Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý gồm hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương, giao dịch dân sự nhằm hướng tới phát sinh các hậu quả pháp lý nhất định. Vậy hình thức và mục đích của giao dịch dân sự là gì? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
1. Giao dịch dân sự là gì?
Căn cứ theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Điều 116. Giao dịch dân sự
“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Theo đó, giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý bao gồm hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương. Việc các chủ thể xác lập hợp đồng nhằm hướng tới làm phát sinh các hậu quả pháp lý nhất định.
– Hợp đồng là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của hai hay nhiều chủ thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản… Trong số các loại giao dịch dân sự, hợp đồng là loại giao dịch phổ biến nhất.
Ví dụ: Hai bên chủ thể xác lập hợp đồng thuê nhà ở thì bên cho thuê có quyền thu tiền thuê nhà, có nghĩa vụ giao nhà cho bên thuê sử dụng. Còn bên thuê có quyền sử dụng căn nhà, có nghĩa vụ trả tiền thuê theo thỏa thuận.
– Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch chỉ thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ như lập di chúc, hứa thưởng, thi có giải…
2. Hình thức của giao dịch dân sự
Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch dân sự. Thông qua phương tiện này bên đối tác cũng như người thứ ba có thể biết được nội dung của giao dịch dân sự đã xác lập. Hình thức của giao dịch dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng dân sự. Nó là chứng cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên, qua đó xác định trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm xảy ra.
Căn cứ theo Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau:
Hình thức của giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó hình thức bằng văn bản được cho là hình thức có nhiều những quy định phức tạp liên quan đến hiệu lực của giao dịch dân sự đó trên thực tế.
2.1. Giao dịch dân sự thể hiện bằng lời nói
Là giao dịch được giao kết dưới hình thức ngôn ngữ nói. Các bên giao kết sẽ trao đổi các nội dung thỏa thuận với nhau bằng lời nói trực tiếp hoặc thông qua âm thanh trên điện thoại, điện đàm, thông điệp điện tử…
Hình thức bằng lời nói thường được áp dụng đối với các giao dịch được thực hiện ngay và chấm dứt ngay sau đó (mua bán trao tay) hoặc giữa các chủ thể có quan hệ mật thiết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng cũng có những trường hợp giao dịch DS bằng lời nói phải đảm bảo tuân thủ những điều kiện luật định mới có giá trị như điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng,…
Ví dụ: Bé My mua bánh mì tại cửa hàng của chị N, giữa hai người thỏa thuận với nhau về giá cả bánh mì và số lượng mua. Bé My đồng ý mua và trả tiền cho chị N, chị N có nghĩa vụ giao đủ số bánh mì đã thoả thuận cho bé My. Như vậy, việc thỏa thuận giá cả, số lượng giữa bé My và chị N là giao dịch dân sự bằng lời nói trực tiếp.
2.2. Giao dịch dân sự thể hiện bằng văn bản
Là giao dịch dân sự mà hai bên thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của hai bên được thể hiện bằng văn bản và các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như email, fax,…
Văn bản thông thường
Văn bản thường được áp dụng trong trường hợp các bên tham gia giao dịch DS thỏa thuận hoặc pháp luật quy định giao dịch DS phải được thể hiện bằng hình thức văn bản. Hình thức này có tính xác thực cao hơn và rõ ràng hơn so với trường hợp giao dịch được thể hiện bằng lời nói.
Văn bản có công chứng, chứng thực
Văn bản có công chứng, chứng thực được áp dụng trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch DS buộc phải được thành lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc do các bên có thỏa thuận phải có chứng nhận, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép thì các bên phải tuân thủ hình thức, thủ tục đó.
2.3. Giao dịch dân sự thể hiện bằng hành vi cụ thể
Là giao dịch dân sự mà hai bên không có thỏa thuận bằng văn bản cũng như thỏa thuận bằng lời nói. Việc giao kết giao dịch dân sự này được minh chứng bằng các hành vi cụ thể như bên bán tiến hành giao hàng hoặc bên mua tiến hành trả tiền.
2.4. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì: “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.”
Thông điệp dữ hiệu có thể được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.
Theo quy định tại Điều 12 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì: “Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.”
– Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Ví dụ: Theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122”.
3. Mục đích của giao dịch dân sự
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó (Điều 118 BLDS 2015). Mục đích của giao dịch dân sự chính là hậu quả pháp lí sẽ phát sinh từ giao dịch mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch. Nói cách khác, mục đích ở đây luôn mang tính pháp lí (mục đích pháp lí). Mục đích pháp lí (mong muốn) đó sẽ trở thành hiện thực, nếu như các bên trong giao dịch thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
- Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán thì mục đích pháp lí của bên mua là sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản được mua bán, bên bán sẽ nhận tiền và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua. Mục đích pháp lí đó sẽ trở thành hiện thực khi hợp đồng mua bán tuân thủ mọi quy định của pháp luật – bên bán thực hiện xong nghĩa vụ bàn giao tài sản mua bán và bên mua thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán, khi đó hậu quả pháp lí phát sinh từ giao dịch trùng với mong muốn ban đầu của các bên.
Cũng có những trường hợp hậu quả pháp lí phát sinh không phù hợp với mong muốn ban đầu. Điều đó có thể xảy ra do một trong hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là khi giao dịch đó là bất hợp pháp.
- Ví dụ: Khi người mua đã mua phải đồ trộm cắp thì không được xác lập quyền sở hữu mà có nghĩa vụ phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu tài sản đó (người bán không phải là chủ sở hữu tài sản thì không thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó cho người mua). Nguyên nhân thứ hai là do chính các bên không tuân thủ nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch có hiệu lực. Ví dụ: Sau khi xác lập giao dịch, bên bán không thực hiện nghĩa vụ bàn giao vật cho nên họ phải chịu trách nhiệm dân sự.
Mục đích pháp lí của giao dịch khác với động cơ xác lập giao dịch. Động cơ xác lập giao dịch dân sự là nguyên nhân thúc đẩy các bên tham gia giao dịch. Động cơ của giao dịch không mang tính pháp lí. Khi xác lập giao dịch, nếu như động cơ không đạt được thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch. Mục đích luôn luôn được xác định còn động cơ có thể được xác định hoặc không.
- Ví dụ: Mua bán nhà ở – mục đích của người mua là quyền sở hữu nhà, còn động cơ có thể để ở, có thể để cho thuê, có thể bán lại… Tuy nhiên, động cơ của giao dịch có thể được các bên thoả thuận và mang ý nghĩa pháp lí. Trong trường hợp này động cơ đã trở thành điều khoản của giao dịch, là một bộ phận cấu thành của giao dịch đó (như cho vay tiền để sản xuất – mục đích của người vay là quyền sở hữu số tiền nhưng họ chỉ được dùng tiền đó để sản xuất mà không được sử dụng vào hoạt động khác).
Giao dịch dân sự là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự; là phương tiện pháp lí quan trọng nhất trong giao lưu dân sự, trong việc dịch chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội. Trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, thông qua giao dịch dân sự (hợp đồng) các chủ thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu khác trong đời sống hàng ngày của mình.
Trên đây là toàn bộ các quy định của pháp luật về hình thức và mục đích của giao dịch dân sự. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc xin vui lòng liên hệ đến chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.