ có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Cụ thể có hai quan điểm về vấn đề này như sau:

  • Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong vụ án có tính chất đồng phạm thì người nào bỏ trốn sẽ không được tính thời hiệu, thời hiệu tính lại kể từ khi người đó tự thú hoặc bị bắt giữ. Những người còn lại trong vụ án đồng phạm sẽ tiếp tục truy tố mà không phải chịu ảnh hưởng từ việc bỏ trốn của người kia. Vấn đề này xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của luật hình sự nước ta là trách nhiệm cá nhân. Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự mà các cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người không bỏ trốn, không có lệnh truy nã thì hết thời hạn đó họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
  • Quan điểm thứ hai cho rằng, trong vụ án có tính chất đồng phạm nếu có người nào bỏ trốn thì cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra nên thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, khi nào người bỏ trốn tự thú hoặc bị bắt thì cơ quan điều tra mới phục hồi điều tra vụ án đối với tất cả các đồng phạm còn lại.

3. Trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Việc áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự một phần tạo điều kiện cho người phạm tội sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội của một số loại tội phạm mà thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không được áp dụng.

Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Hình sự, không áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự đối với các tội phạm sau đây:

“1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này.

2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.

3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.”

4. Ý nghĩa của việc quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thứ nhất, thời hiệu được đặt ra nhằm đảm bảo khoảng thời gian cần thiết để pháp luật cho phép thực hiện quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đảm bảo cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải nhanh chóng, chủ động phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Từ đó trừng trị tội phạm, khắc phục hậu quả xảy ra trên thực tế, hướng đến sự tôn nghiêm, tính giáo dục, cải tạo cho người phạm tội.

Thứ hai, quy định mang tính chất nhân văn, giáo dục pháp luật. Cụ thể, trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bản thân người phạm tội không gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội, có ý thức tự cải thiện bản thân, không còn nguy hiểm cho xã hội. Do đó, lúc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hết, hành vi phạm tội không cần bị truy cứu, bởi lẽ mục đích của hình phạt đã không còn đạt được.

Thứ ba, khẳng định tính chất, nội dung pháp lý, giúp cho mọi người hiểu được thế nào là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, từ đó biết được hành vi phạm tội của mình trong bao lâu thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và trường hợp nào vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời còn có ý nghĩa phân biệt với thời hiệu thi hành án trong hình sự hoặc các thời hiệu khác như thời thời hiệu khởi kiện dân sự, hành chính, kinh tế, lao động…

Trên đây là nội dung phân tích liên quan đến “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ Hotline: 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon