Một số điểm mới về các chế định liên quan đến chấp hành hình phạt

mot-so-diem-moi-ve-cac-che-dinh-lien-quan-den-chap-hanh-hinh-phat

Trong BLHS năm 2015, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự thay đổi của điều kiện kinh tế, xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Trong đó, các chế định liên quan đến chấp hành hình phạt cũng có một số thay đổi nhất định. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số điểm mới của BLHS 2015 về ba chế định liên quan đến chấp hành hình phạt bao gồm: Thời hiệu thi hành bản án; miễn chấp hành hình phạt và giảm mức hình phạt đã tuyên. Vậy hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Một số điểm mới về các chế định liên quan đến chấp hành hình phạt qua nội dung sau đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

1. Thời hiệu thi hành bản án

Thời hiệu thi hành bản án được quy định tại Điều 60 BLHS năm 2015 với một số điểm mới so với quy định tại Điều 55 BLHS năm 1999.

Khi một bản án hình sự có hiệu lực pháp luật thì về nguyên tắc cần phải được thi hành nghiêm chỉnh và đúng thời hạn. Tuy nhiên, trong thực tiễn có một số trường hợp vì những lí do nhất định mà bản án hình sự không được thi hành ngay. Hiện tượng này ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm. Ngoài ra, nếu sau một thời gian dài kể từ khi có hiệu lực pháp luật bản án mới được đưa ra thi hành thì còn có thể tác động xấu đến cuộc sống bình thường, ổn định của người bị kết án. Để hạn chế những tác hại đó, BLHS quy định cụ thể thời hạn mà những người bị kết án có thể bị buộc phải chấp hành bản án đã tuyên mà hết thời hạn này, người bị kết án sẽ không phải chấp hành bản án nữa. Tuy nhiên, do sự thay đổi về phạm vi chủ thể của tội phạm trong BLHS năm 2015 nên khái niệm thời hiệu thi hành bản án trong Bộ luật này cũng có sự thay đổi cho phù hợp. Cụ thể thời hiệu thi hành bản án được nhà làm luật quy định tại Điều 60 BLHS năm 2015 như sau: Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do BLHS định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.

Ngoài việc đưa thêm chủ thể “pháp nhân thương mại bị kết án” vào khái niệm thì thời hiệu thi hành bản án quy định trong BLHS năm 2015 cũng được sửa đổi một phần so với quy định của BLHS năm 1999. Đó là thời hiệu thi hành bản án đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình. Theo quy định tại khoản 4 Điều 55 BLHS năm 1999 thì “Việc áp dụng thời hiệu đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, sau khi đã qua thời hạn 15 năm do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC). Trong trường hợp không cho áp dụng thời hiệu thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, tù chung thân được chuyển thành tù 30 năm”. Như vậy, theo quy định của BLHS năm 1999, đối với những trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình mà sau 15 năm bị lãng quên, cơ quan nhà nước quên không thi hành thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền đề nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao áp dụng hoặc không áp dụng thời hiệu thi hành bản án. Nếu Viện trưởng VKSNDTC đề nghị áp dụng thời hiệu thi hành bản án và Chánh án TANDTC chấp thuận thì người bị kết án sẽ không phải chấp hành bản án đã tuyên. Ngược lại nếu Viện trưởng VKSNDTC đề nghị không áp dụng thời hiệu thi hành bản án và Chánh án TANDTC chấp thuận thì hình phạt tù chung thân được chuyển thành tù 30 năm, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

BLHS năm 2015 đã có sự thay đổi quy định về các trường hợp này. Theo đó thời hiệu thi hành bản án đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình là 20 năm tù. Điều đó có nghĩa là đối với những trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình mà sau 20 năm bị lãng quên, cơ quan nhà nước quên không thi hành thì người bị kết án sẽ không phải chấp hành bản án đã tuyên nữa. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.

Ngoài những quy định mới nêu trên, Điều 60 BLHS năm 2015 cũng sửa đổi một số thuật ngữ cho phù hợp và chính xác hơn như: “lệnh truy nã” được sửa đổi thành “quyết định truy nã”; thuật ngữ “phạm tội mới” được thay thế bằng “thực hiện hành vi phạm tội mới”.

2. Miễn chấp hành hình phạt

Miễn chấp hành hình phạt là một biện pháp nhân đạo trong LHSVN. Tại thời điểm xét xử, Tòa án vẫn quyết định hình phạt đối với người đã thực hiện tội phạm trong bản án có hiệu lực pháp luật nhưng sau đó lại không buộc người này phải chấp hành toàn bộ hình phạt ấy hoặc phần còn lại của hình phạt đã tuyên khi có những căn cứ và điều kiện do pháp luật hình sự quy định. So với quy định tại Điều 57 BLHS năm 1999 thì các quy định về miễn chấp hành hình phạt tại Điều 62 BLHS năm 2015 có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, đối với người bị kết án tù có thời hạn: theo quy định tại khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999 thì người bị kết án tù có thời hạn mà chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt nếu đồng thời thỏa mãn các điều kiện:

– Lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo;

– Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Tuy nhiên, trong BLHS năm 2015, nhà làm luật đã chia trường hợp người bị kết án tù có thời hạn mà chưa chấp hành hình phạt nêu trên thành hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là người bị kết án tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt và trường hợp thứ hai là người bị kết án tù có thời hạn trên 03 năm chưa chấp hành hình phạt. Điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt của hai trường hợp này là không giống nhau. Cụ thể, đối với trường hợp thứ nhất: người bị kết án tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt nếu thỏa mãn một trong các điều kiện:

– Sau khi bị kết án đã lập công;

– Mắc bệnh hiểm nghèo;

– Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Đối với trường hợp thứ hai: người bị kết án tù có thời hạn trên 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt nếu đồng thời thỏa mãn các điều kiện:

– Lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo;

– Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

Thứ hai, đối với người đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt: theo quy định tại khoản 4 Điều 57 BLHS năm 1999 thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại nếu đồng thời thỏa mãn các điều kiện:

– Người bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng;

– Trong thời gian tạm đình chỉ người bị kết án đã lập công.

Tuy nhiên, trong BLHS năm 2015, quy định này đã có sự thay đổi. Một là, điều kiện “người bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng” được sửa đổi thành “người bị kết án phạt tù đến 03 năm”. Hai là, ngoài trường hợp trong thời gian tạm đình chỉ người bị kết án đã lập công thì theo khoản 4 Điều 62 BLHS năm 2015 còn bổ sung thêm trường hợp “Chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Thứ ba, đối với người bị kết án phạt tiền, điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt không có sự thay đổi nhưng trong BLHS năm 2015, trường hợp này đã được nhà làm luật quy định tại khoản 5 Điều 62 về miễn chấp hành hình phạt thay vì quy định trong điều luật về giảm mức hình phạt đã tuyên như trước (khoản 2 Điều 58 BLHS năm 1999).

Thứ tư, đối với người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế: điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt nhìn chung cũng không có sự thay đổi, đối với trường hợp này nhà làm luật cụ thể hóa thuật ngữ “chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt” bằng quy định “cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt”.

3. Giảm mức hình phạt đã tuyên

Để khoan hồng đối với những người đã thật sự hối cải, đồng thời tạo ra sự động viên, khích lệ để họ tiếp tục cố gắng, nỗ lực cải tạo sớm trở thành người lao động lương thiện, có ích cho xã hội, BLHS có một số quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên. Tương tự như miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên cũng là một chế định nhân đạo của Luật Hình sự Việt Nam. Khi có đầy đủ các căn cứ và những điều kiện được quy định trong BLHS, Tòa án quyết định việc rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù đối với người bị kết án đang chấp hành hình phạt tương ứng. So với quy định tại Điều 58 BLHS năm 1999, các quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên tại Điều 63 BLHS năm 2015 có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, về điều kiện để được xét giảm đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân: theo quy định của BLHS năm 1999, những người này được xét giảm mức hình phạt đã tuyên nếu thỏa mãn đồng thời ba điều kiện:

– Đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định;

– Có nhiều tiến bộ;

– Được cơ quan có thẩm quyền đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt (cơ quan có thẩm quyền đối với người bị kết án cải tạo không giảm giữ là cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục. Đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù thì phải có sự đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù).

Tuy nhiên, trong BLHS năm 2015, nhà làm luật đã bổ sung thêm một điều kiện nữa đối với các trường hợp nêu trên. Cụ thể, ngoài ba điều kiện nêu trên thì người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân được xét giảm mức hình phạt đã tuyên nếu đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự. Ngoài ra, đối với điều kiện thứ ba nêu trên, cơ quan có thẩm quyền được quy định rõ hơn trong BLHS năm 2015 là “cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền”.

Thứ hai, BLHS năm 2015 có quy định bổ sung về trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án về nhiều tội, trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân. Theo đó, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu đối với trường hợp này là 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

Thứ ba, đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì theo quy định tại khoản 4 Điều 58 BLHS năm 1999 thì người này chỉ có thể được xét giảm lần đầu nếu người đó đã chấp hành được 20 năm trong trường hợp hình phạt chung là tù chung thân. Tuy nhiên, quy định này đã có sự thay đổi trong BLHS năm 2015. Theo đó, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu đối với trường hợp này là 15 năm tù.

Thứ tư, BLHS năm 2015 có quy định bổ sung về trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý. Đối với trường hợp này, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 1/2 mức hình phạt chung.

Thứ năm, BLHS năm 2015 cũng quy định bổ sung về trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên đối với những người bị kết án tử hình nhưng được chuyển thành tù chung thân. Đó là các trường hợp:

– Người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm;

– Người bị kết án tử hình nhưng thuộc một trong các trường hợp không thi hành án tử hình, bao gồm:

+ Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

+ Người đủ 75 tuổi trở lên;

+ Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Đối với các trường hợp này, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 30 năm.

Trên đây là một số điểm mới của BLHS năm 2015 về các chế định liên quan đến chấp hành hình phạt so với BLHS năm 1999. Ngoài ba chế định nêu trên, BLHS năm 2015 còn quy định bốn chế định khác liên quan đến chấp hành hình phạt bao gồm: án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hoãn chấp hành hình phạt tù và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon