Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh

xay-dung-phong-cach-tac-phong-cong-tac-cua-nguoi-dung-dau-trong-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh

Kính thưa quý vị đại biểu!

Lời đầu tiên cho phép tôi được thay mặt đội thi gửi tới các đồng chí Lãnh đạo, Ban Giám khảo, các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất. Đến với Hội thi ngày hôm nay, để bày tỏ những suy nghĩ, tình cảm, lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi xin phép được trình bày nội dung: “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”.

Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một vấn đề rất quan trọng nhằm phát huy tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của mọi người, từ đó nâng cao chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đây là một vấn đề cần sự kiên trì, có quyết tâm cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng cho mình một phong cách, tác phong lãnh đạo khoa học, sáng tạo; dân chủ, nhưng quyết đoán; lãnh đạo sâu sát; khéo dùng người, trọng dụng nhân tài. Nhờ đó, Người đã lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc vượt qua khó khăn, gian khổ giành được những thắng lợi to lớn, vẻ vang.

Một trong những yêu cầu đầu tiên trong phong cách của người đứng đầu là phong cách khoa học, sáng tạo. Theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo phải có sự tìm tòi sáng tạo, đưa ra những phương án tối ưu để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, phải là những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có năng lực, có đạo đức cách mạng, gương mẫu, chấp nhận khó khăn, gian khổ. Nhiệt tình cách mạng chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi nó được thống nhất với các tri thức khoa học và trên cơ sở khoa học. Thực tiễn cho thấy, có nhiệt tình mà thiếu tri thức khoa học sẽ dẫn tới sai lầm, chệch hướng, làm hỏng đường lối, chính sách, hành động trái quy luật. Để có tri thức khoa học, không có cách nào khác là cần tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ về chính trị, nghiệp vụ.

Như chúng ta đã biết, đặc thù của ngành Kiểm sát cần phải nắm vững quy định pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau. Thêm vào đó, xã hội thay đổi không ngừng vì vậy các chính sách, quy định pháp luật cũng thường xuyên sửa đổi, bổ để có tính phù hợp. Với khối lượng kiến thức pháp lý lớn như vậy, việc nghiên cứu, học tập một cách khoa học, có hệ thống là rất cần thiết đối với mỗi cán bộ, kiểm sát viên để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phong cách tác phong thứ hai mà Bác luôn chú trọng đó là phong cách dân chủ nhưng quyết đoán. Là cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng nhân dân. Người đòi hỏi phải có phong cách làm việc thực sự dân chủ chứ không phải giả tạo, hình thức. Bởi vì mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể, mọi thói hình thức chủ nghĩa sớm muộn sẽ làm xói mòn, triệt tiêu dân chủ. Như Bác đã căn dặn:

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu,

khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu, là người có trọng trách trong một tập thể, vừa phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của tập thể, đồng thời, phải quyết đoán, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và dám ra quyết định, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Đây cũng chính là việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Tại chi bộ viện kiểm sát, những vấn đề cần thiết đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận tại các cuộc họp, từ đó, Lãnh đạo Viện xem xét, đưa ra quyết định cuối cùng, đảm bảo tính công khai, minh bạch và dân chủ. Lãnh đạo Viện ở các cấp, ở mỗi đơn vị đều là những tấm gương sáng về các về phong cách, tác phong công tác cho chúng tôi học hỏi.

Trong thực tiễn, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách lãnh đạo sâu sát. Chỉ tính trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, đơn vị…, từ miền núi đến hải đảo. Ngoài ra, hàng ngày trực tiếp đọc thư của nhân dân gửi lên để tiếp thu, chỉ đạo giải quyết. Lãnh đạo sâu sát sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng chống tiêu cực có hiệu quả.

Sau kiểm tra, giám sát, thì cái sai cần khắc phục, sửa chữa ngay và cái đúng, cái tốt phải được động viên khen thưởng, kịp thời, vì khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng lúc sẽ động viên, giáo dục, thúc đẩy người lao động hăng say làm việc.

Một yếu tố cũng không thể thiếu đó là người lãnh đạo giỏi thì phải khéo dùng người và trọng dụng nhân tài. Xuất phát từ mục tiêu chung độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ những trí thức được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước. Người xác định, việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, “chớ dùng thợ mộc làm nghề rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không hiệu quả, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng.  

LỜI KẾT

Những nội dung xây dựng phong cách, tác phong lãnh đạo nêu trên không nằm ngoài những quy định chung trong phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, đồng thời, có yêu cầu cao hơn, thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trên cương vị lãnh đạo.

Phong cách tác phong công tác trong tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể  hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người phấn đấu hy sinh vì tổ quốc vì nhân dân của Người. Học tập và làm theo phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Người đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm phát huy dân chủ, chấp hành kỷ cương, gắn bó cơ sở, với thực tiễn; nói phải đi đôi với làm.

Xây dựng phong cách tác phong làm việc của người đứng đầu theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng là “hiện thân của trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”./.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon