Để phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như tình hình thực tế của Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, trách nhiệm hình sự không còn là trách nhiệm của riêng cá nhân mà bao gồm trách nhiệm hình sự của cá nhân và trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Vậy pháp luật quy định các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội như thế nào? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!
- Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Bộ luật Dân sự năm 2015.
1. Khái quát chung về pháp nhân thương mại
1.1. Pháp nhân thương mại là gì?
Theo khoản 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên”.
Như vậy, pháp nhân thương mại là pháp nhân được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Có cơ quan điều hành. Tổ chức nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Cụ thể pháp nhân thương mại, bao gồm: Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
1.2. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Căn cứ theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định pháp nhận thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau:
- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
1.3. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự
Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
2. Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
2.1. Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:
Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
2.2. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
– Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm: Đối với pháp nhân thương mại, việc ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm có thể do pháp nhân thương mại hoặc lãnh đạo của pháp nhân thương mại thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại mình. Nếu lãnh đạo của pháp nhân thương mại cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tình tiết giảm nhẹ này là tình tiết giảm nhẹ “kép” vừa được áp dụng khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại, vừa được áp dụng đối với người phạm tội của pháp nhân thương mại.
– Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả: Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Nếu cá nhân người trong pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cả pháp nhân thương mại và cá nhân người phạm tội đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
– Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn: Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cũng tương tự như đối với trường hợp quy định tại điểm a và b.
– Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án: Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cũng tương tự như đối với trường hợp quy định tại điểm a, b và c.
– Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội: Đây là tình tiết giảm nhẹ chỉ quy định cho pháp nhân thương mại phạm tội. Pháp nhân thương mại chỉ cần có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội là tổ chức kinh tế này (pháp nhân thương mại) có nhiều đóng góp cho việc thực hiện chính sách xã hội như: ủng hộ đồng bào lũ lụt, tặng tiền hoặc hiện vật cho trường học,… Có thể việc đóng góp đó được tặng các danh hiệu cao quý, nhưng cũng có thể không được tặng, miễn là cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương xác nhận. Khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại thương mại phạm tội, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Các tình tiết giảm nhẹ đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.
2.3. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
– Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội: Tình tiết phạm tội này cũng tương tự như tình tiết phạm tội có tổ chức đối với người phạm tội, nhưng đối với pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội bao giờ cũng là hành vi có tổ chức nên không cần phải quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hình thức phạm tội có tổ chức của pháp nhân thương mại ở tình tiết tăng nặng được mở rộng hơn, đó là “câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Tình tiết có tính đặc thù chỉ đối với pháp nhân thương mại thương mại mới có.
– Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Phạm tội 02 lần trở lên: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự .
– Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm: Mục đích việc dùng thủ đoạn tinh vi là nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm. Khác với các tình tiết giảm nhẹ, đối với các tình tiết tăng nặng thì chỉ tình tiết nào được BLHS quy định thì Tòa án mới được áp dụng, chứ không được tự ý coi những tình tiết khác không được BLHS để coi là tình tiết tăng nặng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng nữa.
3. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội có hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Cụ thể:
3.1. Hình phạt chính
Thứ nhất, phạt tiền
Căn cứ theo Điều 77 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: “Phạt tiền là hình phạt, buộc pháp nhân thương mại phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước”.
Qua hành vi phạm tội, pháp nhân thương mại có thể thu được những lợi ích nhất định, trong đó có lợi ích vật chật. Do vậy, hình phạt tiền không chỉ có tính trừng phạt mà còn đảm bảo sự công bằng xã hội trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh tế.
Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung. Mức phạt tiền được quy định tại các điều luật về các tội phạm cụ thể nhưng phải đảm bảo không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
Thứ hai, đình chỉ hoạt động có thời hạn
Căn cứ theo Điều 78 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: “Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình phạt chính, buộc pháp nhân thương mại phải tạm dừng hoạt động trong một hoặc một số lĩnh vực.”
Điều kiện để áp dụng hình phạt này là: Pháp nhân thương mại đã gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và pháp nhân thương mại có đủ điều kiện thực tế để có thể loại trừ khả năng gây thiệt hại.
Thời hạn đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội từ 06 tháng đến 03 năm.
Để tránh cho pháp nhân thương mại có nguy cơ bị phá sản, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn trong một hoặc một số lĩnh vực thoả mãn các điều kiện nêu trên. Khi hết thời hạn hoặc ngoài các lĩnh vực bị cấm, pháp nhân vẫn có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
Căn cứ theo Điều 79 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
– Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là hình phạt chính, buộc pháp nhân thương mại phải chấm dứt hoạt động.
– Việc chấm dứt hoạt động có thể là đối với toàn bộ các hoạt động nếu pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm như pháp nhân được thành lập chỉ để buôn bán hoặc sản xuất hang giả.
– Việc chấm dứt hoạt động có thể chỉ đối với một hoặc một số lĩnh vực. Đó là lĩnh vực mà pháp nhân thương mại gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, pháp nhân thương mại không có đủ điều kiện thực tế để có thể loại trừ khả năng gây thiệt hại.
– Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể gây tình trạng mất việc làm của người lao động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động vĩnh viễn đối vớ pháp nhân thương mại, toà án phải rất thận trọng và tuyệt đối tuân thủ các điều kiện luật định của đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
3.2. Hình phạt bổ sung
Thứ nhất, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định
Căn cứ theo Điều 80 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là hình phạt bổ sung, buộc pháp nhân thương mại không được tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong một số lĩnh vực.
Hình phạt này khác với hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc có thời hạn ở hai điểm là:
– Hình phạt này là hình phạt bổ sung và lĩnh vực bị cấm không phải là lĩnh vực liên quan với tội phạm đã xảy ra. Đó là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của con người. Việc áp dụng hình phạt này có thể hỗ trợ cho hình phạt chính.
– Thời hạn bị cấm là từ 01 đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, cấm huy động vốn
Theo Điều 81 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì cấm huy động vốn là hình phạt bổ sung, buộc pháp nhân thương mại không được huy động vốn bằng các hình thức khác nhau để kinh doanh trong một thời gian nhất định.
Hình phạt này được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn sẽ có nguy cơ tội phạm tiếp tục xảy ra.
Hình thức huy động vốn có thể bị cấm là: Vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; phát hành, chào bán chứng khoán; huy động vốn khách hang; liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; hình thành quỹ tín thác bất động sản.
Toà án có thể cấm một hoặc một số hình thức huy động vốn trên đây của doanh nghiệp. Thời hạn bị cấm là từ 01 đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật
Thứ ba, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính
Khi Tòa án không áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền như: đình chỉ hoạt động có thời hạn hay đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực thì mới được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung.
Nếu đã áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền thì không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nữa. Mức phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng (tương tự như đối với hình phạt chính). Cũng như đối với người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội thì với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Trên đây là nội dung liên quan đến các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.