Chế định giám hộ được ghi nhận trong Bộ luật dân sự năm 2015 là một chế định pháp luật mang tính nhân văn cao, tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ cho những đối tượng yếu thế trong xã hội gồm người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Đây là nhóm đối tượng mà nếu bằng chính khả năng của mình, họ khó có thể chăm sóc bản thân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất. Chính vì thế, việc xác lập quan hệ giám hộ với mục tiêu bảo vệ được quyền, lợi ích họp pháp và chăm sóc tốt nhất cho những nhóm cá nhân này. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích cụ thể hơn về nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015.
1. Giám hộ là gì?
Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Điều 46. Giám hộ
“Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).”
Từ quy định của Bộ luật Dân sự có thể hiểu giám hộ là quan hệ pháp luật được xác lập giữa người được giám hộ và người giám hộ theo quy định của pháp luật, do Ủy ban nhân dân cấp xã cử, do Tòa án chỉ định hoặc theo lựa chọn của người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Mục đích của việc giám hộ nhằm đảm bảo cho những người thuộc đối tượng được giám hộ được chăm sóc, giáo dục và được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.
Thuật ngữ giám hộ trong tiếng Anh là “Guardian”.
2. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ
Người được giám hộ có thể là người chưa đủ 15 tuổi, có thể là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, có thể là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Các đối tượng được giám hộ khác nhau về độ tuổi, sự phát triển về thể lực, trí lực cũng như khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình nên nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ trong từng trường hợp khác nhau là khác nhau với mục đích chung nhất là bảo vệ quyền và lợi ích cho người giám hộ.
Tại Điều 55, Điều 56, Điều 57 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định rõ mức độ khác nhau về nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ:
2.1 Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ 15 tuổi
Việc quy định nghĩa vụ của người giám hộ cho người chưa đủ 15 tuổi xuất phát từ đặc thù sau đây:
– Thứ nhất, người chưa đủ 15 tuổi là người chưa thành niên, là người không có năng lực, hoặc có năng lực hành vi dân sự rất hạn chế. Cụ thể, người chưa đủ 6 tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự, không được phép thực hiện các giao dịch của họ do người đại diện xác lập và thực hiện. Người từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi có năng lực hành vi dân sự rất hạn chế, họ chỉ được thực hiện một số giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi;
– Thứ hai, ở độ tuổi này, theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng như Luật trẻ em năm 2016 đều quy định họ là trẻ em; nhà trường, gia đình, xã hội và công dân đều có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc và giáo dục trẻ em thành công dân có ích cho xã hội sau này.
Xuất phát từ nguyên nhân trên, người giám hộ của người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi có các nghĩa vụ sau đây:
– Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ:
Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ chưa thành niên là nghĩa vụ quan trọng của người được giám hộ. Người giám hộ có nghĩa vụ chăm lo việc học tập và giáo dục để người chưa thành niên phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức để trở thành công dân có ích cho xã hội. Những người thân thích của người được giám hộ có nghĩa vụ giúp đỡ người giám hộ thực hiện việc giám hộ.
– Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự:
Người giám hộ có nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự về lợi ích cho người đó. Trong trường hợp người giám hộ thực hiện quyền đại diện vượt quá thẩm quyền đại diện của mình mà gây thiệt hại cho người được giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về việc vượt quá thẩm quyền đại diện đó.
– Quản lý tài sản của người được giám hộ
Nghĩa vụ này được quy định cụ thể hơn tại Điều 59 của Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó, trong trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng thì khi thực hiện việc giám hộ, người giám hộ phải quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình. Điều đó có nghĩa là, người giám hộ phải giữ gìn, bảo quản cẩn trọng và chu đáo tài sản của người được giám hộ. Đối với tài sản có khả năng sinh lợi thì người giám hộ phải tận dụng, phát triển khả năng đó để làm tăng giá trị của tài sản (Ví dụ, tài sản là tiền thì gửi tiết kiệm để lấy lãi, tài sản là nhà xưởng, máy móc thì phải tu dưỡng, bảo quản, sửa chữa khi hỏng…).
Khoản 1 Điều 59 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Việc sử dụng, định đoạt tài sản của người được giám hộ chỉ được thực hiện vì lợi ích của người đó. Vì vậy, người giám hộ khi sử dụng, định đoạt tài sản của người được giám hộ mà gây thiệt hại cho người được giám hộ thì phải bồi thường. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ… tài sản và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Quy định này có ý nghĩa phòng ngừa nhằm bảo toàn tài sản của người được giám hộ. Việc vi phạm quy định này sẽ làm giao dịch dân sự trở nên vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ:
Người được giám hộ cũng được pháp luật quy định cho các quyền về nhân thân và tài sản: quyền được chăm sóc, giáo dục, quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền được cấp dưỡng… Tuy nhiên, người được giám hộ lại không thể tự mình bảo vệ được các quyền năng đó, do vậy, người được giám hộ phải có nghĩa vụ bảo vệ các quyền và lợi ích đó cho người được giám hộ.
Khi những quyền và lợi ích trên của người được giám hộ bị xâm hại thì người giám hộ có nghĩa vụ thực hiện các hành vi mà pháp luật cho phép nhằm khôi phục lại các quyền và lợi ích đó. Ví dụ, yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại, hoàn trả lại tài sản đã xâm phạm… Khi tham gia khiếu kiện người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ.
2.2. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi
Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi cũng được thực hiện tương tự như trường hợp đối với người chưa đủ 15 tuổi trừ nghĩa vụ chăm sóc giáo dục người được giám hộ, cụ thể:
– Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; quản lý tài sản của người được giám hộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Tuy nhiên, đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động sản xuất và có thu nhập, hoặc có thu nhập hợp pháp từ các nguồn hợp pháp khác đủ để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ thì người đó có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự mà pháp luật cho phép thực hiện.
– Quản lý tài sản của người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Bảo vệ quyền , lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
2.3. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:
– Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ. Đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt giữa giám hộ và đại diện;
– Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự. Mọi giao dịch dân sự có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ đều do người giám hộ thực hiện với tư cách là người đại diện theo pháp luật;
– Quản lý tài sản của người được giám hộ;
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Như vậy, nghĩa vụ giám hộ của người giám hộ trong trường hợp người được giám hộ là người chưa đủ 15 tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thưc, làm chủ hành vi nặng nề hơn so với nghĩa vụ giám hộ trong trường hợp người được giám hộ là người từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Việc giám hộ cho người được giám hộ là người từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi chỉ đóng vai trò trợ giúp cho người được giám hộ khi tham gia các giao dịch và bảo vệ quyền lợi của họ trong một số giao dịch pháp lý có liên quan đến người được giám hộ mà pháp luật quy định phải do người giám hộ thay mặt thực hiện.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.