Xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh hiện hành

xu-ly-hanh-vi-canh-tranh-khong-lanh-manh-theo-phap-luat-canh-tranh-hien-hanh

Trong kinh doanh tồn tại cạnh tranh là điều tất yếu, tuy nhiên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều doanh nghiệp. Vậy, thế nào là cạnh tranh không lành mạnh và chế tài xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh hiện hành như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn đi tìm câu trả lời.

Căn cứ pháp lý

  • Luật cạnh tranh 2018

1. Hậu quả pháp lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hậu quả pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định dưới hình thức chế tài. Tuy nhiên, khác với các hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xác định là những vi phạm hành chính và chỉ là những hành vi vi phạm hành chính mà không phải là tội phạm. Do đó, các chế tài được áp dụng cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các chế tài hành chính và được quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP (điểm d khoản 2 Điều 1) trên cơ sở chi tiết hóa Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018. Ngoài ra, nếu hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì chủ thể thực hiện hành vi phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

1.1. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh nói chung và đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh không lành mạnh nói riêng, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về cạnh tranh không lành mạnh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng;

– Tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm;

– Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;

– Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương.

Tuy nhiên, đây chỉ là các hình thức xử phạt bổ sung được liệt kê chung cho tất cả các vi phạm hành chính về cạnh tranh. Riêng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương là hình thức xử phạt bổ sung không được áp dụng. Bên cạnh đó, tùy vào từng hành vi cụ thể mà các hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 sẽ được áp dụng đồng thời hai hoặc tất cả căn cứ vào quy định cụ thể đối với từng hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Mục 4 Chương II Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

Khi áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền, cần lưu ý mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng (khoản 5 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là mức phạt tiền tối đa được áp dụng đối với tất cả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và trong tất cả mọi trường hợp. Còn mức phạt tiền tối đa đối với từng hành vi cạnh tranh không lành mạnh và trong từng trường hợp cụ thể lại có sự khác biệt giữa các hành vi với nhau. Theo đó, căn cứ vào Mục 4 Chương II Nghị định 75/2019/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa của một số hành vi hoặc đối với một hành vi nhưng trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định có thể thấp hơn 2.000.000.000. Nghị định 75/2019/NĐ-CP cũng có sự phân biệt trong việc quy định mức tiền phạt tối đa được áp dụng cho tổ chức và cá nhân vi phạm. Theo khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa quy định tại Chương II Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

Ngoài ra, theo khoản 8 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.

1.2. Biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định chung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 75/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, đối với các hành vi cạnh tranh không mành mạnh nói riêng, chỉ có Buộc cải chính công khaiLoại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm là những biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng và cũng chỉ được áp dụng cho hai hành vi, đó là hành vi Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khácHành vi lôi kéo khách hàng bất chính được quy định tương ứng tại Điều 18 và Điều 20 Mục 4 Chương II Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

– Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Được áp dụng tương tự như các hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế.

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh không lành mạnh

Căn cứ vào Điều 26 Mục 1 Chương III, Nghị định 75/2019/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh không lành mạnh thuộc về Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, theo đó:

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có các thẩm quyền sau đây:

– Phạt cảnh cáo;

– Phạt tiền;

– Áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 3 Nghị định này;

– Áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, e, h, i và k khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Điều 26 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chung cho cả hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi tập trung kinh tế bị cấm.

Vấn đề thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thủ tục thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thi hành về cạnh tranh không lành mạnh sẽ được trình bày trong nội dung về Tố tụng cạnh tranh.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon