Lẽ công bằng là gì? Lý do áp dụng lẽ công bằng

le-cong-bang-la-gi-ly-do-ap-dung-le-cong-bang

Giải quyết những tranh chấp dân sự phát sinh trong xã hội luôn luôn là những đòi hỏi của đời sống xã hội, do vậy những tranh chấp phức tạp mà không có quy phạm pháp luật để áp dụng, không có tập quán, không có luật để áp dụng tương tự, không có án lệ thì việc áp dụng nguyên tắc chung của luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng. Có những tranh chấp chỉ có thể áp dụng lẽ công bằng mới giải quyết được. Áp dụng lẽ công bằng là một việc phức tạp, nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp phát sinh theo nguyên tắc không thể viện cớ chưa có luật thì không giải quyết.

1. Lẽ công bằng là gì?

Về lẽ công bằng, cho đến nay không có một định nghĩa hay khái niệm nào trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam, mà danh từ lẽ công bằng chỉ được sử dụng như một hình thức của một quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Trong Từ điển tiếng Việt, chỉ giải nghĩa từ “lẽ phải”“điều được coi là phải, là hợp đạo lý” mà không có mục từ “lẽ công bằng” được giải nghĩa.

Xét về ngữ nghĩa, lẽ công bằng không những bảo đảm được hao vai trò là lẽ phải và hợp đạo lý. Về lẽ phải là căn cứ vào các nguyên tắc chung của pháp luật, giải quyết những tranh chấp bằng việc áp dụng các quy định của pháp luật; còn về đạo lý, xét về ngữ nghĩa được hiểu rộng hơn lẽ phải. Theo Từ điển tiếng Việt, mục từ “Đạo lí’ được giải nghĩa là “cái lẽ hợp với khuôn phép, đạo đức ở đời”.

Về lẽ công bằng, Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, vó hiệu lực ngày 23/3/1976; Việt Nam là thành viên của Công ước này từ ngày 24/9/1982, có quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước Toà án và cơ quan tài phán. Mọi người có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự…” .

Lẽ công bằng được quy định tại đoạn cuối khoản 3 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.

Với những quy định trên, về lẽ công bằng có hàm chứa các yếu tố về pháp luật, xã hội, đạo đức, đạo lý có trong một quốc gia và được xem như một chuẩn mực trong quan hệ xã hội mà mọi người thừa nhận.

Vậy lẽ công bằng được hiểu là chuẩn mực của lẽ phải được thừa nhận trong xã hội bởi tính hợp lý, hợp tình dựa trên nguyên tắc nhân đạo không bị các yếu tố ngoại cảnh tác động bảo đảm được nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự phù hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian trong vụ việc dân sự được xác định.

2. Khái niệm áp dụng lẽ công bằng

Tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định “trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Theo quy định này, thì việc áp dụng là công bằng là phương thức áp dụng cuối cùng khi không có các điều kiện áp dụng tập quán, không có quy phạm để áp dụng tương tự pháp luật, không có án lệ thì áp dụng lẽ  công bằng để giải quyết vụ việc dân sự.

Căn cứ vào các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự  năm 2015, thì Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự, trong đó có việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự có tranh chấp. Điều 367 (Những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự); Điều 368 (Quyết định việc thay đổi người tiến hành tố tụng khi giải quyết việc dân sự); Điều 369 (Thủ tục tiến hành phoeen họp giải quyết vụ việc dân sự); Điều 370 (Quyết định giải quyết vụ việc dân sự); Điều 371 (Kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự)…

Các nguyên tắc tố tụng dân sự được bảo đảm thực hiện trong phiên họp áp dụng lẽ công bằng để giải quyết việc dâm sự theo các nguyên tắc:

+ Bảo đảm tính công khai, minh bạch. Các chứng cứ phải được xem xét, thẩm tra công khại tại phiên họp;

+ Quyết định giải quyết vụ việc dân sự do áp dụng lẽ công bằng là văn bản pháp lý quan trọng, kết thúc một giai đoạn giải quyết sơ thẩm việc dân sự;

+ Đương sự trong vụ việc dân sự được giải quyết do áp dụng lẽ công bằng có quyền kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự.

+ Thời hạn kháng cáo trong hạn 10 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định;

+ Thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp là 10 ngày, Viện Kiểm sát cấp trên có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định (Điều 372 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Vì vậy, có thể định nghĩa áp dụng lẽ công bằng để giải quyết các tranh chấp dân sự: Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong trường hợp xem xét, giải quyết tranh chấp thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự mà các bên trong quan hệ không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định hoặc có quy định nhưng quy định hiện có không thể điều chỉnh hết quan hệ đang được xem xét, giải quyết mà không có tập quán được áp dụng, không có quy định để áp dụng tương tự về luật và không có án lệ để áp dụng thì áp dụng lẽ công bằng. Lẽ công bằng là phương thức thuộc phạm trù pháp lý, là chuẩn mực pháp lý nếu được áp dụng sẽ giải quyết kịp thời những tranh chấp dân sự đã phát sinh phù hợp với đạo lý và bảo đảm cho các quyền và nghĩa vụ dân sự hợp pháp của các bên chủ thể được xác định. Hệ quả của việc áp dụng lẽ công bằng làm bình ổn quan hệ dân sự, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và mối đoàn kết trong nhân dân, củng cố niềm tin của người dân đối tòa án áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp.

3. Lý do áp dụng lẽ công bằng

Quan hệ pháp luật dân sự là quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân phát sinh khách quan trong xã hội có tư hữu, có nhà nước và có pháp luật. Vì quan hệ dân sự phát sinh theo nhu cầu của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.

Bộ Luật dân sự năm 2015 được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ về tài sản và nhân thân phát sinh trong xã hội. Pháp luật được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo một trật tự nhất định và thống nhất, thể hiện rõ bản chất của một nhà nước trong từng thời kỳ. Pháp luật phát sinh từ các quan hê xã hội, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhưng không theo kịp các quan hệ xã hội ngày một phát sinh đa dạng, phong phú và phức tạp. Vì vậy, có những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, cần giải quyết nhưng không có quy định pháp luật để áp dụng.

Vì vậy, như một dự liệu của giải pháp nhằm điều chỉnh kịp thời các tranh chấp dân sự phát sinh mà chưa có luật để áp dụng, không có tập quán để giải quyết, thì cần phải có một cơ chế như một giải pháp để giải quyết. Một giải pháp cho vấn đề này là quy định tại Điều 6 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Điều 6 BLDS quy định: “1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tâp quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến quy định áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự, mà không phân tích áp dụng các quy định khác.

4. Mối liên hệ giữa lẽ công bằng và tập quán

Tập quán pháp được hiểu là môt hệ thống các qui tắc xử sự đựa trên cơ sở của các tập quán có những nội dung phù hợp với đời sống xã hội, không trái đạo đức xã hội và được nhà nước thừa nhận và tập quán pháp được áp dụng nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Với nguồn gốc hình thành, thì tập quán pháp là một hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất và được sử dụng phổ biến trong nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến và hiện nay nhà nước tư sản theo hệ thống luật án lệ như Anh, Mỹ. 

Trong quan hệ xã hội tại một cộng đồng, thì tập quán hình thành, tồn tại và được áp dụng trong việc đánh giá và giải quyết những tranh chấp giữa các chủ thể liên quan đến quan hệ tài sản, lưu thông tài sản và sinh hoạt trong cộng đồng. Tập quán pháp là những chuẩn mực xử sự trong cộng đồng được hình thành tạo thành hệ thống các qui tắc mà hạt nhân của nó là các tập quán được nhà nước thừa nhận để nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, tập quán pháp được xem là hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất và được sử dụng nhiều trong nhà nước có chế độ chủ nô. Như một sự kế thừa lịch sử, tập quán pháp cũng được lưu truyền và tồn tại trong nhà nước thời kỳ phong kiến, nhà nước tư sản theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ. 

Việc áp dụng tập quán hay áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp vẫn tuân theo một nguyên tắc truyền thống thuộc thẩm quyền của toà án. Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp được xem như một giải pháp tình huống nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp để giữ sự ổn định trong giao lưu dân sự, đồng thời là cơ sở để cơ quan lập pháp có căn cứ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với những quan hệ xã hội đang tồn tại trên thực tế. Hay nói cách khác, do pháp luật còn có những “lỗ hổng” chưa điều chỉnh hết được các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực dân sự, do trình độ lập pháp và do các nhà lập pháp chưa dự liệu hết được các quan hệ dân sự sẽ phát sinh cho nên việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp là thật sự cần thiết; nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp để giữ được mối đoàn kết trong nhân dân, giữ được sự ổn định trong giao lưu dân sự. 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon