Vai trò, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hành vi quấy rối tình dục

vai-tro-trach-nhiem-cua-ca-nhan-to-chuc-doi-voi-hanh-vi-quay-roi-tinh-duc

Quấy rối tình dục là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và tâm lý của nạn nhân mà còn làm suy giảm môi trường làm việc, học tập và sinh hoạt cộng đồng. Trước thực trạng này, vai trò và trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong việc phòng ngừa và xử lý hành vi quấy rối tình dục trở nên vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm đạo đức nhằm xây dựng một xã hội văn minh, an toàn và tôn trọng lẫn nhau.

Chính vì vậy, qua bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ giúp mỗi cá nhân, tổ chức nhận thức, hiểu rõ cũng như thực hiện đúng trách nhiệm của mình nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

1. Người sử dụng lao động

Doanh nghiệp ở bất cứ quy mô nào đều có quyền, trách nhiệm xây dựng và duy trì môi trường làm việc không quấy rối tình dục. Người sử dụng lao động phải có hành động ngay lập tức khi xuất hiện bất cứ cáo buộc nào về quấy rối tình dục, đảm bảo người được cho là nạn nhân không sợ bị trả thù hoặc cảm thấy yêu cầu của họ bị lờ đi hay bị coi thường.

Để phòng chống có hiệu quả hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động cần ban hành các quy định nhằm thúc đẩy, thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quấy rối tình dục, để đưa vào nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các quy chế, quy định hợp pháp các của doanh nghiệp.

Trên cơ sở này, tại Khoản 1 Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với vấn đề phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc:

“Điều 86. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

1. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:

a) Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;

c) Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo”

Tuy nhiên, khi xây dựng các quy định cụ thể trên, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn nhằm đảm bảo sự đồng thuận và thực thi có hiệu quả các quy định này.

2. Người lao động

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động

“Điều 86. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

2. Người lao động có nghĩa vụ:

a) Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục;

c) Ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.”

Theo đó, tất cả người lao động không phân biệt giới tính, tuổi tác, vị trí, hình thức ký hợp đồng lao động hay tình trạng công việc, đều có quyền và trách nhiệm đảm bảo nơi làm việc không có quấy rối tình dục, ngăn cản và báo cáo mọi hành vi không được chấp nhận theo quy định của pháp luật và quy định cụ thể về quấy rối tình dục của doanh nghiệp

3. Tổ chức đại diện người lao động

Tổ chức đại diện người lao động giữ vai trò trung tâm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đảm bảo sự công bằng và hài hòa trong mối quan hệ lao động. Trách nhiệm của tổ chức này bao gồm việc đại diện tiếng nói của người lao động trong các cuộc thương lượng tập thể, giám sát việc thực hiện các chính sách và pháp luật lao động tại doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức đại diện còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiến nghị xây dựng các chính sách lao động phù hợp với thực tiễn, góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, bình đẳng và bền vững. Nhờ đó, chính sự chủ động và trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động:

“Điều 86. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

…3. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trách nhiệm:

a) Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đa bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;

c) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.”

3.1. Tổ chức công đoàn

Trên cơ sở đó, tổ chức công đoàn có trách nhiệm trong việc tham gia vào việc xây dựng và thực thi pháp luật và các quy định cụ thể về quấy rối tình dục trong doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo tất cả các vấn đề liên quan tới quấy rối tình dục tại doanh nghiệp phải được thương lượng một cách công bằng và minh bạch

Công đoàn cũng cần cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, cũng như người lao động đang bị tố cáo là có hành vi quấy rối tình dục.

Công đoàn phải đưa các nội dung quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào trong chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và đào tạo như một việc làm thường xuyên của tổ chức công đoàn.

3.2. Tổ chức của chủ sử dụng lao động

Tổ chức của chủ sử dụng lao động có trách nhiệm quan trọng trong việc đưa nội dung về phòng chống quấy rối tình dục vào các chương trình định hướng, giáo dục và đào tạo nhân sự ngay từ giai đoạn đầu. Điều này giúp xây dựng nhận thức đúng đắn và tạo nền tảng văn hóa ứng xử chuẩn mực trong môi trường làm việc.

Bên cạnh đó, cần chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan, tập trung vào nội dung phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Các chương trình này nên hướng tới cả người sử dụng lao động và người lao động, giúp họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, cũng như các quy định, chính sách cụ thể trong việc phòng ngừa và xử lý hành vi vi phạm.

Ngoài việc cung cấp thông tin, tổ chức cần thiết lập các kênh hỗ trợ và báo cáo an toàn, đảm bảo rằng người lao động có thể phản ánh hoặc tố cáo các trường hợp quấy rối mà không lo ngại bị trả thù hay phân biệt đối xử. Tổ chức của chủ sử dụng lao động phải trở thành cầu nối giữa các bên, tạo ra môi trường làm việc tôn trọng và an toàn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp.

4. Thanh tra lao động

Thanh tra lao động phải xem xét cẩn thận hồ sơ và thực tiễn với mục đích phát hiện và xử lý kịp thời với những tố cáo về quấy rối tình dục. Điều quan trọng là việc thanh tra không chỉ dừng ở lời tố giác về hành vi quấy rối tình dục mang tính thể chất mà bất kể các hành vi khác (bằng lời nói hoặc phi lời nói) bị tố cáo là không được chấp nhận, không mong muốn hay mang tính xúc phạm có liên quan.

Cả nam và nữ thanh tra cần được đào tạo chuyên môn để giúp cho việc phát hiện những trường hợp và xử lý các tố cáo về quấy rối tình dục, vì nhìn chung những nạn nhân nữ của hành vi quấy rối tình dục cảm thấy thoải mái hơn khi nói về trường hợp của họ với thanh tra nữ hơn là với nam giới.

Với những cơ sở trên, có thể thấy vai trò và trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong việc phòng chống hành vi quấy rối tình dục không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật, mà còn phải thể hiện bằng hành động cụ thể trong xây dựng môi trường làm việc, học tập và sinh hoạt an toàn, lành mạnh. Hơn nữa, mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm đạo đức và pháp lý, đồng thời dũng cảm lên tiếng khi chứng kiến hoặc là nạn nhân của quấy rối.

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến vai trò và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hành vi quấy rối tình dục. Trong trường bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon