Quyền của người lao động di trú theo luật quốc tế

quyen-cua-nguoi-lao-dong-di-tru-theo-luat-quoc-te

Quyền của người lao động di trú theo luật quốc tế thuộc quyền của nhóm dễ bị tổn thương là một trong số những nội dung trọng tâm hiện nay của pháp luật quốc tế. Theo đó, tinh thần bảo vệ quyền của nhóm người này, được thể hiện qua những văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người cũng như một số điều ước quốc tế đặc thù của từng nhóm người. Vậy dưới góc độ pháp luật quốc tế, quyền của người lao động di trú theo luật quốc tế được ghi nhận như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khái quát về quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương

Các nhóm người dễ bị tổn thương chỉ những nhóm, cộng đồng người có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị tổn thương về quyền con người, và bởi vậy, cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác.

Một số nhóm người được coi là dễ bị tổn thương trong luật nhân quyền quốc tế bao gồm: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người sống chung với HIV, người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…), người bản địa, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do, người cao tuổi… Theo dòng thời gian, danh sách này có thể còn được bổ sung, bao gồm những nhóm người gặp những nguy cơ cao về quyền con người ở trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh.

Có thể nói rằng luật nhân quyền quốc tế bắt đầu từ những quy phạm về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, mặc dù trước năm 1945, những quy định về vấn đề này mới chỉ ở mức khái quát.

Lý do chính dẫn đến việc xây dựng thêm những văn kiện và cơ chế quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương bổ sung cho hai công ước năm 1966 đó là:

Thứ nhất, do vị thế yếu hơn của họ, các nhóm này rất dễ bị vi phạm các quyền hoặc gặp khó khăn trong việc hưởng thụ các quyền. Thực tế đó làm nảy sinh nhu cầu xây dựng những văn kiện pháp lý quốc tế với những quy định cụ thể và chi tiết hơn để bảo vệ và  thúc  đẩy quyền của các nhóm này.

Thứ hai, hệ thống các quy phạm và cơ chế quốc tế về quyền con người nói chung về cơ bản là không đủ, thậm chí, đôi khi không phù hợp nếu áp dụng một cách máy móc với các nhóm người dễ bị tổn thương.

2. Quyền của người lao động di trú theo luật quốc tế

2.1 Khái quát lịch sử phát triển của vấn đề quyền của người lao động di trú

Từ giữa thế kỷ XX vấn đề người lao động di trú đã được đề cập trên các diễn đàn quốc tế, trong đó Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là chủ thể đi tiên phong. Điều ước đầu tiên mà ILO thông qua về người lao động di trú là Công ước số 97 năm 1949 về lao động di trú.

Năm 1975, ILO thông qua Công ước số 143 về Người di trú trong môi trường bị lạm dụng và việc thúc đẩy sự bình đẳng về cơ hội và trong đối xử với người lao động di trú, trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng và bảo vệ tất cả các quyền con người của người lao động di trú. Ngoài ra, ILO còn thông qua một số văn kiện khác có liên quan đến vấn đề này, bao gồm Khuyến nghị số 51 về người lao động di trú, năm 1975; Công ước số 29 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc, năm 1930; và Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, năm 1957…

Ngoài ILO, từ cuối thập kỷ 70 thế kỷ XX, Liên hợp quốc cũng bắt đầu quan tâm đến việc bảo vệ người lao động di trú. Văn kiện đầu tiên của Liên hợp quốc về vấn đề này là Nghị quyết số 1706 (LIII) ngày 28-7- 1972 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC), trong đó lên án việc tuyển dụng trái pháp luật, đưa lậu người lao động vào một số nước châu Âu và tình trạng phân biệt đối xử với người lao động di trú, đồng thời, yêu cầu các quốc gia có liên quan phải thi hành những biện pháp để trừng phạt những kẻ vi phạm và ngăn chặn tình trạng này.

Xét chung, trong hơn nửa thế kỷ qua, đã  có hàng trăm văn kiện quốc tế được thông qua trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến quyền và việc bảo vệ quyền của người lao động di trú.

2.2 Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người lao động di trú và gia đình họ

Mặc dù hệ thống điều ước quốc tế về quyền của người lao động di trú bao gồm nhiều văn kiện, tuy nhiên, cho đến nay, Công  ước  quốc tế về quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ vẫn được coi là điều ước quốc tế trực tiếp và toàn diện nhất về vấn đề này.

Công ước tái khẳng định và cụ thể hóa định nghĩa về người lao động  di trú (migrant worker) đã được đề cập trong Công  ước  số 97 của  ILO năm 1949, đồng thời bổ sung định nghĩa các thành viên trong gia đình họ.

Tương tự như với những nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số… các quyền con người được quy định trong Công ước quốc tế về quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ đã tính đến hoàn cảnh và những nhu cầu đặc thù của nhóm.

2.2.1 Khái niệm và phân loại “người lao động di trú”

Điều 2 ICRMW định nghĩa người lao động di trú là một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân. Điều 2 Công ước chia người lao động di trú và các thành viên gia đình họ thành hai loại: có giấy tờ hợp pháp (documented migrant worker) và không có giấy tờ hợp pháp (undocumented migrant worker).

Dựa trên tiêu chí nghề nghiệp, Điều 2 ICRMW liệt kê 8 dạng đối tượng được coi là lao động di trú, bao gồm:

  • “Nhân công vùng biên” – chỉ những người lao động di trú thường trú tại một nước láng giềng nơi họ thường trở về hàng ngày hoặc ít nhất mỗi tuần một lần;
  • “Nhân công theo mùa” – chỉ những người lao động di trú làm những công việc có tính chất mùa vụ và chỉ làm một thời gian nhất định trong  năm;
  • “Nhân công đi biển” – chỉ những người lao động di  trú  được tuyển dụng làm việc trên một chiếc tàu đăng ký tại một quốc gia mà họ không phải là công dân, bao gồm cả thủy   thủ;
  • “Nhân công làm việc tại một công trình trên biển” – chỉ những người lao động di trú được tuyển dụng làm việc trên một công trình trên biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia mà họ không phải là công dân;
  • “Nhân công lưu động” – chỉ những người lao động di trú sống thường trú ở một nước phải đi đến một hoặc nhiều nước khác nhau trong những khoảng thời gian do tính chất công việc của người đó;
  • “Nhân công theo dự án” – chỉ những người lao động di trú được nhận vào quốc gia nơi có việc làm trong một thời gian nhất định để chuyên làm việc cho một dự án cụ thể đang được người sử  dụng lao động của mình thực hiện tại quốc gia   đó;
  • “Nhân công lao động chuyên dụng” – chỉ những người lao động di trú mà được người sử dụng lao động của mình cử đến quốc gia nơi có việc làm trong một khoảng thời gian hạn chế nhất định để đảm nhiệm một công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể mang tính chuyên môn kỹ thuật ở quốc gia nơi có việc làm;
  • “Nhân công tự chủ” – chỉ những người lao động di trú tham gia làm một công việc có hưởng lương, nhưng không phải dưới dạng hợp đồng lao động mà thường là bằng cách làm việc độc lập hoặc cùng với các thành viên gia đình của mình, hoặc dưới các hình thức khác mà được coi là nhân công tự chủ theo pháp luật của quốc gia, nơi có việc làm hoặc theo các hiệp định song phương và đa phương.

Cũng dựa trên tiêu chí nghề nghiệp, Điều 3 ICRMW liệt kê những đối tượng không được coi là lao động di trú, bao gồm:

  • Những người được cử hoặc tuyển dụng bởi các cơ quan và tổ chức quốc tế, hoặc bởi một nước sang một nước khác để thực hiện các chức năng chính thức;
  • Những người được cử hoặc tuyển dụng bởi một nước hoặc người thay mặt cho nước đó ở nước ngoài tham gia các chương trình phát triển và các chương trình hợp tác khác;
  • Những người sống thường trú ở một nước không phải quốc gia xuất xứ, để làm việc như những nhà đầu tư;
  • Những người tị nạn và không có quốc tịch
  • Sinh viên và học viên;
  • Những người đi biển hay người làm việc trên các công trình trên biển không được nhận vào để cư trú và tham gia vào một công việc có hưởng lương ở quốc gia nơi có việc làm.

2.2.2 Khái niệm “các thành viên trong gia đình người lao động di trú”

Điều 4 ICRMW định nghĩa các thành viên trong gia đình người lao động di trú là …những người kết hôn hoặc có quan hệ tương tự như quan hệ hôn nhân với những người lao động di trú hay con cái và những người khác sống phụ thuộc vào họ mà được công nhận  là thành viên của gia đình theo pháp luật hiện hành và theo các hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia liên quan.

2.2.3 Các nguyên tắc

ICRMW được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chỉ đạo, đó là:

  • Không phân biệt đối xử (Điều 1): Nguyên tắc này có nghĩa là tất cả các quyền được xác lập trong công ước phải được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người lao động di trú; không được tạo ra bất kỳ sự áp dụng hay đối xử khác biệt nào dựa trên bất kỳ yếu tố nào như về dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, ngôn ngữ, độ tuổi, địa vị xã hội, nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng, quan điểm xã hội….
  • Đối xử quốc gia (national treatment) (Điều 25): Nguyên tắc  này có nghĩa là các quốc  gia  phải bảo đảm cho người lao động di trú  đang làm việc ở nước mình các quyền như người lao động nước mình  đang được hưởng. Theo quy định ở Điều 25, những chế độ áp dụng với người lao động di trú phải “không được kém  thuận  lợi  hơn”  so  với  người lao động là công dân của quốc gia tiếp  nhận  lao  động,  cụ  thể trong các vấn đề như thù lao, điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn tuyển dụng…
  • Các quyền được áp dụng trong suốt quá trình di trú lao động (Điều 1): Nguyên tắc này có nghĩa là các quốc gia phải bảo đảm quyền của người lao động di trú trong mọi giai đoạn của tiến  trình di  trú lao động,  bao gồm giai đoạn chuẩn bị, trên đường đi đến, khi làm việc ở nước tiếp nhận và khi trở về nước gốc.

2.2.4 Các quyền áp dụng cho mọi người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ

Phù hợp với thực tiễn đa dạng về nguồn gốc của người lao động di trú cũng như thông lệ pháp luật của các quốc gia, ICRMW đề cập vấn đề quyền của người lao động di trú theo hai hình thức: (i) các quyền con người cơ bản mà tất cả mọi người lao động di trú, bất kể có giấy tờ hợp pháp hay không có giấy tờ hợp pháp và các thành viên gia đình họ đều phải được bảo đảm, và (ii) các quyền bổ sung áp dụng với những người lao động di trú hợp pháp và các thành viên gia đình  họ.

Các quyền con người áp dụng chung cho mọi người lao động di trú được đề cập trong Phần III (từ Điều 8 đến 32) của Công ước.

2.2.5 Các quyền khác áp dụng riêng cho người lao động di trú có giấy tờ hợp pháp và các thành viên gia đình họ

Ngoài những quyền áp dụng chung, những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ mà có giấy tờ hợp pháp còn được hưởng các quyền khác ghi nhận trong Phần IV của Công ước (từ Điều 36 đến 56).

Theo nguyên tắc chung của luật nhân quyền quốc tế, một số quyền và tự do kể trên, ví dụ như: quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ của quốc gia nơi có việc làm, quyền lập hội và các nghiệp đoàn,v.v.. có thể phải chịu những hạn chế do pháp luật quy định nếu cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hay đạo đức cộng đồng, hay các quyền và tự do của người khác.

2.2.6 Các tiêu chuẩn của ILO về bảo vệ quyền của người lao động di trú

Trong hệ thống các văn kiện pháp lý do ILO thông qua từ trước đến nay có khá nhiều văn kiện đề cập việc bảo vệ người lao động di trú, tuy  nhiên, có hai công ước quan trọng nhất đóng vai trò nền tảng, đó là Công ước số 97 về lao động di trú vì việc làm (sửa đổi năm 1949) và  Công ước số 143 về người lao động di trú  trong  hoàn  cảnh  bị  lạm dụng, và về việc thúc đẩy cơ hội và sự đối xử bình đẳng với người lao động di trú (các quy định bổ sung). Đây cũng là hai trong số tám công ước cơ bản của  ILO1.

Bên cạnh hai công ước kể trên, còn cần kể đến Khuôn khổ đa chiều về di trú lao động của ILO.

Trên đây là những phân tích về “Quyền của người lao động di trú theo luật quốc tế”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon