Mối quan hệ giữa các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ

moi-quan-he-giua-cac-doi-tuong-cua-quyen-so-hu-tri-tue-trong-hop-dong-chuyen-giao-cong-nghe

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động chuyển giao công nghệ được quy định tại nhiều văn bản với những cấp độ khác nhau về thẩm quyền, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành khác nhau, dẫn đến việc công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này có khó khăn. Bài viết này phân tích các đối tượng khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong hợp đồng CGCN, với nguồn công nghệ được chuyển giao từ tổ chức R&D đến doanh nghiệp và từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp.

1. Quyền sở hữu trí tuệ

Quyền SHTT được hiểu theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Tuy nhiên, để phù hợp với nội dung của bài viết này, quyền SHTT được giới hạn:

Quyền tác giả và thông tin bí mật trong sáng chế không được cấp patent[1] (non- patent). Một sáng chế (kể cả sáng chế không đủ điều kiện để được cấp patent) thì bản mô tả sáng chế được coi là một tác phẩm khoa học và tác giả và/hoặc chủ sở hữu tác phẩm được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Các thông tin kèm theo sáng chế được bảo hộ là bí mật kinh doanh (nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật về SHTT). Trong thực tế, các sáng chế dạng non-patent chiếm phần lớn trong các hợp đồng CGCN.

Bí mật kinh doanh, thông tin bí mật trong sáng chế được cấp patent. Theo quy định của Luật SHTT: Phần mô tả sáng chế phải bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó. Tuy nhiên trong thực tế, chủ sở hữu sáng chế ít khi bộc lộ sáng chế như pháp luật quy định, hiện tượng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà ngay cả các sáng chế được cấp patent ở nước ngoài cũng diễn ra. Pháp luật Hoa Kỳ cũng có quy định tương tự[2]. Nhưng khi tham khảo patent số US.8187654.B2 do Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp cho Quy trình bảo quản tỏi khô, có đoạn mô tả: phương pháp bảo quản tỏi theo sáng chế được đặc trưng bao gồm các bước bảo quản tỏi trong không khí nóng ở 40 đến 90°C, trong khoảng 300 giờ, làm khô tự nhiên tỏi thu được trong khoảng 40 giờ và sau đó bảo quản tỏi trong không khí nóng ở 20 đến 30°C trong 30 đến 50 giờ một lần nữa[3]. Có thể dễ dàng nhận thấy chủ sở hữu sáng chế đã cố tình dấu một “điểm tối ưu” trong khoảng nhiệt độ từ 40 đến 90°C, trong khoảng thời gian từ 30 đến 50 giờ… Điểm tối ưu này được coi là Bí mật kinh doanh/Thông tin bí mật trong sáng chế được cấp patent, mà chủ sở hữu dành để chuyển giao riêng trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng/quyền sở hữu sáng chế và cũng nhằm ngăn chặn khả năng khai thác thương mại đối với sáng chế một cách bất hợp pháp.

Bí quyết công nghệ (know-how) trong patent hết hiệu lực bảo hộ, về nguyên tắc khi patent hết hiệu lực bảo hộ thì quyền sử dụng nó thuộc về công chúng. Có ngĩa là công chúng có quyền tiếp cận bản mô tả sáng chế để thương mại hóa sáng chế, nhưng như đã nói ở trên bản mô tả sáng chế không hề bộc lộ bí quyết công nghệ (know-how), bởi vậy trong một số trường hợp nhất định chủ sở hữu patent vẫn có thể chuyển giao patent nếu “vòng đời công nghệ” lớn hơn “vòng đời bảo hộ”.

2. Công nghệ

Khoản 2 Điều 2 Luật CGCN quy định: “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. Nhận thấy, cần làm rõ hình thức thể hiện của công nghệ trong định nghĩa này. Có các hình thức tồn tại của công nghệ:

  • Vật thể (phần cứng/hữu hình): công cụ, phương tiện/thiết bị.
  • Chất thể: trong định nghĩa trên không thấy có cụm từ nào thể hiện công nghệ dạng chất thể, ví dụ hoạt chất Paracetamol (acetaminophen) dùng trong hạ sốt, hoạt chất Prednisolon dùng trong chống sốc phản vệ, hoạt chất chống phai màu sơn mặt ngoài các công trình xây dựng dân dụng.
  • Giải pháp, quy trình, bí quyết (phần mềm/vô hình), ví dụ phương pháp bảo quản trái cây tươi và các sản phẩm của nó (Patent số US5939117A: Methods for preserving fresh fruit and product thereoí).

Như vậy, công nghệ có thể bao gồm phần mềm và hoặc phần cứng (phần vô hình và hoặc phần hữu hình), có thể là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện, trong đó giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật luôn luôn tồn tại ở dạng vô hình.

Sharif, N. là một trong những học giả đầu tiên khi nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học công nghệ, quản lý công nghệ trong doanh nghiệp đã cho rằng công nghệ có 4 thành phần: kỹ thuật (Technoware), con người (Humanware), tổ chức (Orgaware), thông tin (Inforware).[4] Trong đó:

  • Phần cứng/phần mềm: kỹ thuật (Technoware);
  • Phần mềm: con người (Humanware), tổ chức (Orgaware), thông tin (Inforware).

3. Chuyển giao công nghệ

Theo Nawaz Sharif (1983), CGCN có thể diễn ra:

  • Từ một ngành này sang một ngành khác.
  • Từ một tổ chức này sang tổ chức khác.
  • Ở quy mô quốc tế: giữa các quốc gia phát triển; giữa quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển hoặc giữa hai quốc gia đang phát triển.[5]

Tổng hợp lại, CGCN có thể:

  • Từ một quốc gia sang một quốc gia khác;
  • Từ tổ chức R&D đến doanh nghiệp: công nghệ dạng này có điểm xuất phát từ nơi nghiên cứu, nó chưa được kiểm chứng độ tin cậy trên quy mô rộng (trừ công nghệ dược phẩm bắt buộc phải có dữ liệu thử nghiệm lâm sang), chưa khẳng định được giá trị thương mại trên thị trường, bởi vậy rất cần lưu ý khi định giá, khi quyết định hình thức thanh toán trong hợp đồng CGCN. Để hạn chế rủi ro cho bên nhận, nên sử dụng hình thức thanh toán kỳ vụ (Royalty).
  • Từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp: công nghệ dạng này đã được kiểm chứng độ tin cậy trên quy mô rộng, khẳng định được giá trị thương mại trên thị trường, do đó hình thức thanh toán trong hợp đồng CGCN có thể là trọn gói (Lump-sum payment) hoặc kỳ vụ (Royalty) hoặc kết hợp cả 2 hình thức này.
4. Thực trạng quy định về chuyển giao công nghệ

Về thuật ngữ “mua, bán công nghệ”

Luật CGCN đã sử dụng thuật ngữ “mua” ở một số vị trí, ví dụ:

  • Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật: có nghĩa là “máy móc, thiết bị” là thành tố thuộc công nghệ;
  • Mua, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, sáng kiến;
  • Mua, bán công nghệ…

Tác giả bài viết này cho rằng, trong hoạt động CGCN, nên dùng thuật ngữ “chuyển giao công nghệ” mà không dùng thuật ngữ “mua – bán công nghệ”. Xét thấy, mối quan hệ giữa bên bán và bên mua hàng hóa thông thường được kết thúc khi bên mua trở thành chủ sở hữu của hàng hóa, nghĩa vụ của bên bán (có thể) chỉ ràng buộc khi phải bảo hành hàng hóa trong trường hợp xảy ra hỏng hóc trong một thời gian nhất định, sau đó là bảo trì hoạt động (nếu hàng hóa là máy móc/thiết bị). Nhưng mối quan hệ giữa bên CGCN và bên nhận CGCN không thể kết thúc khi hợp đồng CGCN có hiệu lực pháp luật, mà nghĩa vụ của bên chuyển giao ngoài việc bảo hành công nghệ thì còn bị ràng buộc bởi trách nhiệm đào tạo kỹ năng vận hành công nghệ cho bên nhận chuyển giao, tiếp nhận và xử lý pháp lý với bên thứ ba khi quyền sở hữu/sử dụng công nghệ bị tranh chấp…

Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng dùng “chuyển giao” mà không dùng “mua, bán công nghệ”.[6]

Về thuật ngữ “chủ sở hữu công nghệ”

Luật CGCN sử dụng thuật ngữ “chủ sở hữu công nghệ”, ví dụ khoản 1 Điều 7 quy định: “Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ Thuật ngữ “chủ sở hữu công nghệ” có thể đúng trong một số trường hợp và cũng có thể chưa đúng trong một số trường hợp, lẽ ra sẽ không có gì đáng bàn đến, nhưng phần “chưa đúng” lại diễn ra trong quá trình thương mại hóa công nghệ. Xin phép được phân tích.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về CGCN đã nêu trên, trong đó:

  • Công nghệ cần phải xác lập quyền sở hữu và một chủ thể chỉ trở thành chủ sở hữu công nghệ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng chứng nhận quyền sở hữu, công nghệ thuộc loại này bao gồm các đối tượng của quyền SHCN như: sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng. Quyền sở hữu công nghệ chấm dứt khi văn bằng hết hiệu lực bảo hộ hoặc bị hủy bỏ hiệu lực;
  • Công nghệ không cần phải xác lập quyền sở hữu, công nghệ thuộc loại này bao gồm bí mật kinh doanh, bí quyết kỹ thuật, chương trình máy tính[7].

Theo quy định của pháp luật dân sự, chủ sở hữu tài sản có các quyền chiếm hữu (chi tiết này không đặt ra đối với tài sản vô hình), sử dụng và định đoạt đối với tài sản do mình là chủ sở hữu, trong đó quyền định đoạt có thể là bán, cho, tặng, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng tài sản do mình là chủ sở hữu.

Đối với công nghệ không cần phải xác lập quyền sở hữu thì một công nghệ có thể có nhiều chủ sở hữu mà các chủ sở hữu này không có mối quan hệ pháp lý với nhau. Ví dụ: nhiều chủ thể độc lập nghiên cứu một bí quyết kỹ thuật, các chủ thể này là chủ sở hữu công nghệ do mình sáng tạo nên, họ không có mối quan hệ pháp lý với nhau, thậm chí người này cũng không biết có người khác cũng là chủ sở hữu công nghệ tương tự/trùng với công nghệ do mình là chủ sở hữu.

Từ đó cho thấy, việc CGCN, mà chủ sở hữu nó không cần phải xác lập quyền sở hữu có thể phát sinh các hệ quả pháp lý sau đây:

  • Không tồn tại quyền định đoạt công nghệ theo nghĩa đầy đủ, ví dụ chủ sở hữu một giải pháp kỹ thuật (không được cấp patent) không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng giải pháp kỹ thuật này vì mục đích thương mại (trừ trường hợp người sử dụng vì mục đích thương mại cố ý đánh cắp thông tin về giải pháp kỹ thuật);[8]
  • Không có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng công nghệ với một bên thứ ba;
  • Công nghệ được chuyển giao có thể bị bất kỳ một bên thứ ba tiến hành giải mã vì mục đích thương mại, bởi vậy khó có thể tồn tại chuyển giao độc quyền công nghệ không cần phải xác lập quyền sở hữu.

Như vậy, rất cần lưu ý khi dùng thuật ngữ “chủ sở hữu công nghệ” trong hợp đồng CGCN đối với công nghệ không cần đăng ký xác lập quyền sở hữu.

Ví dụ hợp đồng số [20] chuyển giao bí quyết công nghệ rang xay cà phê Virgin, bí quyết công nghệ này do bên chuyển giao là chủ sở hữu, tuy nhiên nó không được cấp patent, phạm vi chuyển giao “độc quyền tại các quận nội thành TP Hồ Chí Minh trong thời hạn 2 năm”, mặc dù điều 6 của hợp đồng này quy định chỉ có 01 người của bên nhận công nghệ được chuyển giao bí quyết công nghệ. Nhưng như đã phân tích ở trên, chi tiết “độc quyền” có thể chấm dứt trước thời hạn nếu có một chủ thể khác nghiên cứu độc lập hoặc giải mã thành công công nghệ rang xay cà phê Virgin.

[1]  Trong bài viết này, thuật ngữ patent được hiểu là bằng độc quyền sáng chế.

[2]  Có thể tìm thấy quy định tương tự của Hoa Kỳ tại Điều 112(a) Đạo luật sáng chế Hoa Kỳ United States Code Title 35 – Patents (35 U.S.C.): The requirement for an adequate disclosure ensures that the public receives something in return for the exclusionary rights that are granted to the inventor by a patent…

[3]   Nguyên văn: Process for preparing aged garlic US.8187654.B2: The method of producing aged garlic according to the invention is characterized by comprising the steps of aging raw garlic with hot air at 40 to 90°

[4]  Quan niệm của Sharif, N. về 4 thành phần của công nghệ được thể hiện trong hai tác phẩm: Sharif, N. (1988). Problems, Issues and Strategies for S&T Policy Analysis. Science and Public Policy, Vol.15, No.4, pp.195-216, 1988; Sharif, N. (1988). Basis for Techno-Economic Policy Analysis. Science and Public Policy, Vol.15, No.4, pp.217-229, 1988., và một số tác phẩm được công bố sau này. Quan niệm của Sharif, N. đã được ESCAP (1989) công nhận và đưa vào định nghĩa công nghệ như đã phân tích.

[5] Nawaz Sharif (1983), Management of technology transfer and development, Regional Centre for Technology Transfer (India)

[6]  Theo ESCAP (1990), trong bản gốc tiếng Anh hướng dẫn dùng thuật ngữ “transfer”, mà không dùng thuật ngữ “purchase” hay “buy” trong hoạt động CGCN. Xin tham khảo thêm: ESCAP (1990). Technology Transfer: An ESCAP TrainingManual, Booklet 1 Technology Transfer: Basic Concepts. p.12.

[7]  Điều 22 Luật SHTT quy định “Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dân được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”, như vậy chương trình máy tính được bảo hộ quyền tác giả và chủ sở hữu nó không có nghĩa vụ phải làm thủ tục xác nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, nếu chương trình máy tính mang đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, khi đó chủ sở hữu nó có nghĩa vụ làm thủ tục để được cấp văn bằng bảo hộ – công nhận là chủ sở hữu.

[8]  Điểm này rất khác với chủ sở hữu sáng chế, để một sáng chế được cấp patent thì thông tin về sáng chế phải bộc lộ công khai và chi tiết đến mức một người có trình độ trung bình trong cùng lĩnh vực có thể tiếp cận thông tin và thực hiện được sáng chế, nhưng chủ sở hữu sáng chế vẫn có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế vì mục đích thương mại.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon