Thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn

thay-doi-nguoi-nuoi-con-sau-khi-ly-hon

Thời gian qua, số vụ ly hôn ở Việt Nam tăng mạnh. Bên cạnh giải quyết về quan hệ nhân thân giữa vợ chồng thì còn phải giải quyết quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với con chung chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Qua nghiên cứu các vụ, việc ly hôn có thể nhận thấy việc giải quyết con chung khi cha mẹ ly hôn về cơ bản phù hợp với pháp luật và bảo vệ được quyền,  lợi ích hợp pháp của con. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, trao đổi để khắc phục nhằm bảo vệ lợi ích của con tốt nhất.

1. Giải quyết các yêu cầu về thay đổi người nuôi con khi ly hôn

Qua nghiên cứu thực tế cho thấy có nhiều yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Trong đó nhiều vụ Tòa án đã chấp nhận thay đổi người nuôi con nhằm bảo vệ quyền lợi về mọi mặt của con. Bên cạnh đó cũng có nhiều vụ Tòa án không chấp nhận thay đổi người nuôi con cũng để bảo đảm cho con được nuôi dạy một cách tốt nhất.

1.1. Ví dụ thứ nhất

Bản án số: 23/2019/HNGĐ-ST ngày 23/5/2019 của TAND huyện K, TP Hải Phòng.

Nguyên đơn: Chị Dương Thúy H yêu cầu thay đổi nuôi con. Bị đơn: Anh Trương Văn P. Theo Quyết định số 29/2019/QĐST-HNGĐ ngày 30/01/2019 của TAND huyện K về việc công nhận thuận tình ly hôn thì: Giao cháu Trương Thúy H, sinh ngày 08/7/2008 và cháu Trương Đình P1, sinh ngày 09/9/2013 cho anh P nuôi dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, hai bên đương sự đã thỏa thuận tự giao nhận với nhau nên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Hội đồng xét xử nhận định:

Do tính chất nghề nghiệp, anh P không đảm bảo được các điều kiện về kinh tế và thời gian để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cả hai con chung. Anh P thường xuyên đi làm từ khoảng 6 giờ sáng, giờ về buổi chiều không cố định ngày sớm, ngày muộn, có khi phải ở qua đêm tại công trường. Việc chăm sóc cho các con và đưa đón con đi học phải nhờ cha mẹ đẻ và bác rể giúp. Thu nhập hàng tháng của anh P không ổn định, chỉ được khoảng 10.000.000 đồng.

Chị H hiện đang có chỗ ở ổn định cùng mẹ và em trai, chị đang làm công nhân ở gần nhà, thu nhập khoảng 6.000.000 đồng/tháng. Xuất phát từ lợi ích mọi mặt của cháu P1 cho thấy yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của chị H là có cơ sở nên Hội đồng xét xử quyết định: Giao cháu Trương Đình P1 cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi con đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác theo quy định của pháp luật. Anh P có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Về cấp dưỡng cho con: Chị H không yêu cầu Tòa án giải quyết nên không xem xét, giải quyết.

1.2. Ví dụ thứ hai

Bản án số 2066/2018/HNGĐ-ST ngày 11/10/2018 của TAND quận Bình Thạnh, TP HCM26. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Mạnh H, bị đơn: Bà Phạm Lan A.

Ông H và bà A đã ly hôn theo Bản án số 701/2016/HNGĐ-PT ngày 14/6/2016 của TAND Thành phố H. Về con chung: Giao con Nguyễn Ngọc Như Y, sinh ngày 23/01/2014 cho bà A trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, từ khi bản án có hiệu lực, bà Lan A không tạo điều kiện cho ông H thăm con, thay đổi nơi ở nhiều lần không thông báo cho ông biết, đã cố tình không tạo điều kiện để ông H có thể thực hiện quyền thăm nuôi con.

Bà Lan A không có việc làm ổn định, không cho con đi học. Đồng thời, bà Lan A có lối sống không lành mạnh, dung tục trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, bản thân bà Lan A tham gia vào các trang mạng xã hội khiêu dâm, có lối sống trụy lạc. Bản thân ông có việc làm ổn định, có thời gian chăm sóc con và có nơi ở ổn định nên có điều kiện để chăm sóc con. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn Mạnh H, giao cho ông Nguyễn Mạnh H trực tiếp nuôi dưỡng cháu Nguyễn Ngọc Như Y, sinh ngày 23/01/2014. Về cấp dưỡng cho con: Ghi nhận ý kiến của ông H không yêu cầu bà Phạm Lan A cấp dưỡng nuôi con.

1.3. Ví dụ thứ ba

Bản án số 28/2020/HNGĐ-PT ngày 06/11/2020 của TAND tỉnh AG về thay đổi nuôi con27, do Bản án số 89/2020/HNGĐ- ST ngày 03/8/2020 của TAND thành phố L bị kháng cáo. Theo hồ sơ thì bà Châu Thị Ngọc T và Ông Hà Đoàn Thanh T kết hôn, chung sống hạnh phúc đến khoảng tháng 5/2017 thì phát sinh mâu thuẫn và ly thân.

Tháng 5/2020 bà Ngọc T yêu cầu ly hôn. Bà Ngọc T và ông Thanh T có 1 con chung là cháu Hà Gia A sinh vào ngày 30/5/2013. Bản án số 89/2020/HNGĐ- ST ngày 03/8/2020 của TAND thành phố L, tỉnh An Giang quyết định: Giao con chung Hà Gia A cho bà Ngọc T trực tiếp nuôi dưỡng. Ông Thanh T có đơn kháng cáo yêu cầu được trực tiếp nuôi con Hà Gia A.

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy từ tháng 5/2017 thì vợ chồng đã sống ly thân và từ thời điểm này bà Ngọc T không còn sống chung với cháu A. Cháu A được ông Thanh T nuôi dưỡng, vui khỏe, tâm lý ổn định, học tốt. Tòa án đã tiến hành lấy ý kiến của cháu A tại Tòa, có sự chứng kiến của ông Thanh T và bà Ngọc T thì cháu A muốn được sống với cha là ông Thanh T. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Hà Đoàn Thanh T. Giao con chung Hà Gia A cho ông Hà Đoàn Thanh T trực tiếp nuôi dưỡng. Bà Châu Thị Ngọc T có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở.

Cả ba ví dụ trên cho thấy Tòa án đã xem xét điều kiện, hoàn cảnh thực tế của người trực tiếp nuôi con và người không trực tiếp nuôi con, cũng như cuộc sống hiện tại, sự phát triển về thể chất và tinh thần của con để quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con là thấu tình, đạt lý. Trong mọi trường hợp, quyết định thay đổi người nuôi con cần phải đặt lợi ích của con lên hàng đầu.

2. Không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nhằm bảo vệ quyền lợi về mọi mặt của con

Bản án số 01/2019/HNGĐ-PT ngày 21/02/2019 của TAND tỉnh N28. Nguyên đơn: Bà Mai Thị Ánh P. Bị đơn: Ông Lâm Quốc B. Quyết định số 70/2012/QĐST- HNGĐ ngày 28/9/2012 của TAND huyện Đ đã công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của bà P và ông B giao 03 con chung là cháu Lâm Bảo K, sinh năm 1996, cháu Lâm Thị Mỹ D, sinh năm 2002, cháu Lâm Thị MD, sinh năm 2010 cho ông Lâm Quốc B trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng, bà P không phải cấp dưỡng nuôi con. Theo bà P, ông B làm nghề lái xe tải, một tháng về nhà được một hai lần, trong quá trình nuôi dưỡng các con ông B không chăm sóc chu đáo. Ông B còn ngăn cản bà P thăm các con.

Tại thời điểm ly hôn năm 2012, bà P không có điều kiện kinh tế để trực tiếp nhận nuôi các con nên bà thống nhất để ông B trực tiếp nuôi 03 con chung. Hiện tại bà đã có nơi ở và nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Tại Bản án số 29/2018/HNGĐ-ST ngày 25/10/2018 của TAND huyện NS quyết định: Giao cháu Lâm Thị MD, sinh năm 2010 cho bà Mai Thị Ánh P nuôi dưỡng.

Ông Lâm Quốc B không phải cấp dưỡng nuôi con chung do bà P không yêu cầu. Ông B kháng cáo. TAND tỉnh N nhận định: Xét điều kiện kinh tế của ông Lâm Quốc B có nhà ở và công việc ổn định, thu nhập hàng tháng khoảng 100.000.000đ, ông B chỉ làm công tác quản lý, không trực tiếp lái xe nên có nhiều thời gian chăm sóc cho các con. Ông B đã hoàn thành trách nhiệm của người cha khi chăm sóc tốt các con ăn học đầy đủ, phát triển tâm sinh lý bình thường, điều này được cháu MD, cháu D và bà P xác nhận tại phiên tòa phúc thẩm.

Tại phiên tòa, cháu MD trình bày nguyện vọng được chung sống với ông Lâm Quốc B cùng các anh chị là hoàn toàn tự nguyện. Nếu giao cháu MD cho bà Phương nuôi dưỡng sẽ làm sáo trộn cuộc sống hiện tại của cháu MD. Vì vậy, Tòa án đã chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị đơn ông Lâm Quốc B. Tiếp tục giao cháu Lâm Thị MD, sinh năm 2010 cho ông B được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Bà Ánh P không phải cấp dưỡng nuôi con chung do ông B không yêu cầu. Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được quyền cản trở.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon