Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng tham ô, tham nhũng đang ngày càng diễn biến phức tạp hóa, vấn nạn này thường xảy ra ở những người nắm giữ chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Điều này không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các cơ quan, tổ chức này.
Vì vậy, việc đấu tranh chống tội phạm tham ô tài sản trở thành một nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ sự minh bạch và công bằng trong quản lý tài chính công. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây để cùng có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
1. Tham ô tài sản là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 thì tội tham ô tài sản được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Người thực hiện hành vi này phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chức nước ngoài đồng thời việc phạm tội có thể liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người vi phạm, thông thường là những người có trách nhiệm quản lý tài sản.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự mới nhất, tội danh tham ô tài sản không chỉ áp dụng đối với tổ chức, cơ quan nhà nước, mà còn áp dụng đối với các công ty, doanh nghiệp. Do đó, trường hợp làm trong khối tư nhân nhưng có vi phạm, đủ yếu tố cấu thành tội phạm vẫn có thể bị khởi tố về tội danh này.
2. Cấu thành tội phạm tội tham ô tài sản
Cấu thành tội phạm là sự kết hợp của tất cả các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một tội phạm cụ thể. Các dấu hiệu này không chỉ phản ánh đúng bản chất của tội phạm mà còn có tác dụng phân biệt các loại tội phạm khác nhau. Theo đó, cấu thành tội phạm của tội tham ô tài sản được phân tích như sau:
2.1. Khách thể
Khách thể của tội “Tham ô tài sản” là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp; đồng thời xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các cơ quan tổ chức đã nêu.
Đối tượng tác động của tội phạm chính là tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn đang trực tiếp quản lý và thông qua việc tác động đến tài sản này người phạm tội mới có thể xâm phạm đến khách thể của tội phạm. Tài sản này là tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức và đang đặt dưới sự quản lý của cơ quan, tổ chức đó hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước đang giao cho người phạm tội quản lý.
2.2. Mặt khách quan
Đây là loại cấu thành tội phạm vật chất nên mặt khách quan của tội “Tham ô tài sản” gồm hành vi khách quan và hậu quả của tội phạm.
– Hành vi khách quan : là sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó phải liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, chức vụ, quyền hạn chỉ là điều kiện để người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng hơn thay vì xem đó là yếu tố quyết định để xác định cấu thành tội phạm.
Hành vi khách quan của Tội “Tham ô tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã được mở rộng hơn, đối tượng chiếm đoạt không chỉ dừng ở tài sản của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực công mà bao gồm cả tài sản của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
– Hậu quả của tội phạm: Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì mới bị truy cứu TNHS còn nếu chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015
2.3. Chủ thể
Chủ thể thực hiện tội phạm này phải là có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản, từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Người có chức vụ, quyền hạn ở đây có thể là người thực hiện một trong các chức năng đại diện quyền lực Nhà nước, tổ chức để điều hành quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh theo vị trí, công việc được giao. Là người giữ chức vụ, quyền hạn thường xuyên hoặc tạm thời đối với việc trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý tài sản của các cơ quan tổ chức nêu trên.
2.4. Mặt chủ quan
Với mong muốn chiếm đoạt được tài sản do mình có trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp quản nên chủ thể hầu như đều thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Do đó, mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội “Tham ô tài sản”; nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản) là nằm ngoài ý muốn chủ quan của tội phạm, thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
3. Khung hình phạt tội tham ô tài sản được quy định như thế nào?
Hiện nay, mức hình phạt đối với tội danh tham ô tài sản được quy định cụ thể tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể mức hình phạt được quy định như sau:
Hình phạt chính:
– Khung 01: Phạt tù từ 02 – 07 năm nếu tham ô tài sản có giá trị từ 02 – dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Khung 02: Phạt tù từ 07 – 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 – dưới 500 triệu đồng;
+ Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 01 – dưới 03 tỷ đồng;
+ Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
– Khung 03: Phạt tù từ 15 – 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng – dưới 01 tỷ đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 03 tỷ đồng – dưới 05 tỷ đồng;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
– Khung 04: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 01 tỷ đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 05 tỷ đồng trở lên.
– Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 – 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. Tham ô tài sản bao nhiêu tiền thì bị đi tù
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 thì: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”
Theo đó, đối với tội danh tham ô tài sản, tội phạm sẽ bị tuyên phạt tù khi chiếm đoạt số tiền từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị kết án hoặc chưa được xóa án tích về tội này hoặc cái tội danh có liên quan. Tuy nhiên, việc kết án tù đối với các loại tội phạm nói chung hay tội tham ô tài sản nói riêng không chỉ phụ thuộc vào mỗi số tiền chiếm đoạt mà bên cạnh đó còn phải đánh giá và xem xét trên nhiều khía cạnh cũng như các yếu tố, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ khác có liên quan. Từ đó, dựa trên sự đánh giá tổng quát này mới có thể đưa ra khung hình phạt phù hợp với mỗi đối tượng phạm tội.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến tội Tham ô tài sản. Trong trường bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.