Nghĩa vụ và các căn cứ phát sinh nghĩa vụ

nghia-vu-va-cac-can-cu-phat-sinh-nghia-vu

Nghĩa vụ là một bộ phận không thể tách rời trong nội dung của một quan hệ pháp luật dân sự. Pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ và các căn cứ phát sinh nghĩa vụ? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong dân sự

1. Quy định chung của pháp luât về nghĩa vụ

1.1. Khái niệm về nghĩa vụ

Nghĩa vụ có thể được hiểu là một bộ phận không tách rời trong nội dung của một quan hệ pháp luật dân sự. Bao gồm nhưng hành vi mà một bên chủ thể phải thực hiện vì lợi ích của các chủ thể còn lại trong một quan hệ dân sự. Như việc chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc hay không thực hiện một công việc đã được các bên tham gia quan hệ đó thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.

Tại Điều 274 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoăc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).

1.2. Đối tượng của nghĩa vụ

Đối tượng của nghĩa vụ là tài sản

Tài sản theo định nghĩa trong Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Ngoài ra, vật chia được hoặc vật không chia được; vật cùng loại hoặc vật đặc định; vật được xác định theo chủng loại hoặc được xác định là vật đồng bộ cũng có thể được coi là tài sản. Tùy theo tính chất của từng loại tài sản cụ thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự mà các bên thỏa thuận để xác định nội dung của quan hệ nghĩa vụ.

Đối tượng của nghĩa vụ là công việc phải làm

Công việc phải làm được coi là đối tượng của nghĩa vụ, nếu từ một công việc được nhiều người xác lập với nhau một quan hệ nghĩa vụ mà theo đó, người có nghĩa vụ phải thực hiện công việc theo đúng nội dung đã được xác định.

Công việc phải làm có thể được hoàn thành với một kết quả nhất định, nhưng cũng có thể không gắn liền với một kết quả, nếu các bên thỏa thuận hoặc do tính chất công việc.

Đối tượng của nghĩa vụ là công việc không được làm

Công việc không được làm là đối tượng của nghĩa vụ trong những trường hợp, các bên từ công việc đó xác lập với nhau một quan hệ nghĩa vụ. Theo đó, một bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc theo nội dung mà các bên xác định.

2. Các căn cứ phát sinh nghĩa vụ

Theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ được xác lập theo một trong các căn cứ sau đây:

2.1. Hợp đồng

Nghĩa vụ được phát sinh khi các chủ thể thiết lập với nhau một hợp đồng dân sự. Ví dụ: Hai bên giao kết một hợp đồng mua bán tài sản, thì tại thời điểm hợp đồng đó được coi là có hiệu lực pháp luật sẽ làm hình thành giữa hai bên các nghĩa vụ giao vật, trả tiền,… Tuy nhiên, hợp đồng dân sự chỉ làm phát sinh nghĩa vụ nếu là một hợp đồng có hiệu lực (các bên giao kết hợp đồng phải tuân theo các điều kiện mà pháp luật quy định đối với một hợp đồng).

Ngoài ra, đối với hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm kí kết nên không được coi là căn cứ phát sinh nghĩa vụ cho các bên trong hợp đồng.Nếu hợp đồng vô hiệu, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (trừ trường hợp tài sản là đối tượng của hợp đồng và các khoản lợi có được từ hợp đồng bị tịch thu theo quy định của pháp luật).

2.2. Hành vi pháp lý đơn phương

Hành vi pháp lý đơn phương là hành vi thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ. Đây là một loại giao dịch dân sự, trong đó chỉ biểu hiện ý chí đơn phương của một bên. Vì vậy, hành vi pháp lý đơn phương có phát sinh quan hệ nghĩa vụ hay không còn phụ thuộc vào sự tiếp nhận của chủ thể còn lại trong giao dịch dân sự đó.

Hành vi pháp lý đơn phương chỉ làm phát sinh một nghĩa vụ khi ý chí đã thể hiện trong đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Đồng thời, nếu sự thể hiện ý chí đó có kèm theo một số điều kiện nhất định thì chỉ khi nào những người khác thực hiện đúng các điều kiện đó mới làm phát sinh nghĩa vụ giữa các bên.

Tuy nhiên, không phải mọi hành vi pháp lý đơn phương đều làm phát sinh nghĩa vụ dân sự. Có hành vi pháp lý đơn phương được tiến hành nhằm làm phát sinh quyền hay nghĩa vụ dân sự của chủ thể xác định. Có những hành vi pháp lý đơn phương được tiến hành không nhằm làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể xác định. Ví dụ như việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản thì trong trường hợp này là làm chấm dứt một quan hệ pháp luật dân sự chứ không làm phát sinh nghĩa vụ.

2.3. Chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Việc chiếm hữu, sử dụng tài sản của một người chỉ được pháp luật thừa nhận và bảo đảm nếu người đó là chủ sở hữu của tài sản hoặc là người được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng thông qua giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu hay người đó là người được phép chiếm hữu, sử dụng tài sản trong các trường hợp do pháp luật quy định. Vì vậy, ngoài những trường hợp kể trên, việc chiếm hữu, sử dụng tài sản bị coi là không có căn cứ pháp luật. Từ đó sẽ làm phát sinh một quan hệ nghĩa vụ mà trong đó, người chiếm hữu, sử dụng tài sản có nghĩa vụ phải trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.

Nghĩa vụ hoàn trả do được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015) phát sinh kể từ khi người được lợi có khoản lợi đó trong tay. Từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc được lợi, thì phải hoàn trả khoản lợi mà mình đã thu được. Tuy nhiên, khi xem xét tới nghĩa vụ hoàn trả tài sản của người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật thì phải xem xét với Điều 167, Điều 168 Bộ luật dân sự 2015 về nghĩa vụ hoàn trả trong trường hợp người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình.

2.4. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật

Thực hiện hành vi gây thiệt hại trái pháp luật sẽ phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại. Đây là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Khi một người thực hiện một hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác sẽ làm phát sinh một quan hệ dân sự, trong đó, người có nhưng hành vi nói trên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại (Điều 584 BLDS 2015). Nghĩa vụ này còn được gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Về mặt nội dung, quan hệ bồi thường thiệt hại được xác định là một nghĩa vụ, vì trong đó có thể hiện quá trình dịch chuyển một lợi ích vật chất từ chủ thể này sang chủ thể khác. Khoản lợi ích mà người có hành vi trái pháp luật phải bồi thường bao giờ cũng được xác định thành một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Về hình thức, quan hệ bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự. Vì vậy, khi việc bồi thường thiệt hại được thực hiện dưới dạng một trách nhiệm dân sự, phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Trong đó, người có hành vi trái pháp luật phải gánh chịu hậu quả bất lợi về tài sản.

2.5. Thực hiện công việc không có ủy quyền

Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người khác khi người có công việc được thực hiện không biết hoặc biết mà không phản đối (Điều 574 BLDS 2015).

Thực hiện công việc không có ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa người thực hiện công việc với người được thực hiện công việc. Trong đó, người được thực hiện công việc có nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc. Đồng thời phải trả thù lao cho người thực hiện công việc. Tuy nhiên, nếu người đã thực hiện công việc không yêu cầu thanh toán cũng như trả thù lao thì người được thực hiện công việc không phải thực hiện các nghĩa vụ này (Điều 576 BLDS 2015).

Nếu một người thực hiện công việc vì lợi ích của người khác nhưng công việc đó không phù hợp với mong muốn của người được thực hiện công việc sẽ không làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán, trả thù lao của người được thực hiện công việc (khoản 2 Điều 575 BLDS 2015).

2.6. Căn cứ khác do pháp luật quy định

Ngoài việc được xác lập khi có một trong năm căn cứ đã nếu trên, nghĩa vụ còn được xác lập trong các trường hợp khác nếu pháp luật có quy định (khoản 6 Điều 275 BLDS 2015). Ví dụ như nghĩa vụ có thể được xác lập từ một bản án, quyết định của Tòa án hoặc từ một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trên đây là nội dung chi tiết về quy định của pháp luật đối với nghĩa vụ và các căn cứ phát sinh nghĩa vụ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon