Khái quát chung về tội phạm

khai-quat-chung-ve-toi-pham

Tội phạm là hành vi vi phạm mang tính chất nguy hiểm cho xã hội, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức xã hội và trật tự xã hội. Các cá nhân, tổ chức phạm tội khi bị phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm và sẽ phải chịu các hình phạt theo quy định của bộ luật hình sự. Tội phạm là một khái niệm pháp lý được đề cập và định nghĩa cụ thể trong Bộ luật hình sự của nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam. Qua bài viết này, hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thêm về Tội phạm, lỗi của tội phạm, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, các giai đoạn thực hiện tội phạm, tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm và đồng phạm.

Căn cứ pháp ly:

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

1. Tội phạm là gì?

Khái niệm tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự, theo đó tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm những quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ.

Luật hình sự Việt Nam chia tội phạm thành 04 loại dựa theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Đó là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, Điều 9 BLHS năm 2015 quy định tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư uy tín tại Đà Nẵng

2. Lỗi

Lỗi trong luật hình sự được hiểu là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó được thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 BLHS, lỗi được xác định có 04 loại như sau:

2.1. Lỗi cố ý trực tiếp

Là lỗi của người nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015). Theo đó, người phạm tội nhận thức được tính chất gây thiệt hại cho xã hội của hành vi (đang hoặc đã thực hiện) cùng với những tình tiết khác tạo nên tính gây thiệt hại của hành vi. Những tình tiết đó có thể là đặc điểm của hành vi, đặc điểm của đối tượng tác động, là tính chất của thủ đoạn, công cụ, phương tiện, hoàn cảnh phạm tội.

2.2. Lỗi cố ý gián tiếp

Là lỗi của người nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (khoản 2 Điều 10 BLHS năm 2015). Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội; thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra. Nội dung của các dấu hiệu nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi được hiểu gần như tương tự ở lỗi cố ý trực tiếp. Tuy nhiên, người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội (đã thấy trước) xảy ra. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội đã thấy trước không phù hợp với mục đích của hành vi của họ. Người phạm tội thực hiện hành vi là nhằm mục đích khác và để đạt được mục đích này người phạm tội tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả nguy hiểm mà người đó thấy trước xảy ra.

2.3. Lỗi vô ý vì quá tự tin

Là lỗi của người tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (khoản 1 Điều 11 BLHS năm 2015). Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện ở chỗ thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi đó có thể gây ra. Dấu hiệu này lỗi vô ý vì quá tự tin gần giống lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội cũng không mong muốn hậu quả xảy ra. Sự không mong muốn này thể hiện ở chỗ dựa vào những căn cứ nhất định như: tin vào sự khéo léo, sự hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của mình hoặc tin vào những tình tiết khách quan bên ngoài khác.

2.4. Lỗi vô ý vì cẩu thả

Là lỗi trong trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (khoản 2 Điều 11 BLHS năm 2015). Người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra (đây là dấu hiệu cho phép phân biệt lỗi vô ý do cẩu thả với các hình thức lỗi cố ý và lỗi vô ý vì quá tự tin). Dấu hiệu này thể hiện ở chỗ tại thời điểm thực hiện hành vi chủ thể hoàn toàn không nhận thức mặt thực tế của hành vi của mình (không biết hành vi của mình là hành vi vi phạm) và do vậy cũng không nhận thức được khả năng gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó hoặc chủ thể tuy nhận thức được mặt thực tế của hành vi của mình nhưng lại hoàn toàn không nhận thức được khả năng gây hậu quả nguy hiểm của hành vi đó (hoàn toàn không nghĩ đến khả năng hậu quả xảy ra). Tuy nhiên, người phạm tội phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình (đây là dấu hiệu cho phép phân biệt lỗi vô ý vì cẩu thả với sự kiện bất ngờ). Người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình là do cẩu thả, do thiếu sự thận trọng hoặc ẩu khi xử sự.

3. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự được xác định tại Điều 12 BLHS. Theo đó người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS.

Quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 BLHS năm 2015 là sự thể hiện chính sách xử lý hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội, mặt khác để khẳng định người bình thường (không thuộc trường hợp quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015), người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

4. Các giai đoạn thực hiện tội phạm

Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.

4.1. Chuẩn bị phạm tội

Giai đoạn chuẩn bị phạm tội được quy định tại Điều 14 BLHS. Theo đó, chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS. Chuẩn bị phạm tội tuy chưa phải là hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội cụ thể, chưa trực tiếp làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động để gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, nhưng với tính chất là hành vi tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm cũng như cho việc gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả  của tội phạm và mức độ của hậu quả phụ thuộc đáng kể vào hành vi chuẩn bị. Vì vậy hành vi chuẩn bị phạm tội là nguy hiểm cho xã hội và trách nhiệm hình sự được đặt ra là có cơ sở và cần thiết.

Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

4.2. Phạm tội chưa đạt

Giai đoạn phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 BLHS. Theo đó, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Cũng như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt là một giai đoạn của quá trình thực hiện tội phạm cố ý.

Phạm tội chưa đạt có những đặc điểm sau: Một là, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Đây là đặc điểm phân biệt phạm tội chưa đạt với chuẩn bị phạm tội. Hai là, người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng, nghĩa là hành vi đã thực hiện chưa thỏa mãn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm được luật quy định. Ba là, nguyên nhân của việc không thực hiện tội phạm được đến là vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Có nghĩa là bản thân người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng, mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng tội phạm không hoàn thành, hậu quả của tội phạm không xảy ra là do những cản trở khách quan. Ví dụ: muốn giết người nhưng súng bắn không trúng nạn nhân là giết người chưa đạt;  trộm cắp xe máy nhưng chưa mang được xe máy ra khỏi nhà đã bị chủ nhà bắt giữ là trộm cắp tài sản chưa đạt;…

Phạm tội chưa đạt là do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội nên mọi trường hợp phạm tội chưa đạt đều phải chịu trách nhiệm hình sự không phụ thuộc vào loại tội là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Đây là điểm khác so với trường hợp chuẩn bị phạm tội bởi so với chuẩn bị phạm tội thì phạm tội chưa đạt nguy hiểm hơn.

4.3. Tội phạm hoàn thành

Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết tất cả các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm. Hay nói cách khác, tội phạm hoàn thành là trường hợp tội phạm đã thực hiện được đến cùng.

5. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Đây là một chế định nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam. Điều 16 BLHS quy định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Đây là trường hợp chủ thể đã tự kiềm chế để không thực hiện tội phạm (sau khi có hành vi chuẩn bị phạm tội) hoặc không thực hiện đến cùng tội phạm mà chủ thể đang thực hiện khi biết rằng không có gì ngăn cản chủ thể thực hiện tội phạm.

Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải thỏa mãn những điều kiện sau: Một là, việc chấm dứt phạm tội phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Hai là, việc chấm dứt phạm tội phải là sự chấm dứt tự nguyện và dứt khoát.

Chấm dứt tự nguyện có nghĩa việc dừng lại không thực hiện tội phạm đến cùng phải hoàn toàn do động lực bên trong của chủ thể thúc đẩy chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng thực hiện tội phạm, người phạm tội tin rằng không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp tội phạm. Chấm dứt dứt khoát có nghĩa người phạm tội hoàn toàn từ bỏ hẳn ý định (mong muốn) phạm tội, chấm dứt một cách triệt để mà không phải là thủ đoạn “tạm dừng” để tiếp tục thực hiện tội phạm khi có điều kiện.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội đã định phạm. Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội phạm khác thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đã thực hiện.

6. Đồng phạm

Đồng phạm được quy định tại Điều 17 BLHS, theo đó đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy, về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi phải có hai dấu hiệu là có hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm; Những người này phải cùng thực hiện tội phạm cố ý. Về chủ quan, đồng phạm đòi hỏi lỗi của những người đồng phạm là lỗi cố ý. Hai người trở lên cùng vô ý phạm tội thì không phải là đồng phạm, nếu phải chịu trách nhiệm hình sự, thì những người vô ý cùng phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự như trường hợp phạm tội riêng lẻ. Đối với những tội quy định mục đích phạm tội là dấu hiệu của tội phạm, đồng phạm những tội này ngoài lỗi cố ý còn đòi hỏi những người đồng phạm phải cùng mục đích phạm tội.

Trong đồng phạm có 04 loại người, đó là người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Mỗi loại người đồng phạm đóng góp vai trò khác nhau vào việc thực hiện tội phạm chung. Trong đó, người tổ chức luôn được coi là người có hành vi nguy hiểm nhất trong vụ đồng phạm. Chính vì vậy, trong nguyên tắc xử lý tại Điều 3 BLHS đã quy định: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy… ”. Người thực hành là người giữ vị trí trung tâm trong đồng phạm. Người xúi giục là người có hành vi tác động đến tư tưởng, ý chí người khác làm người này nảy sinh ý định phạm tội hoặc muốn phạm tội và thực hiện ý định hoặc mong muốn đó. Người xúi giục là người nghĩ ra việc phạm tội và thúc đẩy cho tội phạm đó được thực hiện thông qua người khác còn người giúp sức chỉ là người tạo ra những điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm, người giúp sức không trực tiếp thực hiện tội phạm. Những điều kiện mà người giúp sức tạo ra cho người thực hành có thể là điều kiện vật chất hoặc điều kiện tinh thần.

Bên cạnh đó, có một số hành vi liên quan đến đồng phạm nhưng cấu thành tội độc lập, đó là hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm.

– Che giấu tội phạm được quy định tại Điều 18 BLHS, được hiểu là hành vi của người không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.

– Không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 19 BLHS, được hiểu là hành vi của người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác. Hành vi không tố giác tội phạm thể hiện thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của công dân đối với trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm do luật quy định, góp phần gây thêm khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, không ngăn chặn kịp thời các hậu quả nguy hiểm cho xã hội do tội phạm gây ra.

Trên đây là nội dung phân tích về “Khái quát chung về tội phạm”. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào xung quanh nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác cần giải đáp, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6586 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon