Hợp đồng là gì? Các nội dung cơ bản của hợp đồng?

hop-dong-la-gi-cac-noi-dung-co-ban-cua-hop-dong

Hợp đồng có thể hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc quy định các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự, cùng các điều khoản làm thay đổi hay chấm dứt chúng, hợp đồng được lập thành nhiều hình thức khác nhau, như qua lời nói, qua văn bản hoặc qua hành vi cụ thể, trừ khi pháp luật quy định cụ thể trong một số lĩnh vực.

Khi hai bên chủ thể giao kết hợp đồng với nhau, hợp đồng sẽ xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nội dung xác lập giao dịch cũng khác nhau. Tuy nhiên, mỗi hợp đồng trong giao dịch dân sự đều có những nội dung cơ bản được quy định trong Bộ luật dân sự. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích các nội dung cơ bản của hợp đồng.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Hợp đồng là gì?

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về khái niệm hợp đồng như sau:

Điều 385. Khái niệm hợp đồng

“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Như vậy, hợp đồng được hiểu là sự thể hiện ý chí của các bên bằng việc thoả thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên, xác định khi nào và trong điều kiện nào thì các quyền và nghĩa vụ này được xác lập, được thay đổi và chấm dứt.

Các chủ thể tham gia hợp đồng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân hoặc các loại chủ thể khác. Khách thể của hợp đồng chính là đối tượng của hợp đồng, có thể là tài sàn, hàng hoá hoặc dịch vụ. Nguyên tắc quan trọng và được pháp luật bảo vệ là nguyên tắc tự do thoả thuận, bình đẳng và thiện chí trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng.

Hợp đồng được lập thành nhiều hình thức khác nhau, như qua lời nói, qua văn bản hoặc qua hành vi cụ thể, trừ khi pháp luật quy định cụ thể trong một số lĩnh vực.

Việc giao kết hợp đồng giữa các bên có ý nghĩa quan trọng như sau:

– Tạo hành lang pháp lý an toàn cho các chủ thể tham gia hợp đồng. Khi các bên tham gia hợp đồng thì có quyền tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng nhưng tự do phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Việc quy định về các điều kiện để chủ thể giao kết hợp đồng và các biện pháp chế tài nếu các bên không tuân thủ các điều kiện an toàn cho các chủ thể tham gia hợp đồng dân sự.

– Là cơ sở để giải quyết các tranh chấp xảy ra. Khi có tranh chấp thì chính những thỏa thuận của các bên sẽ là chứng cứ quan tọng để xác định trách nhiệm của mỗi người.

– Đảm bảo cho việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những cam kết của các chủ thể tham gia hợp đồng là căn cứ quan trọng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra xem các chủ thể đó có thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật hay không. Đồng thời áp dụng các biện pháp chế tài cho các bên vi phạm khi cần thiết.

– Đảm bảo sự ổn định các quan hệ sở hữu tài sản. Khi một hoặc các bên vi phạm thì hợp đồng dân sự vô hiệu, bên vi phạm phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi cho chính họ, ví dụ: bị phạt cọc… Việc quy định này có ý nghĩa khắc phục những thiệt hại cho bên vi phạm, đồng thời còn tạo nên sự công bằng xã hội, tạo sự ổn định trong giao lưu tài sản, góp phần ổn định trong quan hệ sở hữu tài sản.

2. Các nội dung cơ bản của hợp đồng

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nội dung của hợp đồng như sau:

Điều 398. Nội dung của hợp đồng

“1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”

– Chủ thể của hợp đồng:

Thông thường trong hợp đồng, nội dung này được ghi nhận là thông tin các bên tham gia giao kết hợp đồng. Chủ thể của hợp đồng có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức (pháp nhân). Chủ thể của hợp đồng là căn cứ để xác định tư cách của chủ thể ký kết hợp đồng. Theo đó, nếu chủ thể là cá nhân thì chính người đó ký; nếu chủ thể là pháp nhân thì người ký kết hợp đồng là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền (kèm theo văn bản uỷ quyền).

Chủ thể của hợp đồng cần được mô tả ngay sau phần đầu của hợp đồng. Phần chủ thể của hợp đồng phải đưa ra các thông tin đủ để xác định và phân biệt được chủ thể của hợp đồng và các chủ thể khác.

Ví dụ: Chủ thể là doanh nghiệp thì cần có các thông tin: Tên công ty; mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; người đại diện theo pháp luật. Chủ thể là cá nhân thì cần có các thông tin: Họ tên; Số giấy tờ pháp lý cá nhân, địa chỉ cư trú. Ngoài các thông tin trên, phần mô tả chủ thể có thể có các thông tin khác gắn với chủ thể được mô tả như: số điện thoại, emai, số tài khoản ngân hàng,….

– Đối tượng của hợp đồng:

Mỗi một hợp đồng đều có đối tượng cụ thể. Ví dụ: hợp đồng mua bán tài hàng hóa thì đối tượng của hợp đồng là hàng hóa.

Trong hợp đồng phải ghi nhận đúng đối tượng mà các bên giao dịch; ngoài ra để chắc chắn, các bên thường quy định về loại đối tượng, số lượng, chất lượng… đối tượng của hợp đồng.

– Số lượng, chất lượng

Số lượng, chất lượng là hai đại lượng gắn liền với đối tượng của hợp đồng. Tuỳ vào từng loại hợp đồng mà số lượng và chất lượng của đối tượng không giống nhau.

Thông thường nếu đối tượng là tài sản thì số lượng được xác định bằng các đơn vị như số đếm, trọng lượng, đơn vị đo,… Nếu đối tượng là công việc thì các bên có thể xác định số lượn thông qua công việc cụ thể bao gồm những bước nào, thực hiện ba nhiêu lần,… Cùng với số lượng, chất lượng là cơ sở để xác định giá trị hợp đồng, đánh giá mức độ hoàn thành nghĩa vụ, hay những thiệt hại vật chất khác. Các bên tự thoả thuận về tiêu chí đánh giá số lượng, chất lượng; có thể là giá trị của tài sản hoặc kết quả của công việc.

– Giá, phương thức thanh toán:

Giá và phương thức thanh toán là nội dung cơ bản của hợp đồng. Giá được xác định dựa trên đối tượng đó là gì, số lượng và chất lượng đó như thế nào. Các bên tự thoả thuận về giá dựa trên giá thị trường của đối tượng vào thời điểm giao kết.

Phương thức thanh toán là cách thức thực hiện việc thanh toán giá trị hợp đồng do các bên thoả thuận. Các bên có thể lựa chọn phương thức thanh toán nhanh gọn, thuận tiện nhất để thực hiện hợp đồng. Phương thức thanh toán có thể là: trực tiếp bằng tiền mặt; chuyển khoản; gián tiếp thông qua trung gian,….

Ví dụ: Hợp đồng vay vốn cần có các điều khoản về số vốn vay, cách thức thanh toán lãi suất vay, cách thức hoàn trả tiền vay

Tuy nhiên, điều khoản giá và phương thức thanh toán không phải là điều khoản bắt buộc đối với mọi hợp đồng. Bởi vì trên thực tế, khi các bên không thoả thuận về giá cả thì vẫn có thể được xác định dựa vào giá thị trường của đối tượng cùng loại.

– Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng:

Thời hạn thực hiện hợp đồng là khoảng thời gian, hoặc mốc thời gian nhất định do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định. Khi đến thời hạn đã thoả thuận, các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Các bên nên thoả thuận cụ thể thời hạn bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng; thời hạn thực hiện hợp đồng (thời gian giao hàng, thời gian thực hiện dịch vụ,…); thời điểm kết thúc hợp đồng.

Phương thức thực hiện hợp đồng là cách thức, biện pháp do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định là cơ sở để bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Theo đó, các bên có thể thỏa thực hiện nghĩa vụ trực tiếp hoặc thông qua  người thứ ba, thực hiện một lần hoặc nhiều lần.

– Quyền, nghĩa vụ của các bên:

Căn cứ vào các điều khoản về nội dung, giá trị hợp đồng đồng thời dựa trên những quyền lợi chính đáng mà các bên đã thoả thuận với nhau để quyết định về điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên. Quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong nội dung của hợp đồng có sự tương ứng với nhau; quyền của bên này tương đương với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Quyền và nghĩa vụ của các bên không những là cơ sở để xác định hành vi vi phạm của chủ thể và trách nhiệm khi vi phạm mà còn là căn cứ để xác định mức độ hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng.

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng:

Sự thoả thuận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng có thể là phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hoặc một loại trách nhiệm khác. Trường hợp các bên có thoả thuận phạt vi phạm nhưng không thoả thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Vấn đề phạt vi phạm có thể áp dụng song song với việc tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu trường hợp vi phạm không rơi vào điều kiện được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

– Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng:

Nội dung này nhằm tạo sự thuận lợi khi giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Các bên có thể thoả thuận chọn Toà án hoặc Trọng tài nếu tranh chấp xảy ra.

Ví dụ: Mọi tranh chấp phát sinh hoặc liên quan đến hợp đồng này trước hết sẽ được giải quyết thông qua thương lượng và hoà giải giữa các bên. Nếu tranh chấp không giải quyết được thông qua hoà giải thì các bên nhất trí rằng một trong các bên có quyền đưa ra giải quyết tại Toà án nhân dân có thẩm quyền.

3. Hình thức của hợp đồng

– Hình thức của hợp đồng được hiểu là cách thức thể hiện hợp đồng để ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận về hình thức của hợp đồng bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

– Khi các bên thỏa thuận giao kết bằng một trong ba hình thức trên thì hợp đồng được xem xét là đã giao kết và phải tuân theo quy định về nội dung của hình thức đó. Trong một số trường hợp cụ thể, pháp luật có quy định về việc hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực thì khi đó hình thức của hợp đồng bắt buộc phải tuân theo các quy định của pháp luật.

– Đối với loại hợp đồng dân sự, pháp luật quy định phải được thể hiện bằng một hình thức nhất định (như phải được làm thành văn bản) thì các bên giao kết hợp đồng phải thể hiện hợp đồng theo hình thức đó. Các bên giao kết hợp đồng dân sự ở nước ngoài thì hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng.

– Nếu hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam. Riêng hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về hợp đồng là gì và các nội dung cơ bản của hợp đồng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon