Thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn

tham-quyen-giai-quyet-vu-an-ly-hon-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-to-tung-dan-su

Bên cạnh việc ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các bên trong pháp luật nội dung thì để hạn chế sự xâm phạm về quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ dân sự nói chung và quan hệ hôn nhân nói riêng, pháp luật cũng quy định cơ chế để bảo đảm cho quyền và nghĩa vụ đó được bảo vệ và thực hiện trên thực tế.

Đó là việc Nhà nước trao cho Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ việc về hôn nhân gia đình, đây chính là cách ghi nhận một cơ chế để bảo vệ các quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ này. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn của Tòa án, hãy cũng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

– Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP.

1. Thẩm quyền giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình là gì?

Thẩm quyền giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình của Tòa án là quyền xem xét, giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân gia đình và quyền ra các quyết định khi xem xét, giải quyết các tranh chấp, yêu cầu đó theo thủ tục tố tụng dân sự.

Khái niệm thẩm quyền của Tòa án trong hôn nhân và gia đình được tiếp cận dưới ba góc độ là thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ, cụ thể:

– Thẩm quyền theo loại việc của Tòa án trong việc giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình là thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý, giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình theo thủ tục tố tụng dân sự. Hay nói cách khác, thẩm quyền của Tòa án theo loại việc trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình là xác định phạm vi những vụ việc về hôn nhân và gia đình mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

– Thẩm quyền của Tòa án các cấp trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình là thẩm quyền sơ thẩm của một cấp Tòa án trong việc thụ lí, giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình theo thủ tục tố tụng dân sự.

– Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình là thẩm quyền sơ thẩm của một Tòa án cụ thể trong việc giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình.

2. Thẩm quyền giải quyết vụ án về hôn nhân và gia đình của Tòa án

2.1. Thẩm quyền giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình của Tòa án theo loại việc

Những vụ việc về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Trong đó, các tranh chấp về hôn nhân và gia đình gồm có:

– Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn;

– Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;

– Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;

– Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ;

– Tranh chấp về cấp dưỡng;

– Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục điệu nhân đạo;

– Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật;

– Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, chức khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Thẩm quyền giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình của Tòa án theo cấp

2.2.1. Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện

Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc hôn nhân và gia đình sau đây:

– Thứ nhất, tranh chấp về hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 28 bao gồm: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; tranh chấp về cấp dưỡng; các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.

– Thứ hai, các vụ việc hôn nhân và gia đình có đương sự ở nước ngoài.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 123 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì các vụ việc này bao gồm: yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.

Sở dĩ pháp luật có quy định như vậy vì các đương sự trong quan hệ hôn nhân và gia đình ở khu vực biên giới thường không có điều kiện thuận tiện để tham gia tố tụng tại Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp tỉnh cũng rất khó khăn trong việc thu thập thông tin, chứng cứ, tài liệu của vụ việc. Do đó, quy định trên vừa tạo điều kiện tốt để đương sự tham gia tố tụng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình.

2.2.2. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh

Thẩm quyền giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình của Tòa án cấp tỉnh được quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ án sau:

– Thứ nhất, những tranh chấp còn lại không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Theo quy định tại Điều 35 thì tất cả các tranh chấp về hôn nhân và gia đình đều thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, do đó, Tòa án cấp tỉnh không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

– Thứ hai, những vụ việc hôn nhân và gia đình có đương sự, tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 123 Lhôn nhân và gia đình năm 2014.

Hiện nay, do Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chưa có văn bản hướng dẫn về đương sự ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cũng như vấn đề ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài nên trên thực tế, các Tòa án vẫn tham khảo quy định trong Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP để giải quyết. Theo hướng dẫn này thì đương sự ở nước ngoài được hiểu như sau:

+ Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

+ Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

+ Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

+ Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

Tương tự như đương sự ở nước ngoài thì tài sản ở nước ngoài, tham khảo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP được hiểu là tài sản được xác định theo quy định của BLDS năm 2005 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

Theo quy định tại điều 172 BLDS thì tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Như vậy, nếu như ở thời điểm thụ lý mà tài sản phải xem xét giải quyết theo yêu cầu của đương sự đang ở nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Tuy nhiên, nếu như khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự tài sản đó vẫn ở trong lãnh thổ Việt Nam, nhưng sau khi thụ lý tài sản đó mới ở nước ngoài thì vụ việc đó vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện.

– Thứ ba, những vụ việc hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết. Vấn đề này được quy định tại khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Hiện nay, Bộ luật tố tụng dân sự không quy định cụ thể những trường hợp nào thì Tòa án cấp tỉnh được phép lấy những vụ án của Tòa án cấp huyện lên để giải quyết.

2.3. Thẩm quyền theo lãnh thổ và quyền lựa chọn Tòa án của nguyên đơn, người yêu cầu

– Đối với tranh chấp có đối tượng là bất động sản:

Điểm c khoản 1 điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

Tuy nhiên, đối với vụ án ly hôn có yêu cầu giải quyết tài sản chung là bất động sản thì cần hiểu đây không phải là tranh chấp có đối tượng là bất động sản mà chỉ là tranh chấp có liên quan đến bất động sản. Trong trường hợp này Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ không phải là Tòa án nơi có bất động sản. Bởi lẽ, trong vụ án này có hai quan hệ tranh chấp, một là quan hệ nhân thân mà cụ thể là yêu cầu xin ly hôn, hai là quan hệ có đối tượng là bất động sản đó là chia tài sản chung vợ chồng trong thời kì hôn nhân là bất động sản. Quan hệ yêu cầu chia tài sản chung là bất động sản mặc dù có đối tượng của tranh chấp là bất động sản nhưng nó không phải là quan hệ chính mà Tòa án hướng tới để giải quyết.

Quan hệ yêu cầu chia tài sản là quan hệ “kéo theo” của quan hệ ly hôn. Sở dĩ trong vụ án về hôn nhân và gia đình, ngoài quan hệ ly hôn, Tòa án thường giải quyết luôn cả vấn đề con và tài sản khi có yêu cầu của đương sự là vì muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vụ án, tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự khi vụ án đó có những quan hệ có tính chất liên quan đến nhau.

– Tranh chấp không có đối tượng là bất động sản:

Đối với các tranh chấp không có đối tượng là bất động sản, dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 39 và Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì các đương sự có quyền yêu cầu và các Tòa án sau đây đều có thẩm quyền giải quyết, đó là:

+ Thứ nhất, xác định thẩm quyền của Tòa án theo sự thỏa thuận của các đương sự. Thẩm quyền giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình của Tòa án theo lãnh thổ được ưu tiên áp dụng theo sự thỏa thuận của đương sự xuất phát từ tính chất của quan hệ pháp luật dân sự là sự tự do, bình đẳng của các bên khi tham gia vào các quan hệ pháp luật cũng như tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự. Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn có thẩm quyền giải quyết với những tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

+ Thứ hai, nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Bản chất của việc xác định thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn chính là xác định thẩm quyền theo lãnh thổ, nhưng vì trong những vụ kiện thực tế có thể nảy sinh một số vấn đề bất lợi hoặc do tính chất của tranh chấp mà pháp luật cho phép nguyên đơn được phép lựa chọn Tòa án. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn trong việc tham gia tố tụng. Theo đó, trong trường hợp tranh chấp thuộc quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự thì nguyên đơn được quyền lựa chọn Tòa án theo quy định này để giải quyết.

+ Thứ ba, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Trong trường hợp đương sự không có thỏa thuận và tranh chấp không thuộc những trường hợp tại Khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự thì việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được áp dụng theo điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là vì, bị đơn là chủ thể yếu thế hơn trong vụ án, họ bị thụ động hơn bằng hành vi “tấn công pháp lý” của nguyên đơn nên thường có tâm lí chán nản, không muốn tham gia vụ kiện. Vì vậy, việc quy định theo hướng có lợi hơn cho bị đơn để tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc tham gia vụ kiện và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự.

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích rõ thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết vụ án ly hôn. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon