Ôn thi Luật sư Môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư – Đề số 09

on-thi-luat-su-mon-ky-nang-nghe-nghiep-luat-su-de-so-09

Đề ôn tập số 09 môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư là một tài liệu ôn tập quan trọng dành cho các thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch năng lực hành nghề luật sư. Đề thi được tổng hợp bởi Luật Dương Gia, bám sát cấu trúc và nội dung đề thi thực tế, giúp thí sinh nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để đạt kết quả cao trong kỳ thi.

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 9

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

Ôn tập về lý thuyết

  • Phần chung : Hơp đồng vô hiệu. Các trường hợp hợp đồng vô hiệu. Xử lý hợp đồng vô hiệu
  • Đề tự chọn 1 (hình sự) : Phân tích dấu hiệu tội danh của các tội xâm phạm an toàn giao thông phổ biến
  • Đề tự chọn 2 (thương mại) : Quy định về giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài. Xác định nội dung phạt , bồi thường thiệt hại , tiền lãi do chậm thanh toán trong hợp đồng thương mại

CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

Tại đơn khởi kiện ngày 3/1/2017 và bản tự khai, nguyên đơn anh Ng. Quang trình bày: anh và anh Chung quen biết nhau, thấy anh Chung cần tiền để làm ăn nên anh đã nhận chuyển nhượng đất của anh Chung. Hợp đồng chuyển nhượng được công chứng tại văn phòng công chứng AB số 1228.2013/CNQSDĐ ngày 18/11/2014 với diện tích đất 200m2 tại thửa đất số 60, tờ bản đồ số 04, tổ dân phố T, phường X, quận D, Thành phố H. Giá chuyển nhượng được ghi trong hợp đồng công chứng là 500 triệu đồng. Tháng 4/2015, anh có yêu cầu anh Chung đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để làm thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng anh Chung không đến. Anh Quang khởi kiện anh Chung đề nghị Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất xác lập ngày 18/10/2014, công chứng ngày 18/11/2014.

Tại Tòa, anh Chung trình bày, đầu năm 2014 anh có vay của anh Quang số tiền 500 triệu đồng có hợp đồng vay tiền, trong hợp đồng anh đã thế chấp cho anh Quang 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Nguyễn Đình Chung. Tháng 10 năm 2014, do không trả được nợ, anh và anh Quang đã làm giấy thanh lý hợp đồng vay tiền và xác lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm tin cho cam kết anh sẽ trả tiền cho anh Quang. Cuối năm 2014, có người đến mua đất, nhưng anh Quang gây khó khăn nên anh không bán được đất để trả tiền. Nay anh Quang yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, anh không đồng ý. Anh đề nghị Tòa án xem xét giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giao dịch vô hiệu vì che giấu giao dịch vay tài sản.

Anh Chung và anh Quang đều thừa nhận có hợp đồng vay tiền và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Anh Quang trình bày thực tế giá chuyển nhượng là 3,7 tỷ đồng, mục đích ghi giá trong hợp đồng chỉ 500 triệu đồng để nộp thuế ít hơn. Anh đã giao tiền đặt cọc cho anh Chung là 500 triệu đồng, có giấy nhận cọc ngày 14/10/2014, còn số tiền 3,2 tỷ đồng anh đã giao cho anh Chung tại nhà anh Chung nhung do sơ suất nên anh không viết giấy giao nhận tiền và cũng không có người làm chứng. Anh Chung xác nhận chữ ký trong giấy đặt cọc tiền là của anh, nhưng thực tế anh Chung không nhận của anh Quang số tiền 500 triệu đồng.

Trong giấy đặt cọc ghi: “Anh Nguyễn Đình Chung đồng ý chuyển nhượng diện tích đất 200m2 thuộc giấy chứng nhận QSDĐ số 1228.2013/CNQSDĐ. Anh Quang đã đặt cọc trước cho anh Chung số tiền là 500 triệu đồng, anh Chung đã nhận đủ số tiền trên, số tiền còn lại hẹn đến ngày 18/11/2014 sẽ trả hết số tiền để làm hợp đồng công chứng mua bán”.

Anh Chung trình bày anh ký hợp đồng chuyển nhượng chỉ để làm tin và sẽ bán đất trả tiền cho anh Quang chứ không có ý định bán đất cho anh Quang vì theo giá thị trường lúc đó phải là 5 tỷ đồng.

Hồ sơ vụ án thể hiện diện tích đất của anh Chung chuyển nhượng cho anh Quang còn có một căn nhà xây mái bằng một tầng diện tích 75m2 và công trình phụ. Nhưng khi làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, do nhà chưa đăng ký hoàn công nên trong hợp đồng chuyển nhượng đất không thể hiện có căn nhà trên. Khi anh nhận chuyển nhượng là anh nhận cả nhà và đất. Nay anh Quang chấp nhận chi phí xây dụng căn nhà anh Chung đã xây dựng trước đó là 140 triệu đồng.

Theo trình bày của công chứng viên Lê Văn Hữu, ông có công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Quang và anh Chung; hai bên đã tự thỏa thuận là đã thanh toán đủ tiền chuyển nhượng cho nhau giá 500 triệu đồng theo hợp đồng, còn việc thực tế các bên thanh toán như thế nào thì ông hoàn toàn không biết.

Theo tình tiết: “Anh Quang khởi kiện anh Chung đề nghị Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất xác lập ngày 18/11/2014. Anh Chung đề nghị tuyên giao dịch vô hiệu do giả tạo mà không yêu cầu xử lý hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu.”

Tòa án đã giải thích về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp dồng vô hiệu nhưng anh Chung vẫn giữ nguyên yêu cầu của mình. Giả sử đây là giao dịch vô hiệu.

1. Anh/Chị Tòa án có xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu không?

2. Là Luật sư của anh Chung, Anh/Chị hãy tư vấn cho anh Chung về yêu cầu và thủ tục tố tụng để Tòa án xem xét giải quyết yêu cầu của anh Chung.

3. Xác định các quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án

4. Trình bày nội dung cơ bản của bản luận cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Chung.

CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau): 5,0 điểm

ĐỀ 1:

Đỗ Văn T sinh năm 1968 có Giấy phép lái xe Hạng B2. Khoảng 19h ngày 3/11/2017, T điều khiển ô tô trên đường một chiều có dải phân cách cứng cố định giữa hai chiều đường, mặt đường trải nhựa bằng phẳng, rộng 14,4 mét, gồm có 3 làn đường, trong đó làn ngoài cùng sát dải phân cách rộng 4 mét, làn giữa rộng 3,2 mét và làn trong sát mép lề phải rộng 7,2 mét. Lúc này thời tiết khô ráo, mật độ phương tiện tham gia giao thông bình thường và hai bên có đèn cao áp chiếu sáng và không bị che khuất tầm nhìn.

Khi T điều khiển ô tô đi ở làn đường ngoài cùng (giáp giải phân cách), qua ngã tư được khoảng 7 mét thì chiếc điện thoại di động của T để bên ghế phụ có tín hiệu cuộc gọi đến. T dùng tay trái điều khiển vô lăng, tay phải với điện thoại di động để nhận cuộc gọi. Cùng lúc này có ông Trần Văn K đang điều khiển xe mô tô đi ngược chiều, chếch chéo từ lề đường bên phải ra gần đến giải phân cách cứng.

Do không chú ý quan sát tình trạng giao thông trên đường và không làm chủ tốc độ nên phần đầu và lốp xe bên trái của xe ô tô do T điều khiển đã va chạm với xe mô tô của ông K điều khiển làm ông K bị ngã xuống đường. Sau khi tai nạn, T không dừng xe ô tô tại hiện trường mà tiếp tục đi tiếp 70 mét thì dừng lại lề bên phải để quan sát, sau đó tiếp tục lái xe đi.

Ngày 4/11/2017, T dã đưa xe ô tô đến xưởng sửa chữa ô tô để sửa chữa các hư hỏng do va chạm với xe máy của ông K. Đến ngày 26/11/2017, khi bị phát hiện, T đã đem ô tô giao nộp cho CQĐT. Các dấu vết hư hỏng ở xe gồm: ba đờ sốc, dè chắn bùn lốp trước bên trái, đèn gầm xe bên trái đã được thay sửa. Tại CQĐT, T khai có nghe thấy tiến xe va chạm nhưng sau khi lái xe áp vào lề đường để nhìn lại thì không thấy gì bất thường nên mới cho xe chạy tiếp. Sau khi CQĐT mời đến làm việc (sau gần một tháng) mới biết việc mình gây tai nạn trước đó nên đã đến thăm nạn nhân tại bệnh viện nhưng gia đình nạn nhân không cho thăm vì cho rằng T trốn tránh, do bị điều tra ra mới đến. Ngày nạn nhân mất, T cũng không được vào thắp hương.

Về phần ông K, sau khi bị tai nạn, đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đến ngày 3/12/2017 thì tử vong tại nhà.

CQĐT đã thu giữ vật chứng tại hiện trường và tại xưởng sửa chữa ô tô. Ông T tự nguyện giao nộp xe ô tô, giấy phép lái xe, điện thoại di động.

CQĐT đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm các dấu vết trên các phương tiện giao thông.

Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện

  • Nơi xảy ra tai nạn thuộc đường một chiều, rộng 14,4 mét chia làm 3 làn đường theo thứ tự từ giải phân cách phía trái sang lề đường phải theo chiều hoạt động của ô tô từ 4 mét và 7,2 mét.
  • Dấu vết hiện trường: Vét cầu 2 mét (1), vết cày xước 3,7 mét (2); đầu vết (1) cách giải phân cách cứng 2,7 mét; Vết máu (3) và vị trí xe mô tô đỗ bên phải nằm ngang đầu quay hướng dải phân cách. Tất cả các dấu vết và xe mô tô đều nằm trên làn đường của ô tô tiếp giáp giải phân cách, trục trước và trục sau của xe mô tô cách lề phải 13,2 mét và 12,1 mét. Từ vết cày (1) đến trục vuông góc nơi xe mô tô đổ là 5,7 mét, không có dấu vết phanh của cả hai phương tiện.
  • Ở đầu dải phân cách có biển cấm đi ngược chiều, biển báo chỉ dẫn người đi bộ qua đường.

Kết luận giám định, về cơ chế hình thành dấu vết giữa hai phương tiện trong vụ tai nạn cho kết quả: dấu vết trượt xước mất cao su màu đen ở má lốp bánh trước bên trái xe ô tô, phù hợp với dấu vết trượt bám dính chất màu den (dạng cao su) ở mặt trước và mặt ngoài lốc máy xe mô tô. Dấu vết va chạm ở xe ô to tại vị trí này có chiều từ trước về sau, từ trên xuống dưới.

Cơ quan CSĐT quyết định trưng cầu giám định nguyên nhân cái chết của ông K nhưng gia đình nạn nhân từ chối. Tiến hành khám ngoài tử thi xác định một số dấu vết phù hợp với bệnh án điều trị tại bệnh viện. Bản kết luận giám định pháp y của Viện KHHS-BCA kết luận nguyên nhân chết của ông K là suy kiệt trên cơ thể của bệnh nhân tiểu đường tuýp II, bị đa chấn thương.

Trưng cầu giám định thiệt hại, hội đồng định giá trong TTHS xác định thiệt hại xe mô tô là 350.000 đồng, còn xe ô tô vì đã sửa chữa trước nên không định giá được. Quá trình điều tra vụ án, anh Trần Văn P là con trai của ông K, đại diện bị hại giao nộp các tài liệu liên quan đến yêu cầu bồi thường. Ông T tự nguyện nộp 150.000.000đ vào Chi cục THA dân sự để khắc phục hậu quả. Với các tình tiết trên, VKSND xác định bị cáo T vi phạm khoản 2, Điều 12, luật giao thông đường bộ 2008. VKSND truy tố Đỗ Văn T về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điểm c, khoản 2, điều 260 Bộ luật hình sự 2015

1. Là Luật sư bào chữa cho T, Anh/Chị cần trao đổi những nội dung gì với T?

2. Cho biết những việc luật sư cần làm cho đến khi tham dự phiên Tòa sơ thẩm?

3. Hãy xác định những nội dung chính để bào chữa cho T tại phiên Tòa sơ thẩm?

ĐỀ 2:

Ngày 16/5/2016, Công ty Chư Sê – Gia Lai (Bên bán) ký Hợp đồng mua bán số HT 16516: Bán và giao hàng tại kho cho Công ty Phú Nghĩa  – Tp. Hồ Chí Minh (bên mua), số lượng 50 tấn hạt tiêu với đơn gí 160.000đ/kg, tổng giá trị Hợp đồng là 8.000.000.000đ (tám tỷ đồng), chưa kể 10% VAT; Thanh toán 80% giá trị hàng trong vòng 5 ngày kể từ ngày giao nhận; 20% thanh toán trong vòng 25 ngày tiếp theo; Hàng giao làm 3 đợt, đợt 1 từ ngày 01 đến ngày 15  của tháng 6/2016 giao 10 tấn và đợt 2 từ ngày 01 đến ngày 15 của tháng 11/2016 giao 10 tấn, đợt 3 từ ngày 16 đến 30 tháng 3 năm 2017 giao 30 tấn. Hợp đồng quy định bên vi phạm phải chịu phạt tối đa theo quy định của pháp luật. Điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng quy định: “Khi có tranh chấp, nếu không thương lượng hòa giải được, các bên sẽ yêu cầu Trọng tài thương mại của Việt Nam giải quyết.”

Sau đợt giao hàng đầu tiên – 1/6/2016, hai bên (Cty Chư Sê và Cty Phú Nghĩa) đã giao nhận 10 tấn hạt tiêu, giá 160.000đ/kg, thực hiện thanh toán 80% theo hợp đồng số tiền 1.280.000.000đ. Sau đó, thị trường hạt tiêu giảm giá mạnh. Giá hạt tiêu thời điểm tháng 11/2016 là 100.000đ/kg. Giá hạt tiêu tháng 3/2017 là 80.000đ/kg.

Ngày 7/11/2016, Cty Chư Sê giao 5 tấn hạt tiêu, nhưng cty Phú Nghĩa từ chối nhận hàng, vì lý do giao chậm so với thỏa thuận, hơn nữa hạt không đều và độ ẩm cao hơn mức cho phép.

Sau đó hai bên đã nhiều lần email trao đổi với nhau nhằm giải quyết bất đồng, nhưng không đạt được thỏa thuận. Công ty Phú Nghĩa cho rằng, bên Bán đã vi phạm hợp đồng về thời gian giao hàng và chất lượng hàng hóa không bảo đảm, nên tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng; Cty Chư Sê khẳng định sẽ giao số hạt tiêu còn lại của hợp đồng và yêu cầu Bên mua nhận số hàng còn lại, thanh toán đủ như cam kết trước ngày 30/3/2017.

Để có nguồn hàng giao theo hợp đồng, từ ngày 1 đến ngày 31 của tháng 7/2016, Cty Chư Sê đã mua trữ hạt tiêu của Nông trường Kreo 40 tấn, với giá 150.000đ/kg (chưa tính 10% VAT) với đầy đủ hợp ong962. Biên bản giao nhận, phiếu xuất kho. Hóa đơn bán hàng và các chứng từ thanh toán. Do không giao dược hàng cho Cty Phú Nghĩa, ngày 28/4/2017 Cty Chư Sê đã bán 40 tấn hạt tiêu đã nhập của nông trường Kreo với giá 80.000đ/kg cho bên mua khác (đầy đủ tài liệu, chứng từ hợp pháp)

1. Trước khi hai bên ký hợp đồng, Cty Chư sê (khách hàng) yêu cầu Anh/Chị soạn thảo hợp đồng: Nêu các đầu mục điều khoản cần thiết ít nhất 10 đầu mục của hợp đồng mua bán hạt tiêu.

2. Do thương lượng không đạt kết quả, tháng 1/2018 Cty Chư Sê dự kiến khởi kiện Cty Phú Nghĩa. Anh/Chị hãy xác định cơ quan có thẩm quyển giải quyết tranh chấp trong trường hợp này, bao gồm cả cơ sở pháp lý liên quan.

3. Anh/Chị được Cty Chư Sê yêu cầu đưa ra phương án tính toán các khoản tiền có thể yêu cầu Cty Phú Nghĩa thanh toán do vi phạm hợp đồng và phân tích cơ sở pháp lý cho các yêu cầu này.

 

ĐÁP ÁN ĐỀ ÔN TẬP SỐ 10

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

ĐÁP ÁN CÂU 1: (Phần chung)

1. (1,0 điểm): Theo tình tiết: “Anh Quang khởi kiện Chung đề nghị tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất xác lập ngày 18/11/2014. Anh Chung đề nghị tuyên giao dịch vô hiệu do giả tạo mà không yêu cầu xử lý hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu”.

Tòa án đã giải thích về hậu quả pháp lý của vệc tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng anh Chung vẫn giữ nguyên yêu cầu của mình. Giả sử đây là giao dịch vô hiệu, theo Anh/Chị Tòa án có xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu không?

   – Tòa án phải giải quyết xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. (0.5đ)

   – Căn cứ:

   + Nguyên tắc cơ bản trong TTDS là tôn trọng quyền tự định đoạt và phạm vi khởi kiện trong yêu cầu của các đương sự quyết định đến phạm vi xét xử của Tòa án. (0.25 đ)

   + Nếu sau khi Tòa án giải thích cho các đương sự mà anh Quang cũng không yêu cầu giải quyết thì Tòa án không giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. (0.25 đ)

   (Theo hướng dẫn tại Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 giải đáp vấn đề nghiệp vụ của TAND tối cao “Khi giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Sau khi Tòa án đã giải thích nhưng tất cả các đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu; trừ trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.”)

2. (1,0 điểm): Là luật sư của anh Chung. Anh/Chị hãy tư vấn cho anh Chung về yêu cầu và thủ tục tố tụng để Tòa án xem xét giải quyết yêu cầu của anh Chung.

* Tư vấn cho anh Chung về yêu cầu phản tố

– Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do giả tạo che giấu giao dịch hợp đồng vay tài sản. (0.25 đ)

– Đề nghị xử lý hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu. (0.25 đ)

– Phân tích theo tình tiết đề bài và quy định tại Điều 129 “Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo”; Điều 471 “Hợp đồng vay tài sản” Điều 697 “ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” (0.25 đ)

* Tư vấn về thủ tục tố tụng để Tòa án xem xét giải quyết yêu cầu phản tố của anh Chung:

– Anh Chung phải làm đơn phản tố và tiến hành các thủ tục phản tố trong thời hạn luật định. Giải quyết theo quy định tại Điều 200 “Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn”; Điều 202 “Thủ tục yêu cầu phản tố” BLTTDS 2015. (0.25 đ)

3. (0,75 điểm): Xác định các quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án.

– Quan hệ pháp luật chính: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; (0.25 đ)

– Quan hệ pháp luật xem xét theo yêu cầu phản tố: Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo; Hợp dồng vay tài sản.  (0.25 đ)

– Phân tích theo tình tiết đề bài và quy định tại điều 129 “Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo”; Điều 471 “Hợp đồng vay tài sản” Điều 697 “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.(0.25 đ)

4. (2,25 điểm): Trình bày nội dung cơ bản của bản luận cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Chung.

Thứ nhất, Chứng minh hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do giả tạo. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công chứng, tuy nhiên, hợp đồng này che giấu một giao dịch khác là giao dịch vay tài sản. (0.25 đ)

Thể hiện:

-Về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hợp đồng không phù hợp với giá thực tế (phân tích theo tình tiết đề bài). (0.25 đ)

– Về đối tượng Hợp đồng chuyển nhượng: Trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng chưa thỏa thuận về tài sản gắn liền về quyền sử dụng đất (căn nhà xây mái bằng một tầng diện tích 75 m và công trình phụ trên đất) là chưa thể hiện đầy đủ các thông tin khác liên quan đến quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 8 Điều 698 BLDS 2005. (0.25 đ)

– Về thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng: Các bên không thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (không tiến hành làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, không thanh toán, không giao nhận đất…) (0.25đ)

– Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nêu trên là xuất phát từ hợp đồng vay nợ giữa anh Chung và anh Quang, việc chuyển nhượng QSDĐ là để thanh toán hợp đồng vay tài sản trước đó nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. (0.25 đ)

Thứ hai, Đánh giá xử lý hậu quả của qiao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.

-Theo quy định Điều 137 BLDS 2005 về hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu thì các bên phải hoàn trả lại cho nhau những tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng; thiệt hại phát sinh các bên phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ lỗi của từng bên. (0.25 đ)

– Trong trường hợp này, hợp đồng không thực hiện cho nên không hoàn trả lại tài sản.

Thứ ba, Đánh giá chứng cứ về giải quyết hợp đồng vay tài sản theo tình tiết và quy định tại Điều 474, 476 BLDS 2005. (0.25 đ)

(Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bị vô hiệu do giả tạo, giao dịch bị che giấu là hợp đồng vay tài sản vẫn có hiệu lực; anh Chung có nghĩa vụ trả nợ cho bên vay…)   (0.25 đ)

Thứ tư, Kiến nghị: Đề nghị hội đồng xét xử: Áp dụng quy định tại Điều 122, Điều 129 “Giao dịch vô hiệu da giả tạo”; Điều 137 BLDS 2005 tuyên chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. (0.25) 

ĐÁP ÁN CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau):

ĐÁP ÁN ĐỀ 1

    Câu hỏi 1 (1,0 điểm):

     – Làm rõ tốc độ của xe ô tô khi va chạm (0,25 điểm)

     – Làm rõ tình trạng tham gia giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn (0,25 điểm)

     – Làm rõ hoản cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, nguồn thu nhập (0,25 điểm)

     – Làm rõ thái độ phản ứng của gia đình bị hại; xác định thái độ của T sau khi biết hậu quả của tai nạn       (0,25điểm)

  Câu hỏi 2: (2,0 điểm)

  Những việc luật sư cần làm:

 2.1.  Thực hiện các thủ tục pháp lý để được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (hoặc đăng ký) theo đúng quy định pháp luật hiện hành (0,5 điểm)

+     Đơn/ Phiếu yêu cầu/mời luật sư bào chữa của bị cáo T gửi tổ chức hành nghề luật sư (Công ty luật/Văn phòng luật sư);

+     Bản sao hợp lệ Thẻ luật sư của Luật sư được mời.

+    Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (hoặc đăng ký bào chữa theo quy định của BLTTHS 2015) được gửi trực tiếp hoặc qua bưu diện TAND có thẩm quyền.

2.2.  Sau khi nhận được Giấy chứng nhận (hoặc đăng ký) bào chữa do TAND cấp, Luật sư tiến hành sao chụp và nghiên cứu hồ sơ vụ án tại Tòa án, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của luật sư theo quy định pháp luật (thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ bị cáo T hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của T… đưa ra tài  liệu, đồ vật yêu cầu. (0,5điểm)

2.3.  Luật sư tiếp xúc trực tiếp với T, trao đổi các vấn đề liên quan đến nội dung vụ án, thống nhất định hướng bào chữa. (0,25 điểm)

2.4.  Tư vấn cho bị cáo các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bị cáo tại tòa, về diễn biến tại tòa, cách trả lời câu hỏi thẩm vấn tại tòa, nói lời sau cùng, cách thực hiện quyền kháng cáo… (0,25điểm)

2.5.  Xây dựng luận cứ bào chữa cho T, lập kế hoạch xét hỏi. (0,25điểm)

2.6.  Tham gia tranh tụng tại tòa.  (0,25điểm).

Câu hỏi 3 (2,0 điểm): Nội dung cơ bản của luận cứ bào chữa cho T

Luật sư xác định bào chữa theo hướng giảm nhẹ: (0,5điểm)

–  Vị trí va chạm với xe mô tô có thể rơi vào điểm mù mà T không thể quan sát. (0,25điểm)

–   Hành vi dừng xe sau đó đi tiếp không phải là ý thức bỏ trốn mà do tầm nhìn  bị hạn chế  của bị cáo T tại vị trí dừng xe ô tô sau khi va chạm. (0.25điểm)

–  Phân tích nguyên nhân dẫn đến tử vong có sự góp phần của bệnh lý là ông K bị tiểu đường tuýp II. (0,25điểm)

–  Làm rõ thái độ của bị cáo tại thời điểm gây ra tai nạn cho nạn nhân không phải là vô trách nhiệm: ngay lập tức đã đến thăm hỏi nạn nhân ở bệnh viện; đã chủ động đến thắp hương cho nạn nhân ngày nạn nhân mất nhưng không được gia đình cho phép. (0,25điểm)

–  Làm rõ tình tiết giảm nhẹ: Đã chủ động khắc phục hậu quả (150 triệu đồng) trước khi xét xử (điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS); khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải (điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS).  (0,25điểm)

–  Làm rõ lỗi của nạn nhân (nạn nhân có lỗi khi đi ngược chiều); T lần đầu phạm tội (khoản 2 Điều 51 BLHS). (0,25điểm)

ĐÁP ÁN ĐỀ 2

 Câu hỏi 1 (1.5 điểm):

Hợp đồng cần có các điều khoản sau:

  • Thông tin về các bên
  • Đối tượng hợp đồng (Hàng hóa mua bán (hạt tiêu), số lượng, chủng loại, chất lượng/các chi tiêu chất lượng chính
  • Thời hạn và phương thức, địa điểm giao nhận hàng
  • Kiểm tra chất lượng
  • Đơn giá và giá trị hợp đồng
  • Phương thức thanh toán, tiến độ, thời hạn thanh toán
  • Quyền và nghĩa vụ khác của các bên
  • Vi phạm hợp đồng và xử lý vi phạm
  • Sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng
  • Luật áp dụng
  • Giải quyết tranh chấp
  • Hiệu lực, số bản của hợp đồng

Thí sinh có thể nêu tên khác cùng nội dung hoặc bổ sung điều khoản khác phù hợp với đề bài. Chấm điểm linh hoạt, mỗi 1 đầu mục điều khoản được 0,15đ, từ 10 điều khoản cần thiết trở lên cho điểm tối đa.

 Câu hỏi 2 (1.0 điểm):

Do các bên thỏa thuận trong hợp đồng là: thẩm quyền giải quyết là “Trọng tại thương mại của Việt Nam” nên không thể xác định được hình thức hay cơ quan trọng tài nào. Vì vậy, cần áp dụng quy định tại khoản 5, Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể như sau: (0,5 điểm)

“ 5. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không ghi rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tồ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”.

Do vậy công ty Chư Sê cần thỏa thuận với công ty Phú Nghĩa để thống nhất lại hình thức trọng tài (chọn 1 cơ quan trọng tài cụ thể hoặc thành lập hội đồng trọng tài vụ việc) và quy tắc xét xử trọng tài. Nếu không thỏa thuận được thì Công ty Chư Sê có quyền lựa chọn (0,5 điểm)

 Câu hỏi 3 (2,5 điểm):

Tư vấn cho công ty Chư Sê phương án tính toán các khoản tiền có thể yêu cầu công ty Phú Nghĩa thanh toán như sau:

1. Phạt vi phạm hợp đồng (theo Điều 301 luật Thương mại) gồm:

  • Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm: (0,25 điểm)

         160.000 đ * 40.000 kg =6.400.000.000 (đ)

  • Số tiền phạt: (0,25 điểm)

         6.400.000.000 (đ) * 8% =512.000.000 (đ)

2. Bồi thường thiệt hại (theo điều 302 Luật thương mại), gồm:

  • Tổn thất thực tế: 2.800.000.000 đ (0,5 điểm)

           150.000 đ/kg -80.000 đ/kg) * 40.000 kg =2.800.000.000 đ.

  • Khoản vay trực tiếp lẽ ra công ty Chư Sê được hưởng (trước thuế) (0,5điểm)

           (160.000 đ/kg – 150.000 đ/kg) * 40.000 kg = 400.000.000 (đ)

3. Số tiền giao 10 tấn hạt tiêu đợt 1 chưa được thanh toán:

  • Đã thanh toán: 1.280.000.000 đồng
  • Chưa được thanh toán (0,5 điểm)

         1.600.000.000 (đ) * 20% =320.000.000 (đ)

4. Ngoài ra yêu cầu Công ty Phú Nghĩa phải trả số tiền do chậm thanh toán (theo Điều 306 Luật Thương mại) trong thời gian từ 01/7/2016 đến ngày tòa án mở phiên tòa xét xử theo phương thức:

Lấy số tiền chậm thanh toán x lãi suốt nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (theo điều 306 Luật Thương mại) x số tháng chậm thanh toán (0,5 điểm)

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon