Mỗi một quốc gia quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khác nhau. Chế định quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thể hiện chính sách pháp luật hình sự của một quốc gia, thể hiện tư tưởng thái độ của quốc gia đó đối với tội phạm. Theo đó khi quy định về độ tuổi, các nhà làm luật căn cứ về mặt thể chất, tinh thần của lứa tuổi ở nước đó, điều kiện kinh tế chính trị xã hội ở từng thời kỳ của quốc gia để đưa ra độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự phù hợp với thể chất, nhận thức của quốc gia đó. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin bạn đọc cần tìm hiểu.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
1. Trách nhiệm hình sự
1.1. Khái niệm
Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu do đã thực hiện hành vi phạm tội, được thể hiện ở bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án, hình phạt, các biện pháp cưỡng chế hình sự khác do Bộ luật hình sự quy định và mang án tích.
1.2. Đặc điểm của trách nhiệm hình sự
Thứ nhất, trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý khi cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ khi nào hành vi của cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội bị coi là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự thì cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội đó mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Những hành vi mặc dù gây thiệt hại cho xã hội nhưng không bị coi là tội phạm thì cá nhân gây ra thiệt hại đó không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, khi thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (quy định tại Chương IV của Bộ luật hình sự năm 2015) thì người thực hiện hành vi đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, trách nhiệm hình sự của cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội được thể hiện ở bản án kết tội có hiệu lực của Toà án, hình phạt, các biện pháp tư pháp và mang án tích.
Thứ ba, trách nhiệm hình sự của cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội được xác định thông qua trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện.
2. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật
Dựa trên sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý, khả năng nhận thức, những điều kiện kinh tế – chính trị, văn hoá – xã hội, chính sách, đường lối xử lý tội phạm, trên cơ sở tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta, Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
– Người dưới 14 tuổi: Trong mọi trường hợp, người dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự do không thoả mãn dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện những loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định ở 28 tội phạm thuộc 04 nhóm tội: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma tuý; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng là tội mà có mức cao nhất của khung hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên: phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, nghĩa là về nguyên tắc, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm được quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự năm 2015, bao gồm cả các loại tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, Bộ luật cũng quy định một số tội phạm có dấu hiệu tuổi chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể phải từ đủ 18 tuổi trở lên, ví dụ: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp (Điều 325);…
Như vậy, Luật hình sự Việt Nam chỉ quy định về giới hạn độ tuổi thấp nhất mà một người khi thực hiện tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự và không quy định về giới hạn tối đa. Bộ luật hình sự 2015 xác định độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi. Tuy nhiên nếu người trên 70 tuổi phạm tội được coi là tình tiết giảm nhẹ.
Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người phạm tội được quy định như sau:
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định;
– Người đủ 18 tuổi trở lên: Mức hình phạt cao nhất được áp dụng là tử hình và không được cao hơn mức tối đa của khung hình phạt.
2.1. Căn cứ xác định tuổi
Theo quy định tại Mục IX Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, cách tính tuổi do luật quy định là “đủ 14 tuổi”, hoặc “đủ 16 tuổi”, tức là tính theo tuổi tròn. Ví dụ: Nguyễn Văn X sinh ngày 01/01/2000 thì đến ngày 01/01/2014, X mới đủ 14 tuổi.
Việc xác định độ tuổi của một chủ thể phải dựa trên những giấy tờ, tài liệu có ý nghĩa về mặt pháp lý xác thực. Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP- BLĐTBXH ngày 21/12/2018 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi:
Điều 6. Phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi
“1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: a) Giấy chứng sinh; b) Giấy khai sinh; c) Chứng minh nhân dân; d) Thẻ căn cước công dân; đ) Sổ hộ khẩu; e) Hộ chiếu.
2. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để xác định tuổi của họ.
3. Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ. Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng”.
Ví dụ: Ngày 12/6/2022, Nguyễn Văn A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, tổng tài sản trộm cắp trị giá 10.000.000 đồng. Quá trình điều tra, mặc dù đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết nhưng Cơ quan điều tra chỉ xác định được A sinh vào tháng 6 năm 2008. Trong trường hợp này phải coi A sinh ngày 31/6/2006 để kết luận A chưa đủ 14 tuổi, tức chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về Tội trộm cắp tài sản.
Ngoài ra, có một số trường hợp:
- Xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh
- Xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày sinh
- Xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày sinh
Ví dụ: Kết quả giám định xác định vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, Nguyễn Văn B có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 2 tháng đến 14 tuổi 6 tháng. Trong trường hợp này, Cơ quan điều tra phải xác định vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, B mới 13 tuổi 2 tháng (chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự). Do vậy, không được truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn B.
2.2. Thời điểm tính tuổi
Thời điểm xác định độ tuổi của người phạm tội được tính ngay khi thực hiện hành vi phạm tội. Về nguyên tắc, xác định năng lực của chủ thể là xác định vào thời điểm thực hiện hành vi do đó tuổi được xác định vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tức là, hành vi phạm tội đã xảy ra vào thời điểm nào thì sẽ xác định độ tuổi của người phạm tội ở thời điểm đó.
Trường hợp hành vi phạm tội kéo dài và liên tục, có nhiều hành vi được thực hiện ở các thời điểm khác nhau thì khi xác định độ tuổi thực hiện hành vi phạm tội có thể gặp trường hợp có hành vi thực hiện khi chưa đủ tuổi, có hành vi thực hiện khi đã đủ tuổi. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ lấy độ tuổi ở hành vi cuối để xem xét trách nhiệm hình sự của họ. Có nhiều trường hợp khi xác định độ tuổi của người phạm tội có tính chất giáp ranh thì các cơ quan có thẩm quyền cần tách các hành vi ở từng độ tuổi để xem xét và sẽ tính tuổi theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội./.
Như vậy, việc xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là vấn đề rất quan trọng trong pháp luật hình sự của mỗi quốc gia. Bởi nó thể hiện quan điểm của Nhà Nước về việc xử lý tội phạm đảm bảo an toàn trật tự xã hội, đồng thời bảo vệ quyền con người, đặc biệt là đối với người chưa thành niên phạm tội. Nếu có vướng mắc liên quan đến quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc bất kỳ vấn đề pháp lý nào vui lòng liên hệ theo số Hotline: 1900.6568 để được hỗ trợ chi tiết.