Tảo hôn là gì? Tảo hôn bị xử lý như thế nào?

tao-hon-la-gi-tao-hon-bi-xu-ly-nhu-the-nao

Xưa nay, chúng ta thường nghe vấn đề tảo hôn xảy ra tại các tỉnh vùng núi, đặc biệt là vùng núi phía Bắc nước. Nơi có rất nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Mông, Dao, Mường,.. Ảnh hưởng bởi những phong tục tập quán, quan niệm lạc hậu có từ xưa. Do vị trí địa lí cũng như điều kiện cuộc sống nên các vấn đề như giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội trên đây còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến rất quan trọng. Hiện nay, không ngoại trừ các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là các thành phố lớn. Khi xã hội phát triển, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kiến thức mà dẫn đến tình trạng có thai ngoài ý muốn từ đó dẫn đến việc kết hôn trước tuổi theo luật định. Việc kết hôn chưa đến tuổi theo luật định hay còn gọi là tảo hôn. Vậy tảo hôn là gì? Và tảo hôn bị xử lý như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Nghị định 82/2020/NĐ-CP;

1. Tảo hôn là gì?

Căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có giải thích:

“Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 này.”

Theo luật định về điều kiện kết hôn thì nếu nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi hoặc nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi hay cả nam lẫn nữ chưa đủ tuổi theo luật định mà lấy nhau thì được coi là tảo hôn.

2. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn

– Nguyên nhân đầu tiên là do sự hiểu biết của người dân còn yếu kém:Hiện nay, ở tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, kiến thức của người dân về hôn nhân thực chất thì vẫn còn khá hạn chế. Các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa là những nơi mà pháp luật của Đảng và Nhà nước ta hiện vẫn chưa phổ biến rộng rãi. Bởi vì thế mà những người dân ở nơi đây cũng không có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề dân số và hiểu được rõ những hệ lụy mà xã hội có thể gặp phải trong tương lai.

Bên cạnh đó thì ta cũng thấy rằng, vấn nạn tảo hôn thực tế không chỉ xảy ra ở những vùng sâu vùng xa mà vấn nạn tảo hôn còn tồn tại ở các tỉnh thành phố. Các tỉnh thành phố là nơi công tác tuyên truyền về hôn nhân và gia đình đã được triển khai và mang tính triệt để. Tuy biết có nhiều người đã biết nhưng vẫn vi phạm.

– Thứ hai là do phong tục tập quán lạc hậu: Phong tục tập quán từ lâu đời đã ăn sâu trong tiềm thúc của những người dân tộc thiểu số từ bao đời nay. Đối với nhiều người dân thì việc lấy chồng lấy vợ sẽ chỉ cần sự chấp thuận của những người đứng đầu trong làng hay do cha mẹ 2 bên quyết định.

– Nguyên nhân thứ ba là do ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường: Trong nền kinh tế thị trường như ở giai đoạn ngày càng, quan niệm sống của con người cũng vì thế mà đã trở nên cởi mở hơn. Người dân cũng không bị gò bó bởi những quan niệm cổ hủ xưa. Và, cũng chính bởi vì thế mà con người dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ vợ chồng từ sớm.

– Một nguyên nhân nữa là các chế tài pháp luật chưa đủ sức răn đe: Pháp luật nước ta trong thực tiễn vẫn còn chưa kiên quyết trong việc quản lý đăng ký kết hôn. Bên cạnh đó thì các chế tài của luật cũng vẫn còn chưa nghiêm khắc nên các chế tài này cũng không có đủ sức răn đe.

Thực tế cũng đã cho thấy nhiều người vẫn chịu nộp phạt để họ có thể được chung sống bình thường với người khác. Đây là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra vô cùng phổ biến.

– Bên cạnh đó công tác tuyên truyền giáo dục còn hạn chế: Với trình độ dân trí vẫn còn chưa cao thì nhiều người dân tộc thiểu số còn bất đồng ngôn ngữ với kiến thức luật pháp quy đinh. Điều này cũng đã dẫn tới nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền công tác chống tảo hôn đến những người dân.

3. Các trường hợp cấm, kết hôn trái pháp luật

Trong khoản 2 Điều 5 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có nêu ra một số trường hợp thuộc điều cấm, trái pháp luật trong hôn nhân gia đình hiện nay.

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Trong đó, tại điểm b có quy định tảo hôn thuộc hành vi cấm, kết hôn trái pháp luật mà trong luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định.

4. Tảo hôn bị xử lý như thế nào?

Việc cưới vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi dù cả hai là tình nguyện thì vẫn thuộc điều cấm của pháp luật. Về mặt sinh học thì trẻ vị thành niên là những đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi, đang ở độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý.

Ở độ tuổi này sẽ thường hay tò mò muốn khám phá chính mình, muốn được khẳng định bản thân mình như một người lớn, phát triển khả năng yêu và được yêu,… có trường hợp lấy nhau ở độ tuổi quá nhỏ, vẫn chưa tới tuổi theo điều kiện kết hôn trong luật định. Mặc dù chỉ làm đám cưới nhưng đây vẫn bị xem là tảo hôn và vẫn sẽ bị phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự như quy định.

  • Về hành chính

Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CPquy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

– Nếu ai có hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người khác mà chưa đủ tuổi kết hôn thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

– Đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa ánthì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

  • Về hình sự

Truy cứu trách nhiệm hình sự dành cho người có hành vi tổ chức tảo hôn về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cụ thể:

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

5. Một vài trường hợp về tội tảo hôn

Dưới đây là một vài trường hợp về tội tảo hôn thường gặp:

Trường hợp lấy vợ lấy chồng, một trong hai bên chưa đủ điều kiện kết hôn hoặc cả hai đều chưa đủ tuổi, nhưng vẫn tổ chức đám cưới. Thời điểm đạt độ tuổi, đủ điều kiện kết hôn thì cả hai đi đăng ký kết hôn. Vậy sau khi hai người này đăng ký kết hôn thì việc tổ chức đám cưới trước đó khi chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện về kết hôn đã được coi là hành vi tảo hôn và bị pháp luật nghiêm cấm.

Trường hợp tảo hôn nhưng không quan hệ tình dục vẫn vi phạm pháp luật. Vì hành vi tảo hôn không căn cứ vào việc có quan hệ tình dục hay không mà căn cứ vào việc ai có hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi, duy trì quan hệ vợ chồng khi tảo hôn dù đã có bản án, quyết đinh đã có hiệu lực pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn là chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

6. Ai có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái luật do hành vi tảo hôn

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án huỷ kết hôn trái luật do nam, nữ tảo hôn gồm:

– Cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

– Hội liên hiệp phụ nữ;

Sau khi được giải quyết việc huỷ kết hôn trái luật vì nam, nữ tảo hôn thì sẽ xảy ra những hậu quả như sau:

– Các bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ vợ chồng trái luật trước đó.

– Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ con vẫn còn tồn tại và sẽ được giải quyết như khi cha, mẹ ly hôn.

– Các quan hệ khác như tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng giữa các bên sẽ được thực hiện theo thoả thuận của các bên. Nếu không thoả thuận được thì giải quyết theo Bộ luật Dân sự và các quy định khác. Tuy nhiên, dù giải quyết theo hướng nào thì cũng phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con.

7. Trường hợp tảo hôn nhưng vẫn được công nhận là vợ chồng

Căn cứ tại khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

“Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này”

Do vậy, khi nam nữ tảo hôn nhưng tại thời điểm giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật mà nam nữ đã đủ tuổi theo luật định về điều kiện kết hôn và có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ công nhận quan hệ vợ chồng giữa cả hai.

Trên đây là những phân tích của Luật Dương Gia về trách nhiệm liên đới và quy định của pháp luật về tảo hôn là gì và tảo hôn bị xử lý như thế nào . Nếu cần tư vấn chi tiết hơn, thì bạn có thể liên hệ về thông tin dưới đây để được tư vấn, báo phí và hỗ trợ dịch vụ pháp lý có liên quan trực tiếp đến nội dung bài viết hoặc gọi theo số hotline 19006586 để được giải đáp thắc mắc.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon