Các hình phạt bổ sung. Quy định về hình phạt tiền đối với người phạm tội

cac-hinh-phat-bo-sung-quy-dinh-ve-hinh-phat-tien-doi-voi-nguoi-pham-toi

Các hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm tội bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế, tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền và trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính. Nội dung bài viết sẽ nêu ra các hình phạt bổ sung và đi sâu, phân tích về các quy định có liên quan tới hình phạt tiền đối với người phạm tội.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

1. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (Điều 41 BLHS năm 2015)

Đây là hình phạt bổ sung áp dụng với người bị kết án khi tòa án xét thấy nếu để người bị kết án tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định sau khi chấp hành xong hình phạt hoặc sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Thời hạn cấm là từ 1 năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

2. Cấm cư trú (Điều 42 BLHS năm 2015)

Đây là hình phạt bổ sung buộc người bị kết án phạt tù sau khi chấp hành xong hình phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định trong một khoảng thời gian từ 1 năm đến 5 năm. Đây là hình phạt bổ sung chỉ được tuyên kèm với hình phạt chính là tù có thời hạn.

3. Quản chế (Điều 43 BLHS năm 2015)

Đây là hình phạt bổ sung được áp dụng đối với người bị kết án sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù phải cư trú làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và bị tước một số quyền công dân.

Thời hạn quản chế là từ 1 năm đến 5 năm. Hình phạt bổ sung nay được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do BLHS quy định.

4. Tước một số quyền công dân (Điều 44 BLHS năm 2015)

Đây là hình phạt chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam. Hình phạt bổ sung này được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do BLHS quy định. Những quyền công dân có thể bị tước bỏ bao gồm: quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; quyền làm việc trong cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 1 năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

5. Tịch thu tài sản (Điều 45 BLHS năm 2015)

Đây là hình phạt bổ sung tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. Hình phạt bổ sung này chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do BLHS quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

6. Quy định về hình phạt tiền đối với người phạm tội

Điều 35 BLHS năm 2015 quy định về hình phạt tiền cụ thể như sau:

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;

b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.

Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này”.

Điều luật quy định về hình phạt tiền đối với người phạm tội với tính chất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung. Trong lịch sử phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, phạt tiền đã tồn tại từ lâu và trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, hình thức, nội dung, mục đích của hình phạt tiền được thể hiện một cách khác nhau. tuy nhiên, có thể khẳng định, trong số các hình phạt được quy định, hình phạt tiền luôn giữ một vị trí quan trọng, được quy định áp dụng phổ biến nhất. Trong BLHS hiện nay, hình phạt tiền là một bộ phận cấu thành rất quan trọng của hệ thống hình phạt, góp phần tạo nên tính đa dạng, hoàn thiện của hệ thống này.

Phạt tiền được hiểu là một trong những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được Tòa án quyết định trong bản án kết tội đối với người bị kết án về những tội phạm được BLHS xác định với nội dung là tước một khoản tiền nhất định của họ bổ sung và công quỹ Nhà nước, thông qua đó giáo dục, cải tạo họ, ngăn ngừa họ phạm tội mới, đồng thời thực hiện phòng ngừa, giáo dục chung.

Với nội dung tước đoạt một khoản tiền nhất định của người bị kết án, hình phạt tiền tác động trực tiếp đến kinh tế của người bị kết án. Sự tước bỏ một khoản tiền nhất định của người bị kết án là thể hiện tính nghiêm khắc của hình phạt này, làm cho họ nhận thức được sự lên án của Nhà nước đối với hành vi phạm tội đã thực hiện.

Trong nhều trường hợp nếu không tước bỏ một phần lợi ích vật chất, người bị kết án sẽ không nhận thức được lỗi lầm của mình, cũng như sự lên án của Nhà nước và xã hội. Việc tước quyền lợi về kinh tế có tác dụng răn đe người bị kết án, đồng thời đối với một số tội phạm hình phạt tiền cũng là biện pháp loại trừ điều kiện thuận lợi cho việc phạm tội. Vì vậy, có thể nói hình phạt tiền có mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội, loại trừ điều kiện phạm tội mới ở họ. Đồng thời, thông qua đó hình phạt tiền còn thực hiện mục đích phòng ngừa chung đối với những cá nhân trong xã hội.

Cũng như hình phạt trục xuất, phạt tiền là loại hình phạt lưỡng tính. Nếu coi hệ thống hình phạt được cấu thành từ hai hệ nhỏ: hệ các hình phạt chính và hệ các hình phạt bổ sung thì hình phạt tiền có mặt ở cả hai hệ đó. Tuy nhiên, tính chất lưỡng tính này của hình phạt tiền chỉ tồn tại trong quy định của luật. Đối với cùng một tội phạm, không cho phép áp dụng hình phạt tiền vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung. Hình phạt tiền chỉ có thể áp dụng là hình phạt bổ sung đối với một tội phạm khi không áp dụng là hình phạt chính đối với tội phạm đó.

Khoản 1 của điều luật xác định phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Theo đó hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính trong hai loại trường hợp sau:

– Tội phạm mà người bị kết án thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc là phạm tội nghiêm trọng và khung hình phạt đối với tội ấy có quy định hình phạt này.

– Tội phạm mà người bị kết án thực hiện là tội rất nghiêm trọng và thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

So với quy định về hình phạt tiền tại Điều 30 BLHS năm 1999, phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính được quy định trong BLHS năm 2015 đối với các tội phạm cụ thể được mở rộng không chỉ đối với tội ít nghiêm trọng mà còn đối với các tội phạm nghiêm trọng và không có sự giới hạn ở nhóm tội phạm cụ thể nào. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng, BLHS tuy giới hạn phạm vi các nhóm tội có thể được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính (các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng) nhưng đó chỉ là quy định về nguyên tắc vì BLHS cũng cho phép việc áp dụng hình phạt này đối với “…một số tội phạm khác…”.

Khoản 2 của điều luật xác định phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, theo đó:

– Hình phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung được áp dụng trước hết đối với người bị kết án về các tội phạm tham nhũng cũng như các tội phạm ma túy;

– Hình phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung cũng được áp dụng đối với một số tội phạm khác do BLHS quy định.

Từ nguyên tắc này, điều luật về tội phạm cụ thể phải quy định loại hình phạt này ở dạng áp dụng là bắt buộc hoặc tùy nghi.

Khoản 3 của điều luật quy định mức phạt tiền và căn cứ quyết định mức phạt tiền. Điều luật quy định mức phạt tiền thấp nhất khi áp dụng hình phạt tiền thấp nhất khi áp dụng hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung là một triệu đồng. Ngoài quy định về giới hạn này ra, tòa án có quyền quyết định bất cứ mức phạt cụ thể nào nhưng không được vượt mức cao nhất mà điều luật về tội phạm quy định. Khi quyết định mức phạt tiền, Tòa án cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình hình tài sản cũng như sự biến động của giá cả.

Khoản 4 của điều luật chỉ dẫn hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại bị kết án được quy định tại Điều 77 của BLHS năm 2015.

Như vậy, Điều 35 BLHS năm 2015 được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính, đồng thời quy định rõ các trường hợp phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính. Theo đó, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với 112/314 tội phạm cụ thể, chiếm tỉ lệ hơn 35%, tập trung vào các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường; các tội xâm phạm an toàn cộng cộng, trật tự công cộng và các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Ví dụ: Đối với tội trốn thuế, theo Điều 161 BLHS năm 1999, hình phạt tiền áp dụng đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (phạm tội thuộc khoản 1 và khoản 2), nay Điều 200 mở rộng đối với cả trường hợp phạm tội nghiêm trọng (phạm tội thuộc các khoản 1, 2 và 3). Hoặc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: Theo Điều 163 BLHS năm 1999, hình phạt tiền áp dụng đối với trường hợp phạm tội thuộc khoản 1, nay Điều 201 mở rộng quy định đối với tất cả các trường hợp phạm tội.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon