Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

vien-kiem-sat-nhan-dan-cap-cao-tai-da-nang

Ngày 28/5/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị Quyết 953/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được đặt tại ba nơi là Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Dưới đây, Luật Dương Gia thông tin đến bạn về Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

1. Thông tin liên hệ của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đặt tại địa chỉ:

04 Lý Tự Trọng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Số điện thoại liên hệ: 0236 3818 113

Viện kiếm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng làm việc vào giờ hành chính các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, trừ thứ bảy, chủ nhật, và các ngày lễ, Tết theo quy định.

Giờ làm việc hành chính:  Buổi sáng từ 7h30 – 11h30

                                          Buổi chiều từ 13h00 – 17h00

2. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

Thứ nhất là Ủy ban kiểm sát

Thứ hai là ba viện nghiệp vụ. Gồm:

– Viện 1: Thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự

– Viện 2: Kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình

– Viện 3: Kiểm sát việc giải quyết án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật

Thứ ba là Văn phòng

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thành phố Đà Nẵng

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có phạm vi thẩm quyền theo lãnh  thổ đối với 12 tỉnh Miền Trung-Tây Nguyên là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đăk Lăk.

Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp phá của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

3.1. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố

Theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014:

Khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

– Huỷ bỏ quyết định tạm giữ, các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền

– Đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác khi cần thiết…Khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm và chuyển giao cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết;

– Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Các cơ quan này có nhiệm vụ thông báo đầy đủ, kịp thời cho viện kiểm sát;

– Trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc điều tra của các cơ quan điều tra nói trên;

– Khi phát hiện vi phạm pháp luật thì yêu cầu cơ quan điều tra nói trên thực hiện các hoạt động như tiếp nhận, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật, khắc phục vi phạm pháp luật và xử lí người vi phạm;

– Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm;

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

3.2. Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự

Theo Điều 14, Điều 15 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014, điều tra các vụ án hình sự là nhiệm vụ của các cơ quan điều tra (cơ quan công an, quân đội), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (cơ quan kiểm lâm, hải quan…). Các cơ quan này là đối tượng chịu sự kiểm sát của viện kiểm sát nhân dân.

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra án hình sự, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Yêu cầu các cơ quan nói trên khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

– Huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án; phê chuẩn hoặc huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can trái pháp luật;

– Khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường họp luật định…

Khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra và lập hồ sơ vụ án;

– Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng;

– Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra…

3.3. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố

Căn cứ theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật; yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can;

– Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong một số trường hợp;

– Quyết định khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong một số trường hợp…

Khi kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu xử lí người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật;

– Kiến nghị việc áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật…

3.4. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự tại điều 18, Điều 19 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định như sau:

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự của toà án, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Công bố cáo trạng hoặc quyết định khởi tố theo thủ tục rút gọn, quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo tại phiên toà;

– Xét hỏi, luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên toà;

– Kháng nghị trong trường hợp phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc buộc tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

– Khi kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự của toà án;

– Kiểm sát bản án, quyết định của toà án;

– Kháng nghị bản án, quyết định của toà án…

Mục đích của thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội. Mục đích của kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời.

3.5. Công tác điều tra của cơ quan điều tra viện kiểm sát nhân dân

Công tác điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 theo đó:

– Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, viện kiểm sát nhân dân có quyền điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật. Trong cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương có cơ quan điều tra (gồm thủ trưởng, các phó thủ trưởng, các điều tra viên).

– Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

– Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương theo quy định

3.6. Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự

Trong bộ máy nhà nước hiện nay, viện kiểm sát nhân dân được giao nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam. Khi thực hiện nhiệm vụ này, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền được quy định tại các điều Điều 22, Điều 23, Điều 25 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 như sau:

– Trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam;

– Kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam;

– Quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật;

– Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam…

Khi kiểm sát thi hành án hình sự, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Yêu cầu toà án ra quyết định thi hành án hình sự, tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho viện kiểm sát nhân dân;

– Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự, hồ sơ thi hành án hình sự;

– Quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành hình phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật…

3.7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo được quy định tại các Điều 29, Điều 30 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 bao gồm các quy định sau:

– Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của viện kiểm sát trong việc thực hiện chức năng của viện kiểm sát;

– Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của thủ trưởng cơ quan điều tra;

– Khiếu nại trong hoạt động tạm giữ, tạm giam…

Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tố cáo sau:

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền của viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam;

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân;

– Tố cáo khác theo quy định của pháp luật.

Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền:

– Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo;

– Ban hành kết luận kiểm sát, thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

3.8. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp

Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp được quy định tại các Điều 32, Điều 33 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014, thể hiện chính sách đối ngoại trong lĩnh vực tư pháp của Việt Nam.

3.9. Thống kê tội phạm

– Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm chủ trì thống kê tội phạm, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thống kê hình sự. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân trong việc thống kê tội phạm.

– Thống kê tội phạm là công việc cần thiết để qua đó Nhà nước nắm bắt, đánh giá cụ thể, chính xác tình hình tội phạm xảy ra trong cả nước, ở mỗi địa phương, ở từng lĩnh vực, qua đó có biện pháp khắc phục, hoàn thiện pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm chủ trì thống kê tội phạm, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thống kê hình sự.
Trên đây là thông tin về Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Nếu có thắc mắc cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia hotline 19006568 để được tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon