Các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ

cac-chu-the-cua-quyen-so-huu-tri-tue

Dưới góc độ lý luận, nếu như đối tượng điều chỉnh của pháp luật SHTT là các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình sáng tạo, khai thác, sử dụng các tài sản trí tuệ, thì nhìn nhận sâu hơn, đối tượng của loại quan hệ pháp luật này chính là các tài sản trí tuệ. Nếu quan niệm khách thể của quan hệ pháp luật là các hành vi của cá nhân, tổ chức khi tham gia vào quan hệ pháp luật, thực hiện quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý thì trong lĩnh vực SHTT, có thể coi tài sản trí tuệ chính là khách thể của khách thể quan hệ pháp luật về SHTT. Vậy bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ trình bày các đối tượng cũng như chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ.

1. Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ

1.1. Quan niệm chung

Pháp luật Việt Nam về SHTT đã có sự kế thừa và điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ quốc tế và các Điều ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam là thành viên. Do vậy, đã xác định tương đối đầy đủ danh mục các đối tượng SHTT được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Theo Điều 3 Luật SHTT 2005, các đối tượng quyền SHTT bao gồm đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; đối tượng quyền SHCN và đối tượng quyền đối với giống cây trồng.-

– Đối tượng quyền tác giả bao gồm: mọi sản phẩm sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện dưới bất kỳ hình thức và bằng bất kỳ phương tiện nào, không phân biệt nội dung, giá trị và không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục nào. Cụ thể là: các tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; các bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm báo chí; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân khấu; tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự; tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Danh mục loại trừ của các đối tượng này bao gồm: các tin tức thời sự thuần tuý đưa tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

– Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

– Đối tượng quyền SHCN bao gồm: sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh.

– Đối tượng quyền đối với giống cây trồng bao gồm: giống cây trồng và vật liệu nhân giống. Tuy nhiên, theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT vừa mới được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 5, đối tượng quyền đối với giống cây trồng bao gồm cả các “vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch”.

1.2. Đặc điểm của đối tượng sở hữu trí tuệ

1.2.1. Đặc điểm chung

– Đặc tính sáng tạo và đổi mới: SHTT là việc vận dụng tư duy tưởng tượng và sáng tạo của trí tuệ con người để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và nghệ thuật. Các đối tượng SHTT dù trong lĩnh vực nào đều là kết quả của hoạt động sáng tạo và đổi mới, được tạo ra dựa trên nền tảng tri thức và thông tin đã được kết tụ, tích luỹ. Sáng tạo là động lực thúc đẩy đổi mới và ngược lại, đó là chìa khóa tạo nên những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực KH&CN và nghệ thuật, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển và làm giàu thêm kho tàng của cải, vật chất và tinh thần của nhân loại.

– Đặc tính vô hình: Một vấn đề cần hết sức lưu ý khi tìm hiểu về các đối tượng SHTT, đó là đặc tính vô hình, hay nói cách khác là đặc tính phi vật thể của các đối tượng quyền SHTT.

– Đặc tính dễ bị xâm phạm: Các đối tượng SHTT do đặc thù phi vật thể, dễ lan truyền và khó nắm giữ ở một địa điểm nhất định như các tài sản hữu hình nên rất dễ bị xâm phạm (bị sao chép, bắt chước); đồng thời, các hành vi xâm phạm các đối tượng SHTT cũng khó có thể xác định, đánh giá và kiểm soát (như bị làm giả, làm nhái với các kỹ thuật tinh vi hiện đại).

– Cơ chế bảo hộ các đối tượng SHTT mang tính đặc thù: Việc bảo hộ các đối tượng SHTT phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời hạn bảo hộ (theo pháp luật quy định), lãnh thổ bảo hộ (chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia hoặc nhóm quốc gia công nhận hay cấp văn bằng bảo hộ).

1.2.2. Đặc điểm phân biệt giữa các nhóm đối tượng quyền SHTT

Ở đây, cần phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa cơ chế bảo hộ các đối tượng của quyền tác giả với các đối tượng của quyền SHCN (kể cả giống cây trồng), thể hiện trong bảng sau:

Đối tượng

Nội dung so sánh

 

Quyền tác giả

 

Quyền SHCN

Nguyên tắc chung Bảo hộ về hình thức Bảo hộ về mặt nội dung
Lĩnh vực Văn học, nghệ thuật, khoa học Công nghệ, thương mại
 

Đối tượng bảo hộ

 

Tác phẩm

Sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại…
Thời hạn bảo hộ Bảo hộ vô thời hạn hoặc có thời hạn Bảo hộ có thời hạn
Điều kiện bảo hộ Tính nguyên gốc, được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định Tính mới, tính sáng tạo, tính khác biệt, tính ứng dụng
Thủ tục bảo hộ Bảo hộ tự động Yêu cầu đăng ký

2. Các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ

2.1. Chủ thể quyền tác giả

2.1.1. Tác giả

– Tác giả là chủ thể quan trọng nhất của quyền tác giả. Đây là khái niệm cơ sở cho sự hình thành các quan hệ về quyền tác giả cũng như cho việc xây dựng chế định quyền tác giả và quyền liên quan.

– Khái niệm tác giả luôn gắn liền với tác phẩm cụ thể bởi tác giả chỉ có khi đã hình thành nên tác phẩm. Tác phẩm là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo của chính tác giả. Sự đóng góp trí tuệ của tác giả vào việc tạo nên tác phẩm quyết định bản chất của chủ thể này, và do đó, tác giả chỉ có thể là các cá nhân cụ thể mà không thể là tổ chức.

– Tác giả có các quyền nhân thân (đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) và các quyền tài sản đối với tác phẩm (làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn, truyền đạt tác phẩm; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; cho thuê tác phẩm; hưởng nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khi tác phẩm được khai thác, sử dụng bởi các tổ chức, cá nhân khác).

2.1.2. Chủ sở hữu quyền tác giả

Khái niệm “chủ sở hữu quyền tác giả” được quy định trực tiếp và khá cụ thể trong Luật SHTT 2005. Điều 36 của Luật xác định chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản đối với tác phẩm.

Chủ sở hữu quyền tác giả có thể là tác giả, các đồng tác giả, tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả, người thừa kế, người được chuyển giao quyền theo hợp đồng hoặc trong một số trường hợp có thể là Nhà nước.

Về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ có các quyền tài sản đối với tác phẩm.

2.1.3. Chủ thể quyền liên quan đến quyền tác giả

Chủ thể quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm người biểu diễn (diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật); chủ sở hữu cuộc biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình (tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh) và các tổ chức phát sóng (tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng).

Chủ sở hữu quyền liên quan, theo Luật SHTT 2005 – Điều 44, được xác định như sau:

Chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn là tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn.

Chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình là tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

Chủ sở hữu chương trình phát sóng là tổ chức phát sóng.

Về nguyên tắc, quyền của người biểu diễn bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Chủ sở hữu quyền liên quan chỉ có các quyền tài sản đối với các đối tượng của quyền liên quan.

2.2. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp

2.2.1. Tác giả

Trong lĩnh vực SHCN, tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra các đối tượng SHCN. Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng SHCN đều có tác giả. Vấn đề xác định tác giả không đặt ra đối với một số đối tượng SHCN như nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh mà chỉ áp dụng đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là các đối tượng có tính sáng tạo (để được bảo hộ phải thoả mãn tính sáng tạo).

2.2.2. Chủ sở hữu quyền

Chủ sở hữu quyền SHCN có thể đồng thời là tác giả hoặc không phải là tác giả tạo ra các đối tượng SHCN. Luật SHTT 2005 (Điều 121) xác định cụ thể chủ sở hữu đối với từng đối tượng SHCN như sau:

Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng SHCN tương ứng.

Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã được đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.

Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.

Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường.

Các chủ sở hữu quyền SHCN có các quyền tài sản như sử dụng, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng SHCN, định đoạt đối tượng SHCN.

2.3. Chủ thể quyền đối với cây trồng

2.3.1. Tác giả

Tác giả giống cây trồng là người trực tiếp nghiên cứu chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng. Tương tự như tác giả các đối tượng SHCN, tác giả giống cây trồng có một số quyền nhân thân và quyền tài sản như: quyền đứng tên trong văn bằng bảo hộ, quyền được ghi tên trong Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng và trong các tài liệu công bố, quyền nhận thù lao khi giống cây trồng được ứng dụng, thương mại hóa.

2.3.2. Chủ sở hữu quyền

Tương tự như trong lĩnh vực SHCN, chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng có thể đồng thời hoặc không đồng thời là tác giả giống cây trồng. Điều 157 Luật SHTT 2005 không có điều khoản trực tiếp xác định rõ chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng mà chỉ gián tiếp quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.

Các tổ chức, cá nhân nêu trên có thể bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc nước có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng; tổ chức, cá nhân nước ngoài có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam.

Chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng (hay “chủ bằng bảo hộ” theo cách dùng từ của Luật SHTT 2005) có các quyền tài sản như sử dụng, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng; để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền.

Trên đây là nội dung liên quan đến chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ. Hy vọng những kiến thức trên đã giúp bạn có thêm những sự hiểu biết về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon