Ôn thi Luật sư Môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư – Đề số 11

on-thi-luat-su-mon-ky-nang-nghe-nghiep-luat-su-de-so-11

Ôn thi Luật sư Môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư – Đề số 11 là một phần trong bộ đề ôn thi được Luật Dương Gia tổng hợp, góp phần hỗ trợ thí sinh ôn luyện hiệu quả cho môn Kỹ năng nghề nghiệp Luật sư trong kỳ thi Luật sư sắp tới. Đề thi được đánh giá cao bởi tính sát thực với cấu trúc và nội dung đề thi thực tế, giúp thí sinh củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng một cách toàn diện.

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 11

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài  : 180 phút

Ôn tập về lý thuyết :

  • Phần chung : quy định về tài sản chung, riêng của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình. Điều kiện để di chúc hợp pháp
  • Đề tự chọn 1 (hình sự) : Phân tích các dấu hiệu tội danh của tội giết người và tội cố ý gây thương tích theo quy định của BLHS
  • Đề tự chọn 2 (thương mại) : Quy định về quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa theo Luật sở hữu trí tuệ 

CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

Ông X, bà T là chủ ngôi nhà trên tổng diện tích đất 165m2 tại Quận M thành phố H. Họ có 2 con trai lớn đã lập gia đình và ở nơi khác và cô con gái út sống với họ tại đây.

Tháng 02/2017, ông X mất, bà T về ở với con trai thứ và để nhà trên cho con gái trông coi. Tháng 7/2017, anh con cả muốn chia nhà đất trên cho 3 anh em, bà T không đồng ý và nói sẽ chia đều cho 3 con chỉ sau khi bà mất.

Tháng 08/2017, con trai cả khởi kiện yêu cầu chia thừa kế phần di sản ông X để lại. Khi Tòa án nhân dân Quận M thành phố H thụ lý giải quyết việc chia thừa kế theo yêu cầu của người con cả, bà T cũng yêu cầu Tòa chia tài sản chung của vợ chồng bà đối với nhà đất trên.

1. Anh/Chị hãy xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và tư cách tham gia tố tụng của các đương sự

2. Bà T có quyền yêu cầu Tòa chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ kiện chia thừa kế này không? Vì sao?

Sau khi TAND Quận M thụ lý vụ kiện, Tòa đã triệu tập hợp lệ 02 lần nhưng con trai cả đều vắng mặt không rõ lý do. Vì vậy Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ kiện.

Sau khi vụ kiện bị đình chỉ, người con cả lại tiếp tục khởi kiện với cùng nội dung như lần khởi kiện đầu tiên. Thẩm phán đã ra Quyết định đình chỉ vụ kiện lại được phân công tiếp tục giải quyết vụ kiện.

3. Theo anh/chị việc Thẩm phán đã ra Quyết định đình chỉ vụ kiện có được tiếp tục giải quyết vụ kiện này không? Vì sao?

Người con cả xuất trình di chúc Ông X lập ngày 15/01/2017 nêu rõ ông X chia cho con cả ½ phần tài sản của ông trong khối tài sản chung với bà T. Phần còn lại ông chia đều ch bà T và 2 con còn lại. Ngoài ra di chúc nêu rõ tại thời điểm lập di chúc ông X nhờ cháu họ mình viết và ông ký tên, điểm chỉ vào di chúc.

Cháu họ khai tại Tòa toàn bộ nội dung di chúc được anh ta viết đúng với mong muốn của ông X, tại thời điểm lập di chúc không có con cả mà chỉ có ông X và anh ta.

Giám định do Tòa trưng cầu cũng kết luận chữ viết tại bản di chúc này là của người  cháu họ.

Bà T và 2 con còn lại nghi ngờ tính trung thực của bản di chúc nên yêu cầu Tòa án không chấp nhận bản di chúc và chia đều phần di sản của ông X theo pháp luật.

4. Theo anh/chị bản di chúc của ông X do nguyên đơn xuất trình có được Tòa chấp nhận không? Vì sao? Quan điểm của anh/chị về hướng giải quyết vụ kiện này?

CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau): 5,0 điểm

ĐỀ 1:

Chiều 30/5/2016, Tr. Tâm, Ng. Việt, Ng. Lâm, Ch. Hiếu và L. Huy uống rượu tại quán, bàn kế bên có C. Sang và Ng. cũng đang uống cùng nhau. Hai nhóm có lời qua tiếng lại và Sang, Rô chửi đổng nhiều lần. Hiếu, Huy đòi đánh liền nhưng Tâm và Lâm can giáng. Lâm nói không đánh trong quán để ra đường lớn đánh thì cả bọn đồng ý cùng ra ngoài chờ. Huy vào nhà kế quán lấy thanh giát giường ném ra và Hiếu cầm lấy thanh này trong khi Việt tìm được một thanh gỗ khác dài cỡ 60 – 70 cm dày 4cm. Cả bọn đến chỗ không có ánh đèn đường để chờ sẵn. Khoảng 15 phút sau thì Sang và Rô đi về, do quá say Sang không đạp xe được, Rô phải dắt mỗi tay một xe đạp đi trước, Sang thì đi bộ theo sau. Đi được một đoạn Sang ngồi bệt xuống, quay lưng ra đường. Rô dẫn xe đi qua chỗ tối thì gặp Huy, Huy dùng tay đấm vào mặt Rô, Rô vứt xe bỏ chạy ngược lại. Huy chạy theo độ 10m thì thấy Sang ngồi đó, Huy đấm vào vai và lưng Sang ba bốn cái rồi dùng chân đạp vào người làm Sang ngã nằm nghiêng, đầu quay vào lề đường, chân quay ra lòng đường. Thấy Huy đánh Sang và Rô, Tâm la lên thì Việt và Hiếu cầm cây chạy lại, Tâm chạy xe theo sau. Đến chỗ Sang nằm, Việt dùng chân đá vào người và dùng thanh gỗ đánh một cái vào vùng cổ Sang. Tâm chạy xe chở Huy rượt theo Rô, lúc này Việt không đánh Sang nữa mà cầm thanh gỗ đuổi theo Rô. Trên đường đuổi theo Rô, Việt vứt thanh gỗ đang cầm vào vệ đường. Đến cổng trường Chính trị thấy Huy đang nắm cổ áo kéo Rô ra đường quốc lộ và đánh vào người Rô, Việt cũng đạp mấy cái vào người Rô, Rô tiếp tục bỏ chạy. Trong lúc Huy, Việt đuổi theo để đánh Rô thì Tâm chờ sẵn ở cổng trường chính trị để chở Huy và Việt về. Cả bọn tiếp tục uống rượu tại quán sửa xe của Tâm.

Sang bị chấn thương chết ngay tại chỗ, Rô bị chấn thương nhẹ phần mềm ở cổ nhưng từ chối giám định thương tích.  Theo kết quả giám định pháp y thì Sang tử vong do bị tác động ngoại lực bởi vật tày có cạnh vào vùng cổ phía sau gây xuất huyết não lan tỏa.

Về tang vật trong vụ án, thu được khúc gỗ dài 61cm rộng 3.8cm dày 1cm là thanh gỗ Việt dùng đánh vào cổ Sang. Riêng đối với thanh giát giường Hiếu cầm thì cơ quan điều tra không thu được.

VKS ra Cáo trạng truy tố Tâm, Việt, Lâm, Hiếu và Huy về tội Giết người theo Điểm n, Khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân cùng cấp.

Luật sư A bào chữa cho Huy và Tâm

1. Theo anh/chị khi gặp Tâm và Huy lần đầu tiên trong trại giam, LS A sẽ trao đổi những vấn đề gì?

2. Hãy nêu dự kiến kế hoạch hỏi của LS A tại phiên tòa sơ thẩm

Sau vụ án xảy ra, gia đình các bị can đã bồi thường chi phí đám tang và cấp dưỡng nuôi bà ngoại của Sáng với số tiền là 42 triệu đồng.

3. Hãy nêu những điểm chính trong luận cứ bào chữa của LS A cho Huy và Tâm tại phiên tòa sơ thẩm.

Đề 2:

Công ty TNHH A (sau đây gọi là Cty A) thành lập năm 2014, trụ sở tại số 10 Cống Quỳnh, Q1, Tp. HCM do Ông Nguyễn X làm Giám đốc có chức năng kinh doanh mặt hàng ăn uống. Ngày 30/5/2016, Cty A ký hợp đồng thuê nhà tại  Số 14 Trần Hưng Đạo của ông Đỗ H với thời hạn 3 năm để mở Nhà hàng Phù Đổng. Nhà hàng này do 5 người góp vốn kinh doanh gồm ông Nguyễn X, Nguyễn Y, Tô Z, Đỗ T và Đỗ V (hai ông V và T là em ruột ông Đỗ H)

Ngày 31/7/2018, cty A có đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp GCN số 82102 bảo hộ nhãn hiệu “ Nhà hàng Phù Đổng” với logo gồm hình vẽ nhà hàng và người cưỡi ngựa.

Do hết hợp đồng thuê nhà và ông X không cho thuê nữa, các ông X, Y, Z đã bán phần tài sản đầu tư vào cửa hàng cho ông H với giá 280 triệu/phần x 3 phần và sau đó 3 ông X, Y, Z thuê nhà 12 Võ Thị Sáu Q1 để mở lại nhà hàng Phù Đổng.

Ngày 17/7/2019, ông Đỗ T và Đỗ V thành lập Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương với chức năng kinh doanh nhà hàng do ông V làm giám đốc và là đại diện theo pháp luật. Ngày 18/7/2019, Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương thành lập nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương tại số 14 Trần Hưng Đạo Q1 và giao ông H làm quản lý nhà hàng.

Ngày 23/11/2019, Cty A ký hợp đồng với báo SGGP thông báo chuyển địa điểm nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương từ 14 Trần Hưng Đạo về 12 Võ Thị Sáu.

Sau đó ngày 08/12/2019, ông H có ký hợp đồng với báo SGGP để đăng lời cảm ơn của nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương trong 3 ngày 9, 10, 11 tháng 12/2019 với nội dung: “Nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương số 14 Trần Hưng Đạo, Q1, Tp. HCM chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách đã dành tình cảm cho nhà hàng chúng tôi trong thời gian qua.” Đồng thời sử dụng 1 phần logo mà Cty A đã đăng ký bảo hộ là hình vẽ nhà hàng in trên góc tờ đăng tin quảng cáo.

Ngày 27/1/2020, Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương làm đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp GCN số 35309 bảo hộ nhãn hiệu chữ Phù Đổng Thiên Vương cho dịch vụ kinh doanh nhà hàng, đại lý mua bán ký gửi hàng hóa.

Đại diện Cty A nhờ VPLS giúp tư vấn và tham gia giải quyết tranh chấp sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.

1. Anh chị là luật sư được cử tư vấn, anh chị sẽ tư vấn như thế nào cho Cty A?

2. Hãy giúp Cty A chuẩn bị hồ sơ, văn bản lập luận để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa

ĐÁP ÁN ĐỀ ÔN TẬP SỐ 11

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài  : 180 phút

 CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

1/. Anh/Chị hãy xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và tư cách tham gia tố tụng của các đương sự (1.0đ)

   * Quan hệ pháp luật tranh chấp : (0,5đ)

  • Quan hệ chia thừa kế (0.25đ)
  • Quan hệ chia tài sản chung của vợ chồng (0.25đ)

* Tư cách tham gia tố tụng của đương sự: (0,5đ)

  • Con trai cả: Ngđơn/ Con gái: Bị đơn /Con trai thứ: NCQLNVL  (0.25đ)
  • Bà X: NCQLNVLQ  (0.25đ)

2/. Bà T có quyền yêu cầu Tòa chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ kiện chia thừa kế này không? Vì sao?  (1.0đ)

  • Bà T hoàn toàn có quyền đưa yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng vào giải quyết trong vụ kiện này (Khoản 2 Điều 73 BLTTDS 2015) (0.25đ)
  • Lý do (0.75đ)
  • Bà T có quyền sở hữu ½ tài sản do bà và ông X tạo lập nên bà có quyền yêu cầu trên để xác định cụ thể phần tài sản của mình (0.25đ)
  • Trong vụ kiện này bà T là NCQLNVLQ nên theo quy định của pháp luật bà có quyền đưa yêu cầu độc lập vào giải quyết luôn trong vụ án (Khoản 1 – Điều 73 BLTTDS 2015) (0.25đ)
  • Yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng của bà T có liên quan đến việc giải quyết vụ án thừa kế vì việc đưa yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng của bà T vào sẽ xác định được phần di sản của Ông X, từ đó làm cơ sở để chia thừa kế của ông X (0.25đ)

3/. Theo anh/chị việc Thẩm phán đã ra Quyết định đình chỉ vụ kiện có được tiếp tục giải quyết vụ kiện này không? Vì sao? (0,75 đ)

Trong trường hợp này, Thẩm Phán không được tham gia giải quyết vụ kiện khi đương sự khỏi kiện lại  (0.25đ)

Lý do: Theo quy định của pháp luật (Khoản 3 – Điều 53 BLTTDS 2015) đây là trường hợp Thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng vì trước đó Thẩm Phán này đã ra quyết định đình chỉ vụ kiện. (0.5đ)

4/. Theo anh/chị bản di chúc của ông X do nguyên đơn xuất trình có được Tòa chấp nhận không? Vì sao? Quan điểm của anh/chị về hướng giải quyết vụ kiện này? (2,25đ)

* Bản di chúc do nguyên đơn xuất trình không đủ điều kiện để được coi là hợp pháp và sẽ không được Tòa án chấp nhận (0.5đ)

Lý do :

– Theo quy định tại Điều 633 BLDS 2015, di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải do người lập di chúc tự tay viết và ký, trong khi đó bản di chúc này không phải do ông X tự tay viết (0.25đ)

– Theo Điều 634 BLDS 2015, di chúc của ông X có thể nhờ người khác việt nhưng muốn có hiệu lực phải có ít nhất 2 người làm chứng nhưng di chúc này không có người làm chứng nên không có hiệu lực (0.25đ)

*  Hướng giải quyết vụ kiện (1,25 đ)                                                    

– Chia tài sản chung vợ chồng theo yêu cầu của bà T để xác định phần tài sản của bà T và phần tài sản của Ông X để lại (0.25đ)

– Xác định di chúc do nguyên đơn xuất trình không có giá trị pháp lý nên phần di sản của Ông X sẽ được chia theo pháp luật (0.25đ)

– Xác định hàng và diện thừa kế của ông X để được chia phần di sản của Ông X  (0.25đ)

  • Xác định công sức của người quản lý di sản (nếu họ có yêu cầu và chứng minh được có công sức đối với khối di sản, nguyện vọng của các thừa kế (0.25đ)
  • Chia thừa kế theo pháp luật (Bà T, con cả, con gái, con trai thứ) (0.25đ)

CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau): 5,0 điểm

ĐỀ 1:

1/. Theo anh/chị khi gặp Tâm và Huy lần đầu tiên trong trại giam, LS A sẽ trao đổi những vấn đề gì? (1,5 đ)

Trao đổi với Tâm, Huy

  • Về định hướng bào chữa theo hướng chuyển tội danh từ “Giết người” sang “Cố ý gây thương tích” (0.25đ)
  • Đối với Tâm: Trao đổi về hành vi cụ thể của Tâm; xác định nhận thức của Tâm khi can Hiếu, Huy đánh Sang, Rô trong quán; xác định nội dung Tâm la lên khi thấy Huy đánh Sang, Rô; làm rõ tâm lý Tâm chở Huy, Việt về quán sửa xe; lý do Tâm không trực tiếp đánh Sang, Rô (0.5đ)
  • Đối với Huy: Xác định nhận thức của Huy khi được Tâm, Lâm can trong quán; mục đích bẻ thanh giát giường ném ra ngoài, tại sao không trực tiếp sử dụng lúc đó; hành vi cụ thể của Huy đối với Sang, Rô; tại sao không tiếp tục đánh sang mà đuổi theo Rô (0.5đ)
  • Về tình tiết giảm nhẹ, về nhân thân của Tâm, Huy (0.25đ)

2/. Hãy nêu dự kiến kế hoạch hỏi của LS A tại phiên tòa sơ thẩm (1,25 đ)

Kế hoạch hỏi của luật sư tập trung làm rõ vấn đề sau:

  • Nguyên nhân xảy ra xô xát giữa nhóm Tâm – Huy và Sang – Rô (0.25đ)
  • Ý chí chủ quan của Tâm, Huy khi tham gia vào vụ đánh Sang, Rô (0.25đ)
  • Huy vào nhà kế bên bẻ thanh giát giường ném ra ngoài để làm gì (0.25đ)
  • Xác định ý chí của Tâm la lên khi thấy Huy đánh Sang, Rô (0.25đ)
  • Nhân thân và tình tiết giãm nhẹ của Tâm, Huy (0.25đ)

Sau vụ án xảy ra, gia đình các bị can đã bồi thường chi phí đám tang và cấp dưỡng nuôi bà ngoại của Sáng với số tiền là 42 triệu đồng.

3/. Hãy nêu những điểm chính trong luận cứ bào chữa của LS A cho Huy và Tâm tại phiên tòa sơ thẩm. (2.25 điểm)

    Các điểm chính trong bài bào chữa cho Huy, Tâm

Phân tích:

  • Các bị cáo Việt, Tâm, Huy, Hiếu, Lâm chỉ có ý định đánh nhau, không có mục đích tước đoạt sinh mạng của bị hại (0.25đ)
  • Theo kết quả giám định pháp y thì Sang tử vong do bị tác động ngoại lực bởi vật tày có cạnh vào vùng cổ phía sau gây xuất huyết não lan tỏa. Đây không phải là hành vi của Tâm, Huy (0.5đ)
  • Đối với Tâm, Huy, mức độ tham gia tội phạm là hạn chế: Hành vi đánh Sang của Huy không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của Sang (0.25đ)
  • Tâm thì không tham gia trực tiếp vào việc đánh Sang (0.25đ)

Các tình tiết giảm nhẹ: (0.5đ)

  • Huy, Tâm đã khắc phục hậu quả qua việc đưa 42 triệu đồng cho gia đình bị hại (điểm b, K1, Đ46 BLHS 1999) / Huy, Tâm đã thật thà khai báo (điểm p, K1, Đ46 BLHS 1999) /Về nhân thân: Huy Tâm chưa có tiền án tiền sự (K2, Đ46 BLHS 1999)

Đề 2:

1/. Anh chị là luật sư được cử tư vấn, anh chị sẽ tư vấn như thế nào cho Cty A? (1,50 đ)

Cơ sở pháp lý: Bộ Luật TTDS, BLDS, Luật Sở hữu trí tuệ.

Những vấn đề cần tư vấn:

  • Xác định tư cách pháp lý của ông Đỗ H
  • Xác định tư cách tham gia tố tụng của các bên
  • Phạm vi, lĩnh vực vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
  • Thủ tục giải quyết tranh chấp

2/. Hãy giúp Cty A chuẩn bị hồ sơ, văn bản lập luận để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa  (3,5 đ)

a). Hồ sơ gồm (1.0 điểm)

  •  GCNĐKDN của Phù Đổng Thiên Vương
  •  Các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc nhượng vốn
  •  GCNĐKKD của “Nhà hàng Phù đổng” và của Cty A
  • GCN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (GCN số 82102)

b). Lập luận của luật sư  (2.5 điểm)

  • Ông Đỗ H không là thành viên cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương mà chỉ là người đại diện quản lý nhà hàng theo sự ủy quyền của GĐ Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương
  • Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương được thành lập do 2 sáng lập viên là ông Đỗ T. và Đỗ V. Nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương thuộc Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương đứng tên đăng ký, nộp thuế và làm nghĩa vụ với nhà nước. Nay có tranh chấp về biển hiệu cửa hàng thì Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương là người tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn của vụ kiện
  • Nguyên đơn: Cty TNHH A
  • Bị đơn: Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương có đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Đỗ H.
  • Tòa án chấp thuận 1 phần yêu cầu khởi kiện của Cty TNHH A đối với Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương do xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa ở nhóm dịch vụ nhà hàng đồ ăn thức uống đã đăng ký của Cty TNHH A.
  • Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương – cụ thể là nhà hàng số 14 Trần Hưng Đạo không được phép sử dụng nhãn hiệu hàng hóa trên biển hiệu là hình vẽ nhà hàng như logo của Cty TNHH A
  • Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương chỉ vi phạm nhãn hiệu hàng hóa ở nhóm dịch vụ nhà hàng đồ ăn thức uống nên sẽ không được phép lấy tên biển hiệu, cửa hàng ăn uống, nhà hàng là Phù Đổng Thiên Vương.
  • Cục Sở hữu công nghiệp có quyết định thu hồi GCN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã cấp cho Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương chỉ đối với nhóm dịch vụ nhà hàng, đồ ăn thức uống.
  • Đối với nhóm dịch vụ buôn bán, đại lý mua bán ký gửi hàng hóa thì Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương không vi phạm vì Cty A được cấp GCN bảo hộ chữ Nhà hàng Phù Đổng còn Cty TNHH Phù Đổng Thiên Vương lấy tên cửa hàng là Phù Đổng Thiên Vương. Hai cụm từ này khác hoàn toàn về kết cấu câu và số lượng chữ của biển hiệu nên không thể gây nhầm lẫn cho khách hàng và cũng không xâm phạm đến quyền sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký của Công ty A cũng như không gây nhầm lẫn cho khách hàng và không vi phạm các quy định của pháp luật về việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ.

Lưu ý : cần nêu các điều luật cụ thể trong mỗi đáp án

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn về “Đề số 11 Môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư”. Tuy nhiên, nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về đề thi hoặc cần tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan, đừng ngần ngại liên hệ với Luật Dương Gia để được giải đáp nhanh chóng và chính xác nhất. Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Chúc bạn ôn thi hiệu quả và tự tin chinh phục mọi thử thách trong kỳ thi Luật sư!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon