Hợp đồng là gì? Các loại hợp đồng thông dụng?

hop-dong-la-gi-cac-loai-hop-dong-thong-dung

Hợp đồng là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên, trong đó các bên cùng quy định rõ ràng các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với nhau. Hợp đồng có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những lời nói cho đến những văn bản pháp lý phức tạp. Tuy nhiên, không phải mọi thỏa thuận đều được pháp luật công nhận là hợp đồng.

Với sự đa dạng của các mối quan hệ xã hội, hợp đồng cũng vô cùng phong phú. Mỗi loại hợp đồng đều có những đặc trưng riêng, phù hợp với từng loại giao dịch. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm hợp đồng và những loại hợp đồng phổ biến hiện nay.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

1. Hợp đồng là gì?

Căn cứ Điều 385, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về khai niệm hợp đồng như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Theo khái niệm này, hợp đồng dân sự không chỉ thỏa thuận về giai đoạn khi một bên chuyển giao tài sản hay thực hiện một công việc cho bên còn lại mà gắn liền với cả quá trình từ lúc thiết lập, thay đổi đến lúc chấm dứt hợp đồng. Sự tồn tại của hợp đồng dân sự giúp cho các bên trong quan hệ dân sự biết rõ về nghĩa vụ phải thực hiện, phạm vi quyền lợi được hưởng, đồng thời giảm thiểu những tranh chấp phát sinh. Bởi hợp đồng được xây dựng từ ý chí của các bên. Từ đó, ta có thể thấy tầm quan trọng của hợp đồng trong các giao dịch dân sự.

2. Ý nghĩa của việc ký kết hợp đồng

Việc giao kết hợp đồng giữa các bên có ý nghĩa quan trọng như sau:

Tạo lập hành lang pháp lý vững chắc: Khi các bên tham gia hợp đồng thì có quyền tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng nhưng tự do phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Việc quy định về các điều kiện để chủ thể giao kết hợp đồng và các biện pháp chế tài nếu các bên không tuân thủ các điều kiện an toàn cho các chủ thể tham gia hợp đồng dân sự.

Cơ sở giải quyết tranh chấp:  Khi xảy ra mâu thuẫn, hợp đồng sẽ là bằng chứng rõ ràng nhất để xác định trách nhiệm của từng bên, giúp quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra nhanh chóng và công bằng.

Công cụ giám sát của nhà nước: Các cơ quan chức năng có thể dựa vào hợp đồng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật của các bên, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Đảm bảo sự ổn định trong giao dịch: Hợp đồng giúp củng cố các quan hệ tài sản, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Việc vi phạm hợp đồng sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm khắc, răn đe các hành vi gian lận và bảo vệ quyền lợi của những người tham gia.

Tóm lại, hợp đồng là một công cụ pháp lý hữu hiệu, không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia mà còn góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế.

3. Đặc điểm của hợp đồng

Căn cứ vào khái niệm hợp đồng dân sự, có thể thấy hợp đồng dân sự bao gồm các đặc điểm sau:

Thứ nhất, hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên, nhưng là sự thỏa thuận thống nhất ý chí và ý chí đó phải tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với ý chí của Nhà nước.

Thứ hai, hợp đồng dân sự là một sự kiện pháp lý làm phát sinh hậu quả pháp lý: Xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể.

Thứ ba, nội dung của hợp đồng dân sự là quyền và nghĩa vụ mà các bên chủ thể quy định cho nhau phải thực hiện.

Thứ tư, mục đích của hợp đồng dân sự là lợi ích hợp pháp, không trái đạo đức xã hội mà các bên cùng hướng tới thì hợp đồng dân sự mới phát sinh hiệu lực, qua đó quyền và nghĩa vụ của các bên mới có thể thực hiện được trên thực tế.

Có thể thấy, nội dung là phần chủ yếu thể hiện đặc trưng của hợp đồng dân sự. Đề cao sự tự nguyện và bình đẳng thỏa thuận nên Bộ luật dân sự không ràng buộc một nội dung nào phải có trong hợp đồng dân sự.

4. Các loại hợp đồng thông dụng

Theo quy định của Bộ luật Dân sự Hiện hành, có tất cả 15 loại hợp đồng thông dụng, cụ thể:

1.Hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Hợp đồng mua nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở và luật khác có liên quan.

2. Hợp đồng trao đổi tài sản

Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận của các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định.

Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

3. Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận

– Tặng cho động sản: Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm đăng ký.

– Tặng cho bất động sản:Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải được đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật

Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lựu kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

4. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.

5. Hợp đồng thuê tài sản

Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuế.

Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Hợp đồng thuê khoán tài sản

Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.

Đối tượng của hợp đồng thuê khoán có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

7. Hợp đồng mượn tài sản

Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

Tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.

8. Hợp đồng về quyền sử dụng đất

Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật Đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.

9. Hợp đồng hợp tác

Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.

10. Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

11. Hợp đồng vận chuyển hành khách

Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.

Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.

12. Hợp đồng vận chuyển tài sản

Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.

Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.

13. Hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

14. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

15. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về “Hợp đồng là gì? Các loại hợp đồng thông dụng?”. Trường hợp bạn còn đang thắc mắc hoặc cần tư vấn hỗ trợ liên hệ Luật Dương Gia để được giải đáp.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon