Chủ nghĩa Mác-Lênin với ý nghĩa của các tư tưởng và học thuyết chính trị trong sự phát triển xã hội

chu-nghia-mac-lenin-voi-y-nghia-cua-cac-tu-tuong-va-hoc-thuyet-chinh-tri-trong-su-phat-trien-xa-hoi

Lịch sử các học thuyết chính trị chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống các môn khoa học xã hội. Nó là lịch sử quá trình đang tiến triển nhằm nhận thức các hình thái chính trị của đời sống xã hội. Hệ tư tưởng chính trị gắn bó mật thiết với sự tồn tại của xã hội và nhà nước có giai cấp bởi vì nó phản ánh trước hết mối quan hệ giữa các giai cấp, đảng phái, các nhóm xã hội với chế độ nhà nước.

1. Chủ nghĩa Mác-Lênin với ý nghĩa của các tư tưởng và học thuyết chính trị trong sự phát triển xã hội

1.1. Ý nghĩa của các tư tưởng và học thuyết chính trị trong sự phát triển xã hội

Quan điểm duy vật lịch sử-phát minh vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen đã trao cho chúng ta chiếc chìa khóa để giải thích những nguyên nhân phát sinh và phát triển các học thuyết chính trị. Đồng thời, nó là cơ sở khoa học để đánh giá một cách đúng đắn ý nghĩa của các học thuyết chính trị trong cuộc đấu tranh giai cấp, trong sự phát triển xã hội và nhà nước.

Người ta thấy các học thuyết chính trị thể hiện cô đọng lợi ích kinh tế của giai cấp này hoặc giai cấp khác. Nhưng lợi ích kinh tế của các giai cấp lại khác nhau, vì thế nảy sinh cuộc đấu tranh giai cấp ác liệt. Thông qua việc phản ánh cuộc dáu tranh giai cấp và thể hiện một cách khái quát những lợi ích kinh tế và chính trị chủ yếu của giai cấp này hoặc giai cấp khác, các học thuyết chính trị tự nó có tác dụng ngược trở lại đối vói việc phát triển kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội.

Những tư tưởng và những quan điểm chính trị mới, tiến bộ phục vụ lợi ích của các lực lượng tiên tiến trong xã hội, phản ánh những lợi ích của các giai cấp tiến bộ trong xã hội, đã nảy sinh trên cơ sở các nhiệm vụ đã chín muồi nhằm phát triển đời sống vật chất của xã hội. Những tư tưởng và học thuyết ấy tạo điều kiện xóa bỏ chế độ chính trị – xã hội cũ và nảy sinh, củng cố chế độ chính trị – xã hội mới.

Như trên đã nhận xét, mỗi giai cấp đều đưa ra những học thuyết chính trị của mình, nhưng những học thuyết và tư tưởng thống trị trong mỗi xã hội là những tư tưởng và học thuyết chính trị và kinh tế của giai cấp thống trị.

Quần chúng nhân dân là người thực sự sáng tạo ra lịch sử. Vì thế cần phải đặc biệt chú ý đến ý nghĩa và vai trò của các tư tưởng chính trị của những người lao động, đó là những tư tưởng phản ánh cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân vì các quyền và tự do của mình.

Môn lịch sử các học thuyết chính trị có tác dụng to lớn đối với công tác đào tạo về chính trị – tư tưởng cho các bộ trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Nó phục vụ cuộc đấu tranh chống hệ tư tưởng chính trị phản động của đế quốc, động viên quần chúng lao động đấu tranh vì chính quyền thực sự của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Lịch sử hình thành các học thuyết chính trị đã góp phần hình thành thế giới quan Mác –Lênin cho các luật gia, tìm ra phương pháp độc lập phân tích các hiện tượng chính trị – xã hội đa dạng hiện nay.

1.2. Những nhiệm vụ của chương trình học

Theo quan điểm duy vật biện chứng, lịch sử các học thuyết chính trị là quá trình nhận thức của con người diễn ra hợp quy luật trong lịch sử, đối với bản chất chế độ nhà nước – pháp luật, quá trình đó được thực hiện trong cuộc đấu tranh và thông qua đó cuộc đấu tranh giữa các tư tưởng tiến bộ và phản động.

Chính vì thế nên nhiệm vụ hàng đầu đặt ra trong chương trình môn lịch sử các học thuyết chính trị là trang bị cho sinh viên kiến thức về các sự việc và quy luật phát sinh và phát triển tư tưởng chính trị và trang bị cho họ những kĩ năng để khám phá ra bản chất của các sự việc và hiện tượng. Nhất là phải hiểu sâu sắc học thuyết chính trị Mác – Lenin – học thuyết mở đầu một giai đoạn mới về chất trong lịch sử các học thuyết chính trị.

Lịch sử các học thuyết chính trị là một phần trong chương trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật. Nó cho phép nghiên cứu sự tạo thành các phạm trù cơ bản và hiểu được kết cấu lô-gich của lý luận nhà nước và pháp luật hiện đại thông qua việc tìm hiểu quá trình hình thành môn khoa học chính trị. Ph.Angghen đã nhận xét rằng lịch sử triết học là trường học tư duy lý luận. Cũng như vậy, môn lịch sử các học thuyết chính trị là trường học tuyệt vời để tư duy lý luận trong bộ môn khoa học nhà nước và pháp luật.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai của môn lịch sử các học thuyết chính trị là giáo dục cho sinh viên biết áp dụng một cách sáng tạo và có mục đích, thể hiện trong thực tế xây dựng nhà nước – pháp luật những kiến thức lý luận thu lượm được khi nghiên cứu lịch sử các học thuyết chính trị.

Nhiệm vụ quan trọng thứ ba của chương trình lịch sử các học thuyết chính trị là trang bị cho sinh viên những kiến thức cần thiết để có thể đấu tranh và tích cực tiến công hệ tư tưởng chính trị của giai cấp tư sản trong giai đoạn hiện nay. Điều đó lại càng đặc biệt cần thiết trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng trở nên gay gắt. Đảng cộng sản vẫn sẽ còn phải vạch trần bản chất phản động, phản dân của chủ nghĩa tư bản và vạch trần mọi mưu toan tô hồng chế độ tư bản và bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng cộng sản với hệ tư tưởng tư sản, công tác tuyên truyền tư tưởng Mác-Lênin, việc chứng minh có lí lẽ sự hơn hẳn của hệ tư tưởng cộng sản khoa học đối với hệ tư tưởng tư sản phản động có tầm quan trọng hàng đầu trong thời gian hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà V.Lênin đã nhấn mạnh rằng sự phản kháng về tư tưởng của tư bản là sự phản kháng sâu sắc và mạnh mẽ nhất.

Nên thấy rằng hệ tư tưởng chính trị tư sản hiện nay đang bị khủng hoảng sâu sắc. Điều đó thể hiện, chẳng hạn, trong việc ra sức sử dụng kho tư tưởng phản động trước đây. Họ đưa ra những học thuyết bảo thủ, những tư tưởng phản động. Chính vì vậy, để đấu tranh và tiến công hệ tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc, cần phải biết rõ kẻ địch, cần nghiên cứu các học thuyết về nhà nước – pháp luật mới của chúng trong đó chứa không ít những tư tưởng chính trị đã quá lỗi thời trước đây. Hệ tư tưởng tư sản hiện đại vốn giả dối và bịa đặt. Việc vu khống chế độ xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc học thuyết Mác-Lênin, chính sách và mục đích của các đảng cộng sản là nội dung chính của chủ nghĩa chống cộng – vũ khí chính trị tư tưởng chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc.

Trong thời đại hiện nay, do bị thất bại trong các chính sách đối nội và đối ngoại, chủ nghĩa đế quốc cùng với bọn phiêu lưu trong lĩnh vực chính trị – quân sự, đang dồn mọi nỗ lực để đấu tranh phá hoại về chính trị và tư tưởng chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và dân chủ. Dưới chiêu bài “nền dân chủ thuần túy”, chúng tuyên truyền việc quay trở lại chế độ tư bản chủ nghĩa. Các nhà tư tưởng tư sản mong muốn tô vẽ thêm cho chủ nghĩa tư bản hiện đại bằng cách tuyên bố rằng nó đã đoạn tuyệt những đặc tính vốn có trước đây và nó là một biến dạng của “xã hội công nghiệp” mà một sự biến dạng khác của xã hội này là nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Những mưu mô này của bọn phản đế quốc chủ nghĩa được những người xét lại hưởng ứng, họ tuyên truyền sự quay trở về với “các quyền tự do” tư sản có nghĩa là quyền tự do hoạt động cho những kẻ ủng hộ sự phục hưng tư sản.

Việc nghiên cứu một cách sâu sắc các tác phẩm của các nhà kinh điển mác-xít-lê-nin-nít sẽ tạo cho ta thói quen tư duy lý luận độc lập, có cách tiếp cận chính trị một cách khoa học, hiểu được tiến trình và triển vọng phát triển của thế giới.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của môn khoa học lịch sử các học thuyết chính trị

Môn lịch sử các học thuyết chính trị nghiên cứu các tư tưởng và học thuyết chính trị và pháp luật trong lịch sử, có nghĩa là nghiên cứu chúng trong quá trình phát sinh và phát triển trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định.

Chủ nghĩa Mác-Lênin dạy rằng, trong bất kỳ công trình nghiên cứu lý luận nào không nên chỉ hạn chế ở việc xác nhận các hiện tượng đang nghiên cứu và mô tả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài của chúng, mà cần phải đi sâu vào bản chất, khám phá ra những nguyên nhân phát sinh ra chúng. Sự phát sinh và phát triển các tư tưởng chính trị và pháp luật như là một hình thức nhận thức xã hội nhất định liên quan tới sự phát sinh và phát triển của xã hội có giai cấp.

Môn lịch sử các học thuyết chính trị không nghiên cứu các tư tưởng và học thuyết nói chung, mà chỉ nghiên cứu toàn bộ những tư tưởng và học thuyết chính trị và pháp luật mà sự phát sinh và phát triển của nó liên quan chặt chẽ nhất tới sự tồn tại của xã hội có giai cấp, tới nhà nước và pháp luật, tới lịch sử phát triển cụ thể của nhà nước và pháp luật, tới lịch sử phát triển cụ thể của nhà nước và pháp luật. Nội dung đối tượng nghiên cứu của môn khoa học này là hệ thống các tư tưởng và học thuyết chính trị – pháp lý của tất cả các hình thái kinh tế – xã hội có giai cấp. Các học thuyết chính trị và pháp luật được xem xét theo trình tự thời gian; sự phát triển các học thuyết này trong nhiều thế kỷ được nghiên cứu như là quá trình lịch sử cụ thể phản ánh cuộc đấu tranh giữa các giai cấp thống trị và bị trị.

Để xác định đặc điểm, đối tượng nghiên cứu của môn lịch sử các học thuyết chính trị, cần thấy rằng, vấn đề quan trọng nhất trong các học thuyết chính trị cũng như trong chính trị là mối quan hệ giữa cách mạng và nhà nước, giữa cách mạng với chế độ chính quyền nhà nước: “Chủ nghĩa Mác thừa nhận rằng chỉ khi nào đấu tranh giai cấp không những bao trùm lĩnh vực chính trị, mà còn nắm lấy cái căn bản nhất trong chính trị: tức là việc tổ chức chính quyền nhà nước, thì khi đó mới là một cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đầy đủ, có “quy mô toàn dân tộc”.

Hệ tư tưởng chính trị là một trong những lĩnh vực ý thức xã hội phức tạp nhất. Khi nghiên cứu nó qua các tuyên bố và luận thuyết khác nhau, cần tìm ra lợi ích giai cấp khách quan, lợi ích đảng nào đó cho thấy nhà tư tưởng này bảo vệ nó một cách có ý thức hay vô thức, qua đó phát hiện ra được ý nghĩa xã hội (tiến bộ hay phản động) của học thuyết chính trị này.

Lịch sử các học thuyết chính trị nghiên cứu tư tưởng của các nhà tư tưởng đại diện cho các khuynh hướng chính trị – tư tưởng đang đấu tranh với nhau. Môn lịch sử các học thuyết chính trị còn yêu cầu vạch rõ bản chất giai cấp của toàn bộ các khuynh hướng trong hệ tư tưởng chính trị và pháp luật. Điều đó càng cần thiết bởi vì trong môn học này ở các nước tư bản, học thuyết về nhà nước và pháp luật bị làm rối tung lên và bị xuyên tạc.

Lịch sử của các học thuyết chính trị không chỉ nghiên cứu quan điểm của các giai cấp, các đảng phái đối với quyền lực nhà nước, các tư tưởng chính trị, mà còn nghiên cứu những tư tưởng pháp luật chính trị quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến nhà nước. Điều đó giải thích bằng mối quan hệ không thể tách rời giữa nhà nước và pháp luật mà các nhà kinh điển Mác- Lê nin đã nhiều lần ghi nhận. Pháp luật và luật pháp như là hình thức chính trị của các giai cấp thống trị được đưa vào hoạt động thực tế của chính quyền nhà nước. Chính vì thế nên các tư tưởng chính trị và pháp luật là đối tượng môn lịch sử các học thuyết chính trị giống như những bộ phận liên quan một cách hữu cơ của một thể thống nhất.

Lịch sử các học thuyết chính trị là môn khoa học làm rõ các quy luật phát sinh và phát triển vốn có của hệ tư tưởng chính trị, chỉ ra lịch sử các tư tưởng chính trị là quá trình tích lũy hợp quy luật những kiến thức về nhà nước và pháp luật diễn ra trong cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng thể hiện lợi ích của các giai cấp tranh đấu; nó nêu lên tính hạn chế tất nhiên trong học thuyết của các nhà tư tưởng phi vô sản, tính quy luật trong quá trình phát sinh và phát triển học thuyết chính trị Mác – Lê nin.

Từ những đã nói ở trên, chúng ta có thể rút ra kết luận: đối tượng nghiên cứu của môn khoa học lịch sử các học thuyết chính trị là những tư tưởng và học thuyết chính trị và pháp luật xuất hiện và phát triển hợp quy luật trong suốt lịch sử xã hội có tổ chức nhà nước; những tư tưởng và học thuyết này, xét cho cùng, là do các mối quan hệ kinh tế quy định và chúng phản ánh lợi ích của các giai cấp đấu tranh trong xã hội.

Vấn đề chủ yếu và cơ bản trong đối tượng nghiên cứu của môn lịch sử các học thuyết chính trị là các quy luật phát sinh và phát triển các tư tưởng Mác – Lenin về nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa – những công cụ quan trọng nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Những tư tưởng này đã hình thành trong cuộc đấu tranh liên tục với hệ tư tưởng chính trị tư sản và tiểu tư sản.

Lịch sử các học thuyết chính trị như là một môn khoa học không chỉ làm rõ tính giai cấp của các tư tưởng, học thuyết chính trị và pháp luật. Quan điểm về sự phát triển hệ tư tưởng chính trị trong lịch sử như là sự thâm nhập dần dần của tư duy con người vào bản chất thực sự của các chế độ nhà nước – pháp luật buộc đối tượng nghiên cứu cũng phải trở thành một đối tượng nhận thức luận trong lịch sử các học thuyết chính trị.

Sự xuất hiện học thuyết Mác về nhà nước và pháp luật là một cuộc cách mạng chân chính trong lịch sử hệ tư tưởng chính trị và cũng là câu trả lời đối với tất cả mọi vấn đề chủ yếu trong suy nghĩ của con người khi tiến tới tìm hiểu thực chất của các thiết chế chính trị – pháp lý xã hội. Bằng việc tổng kết thành công quá trình tìm tòi lâu dài và căng thẳng các nhà khoa học trước đây trong lĩnh vực khoa học về nhà nước và pháp luật, C.Mác và Ph.Ăngghen đã mở ra một thời kì khoa học mới về chất  – đó là thời kỳ nghiên cứu theo quan điểm duy biện chứng các yếu tố xã hội quan trọng nhất này.

Nguyên tắc mang tính phương pháp luận hết sức quan trong của môn lịch sử các học thuyết chính trị là tính đảng của nó. Chủ nghĩa Mác – Lenin dạy rằng nguyên tắc đảng là cơ sở để nghiên cứu mọi môn khoa học.

Tính đảng trong khoa học, theo cách hiểu của chủ nghĩa Mác, không có gì khác biệt ngoài việc thừa nhận bản chất và nội dung giai cấp của khao học xã hội.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lenin là sự thừa nhận sự không dung hòa giữa hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng tư sản. V.I.Lenin viết: “Vấn đề đặt ra chỉ là như thế này: hệ tư tưởng tư sản hoặc hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có hệ tư tưởng trung gian (vì nhân loại không tạo ra một loại tư tưởng “thứ ba” nào cả; vả chăng, trong một xã hội bị những sự đối kháng giai cấp chia xẻ thì không bao giờ có hệ tư tưởng ở ngoài hoặc trên các giai cấp). Vì vậy, mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi sự xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”.

Các nhà tư tưởng tư sản tuyên truyền sự công bằng, “khách quan” nhưng trên thực tế lại muốn thay thế hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa bằng hệ tư tưởng của giai cấp tư sản. Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây ở phương Tây lại phổ biến học thuyết “giải thể hệ tư tưởng” nhằm chống lại hệ tư tưởng Mác – Lenin. Quan điểm “ giải thể hệ tư tưởng” được trang bị không những cho các nhà tư tưởng tư sản công khai, mà còn trở thành vũ khí của những người xét lại. Nội dung của học thuyết này là từ bỏ mọi quan điểm giai cấp khi phân tích các hiện tượng xã hội, kể cả các hiện tượng trong đời sống nhà nước – pháp luật. Các tác giả của học thuyết này khẳng định: chỉ có bằng cách ấy mới có thể đi đến chân lý. Song thực tế “giải hệ tư tưởng” không từ bỏ được hệ tư tưởng bởi vì không bao giờ có thể đạt được mục đich ấy trong hoàn cảnh xã hội phân chia giai cấp. Kinh nghiệm rút ra từ phía quá trình lịch sử phát triển tiến bộ của toàn bộ tư duy xã hội và chính trị cho thấy, để nhận thức được một cách khách quan, khoa học cần đứng trên quan điểm của giai cấp tiền bộ – giai cấp thực sự quan tâm đến việc cải tạo và phát triển xã hội theo hướng tích cực.

Chủ nghĩa Mác – Lenin đòi hỏi khi nghiên cứu lịch sử hệ tư tưởng phải chú ý trước tiên đến các điều kiện kinh tế – xã hội của thờ đại và đất nước ấy, phương pháp nghiên cứu lịch sử – cụ thể cho phép nhận định và đánh giá đúng các tư tưởng và học thuyết chính trị. Khi đánh giá quan điểm của một nhà tư tưởng nào đó cần thường xuyên nhớ rằng “khi xét công lao lịch sử của các nhân vật lịch sử, người ta không căn cứ vào chỗ họ không cống hiến được gì so với những đòi hỏi của thời đại đương thời, mà căn cứ vào chỗ họ đã cống hiến được gì mới so với các bậc tiền bối của họ”.

Chủ nghĩa Mác – Lenin phê phán ý muốn đặc trưng cho các nhà lý luận tư sản là hiện đại hóa các quan điểm hay khuynh hướng nào đó. Không thể gán cho tư tưởng của các nhà tư tưởng trước đây một ý nghĩa nào đó mà ta hiểu được nhưng lại không có trên thực tế. Những mưu toan giáo điều dùng các tư tưởng chính trị, được thảo ra phù hợp với một bối cảnh lịch sử cụ thể, đem áp dụng cho một hoàn cảnh lịch sử đã hoàn toàn thay đổi, khác về cơ bản, cũng sai lầm chẳng kém.

Bằng cách áp dụng các phương pháp khác nhau, xa lạ với khoa học (xuyên tạc, hiện đại hóa, so sánh bề mặt), bọn tay sai đế quốc muốn ra sức hạ uy tín của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Chúng cố lừa dối những người cả tin bằng cách tạo ra “sự kế thừa” giả dối của chủ nghĩa Mác – Lê nin từ các khuynh hướng phản động trước đó và cố gắng tiêu diệt vai trò bước ngoặt cách mạng trong khoa học do C.Mác và Ph.Ăngghen và Lênin tạo ra chúng mưu toan mô tả chủ nghĩa Mác khi thì với một tư cách biến dạng của “triết học Hêghen”, khi là sự biến thể của chủ nghĩa xã hội không tưởng, của chủ nghĩa vô chính phủ…

3. Sự phân kì và kết cấu của chương trình lịch sử các học thuyết chính trị

Việc xác định sự phân kì và kết cấu của chương trình liên quan chặt chẽ đến học thuyết Mác – Lê nin về các hình thái kinh tế xã hội và các kiểu nhà nước và hệ thống pháp luật lịch sử tương ứng.

Nguyên tắc thay thế các hình thái kinh tế – xã hội có giai cấp trong lịch sử là cơ sở để phân kì một cách khoa học chương trình lịch sử các học thuyết chính trị. Song sự phân kì chương trình lịch sử các học thuyết chính trị khác sự phân kì lịch sự dân sự chung ở chỗ ranh giới giữa các kì trong lịch sử dân sự là chiến thắng của mối quan hệ kinh tế – xã hội nhất định và giai cấp tiến bộ mới giành chính quyền. Đối với lịch sử các học thuyết chính trị, cũng như lịch sử tư tưởng xã hội nói chung, ranh giới của sự phân kì là việc nảy sinh một phương thức kinh tế – xã hội mới trong lòng hình thái kinh tế – xã hội đang thống trị hoặc giai cấp tiên tiến hơn trở thành một lực lượng chính trị độc lập.

Phương thức sản xuất phong kiến với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, kinh tế tự nhiên và “cột chặt” nông dân – những người chủ sở hữu công cụ sản xuất và ruộng đất, đã xuất hiện trong lòng xã hội chủ nô.

Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã nảy sinh trong lòng xã hội phong kiến, và cũng từ đây đã bắt đầu quá trình tan rã chế độ phong kiến và xuất hiện hệ tư tưởng chống phong kiến của các nhà khai sáng và dân chủ cách mạng – một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển tư tưởng nhân loại.

Cuối cùng, cùng với việc phát triển các mâu thuẫn trong xã hội tư bản chủ nghĩa, cùng với sự lớn mạnh của tổ chức và ý thức tự giác của gia cấp công nhân, chủ nghĩa Mác đã xuất hiện. Đó là thế giới quan khoa học của giai cấp vô sản, nó đánh dấu một bước ngoặc cách mạng trong quá trình phát triển hệ tư tưởng. Sự xuất hiện chủ nghĩa Mác còn có nghĩa là sáng lập ra học thuyết duy vật biện chứng thực sự khoa học về nhà nước và pháp luật.

Việc xuất hiện chủ nghĩa mác chia lịch sử các học thuyết chính trị thành hai phần cơ bản: 1) lịch sử các tư tưởng chính trị trước khi chủ nghĩa mác xuất hiện; 2) lịch sử phát triển học thuyết Mác – Lenin về nhà nước và pháp luật, từ khi chủ nghĩa Mác xuất hiện đến nay, trong cuộc đấu tranh với các học thuyết tư sản vài tiểu tư sản về nhà nước và pháp luật.

Phần thứ nhất lịch sử các học thuyết chính trị được coi như một phần chương trình học bao gồm lịch sử các học thuyết về nhà nước và pháp luật trong xã hội chủ nô (Ai cập cổ đại, Babilon, Ấn Độ cổ đại, Trung Quốc cổ đại, Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại), trong xã hội phong kiến (các nước ở Đông Ả rập, Trung Á, và ngoại Cáp-ca-dơ, nước Nga, các nước Tây Âu) và lịch sử các học thuyết chính trị trong xã hội tư bản thời kì trước khi chủ nghĩa mác xuất hiện.

Phần thứ hai của chương trình bao gồm những phần sau: học thuyết Mác về nhà nước và pháp luật xuất hiện và tiếp tuc phát triển qua các tác phẩm của Mác và Ăngghen; các học thuyết chính trị tư sản nửa cuối thế kỉ XIX và sự phê phán các học thuyết này từ phía những nhà Mác – xít; Lenin tiếp tục phát triển học thuyết Mác và nhà nước và pháp luật trong thời kỳ trước thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 vĩ đại; sự phát triển tư tưởng chính trị Mác – Lenin sau thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10. Phần này tổng kết hệ tư tưởng nhà nước – pháp luật tư sản hiện đại và phê phán chúng, nghiên cứu hệ tư tưởng chính trị của phong trào giải phóng dân tộc, phê phán sự lệch lạc của chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa xét lại so với chủ nghĩa Mác về các vấn đề nhà nước và pháp luật.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon