Được sáng tạo ra tại Nhật Bản từ năm 70 của của Thế Kỷ XX, karaoke – một hình thức giải trí mà người sử dụng hát lại lời bài hát trên nền nhạc đã được thu sẵn – đã trở thành hoạt động giải trí phổ biến ở khắp nơi trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Nhìn vào mật độ và quy mô của các quán karaoke được xây dựng khắp nơi tại Việt Nam tăng dần qua từng năm có thể thấy được hoạt động giải trí này được yêu thích và mang lại lợi nhuận cao thế nào.
Tuy nhiên, song song với sự phổ biến ấy sẽ có rất nhiều vấn để pháp lý phức tạp xoay quanh, cùng Luật Dương gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
– Nghị định 54/2019/NĐ-CP
– Nghị định 22/2018/NĐ-CP
– Nghị định 131/2013/NĐ-CP
1. Dịch vụ Karaoke là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 54/2019/NĐ-CP:
Dịch vụ karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định của Nghị định này.
Bên cạnh đó, hiện tại cũng có rất nhiều người lựa chọn hình thức hát qua điện thoại và loa kết nối qua bluetooth hay còn gọi là loa “kẹo kéo”. Tuy nhiên, đây thường là hình thức các cá nhân, nhóm cá nhân tự sử dụng tại nhà, không thuộc trường hợp cung cấp dịch vụ karaoke.
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ Karaoke
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke bao gồm:
– Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
– Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ.
– Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
Ngoài ra, phải tuân thủ những nguyên tắc khác theo quy định tại Điều 3 Nghị định này, cụ thể: Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau khi được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và phải đảm bảo được quy định của các luật khác có liên quan; Bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cũng như không lợi dụng hoạt động kinh doanh làm phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác
3. Kinh doanh Karaoke có vi phạm bản quyền không?
Mặc dù, Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định rất cụ thể về các điều kiện, hình thức thủ tục cũng như các vấn đề có liên quan nhưng lại không hề đề cập đến việc thanh toán tiền nhuận bút, thù lao khi sử dụng bản ghi âm/ ghi hình tác phẩm
Về bản chất, đối tượng kinh doanh của dịch vụ karaoke là bản ghi âm/ ghi hình một cuộc biểu diễn của các tác phẩm âm nhạc (thường là có lời bài hát) – tất cả đều là những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam nên căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật này thì:
“Điều 26. Giới hạn quyền tác giả
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
b) Trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định chi tiết các hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm này. “
Theo đó, việc sử dụng các bản ghi trong kinh doanh karaoke thuộc trường hợp sử dụng tác phẩm, bản ghi âm/ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại tuy không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.
Điều này nghĩa là các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này sẽ không bị đánh bản quyền nhưng phải thanh toán các chi phí theo quy định pháp luật cho những cơ quan có thẩm quyền quản lý các mặt hàng trên. Thế nhưng trên thực tế, vì không có những quy định cụ thể nên trong hoạt động kinh doanh karaoke, những chủ thể kinh doanh đều không để tâm đến vấn đề này.
4. Quy định pháp luật về bản quyền đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke
4.1 Quy định pháp luật về bản quyền
Căn cứ quy định Khoản 2 Điều 43 Nghị Định 22/2018/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định tại khoản 1 Điều 26, khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc khai thác, sử dụng. Trường hợp không liên lạc trực tiếp được với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thì tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.”
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 45 Nghị Định 22/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể hơn về trường hợp khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình: “Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.”
Theo đó, chủ thể kinh doanh dịch vụ karaoke phải liên hệ trực tiếp với chủ sở hữu tác phẩm bản ghi hình hoặc liên hệ với cơ quan quản lý tác phẩm bản ghi hình đó để được phép khai thác sử dụng, nếu trường hợp không thể liên lạc thì phải thanh toán tiền, quyền lợi vật chất theo biểu giá và phương thức của Cơ quan có thẩm quyền ban hành.
4.2. Quy định về mức thu phí bản quyền
Trước đây, việc thu tiền bản quyền tính dựa trên số lượng bài hát được thu sẵn trên các đầu máy. Hiện nay, đa số các cở sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều cho hát nhạc trên mạng, Youtube, trên app hoặc hệ thống riêng và còn rất ít phòng hát còn sử dụng đầu số thu hệ thống các bài hát đưa vào các đầu số trong karaoke vì không còn phù hợp với sự phát triển của loại hình kinh doanh này nữa. Vì thế, tất cả quy định của pháp luật đang được thay đổi và trở thành hành lang pháp lý vững chắc, đồng thời làm cầu nối giữa các cá nhân, tổ chức có quyền với những bên khai thác sử dụng thực thi trên thực tiễn.
Tại Phụ lục II Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã có điểm mới về quy định biểu mức, biểu phí cụ thể tại các khách sạn, nhà hàng, quán karaoke,…biểu mức tiền bản quyền áp dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả và áp dụng tương tự cho chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình được sử dụng loại bỏ phương thức thu tiền bản quyền cũ với công thức tính như sau:
Số tiền bản quyền chi trả (tính theo năm) = Mức lương cơ sở x Hệ số điều chỉnh
Trong đó:
– Mức lương cơ sở được tính theo tháng.
– Hệ số điều chỉnh được quy định tại Mục 5 Phụ lục II Nghị định 17/2023/NĐ-CP
4.3 Quy định pháp luật về mức xử phạt hành chính
Hành vi vi phạm việc thanh toán nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật nếu chủ thể quyền có yêu cầu.
Theo Khoản 3 Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì: “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đến 25.000.000 đồng.”
Khi đó, bên vi phạm sẽ phải chịu các chế tài dân sự bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hành chính. Mức bồi thường dân sự thường sẽ được quyết định dựa trên thiệt hại thực tế phát sinh mà chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chứng minh được và sẽ tùy vào từng vụ vi phạm cụ thể. Về mức phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có thể lên đến 25.000.000 đồng.
Trong thời buổi mà giá trị của các tài sản trí tuệ ngày càng được nhìn nhận và đánh giá cao hơn, các chủ sở hữu quyền tác giả/ quyền liên quan cũng hiểu rõ hơn về các quyền luật định của mình, những đơn vị kinh doanh karaoke nên lưu tâm hơn đến vấn đề thanh toán nhuận bút, thù lao cho các chủ thể quyền tác giả/ quyền liên quan trước khi đưa bản ghi âm/ ghi hình tác phẩm âm nhạc vào khai thác, tránh những rủi ro pháp lý về sau.
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc kinh doanh karaoke đang rất phổ biến nhưng vấn đề thu phí bản quyền là rất khó khả thi, gây ra nhiều bàn luận và tranh cãi, tạo sự khó chịu cho các chủ sơ hữu cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, đây không chỉ là sản phẩm của tập thể ngoài tác giả bài hát còn có những người quay phim, hòa âm, phối khí, nó có chủ sở hữu cụ thể, được pháp luật bảo hộ quyền tác giả nên khi dùng sản phẩm karaoke để kinh doanh thì việc đóng phí là chính đáng, đồng thời việc thu phí bản quyền còn giúp nâng cao ý thức của người sử dụng.
Trên đây là nội dung các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề kinh doanh dịch vụ Karaoke. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.