Sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các biện pháp kinh tế nói riêng luôn có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề môi trường. Sự tác động này bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực. Theo đó, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung những chính sách, biện pháp kinh tế cho phù hợp và kịp thời để đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, ổn định đi kèm với đó là bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.
1. Những tác động tích cực tới môi trường
Trước tiên, chúng ta cùng nhau phân tích những tác động tích cực của biện pháp kinh tế trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội.
Vấn đề tiên quyết và rất quan trọng đó là chính sách và quy định pháp luật có liên quan, điều chỉnh vấn đề này. Nếu quy định pháp luật chặt chẽ, phù hợp, quy định của Luật Bảo vệ môi trường cùng với quy định của Bộ luật, luật, các văn bản hướng dẫn thi hành khác thống nhất, không bị chồng chéo, có chế tài xử lý rõ ràng nhưng không “làm khó” doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ tạo môi trường thuận lợi để phát triển nền kinh tế, mỗi chủ thể khi tham gia vào hoạt động kinh doanh hoặc có hành vi đều có ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường. Từ đó, việc phát triển kinh tế xã hội không những không hủy hoại môi trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Thứ hai, khi biện pháp kinh tế đúng đắn, phù hợp tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển thì nền kinh tế sẽ phát triển theo, đời sống của người dân được nâng cao. Nhà nước sẽ có nguồn ngân sách lớn hơn để chi cho lĩnh vực môi trường. Bản thân mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp sẽ có điều kiện hơn, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Điều này có thể thấy rõ ở những nước phát triển, khi đời sống kinh tế được nâng cao, ý thức về việc phát triển, bảo vệ môi trường kèm theo đó sẽ được cải thiện rõ rệt.
2. Những tác động tiêu cực tới môi trường
Ngược lại, biện pháp kinh tế cũng có những tác động tiêu cực nhất định đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xã hội.
Ở những thời điểm nhất định, để phát triển kinh tế, xã hội phải “đánh đổi” một phần nào đó về môi trường. Ví dụ như phát triển một số ngành công nghiệp, khai khoáng, xử lý hóa chất… chắc chắn sẽ có tác động xấu đến môi trường, đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Tiếp theo, nếu những quy định của Luật Bảo vệ môi trường không dự liệu hết được các vấn đề, không quy định chi tiết, cụ thể cũng như những chế tài không đủ sức răn đe sẽ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp, nhà đầu tư vì chạy theo lợi nhuận mà sẵn sàng gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường, bỏ qua vấn đề bảo vệ môi trường, chấp nhận chịu phạt hành chính khi bị phát hiện xử lý. Việc ô nhiễm này có thể cả về ô nhiễm không khí, đất, nước, rác thải… hoặc môi trường tự nhiên như rừng nguyên sinh bị phá hoại, các loại động vật bị khai thác trái phép dẫn đến tuyệt chủng.
3. Biện pháp khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường
Chính vì vậy, luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã điều chỉnh chi tiết, cụ thể, khắc phục được nhiều vấn đề trong các quy định trước đó, phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhà nước cần có quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội cân đối với vấn đề bảo vệ môi trường như quy hoạch các khu công nghiệp cho phù hợp, kiểm soát tốt sự gia tăng dân số, quan tâm tới xây dựng hạ tầng, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các khu công nghiệp, các công trình xây dựng, khai khoáng… để bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng các hoạt động sản xuất hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng, hạn chế xả thải ra môi trường, tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định có liên quan.
Mỗi người dân cần có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng các sản phẩm thân thiện, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường mọi lúc, mọi nơi.