Nguồn gốc và ý nghĩa “Tết Đoan Ngọ” – 5.5. Âm lịch

nguon-goc-va-y-nghia-tet-doan-ngo-5-5-am-lich

Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là ngày “diệt sâu bọ”, là một ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết đặc biệt này. Hãy cùng Luật Dương Gia khám phá những điều thú vị xoay quanh Tết Đoan Ngọ qua bài viết dưới đây nhé.

1. Tết Đoan Ngọ là ngày gì? Tết Đoan Ngọ là ngày nào?

Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tết Đoan Dương, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. “Đoan” mang ý nghĩa mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ám chỉ việc tổ chức Tết vào buổi trưa. “Dương” tượng trưng cho mặt trời và khí dương, thể hiện thời điểm khí dương đang thịnh vượng. Do đó, Đoan Dương mang ý nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống được tổ chức tại nhiều quốc gia Đông Á, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, v.v. Tại Việt Nam, ngày này còn được gọi với cái tên là ngày “giết sâu bọ” bởi vì người dân thường ăn các loại trái cây và thức ăn có vị cay nồng nhằm tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể.

Theo dương lịch thì Tết Đoan Ngọ 2024 (ngày 5/5 âm lịch) sẽ rơi vào thứ Hai ngày 10/6/2024

2. Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

Quan niệm cho rằng Tết Đoan Ngọ của người Việt hoàn toàn bắt nguồn từ Trung Quốc là sự lầm tưởng của rất nhiều người hiện nay. Mặc dù Tết Đoan Ngọ có cùng ngày diễn ra (mùng 5 tháng 5 âm lịch) và một số phong tục tương đồng với các nước Đông Á khác, nhưng Tết Đoan Ngọ của người Việt mang những nét đặc sắc riêng biệt, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam

Theo truyền thuyết kể lại, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi.

Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Sự khác biệt với Trung Quốc

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly Tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước.

Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày tết Đoan ngọ, nhiều nguồn tin cho rằng tập tục tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ, có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.

Như vậy, Tết Đoan Ngọ của người Việt có nguồn gốc riêng biệt, không phải bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng.

3. Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Bên cạnh những hoạt động vui chơi giải trí, Tết Đoan Ngọ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc:

Diệt sâu bọ, bảo vệ mùa màng: Theo truyền thuyết, Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ việc tiêu diệt sâu bọ để bảo vệ mùa màng. Ngày nay, người dân vẫn giữ gìn phong tục này với mong muốn có một mùa bội thu.

Giải trừ bệnh tật: Theo quan niệm dân gian, vào thời điểm giao mùa, cơ thể con người dễ mắc bệnh. Do đó, Tết Đoan Ngọ là dịp để người dân sử dụng các loại trái cây, thức ăn có tính thanh mát, giải độc, nhằm phòng ngừa bệnh tật.

Tưởng nhớ tổ tiên: Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, cầu mong bình an và may mắn cho gia đình.

Thể hiện tình cảm gia đình: Các hoạt động trong ngày Tết Đoan Ngọ như cúng bái, ăn uống, trò chuyện… góp phần gắn kết tình cảm gia đình sau lễ Tết, tạo nên một không khí vui vẻ và đầm ấm.

4. Phong tục của người Việt vào ngày Tết Đoan Ngọ

Vào ngày này, các gia đình thường thực hiện nhiều phong tục nhằm mục đích xua đuổi sâu bọ, bệnh tật, cầu mong sức khỏe và bình an cho cả gia đình.

Dưới đây là một số phong tục phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ:

Tục khảo cây vào giờ Ngọ:

Vào lúc 12 giờ trưa ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều địa phương sẽ thực hiện nghi thức khảo cây hay còn gọi là đánh cây. Người ta chọn một cây trong vườn, thường là cây ít ra quả hoặc bị sâu bệnh, để tượng trưng cho những điều xui xẻo. Sau đó, họ gõ nhẹ vào gốc cây và đặt câu hỏi về mùa màng, cây cối, thể hiện mong ước về một mùa bội thu, sung túc.

Ăn trái cây giết sâu bọ:

Theo quan niệm dân gian, vào ngày Tết Đoan Ngọ, các loại sâu bọ trong cơ thể con người sẽ phát triển mạnh. Do đó, người ta thường ăn các loại trái cây có vị chua như mận, xoài, bưởi, cam,… để tiêu diệt sâu bọ và thanh lọc cơ thể.

Ăn cơm rượu nếp cẩm:

Cơm rượu nếp cẩm là món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ. Món ăn này được cho là có tác dụng bồi bổ sức khỏe, trị chứng ra mồ hôi trộm và giải nhiệt tốt cho cơ thể.

Hái lá thuốc:

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người ta thường hái các loại lá thuốc như lá tía tô, lá húng lủi, lá xoài, lá ổi, lá chanh,… để nấu nước tắm cho cả nhà. Nước tắm này được cho là có tác dụng tiêu diệt các loại sâu bọ trong cơ thể, giúp con người khỏe mạnh hơn.

Ăn bánh ú tro:

Bánh ú tro là một loại bánh truyền thống được làm từ nếp, tro và đậu xanh. Bánh ú tro thường được ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ với mong muốn cầu mong sức khỏe và may mắn.

Ăn thịt vịt:

Theo Đông y, thịt vịt có tính mát và có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Do đó, vào ngày Tết Đoan Ngọ, người Việt Nam thường ăn thịt vịt để bồi bổ và thanh lọc cơ thể.

Ngoài ra, vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân cũng thường cúng lễ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lưu ý: Phong tục tập quán trong ngày Tết Đoan Ngọ có thể có sự khác biệt ở từng địa phương.

5. Tết Đoan Ngọ có được nghỉ không?

Ngày 5/5 có được nghỉ không?

Căn cứ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ lễ, tết như sau:

– Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

  • Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch);
  • Tết Âm lịch: 05 ngày;
  • Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30/4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch);
  • Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch).

Như vậy, theo quy định của pháp luật ngày 5/5 âm lịch không phải là ngày lễ, tết được nghỉ. Do đó, người lao động không được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.

Tuy nhiên, người lao động nếu muốn nghỉ vào ngày 5/5 âm lịch thì có thể thực hiện thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ phép hằng năm theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 hoặc nghỉ không hưởng lương theo khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.

Mặc dù không phải là một trong những lễ tết lớn trong năm, Tết Đoan Ngọ vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Nó là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, đề cao sức khỏe và mong muốn một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Qua những nghi lễ và phong tục tập quán, Tết Đoan Ngọ nhắc nhở mỗi người về tầm quan trọng của sức khỏe, sự đoàn viên và lòng biết ơn đối với tổ tiên.

Bài viết trên đây đã trình bày về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ. Để được tư vấn và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến pháp luật, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon