Tham gia giao thông là nhu cầu chính đáng và quyền lợi của mỗi người. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn nạn của toàn xã hội, tác động tiêu cực đến tương lai, số phận của con người, trở thành nỗi đau lớn, sự mất mát của nhiều gia đình. Trong đó, có những vụ tai nạn giao thông mà người bị tai nạn mang thương tật suốt đời, người tử vong, để lại cho nạn nhân và người thân những nỗi đau về cả thể xác và tinh thần không gì bù đắp được. Những hoàn cảnh thương tâm, những thiệt hại to lớn do TNGT gây ra như hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai chưa tuân thủ nghiêm Luật Giao thông khi tham gia giao thông.
Căn cứ pháp lý
– Bộ luật hình sự;
– Bộ luật Tố tụng hình sự;
– Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014;
– Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy chế công tác, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.
1. Hậu quả của tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông có thể cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào, không ít nạn nhân dù may mắn giữ được mạng sống, nhưng phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi những di chứng của thương tật. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do TNGT gây ra, các cấp, ngành đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông như: giải tỏa lòng lề đường, mở rộng đường, hạn chế xe mô tô, tăng cường tuyên truyền và bắt buộc mọi người thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tổ chức đi làm lệch ca, tăng cường di chuyển bằng phương tiện xe buýt, cầu vượt, cũng như áp dụng những hình phạt đối với người vi phạm… đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông vẫn không có chiều hướng giảm, gây nhức nhối cho toàn xã hội. Một số nguyên nhân chủ yếu của việc này là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chất lượng của một số phương tiện tham gia giao thông chưa đảm bảo, đặc biệt là do ý thức chấp hành luật giao thông, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa được tốt.
Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ án tai nạn giao thông đường bộ là cần thiết và rất quan trọng, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo xử lý đúng người đúng tội, không làm oan sai người vô tội. Đồng thời, góp phần tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn giao thông nói riêng, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn quận Liên Chiểu.
2. Thực trạng tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu
Liên Chiểu là một quận có địa bàn rộng, có đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam đi qua, là cửa ngõ phía Bắc của thành phố, mật độ giao thông cao nên tình trạng tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp, trong đó có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê và Báo cáo tổng kết của Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu về số vụ tai nạn giao thông xảy ra và số vụ khởi tố, số bị can bị khởi tố cụ thể như sau:
Năm 2016: Xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông làm 12 người chết, 30 người bị thương. Khởi tố về tội Vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường bộ: 13 vụ/14 bị can.
Năm 2017: Xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông (trong đó 02 vụ TNGT đường sắt) làm 20 người chết, 41 người bị thương. Khởi tố về tội Vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường bộ: 12 vụ/11 bị can.
Năm 2018: Xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông (trong đó 03 vụ TNGT đường sắt) làm 21 người chết, 46 người bị thương. Khởi tố về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ: 11 vụ/10 bị can.
Năm 2019: Xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông (trong đó 01 vụ TNGT đường sắt) làm 15 người chết, 29 người bị thương. Khởi tố về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ: 04 vụ/05 bị can.
Năm 2020 (09 tháng đầu năm): Xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông (trong đó 02 vụ TNGT đường sắt) làm 10 người chết, 22 người bị thương Khởi tố về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ: 06 vụ/06 bị can.
3. Kết quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tai nạn giao thông đường bộ và một số khó khăn, vướng mắc
3.1. Kết quả công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kiểm sát điều tra các vụ tai nạn giao thông đường bộ
Tại đơn vị, Lãnh đạo Viện phân công Kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận, quản lý đầy đủ thông tin, tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến.
Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, 100% số vụ tai nạn giao thông, Cơ quan điều tra đều thông báo cho Viện kiểm sát để cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi tất cả các vụ sau khi nhận được thông báo của Cơ quan điều tra.
Đối với các vụ việc phức tạp, các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có từ 02 tử thi trở lên, có đương sự là người nước ngoài… Lãnh đạo Viện đều trực tiếp cùng Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, kịp thời báo cáo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo, tham gia giải quyết theo đúng quy định.
Cơ quan điều tra tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đều đúng thành phần theo quy định của pháp luật và có sự phối hợp tốt giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cảnh sát giao thông và lực lượng khác có liên quan trong công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Nhờ đó, mặc dù số vụ án Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ trong 5 năm qua tương đối lớn nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử luôn đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không để xảy ra vụ nào Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu tuyên vô tội, không có án hủy, trả hồ sơ liên quan đến loại tội này. Đồng thời, cũng không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan, không có tính trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
3.2. Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tai nạn giao thông đường bộ
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tai nạn giao thông, Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu nhận thấy một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sau:
– Quận Liên Chiểu có địa bàn rất rộng, nằm dọc theo quốc lộ 1A, có đường sắt Bắc Nam đi qua, có thời điểm xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông một lúc. Nhiều vụ tai nạn xảy ra ở khu vực hẻo lánh, địa điểm cách xa trụ sở Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu, xảy ra vào đêm khuya, ở những nơi không có đèn đường, thiết bị chiếu sáng. Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết, phương tiện đi lại (xe công vụ) còn thiếu, chi phí cho công tác phí của đơn vị còn hạn hẹp, điều kiện phục vụ cho công tác khám nghiệm còn thiếu như đèn pin chuyên dụng, đồ bảo hộ (đối với những vụ tai nạn giao thông của các phương tiện chở chất hóa học, chất dễ cháy, nổ)….
– Kiểm sát viên của đơn vị phần lớn mới được bổ nhiệm nên thiếu kinh nghiệm thực tế liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kiến thức về pháp y, về kỹ thuật hình sự, kỹ thuật giao thông … nên khi thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn, một số Kiểm sát viên chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật hình sự, giám định pháp y nên khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn bị động, lúng túng, chưa phát hiện được hết những thiếu sót, vi phạm trong quá trình khám nghiệm hiện trường của Điều tra viên. Có trường hợp còn vì nể nang, ngại va chạm, chậm yêu cầu hoặc không yêu cầu ĐTV khắc phục ngay những vi phạm, thiếu sót khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường.
– Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cho đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên còn ít, chưa chuyên sâu. Chế độ bồi dưỡng cho Kiểm sát viên khi tham gia khám nghiệm hiện trường quá thấp so với trách nhiệm mà Kiểm sát viên phải thực hiện.
– Công tác số hóa hồ sơ trong các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn mới, chưa được tập huấn, hướng dẫn cụ thể nên còn lúng túng, chưa đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện.
– Một số vụ tai nạn giao thông hậu quả ban đầu chỉ bị thương tích, gia đình tự đưa đi cấp cứu, không báo cáo để khám nghiệm hiện trường, sau quá trình điều trị nạn nhân chết thì gia đình mới có đơn trình cáo nên công tác dựng lại hiện trường, khám nghiệm phương tiện gặp nhiều khó khăn. Một số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả chết người nhưng gia đình nạn nhân không cho khám nghiệm tử thi nên không có cơ sở để tiến hành hoạt động tố tụng tiếp theo.