Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

tich-thu-vat-tien-truc-tiep-lien-quan-den-toi-pham

Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một trong những biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật Hình sự nước ta. Theo đó, quy định này vừa có ý nghĩa quan trọng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, bổ sung cho hệ thống hình phạt với mục đích thay thế hoặc hỗ trợ hình phạt. Vậy pháp luật quy định như thế nào về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là gì?

Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm chính là tước một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu, quyền sử dụng… đối với vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, đó có thể là công cụ phạm tội, là đối tượng phạm tội… thuộc sở hữu của người phạm tội để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Dưới góc độ pháp luật hình sự, tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một biện pháp tư pháp hỗ trợ nhằm đạt được mục đích của hình phạt, áp dụng đối với người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội, được nhắc đến tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm có thể là công cụ, phương tiện phạm tội cũng có thể là thông qua người phạm tội mà có hoặc là do mua bán chuyển nhượng, tàng trữ, lưu hành…

Thuê Luật sư hình sự tại Đà Nẵng

2. Quy định của pháp luật về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là biện pháp tư pháp đầu tiên được quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự. Cụ thể biện pháp này được quy định như sau:

Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.”

Thứ nhất, về đối tượng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì đối tượng tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu huỷ, đầu tiên là công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội. Đây là những công cụ dùng để gây án, là vật chứng trong các vụ án hình sự. Đó có thể là xe máy dùng để cướp tài sản; dao, mã tấu, súng dùng trong vụ án giết người, cố ý gây thương tích; tiền, tài sản trong các vụ hối lộ hoặc đánh bạc,… Các công cụ, phương tiện này phải thuộc sở hữu của người thực hiện hành vi phạm tội, đối với các loại vật, tiền mà không thuộc quyền sở hữu của người phạm tội thì sẽ được điều chỉnh tại Khoản 2 Điều 47. Bên cạnh đó, mặc dù điều luật không nêu rõ công cụ, phương tiện được dùng vào việc phạm tội là thuộc lỗi cố ý hay vô ý, tuy nhiên có thể ngầm hiểu rằng việc tịch thu công cụ, phương tiện này chỉ đặt ra đối với tội cố ý.

Đối tượng thứ hai bị tịch thu hoặc tiêu huỷ là vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Theo đó, khác với công cụ, phương tiện phạm tội thì đây là biện pháp tư pháp nhằm vào những thứ mà người phạm tội có được trong và sau quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: xe máy, laptop được mua bằng tiền có được do cướp giật tài sản – đây là tài sản do người thực hiện hành vi phạm tội mà có được; Hoặc A trộm tiền mua 01 chiếc điện thoại thì đây là vật do mua bán, đổi chác từ tiền mà người phạm tội có được khi thực hiện hành vi phạm tội; Hoặc trường hợp thu lợi bất chính thuộc yếu tố định khung hình phạt trong một số loại tội phạm như Điều 209 BLHS về Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên)…

Đối tượng thứ ba là vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, lưu hành. Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, lưu hành được quy định cụ thể trong luật, nằm trong danh sách cấm của Nhà nước. Những vật tại trường hợp này không phân biệt là thuộc quyền sở hữu của ai đều buộc phải bị tịch thu. Ví dụ: Văn hoá phẩm đổi truỵ, chất cháy, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ

Thứ hai, vật tiền không thuộc sở hữu của người phạm tội.

Không phải bất kỳ vật, tiền nào có được trong quá trình phạm tội của tội phạm đều bị tịch thu, sung quỹ mà cần phải xem xét nguồn gốc của vật hoặc tiền này được hình thành như thế nào. Đối với trường hợp mà vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Có nghĩa là vật hoặc tiền này không thuộc quyền sở hữu của người phạm tội thì không tịch thu mà xác định chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp để trả lại cho họ. Ngược lại nếu vật hoặc tiền đó không xác định được chủ sở hữu thì sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, trường hợp chủ sở hữu không phải tội phạm có lỗi trong việc để người sử dụng vật, tiền dùng vào việc phạm tội

Bên cạnh quy định tại Khoản 2 Điều 47, Khoản 3 Điều 47 có quy định trường hợp vật, tiền thuộc quyền sở hữu của người khác không phải lúc nào cũng trả lại cho chủ sở hữu, mà tồn tại trường hợp nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng trong quá trình thực hiện tội phạm thì có thể bị Cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng biện pháp tư pháp.

Yếu tố để xem xét việc có bị tịch thu tài sản hay không đó là yếu tố lỗi. Theo đó, lỗi thể hiện thái độ tâm lý của chủ sở hữu đối với hành vi có tính chất gây thiệt hại cho xã hội của mình và đối với hành vi đó gây ra, được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Mặc dù pháp luật không quy định nhưng trong trường hợp nếu chủ sở hữu có lỗi cố ý để cho người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình biết được hậu quả có thể xảy ra của người thực hiện hành vi phạm tội nhưng vẫn để mặc cho người đó sử dụng thì toàn bộ vật, tiền đó sẽ bị tịch thu thậm chí chủ sở hữu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm. Ngược lại với lỗi vô ý thì việc tịch thu có thể không xảy ra, tuỳ thuộc quyền quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng.

3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định tịch thu

Đối tượng bị tịch thu có thể bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc bị tiêu huỷ.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền quyết định tịch thu sung ngân sách, tịch thu tiêu hủy hoặc trả lại vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là:

– Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra;

– Viện kiểm sát nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố;

– Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử;

– Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử.

4. Vướng mắc, bất cập trong việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

Áp dụng quy định về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm góp phần phòng ngừa người đó tiếp tục phạm tội mới đồng thời hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được từ việc áp dụng quy định pháp luật nói trên thì vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 đều chỉ thể hiện công cụ, phương tiện được dùng vào việc phạm tội thì bị tịch thu vào ngân sách nhà nước hoặc có thể bị tiêu huỷ. Song, lại không thể hiện các công cụ, phương tiện mà người phạm tội thực hiện sẽ dưới lỗi gì thì bị tịch thu.

Về cơ bản, việc tịch thu công cụ, phương tiện chỉ nên đặt ra với trường hợp lỗi do cố ý. Bởi lẽ, điều luật quy định là “dùng” vào việc phạm tội, có nghĩa là có chủ ý từ trước. Trường hợp chủ sở hữu không có ý định thực hiện hành vi phạm tội thì không thể áp dụng biện pháp tư pháp là tịch thu được.

Thứ hai, quy định tại Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 không nêu rõ hình thức lỗi của người chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp tài sản trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản vào việc phạm tội. Tương tự như trường hợp trên thì lỗi trong trường hợp này cũng nên là lỗi cố ý.

Thứ ba, bất cập trong việc xác định công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có chưa được các Toà án áp dụng thống nhất; chưa xác định đúng phương tiện dùng vào việc phạm tội; dễ nhầm lẫn các khái niệm; việc áp dụng mang tính tuỳ nghi.

5. Một số kiến nghị cần điều chỉnh

Thứ nhất, cần có văn bản giải thích quy định tại khoản 1, 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 và điểm a, khoản 2, Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 về việc xác định hình thức lỗi cố ý.

Việc xem xét có nên hay không tịch thu tiền vật của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản trên thì cần xem xét trách nhiệm quản lý tài sản, mức độ lỗi, tích chất nguy hiểm của xã hội do người phạm tội gây ra.

Thứ hai, trường hợp xác định công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật, tiền có được do phạm tội hoặc do mua bán đổi chác những thứ ấy mà có thì phải quy định trường hợp nào bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước, trường hợp nào thì không bị tịch thu.

Trên đây là những nôi dung phân tích về “Tịch thu vật tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ Hotline: 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon