Ôn thi Luật sư Môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư – Đề số 08

on-thi-luat-su-mon-ky-nang-nghe-nghiep-luat-su-de-so-08

Đề thi số 08 là một phần trong bộ đề ôn tập dành cho thí sinh tham gia kỳ thi sát hạch để trở thành luật sư, môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư. Đề thi được tổng hợp bởi Luật Dương Gia, bám sát cấu trúc và nội dung đề thi thực tế, giúp thí sinh ôn tập và củng cố kiến thức, kỹ năng cần thiết cho kỳ thi.

Chúc anh/chị và các bạn có một kỳ ôn thi thành công!

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 09

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

Ôn tập về lý thuyết

  • Phần chung : Các quy định về L/C. Hậu quả của thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trong tài.
  • Đề tự chọn 1 (hình sự) : Phân tích dấu hiệu tội danh của tội cố ý gây thương tích theo quy định của BLHS ; Quy định về giám đốc thẩm, tái thẩm trong vụ án hình sự.
  • Đề tự chọn 2 (thương mại) : Các nội dung cần có trong hợp đồng mua bán ngoại thương. 

CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

Ngày 15/8/2017, Công ty T (Singapore) có văn phòng đại diện tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh ký Hợp đồng số 01/HĐMB mua 200 tấn bắp của Công ty M (Việt Nam) có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội với đơn giá 640USD/tấn, giá trị hợp đồng là 128.000USD, thanh toán bằng L/C không hủy ngang, bên nào vi phạm phải chịu phạt 05% giá trị hợp đồng. Hợp đồng quy định áp dụng pháp luật Việt Nam, nhưng không thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty T mở L/C thông qua Công ty E (là người mua lại số hàng này của Công ty T) nhưng qua 02 lần tu chỉnh L/C vẫn không phù hợp (thực hiện vận tải hàng hóa theo đường biển nhưng L/C lại thể hiện vận đơn hàng không). Vì vậy Ngân hàng Vietcombank đã xác định L/C này bất hợp lệ. Đến thời hạn giao hàng, Công ty M không giao hàng vì chưa có tu chỉnh L/C theo đúng thỏa thuận. Ngày 02/10/2018, Công ty M tuyên bố hủy hợp đồng.

Hai bên phát sinh tranh chấp, sau quá trình hòa giải không thành, tháng 12/2018 Công ty T đã khởi kiện Công ty M ra Tòa án vì cho rằng Công ty M không giao hàng và tự hủy ngang hợp đồng, đó là hành vi vi phạm, phải bị phạt 05% giá trị hợp đồng như đã cam kết.

1. Anh/Chị hãy xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp? Nêu căn cứ pháp lý?

2. Nếu là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công ty M, Anh/Chị yêu cầu khách hàng cung cấp những tài liệu gì?

3. Anh/Chị xác định bên nào vi phạm hợp đồng? Hãy nêu căn cứ pháp lý và lập luận để làm sáng tỏ vấn đề.

Giả thiết trong Hợp đồng số 01/HĐMB nếu trên hai bên có lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là “Trung tâm trọng tài quốc tế tại Hà Nội”. Khi tranh chấp xảy ra, sau khi hòa giải không thành, do không xác định rõ được đó là Trung tâm trọng tài nào nên Công ty T đã làm đơn khởi kiện Công ty M ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Sau đó, Công ty M cũng khởi kiện Công ty T tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

4.Anh/ Chị hãy phân tích và bình luận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với vụ án này?

CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau): 5,0 điểm

ĐỀ 1:

Vào ngày 06/5/2018, Vũ Văn N được một đối tượng (chưa rõ nhân thân lai lịch) gọi điện từ số điện thoại 0123567889 thuê đánh anh Nguyễn Hùng S nhằm giải quyết mâu thuẫn cá nhân. N đồng ý và hẹn gặp người đàn ông đã gọi điện thoại tại một quán café. Tại đây, N nhận tiền và các thông tin về S.

Khoảng 12h ngày 06/5/2018, N rủ thêm Phan Vũ T, Phạm Hiếu P và Trần Văn Q đến để uống rượu. Tại đây, N nói cho mọi người biết là có người thuê mình đánh anh S và cả bọn đồng ý. Đến 16h30 cùng ngày, N cùng T, P, Q chạy xe mô tô đến uống café để tìm anh S. Đến nơi, N và T điều khiển xe mô tô của N vào khu vực chợ mua 2 (hai) con dao có chiều dài khoảng 30 cm, lưỡi dao rộng 05 cm, còn P, Q chờ ở quán nước. Khoảng 15 phút sau, khi thấy anh S đến khu vực đó, N và T cùng nhau cầm dao xông đến đuổi chém anh S gây thương tích. Sau khi chém xong, N cùng đồng bọn tẩu thoát.

Anh S được đưa đi cấp cứu đến ngày 12/5/2018 thì xuất viện với chẩn đoán đa chấn Thương ở cánh tay phải, ngực phải, đứt dây chằng chéo trước gối phải và vỡ rách sụn chêm trong và ngoài gối phải (đứt dây chằng chéo trước gối phải và vỡ rách sụn chêm trong và ngoài gối phải hiện tại anh S không điều trị). Số tiền anh S chi phí trong thời gian điều trị là 12.000.000 đồng (mười hai triệu đồng).

Tại CQĐT, các bị can N, T, P và Q đã khai nhận toàn bộ sự việc như nêu trên. Ngày 16/5/2018, Trung tâm pháp y tỉnh kết luận tỷ lệ thương tích của anh S: Thương tích mặt ngoài giữa cánh tay phải, thương tích vùng ngực, vùng lưng phải và vùng bả vai phải là 9% (chín phẩn trăm). Riêng tổn thương khớp gối phải gồm: Đứt dây chằng chéo trước gối phải là vỡ rách sụn chêm trong và ngoài gối phải là 34% (Ba mươi tư phần trăm).

Trong giai đoạn điều tra, Nguyễn Thị A, Phạm Thị B và Trần Thị C (đều là người làm thuê cho S) khai số điện thoại 0123456789 là của chị Trịnh Thị H (Chị vợ của S) sử dụng đến ngày xảy ra vụ án. Ngoài ra, không có chứng cứ nào khác chứng mình chi H là người thuê Vũ Văn N thực hiện hành vi chém anh S. Do đó, không đủ cơ sở xử lý chị H. Ngày 05/12/2018, Cơ quan CSĐT có bản kết luận điều tra chuyển sang VKS cùng cấp.

Do có đơn của N gửi cho VKS khẳng định người gọi điện thoại thuê N là phụ nữ nên VKS đã yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung làm rõ. Theo kết quả điều tra bổ sung, người gọi điện từ số 0123456789 thuê N chém S là 1 phụ nữ, H và S có mâu thuẫn và H là chủ mưu trong việc này. CQĐT đã khởi tố bị can và bắt tạm giam H. Quá trình điều tra, H không nhận mình thuê N chém S, không quen biết N, không có điện thoại số 0123456789 nhưng lại khai rất ghét và có mâu thuẫn với S từ lâu.

VKSND truy tố các bị can H, N, T, P và Q về Tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 điều 134 BLHS (điểm a, l khoản 1 Điều 134). H mời anh (chị) làm luật sư bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm.

1. Anh/Chị cần trao đổi với H những nội dung gì?

Nghiên cứu hồ sơ vụ án, anh/chị thấy lời khai của S như sau: trước ngày xảy ra vụ án 1 ngày (ngày 05/5/2016), S và H có cãi nhau do mâu thuẫn cá nhân và H đe dọa S là “tao sẽ lấy cánh tay của mày”; việc này có nhiều người chứng kiến. S khẳng định chắc chắn người thuê N chém mình là H. S cũng cho rằng vì khi bị N đuổi chém, S chạy quay lại đột ngột nên tổn thương khớp gối.

2. Hãy nêu những nội dung chính trong luận cứ bảo chữa cho H tại phiên sơ thẩm.

N chấp hành xong hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật, H được tạm hoãn thi hành án. Sau khi mãn hạn tù, N liên lạc với H để xin lỗi và cho biết là lúc ở trại tạm giam, thông qua Điều tra viên, N biết H và S có mâu thuẫn trước nên mới khai đổ tội cho H để giảm nhẹ cho mình. N khắng định cuộc gọi từ số điện thoại 0123456789 là giọng của nam giới. Vì cần tiền tiêu nên N đã nhận lời chém S.

3. Anh/Chị hãy tư vấn cho H như thế nào trong trường hợp này?

ĐỀ 2:

Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ A được thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, có trụ sở tại tỉnh B, Việt Nam chuyên sản xuát đồ gỗ nội thất và ngoài trời (sau đây được gọi là “Công ty A”). Tháng 5/2017, sau quá trình chào giá trao đổi thông tin sản phẩm, duyệt mẫu, đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn đạo đức – trách nhiệm xã hội, Công ty TJX (trụ sở tại Hoa Kỳ, không có hiện diện thương mại ở Việt Nam) đã đặt mua của Công ty A 03 công ten nơ hàng bàn, ghế gỗ theo mẫu do công ty TJX thiết kế.

Loại hàng bàn, ghế gỗ này không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu và các hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép hoặc phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan. Do chưa có nhiều kinh nghiệm xuất hàng đi nước ngoài, Công ty A lấy mẫu hợp đồng mua hàng thường dùng với các đối tác trong nước để ký hợp đồng với Công ty TJX. Hợp đồng chỉ có các điều khoản sau:

– Số lượng bàn, ghế gỗ, địa điểm, phương thức, thời gian giao hàng.

– Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy cách đóng gói.

– Giá cả, đồng tiền thanh toán và tiến độ thanh toán (20% đặt cọc trong vòng 5 ngày kể từ ngày ký hợp đồng; 80% còn lại thanh toán bằng chuyển khoản trong vòng 60 ngày kể từ ngày giao đủ hàng)

– Quyền, nghĩa vụ của hai bên.

– Bồi thường hợp đồng trong trường hợp giao hàng chậm tiến độ, không đúng chất lượng đã cam kết.

– Trường hợp bất khả kháng, quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin.

– Đại diện có thẩm quyền của hai bên đã ký kết hợp đồng, Công ty TJX đặt cọc và Công ty A triển khai sản xuất đại trà theo thỏa thuận trong hợp đồng và sản phẩm mẫu đã được phê duyệt.

1. Để xuất khẩu 03 công-ten-nơ hàng bàn, ghế gỗ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Công ty A có phải xin giấy phép cho việc xuất khẩu hàng hóa hay không? Cơ sở pháp lý?

2. Điều khoản thanh toán trên có rủi ro, bất lợi gì cho Công ty A? Anh/Chị hãy đề xuất giải pháp sửa đổi để khắc phục rủi ro trước khi ký hợp đồng.

3. Giả sử anh/chị được mời tư vấn trước khi ký hợp đồng, anh/chị hãy tư vấn cho Công ty A những điều khoản khác cần bổ sung trong hợp đồng mua bán ngoại thương nói trên.

Tình tiết bổ sung: Đầu tháng 10, Công ty A sản xuất xong đơn hàng theo hợp đồng, và đưa 3 công ten nơ hàng bàn, ghế gỗ lên tàu chuyển sang Hoa Kỳ. Cuối tháng 10/2017, Công ty TJX đã nhận được đầy đủ hàng hóa. Tuy nhiên, tại thời điểm nhận hàng, nhân viên kiểm tra chất lượng Công ty TJX phát hiện một số bàn gỗ không đảm bảo chất lượng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng hai bên đã ký. Công ty TJX yêu cầu Công ty A bồi thường số bàn gỗ bị lỗi đó với số tiền là 50.000 USD và trừ vào khoản thanh toán còn lại phải trả cho Công ty A. Công ty A cho rằng, số bàn gỗ bị lỗi đó, nếu sản xuất lại và gửi lại cho công ty TJX thì tất cả chi phí cũng chỉ mất khoảng 25.000 USD. Và Công ty A cũng cân nhắc khả năng khởi kiện Công ty TJX tại Việt Nam trong trường hợp thương lượng không thành.

4. Với tư cách là luật sư tư vấn cho Công ty A, anh/chị hãy tư vấn cho Công ty A về khả năng khởi kiện Công ty TJX tại Việt Nam? Nêu rõ cơ sở pháp lý và luật áp dụng cho giải quyết tranh chấp?

 

ĐÁP ÁN ĐỀ ÔN TẬP SỐ 09

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

ĐÁP ÁN CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

1.Anh/Chị hãy xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp? Nêu căn cứ pháp lý? (1.0 điểm)

– Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. (0,25)

– Căn cứ pháp lý:

   + Điểm a Khoản 1 Điều 30 (thẩm quyền theo vụ việc); khoản 1 và 3 Điều 35 BLTTDS năm 2015 (thẩm quyền theo cấp tòa); Điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 (thẩm quyền theo lãnh thổ)          (0,5)

   + Điểm đ khoản 1 Điều 7 NQ số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định các trường hợp có yếu tố nước ngoài. (0,25)

(Phần giải thích của người ra đề – không tính điểm): Nguyên đơn – Công ty T là công ty của nước ngoài nhưng có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên không thuộc trường hợp “đương sự ở nước ngoài”, do đó việc tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp quận, huyện. Bị đơn – Công ty M có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng nên Tòa án quận Hai Bà Trưng có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này.

2. Nếu là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công ty M, Anh/Chị yêu cầu khách hàng cung cấp những tài liệu gì? (1.0 điểm)

(Mỗi ý 0.25đ)

+ Tài liệu về địa vị pháp lý của chủ thể.

+ Hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký giữa hai bên.

+ Bộ chứng từ mở L/C của người mua hàng (có thể trực tiếp mở L/C hoặc chỉ định chủ thể khác thay mặt mình mở L/C).

+ Các văn bản tài liệu hoặc thông tin trao đổi giữa hai bên (qua email, qua fax…) từ thời điểm hợp đồng được ký kết đến thời điểm gặp luật sư.

3. Anh/Chị xác định bên nào vi phạm hợp đồng? Hãy nêu căn cứ pháp lý và lập luận để làm sáng tỏ vấn đề? (1.5 điểm)

+ Xác định Công ty T vi phạm hợp đồng. (0.25)

+ Sau khi hợp đồng được ký kết, nghĩa vụ đầu tiên thuộc về người mua hàng, đó là việc phải mở L/C phù hợp với hợp đồng (thời hạn mở L/C, nội dung L/C). (0.25)

+ Chứng minh L/C của Công ty T mở không phù hợp với hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo phương thức vận tải biển nhưng trong L/C lại thể hiện là vận đơn hàng không.    (0.25)

+ Khi người mua chưa thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ mở L/C như đã cam kết trong hợp đồng thì người bán chưa phát sinh nghĩa vụ giao hàng. (0.25)

+ Việc Công ty M không giao hàng không bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng vì chưa xuất hiện nghĩa vụ giao hàng. Vấn đề mở L/C sai biệt hợp đồng như trên, nếu Công ty M giao đủ hàng cho Công ty T thì cũng không thể lấy được tiền vì Ngân hàng sẽ từ chối thanh toán khi L/C sai biệt với hợp đồng.       (0.25)

+Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 34; khoản 1,2 Điều 50 Luật thương mại 2005.  (0.25)

“Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng”. (khoản 1 Điều 34 LTM)

“Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.

 Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật” (khoản 1,2 Điều 50 LTM)

4. Anh/Chị hãy phân tích và bình luận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với vụ án này? (1,5 điểm)

+ Trong hợp đồng số 01/HĐMB hai bên đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Như vậy, việc Công ty T làm đơn khởi kiện Công ty M tại TAND thành phố Hà Nội là không phù hợp và trong trường hợp này Tòa án phải từ chối thụ lý. (0,25đ)

+ Căn cứ pháp lý:

– Điều 6, Điều 18 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. (0,25đ)

“Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được” (đ.6 LTTTM).

Các trường hợp Thoả thuận trọng tài vô hiệu (0,25đ)

  1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
  2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
  4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
  5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
  6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật. (đ.18 LTTTM)

– Điều 3, Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại. (0,25đ)

Đ.3 NQ 01/2014 giải thích các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu     

Đ.4 NQ 01/2014 giải thích các trượng hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được:   

  1. Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.
  2. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
  3. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
  4. Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
  5. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

+ Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. (0,25đ)

+ Nếu Công ty M và Công ty T không thỏa thuận lại được về tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài sẽ thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn. Vì vậy, Công ty M sau đó đã khởi kiện Công ty T tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật. (0,25 đ)

Căn cứ pháp lý: khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

“ Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn (k.5 đ.43 LTTTM)”

ĐÁP ÁN CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau)

ĐỀ 1:

1. Trao đổi với H: (1.0 điểm)

– Tình trạng quan hệ giữa H, S, N; (0.25đ)

– Quá trình sử dụng điện thoại di động, các số đã sử dụng và thời gian sử dụng cụ thể; những nội dung H đã khai tại cơ quan điều tra; (0.25đ)

– Giải thích và trao đổi làm rõ về các căn cứ buộc tội đối với H; (0.25đ)

– Yêu cầu của H trong vụ án này để thống nhất định hướng bào chữa. (0.25 đ)

2. Hướng bào chữa cho H (2.5 điểm)

– Bào chữa theo hướng H không phạm tội hoặc yêu cầu điều tra bổ sung bởi các nội dung sau: (0.5 đ)

+ Chưa có chứng cứ xác định số điện thoại 0123456789 là có thực hay không và của hãng điện thoại nào; số điện thoại này do ai sử dụng, chưa có nhận dạng giọng nói của người gọi điện thoại. (0.5 đ)

+ Chưa xác định được người đàn ông gặp N tại quán cafe đưa tiền và các thông tin về S cho N.    (0.25 đ)

+ Chưa có chứng cứ xác định người đàn ông gặp N có quan hệ với H cũng như H biết N. (0.25 đ)

+ Lời khai của A, B, C không có cơ sở, vì là những người làm thuê cho S thì khó có thể biết được số điện thoại nào gọi đến S và A, B, C cũng không chỉ ra được lý do vì sao biết được số điện thoại 0123456789 là của H nên không thể dùng làm chứng cứ buộc tội H. (0.5 đ)

+ Lời khai của N có nhiều mâu thuẫn, lúc thì khai người gọi điện thoại là đàn ông lúc lại khai là phụ nữ. Lời khai của N về người đàn ông gặp ở quán cafe cũng rất chung chung. Không nêu rõ nhân thân của người đàn ông này. Không nêu rõ nội dung trao đổi của người thuê đánh S như thế nào? Số tiền thuê? (0.25 đ)

+ Việc S khai bị H đe dọa và nói “Tao sẽ lấy cánh tay của mày” cũng không được H thừa nhận và không có căn cứ chứng minh. (0.25 đ)

3. Tư vấn cho H những nội dung sau: (1.5 điểm)

– Tư vấn cho H biết những quy định pháp luật về trình tự, thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật; (0.5 đ)

– Yêu cầu N viết tường trình về việc khai sai sự thật và xin lỗi H; hướng dẫn H thu thập các tài liệu, vật chứng chứng minh cho nội dung khiếu nại; (0.5 đ)

– Tư vấn cho H soạn thảo văn bản đề nghị xét lại vụ án theo trình tự tái thẩm. (0.5 đ)

(Trường hợp thí sinh tư vấn cho H kêu oan/ kêu cứu mà lập luận hợp lý thì được ½ tổng số điểm câu này)

ĐỀ 2:

Câu hỏi 1 (1.0 điểm)

a. Không, công ty A không phải xin phép giấy phép nào cho việc xuất khẩu sản phẩm mà chỉ làm thủ tục xuất khẩu tại Chị cục Hải quan cửa khẩu. (0.5 đ)

b. Cơ sở pháp lý: khoản 3 Điều 4 NĐ 187/2013/NĐ-CP ban hành ngày 20/11/ 2013 (vẫn còn hiệu lực- 29/3/2021-) (0.5 đ)

“Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, chỉ phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu”.

Câu hỏi 2 (1.0 điểm)

– Điều khoản thanh toán có rủi ro là bên B đã nhận hàng nhưng không thanh toán cho Bên A đứng thời hạn và không có biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán của bên B cho bên A. (0.5 đ)

– Biện pháp khắc phục: (0.5 đ)

Quy định phương thức thanh toán có biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của bên B (ví dụ, thanh toán bằng L/C không hủy ngang, có bảo lãnh ngân hàng hoặc thanh toán toàn bộ giá trị trước khi giao hàng)

Câu hỏi 3 (1.0 điểm)

Điều khoản cần bổ sung (ngoài điều khoản về biện pháp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nói trên):

– Lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng. (0.25 đ)

– Quy định về phương thức giải quyết tranh chấp. (0.25 đ)

– Các điều khoản khác: bảo hiểm hàng hóa; vấn đề thừa hàng, thiếu hàng khi giao nhận; trách nhiệm bàn giao chứng từ; bảo hành sản phẩm, kiểm định chất lượng hàng hóa (thí sinh nêu được ít nhất 2 ý thì được điểm tối đa 0.5; nếu chỉ được 1 ý thì được 0.25)   (0.5 đ)

Câu hỏi 4 (2.0 điểm)

a. Công ty A có thể khởi kiện công ty TJX tại Việt Nam mặc dù hợp đồng không thỏa thuận về luật áp dụng và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. (1.0đ)

b. Vì hợp đồng không quy định trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp nên công ty A có thể khởi kiện công ty TJX ra Tòa án Việt Nam. (0.25 đ)

Điểm đ khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 quy định: Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây: đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. (0.25 đ)

Xác định Luật áp dụng cho Hợp đồng là Luật Việt Nam vì căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 683 BLDS năm 2015 quy định: Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. (0.25 đ)

Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:

a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa; (0.25đ)

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon