Nguyên tắc bồi thường quy định trong pháp luật dân sự hiện hành

nguyen-tac-boi-thuong-quy-dinh-trong-phap-luat-dan-su-hien-hanh

Trong giao dịch dân sự, hợp đồng được xem là hình thức để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì thế, khi một trong 2 bên vi phạm thì nghĩa vụ bồi thường phát sinh. Vậy, nguyên tắc bồi thường quy định trong pháp luật dân sự hiện hành như thế nào. Bài viết dưới đây, luật Dương Gia sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn vấn đề này.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời

Đúng như mục đích của việc nhà làm luật phải ghi nhận và buộc chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường là nhằm đảm bảo cho người bị thiệt hại nhanh chóng được bù đắp những thiệt hại mình phải gánh chịu, nên nguyên tắc đầu tiên, quan trọng nhất trong việc thực hiện bồi thường thiệt hại là phải toàn bộ, kịp thời.

Trong BLDS năm 2015, quy định đã nhấn mạnh là “thiệt hại thực tế”. Thiệt hại thực tế phải được hiểu là các thiệt hại có thực, không được suy đoán ra thiệt hại thì mới là giá trị thiệt hại để bồi thường. Thiệt hại thực tế chỉ “bị mất mát về người, về của cải vật chất hoặc tinh thần” hoặc “tổn thất về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ ”.

Thiệt hại thực tế này được bồi  thường toàn bộ có thể hiểu là “thiệt hại xảy ra bao nhiêu thì phải được bồi thường bấy nhiêu”. Những thiệt hại này phải có đầy đủ căn cứ, minh chứng chứng minh thiệt hại là có thật. Các thiệt hại được suy đoán “có thể bị thiệt hại” sẽ không được tính vào giá trị thiệt hại và người bị thiệt hại phải bồi thường. Nên chính vì thế, nguyên tắc bồi thường toàn bộ hầu như chỉ áp dụng được các trường hợp gây thiệt hại về tài sản. Các trường hợp gây thiệt hại tới tính mạng, sức khoẻ, đặc biệt uy tín, danh dự, nhân phẩm thì thường rất khó áp dụng nguyên tắc này vì thường khó xác định ngay lập tức giá trị thiệt hại.

Ví dụ cụ thể là: “Ngày 01/02/2017, Nguyễn Văn A mang cưa lốc số hiệu STIL 381 vào khoảnh 4 tiểu khu 706 thuộc thôn I, xã P là rừng đặc dụng, đã cưa hạ 10 cây gỗ rồi quay về, với ý định chờ cây khô sẽ thuê người cưa xẻ kéo về làm nhà ở. Ngày 14/02/2017, trạm kiểm lâm L kiểm tra phát hiện và báo cáo cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM. Qua xác đinh, điều tra của cơ quan chức năng, số gỗ bị đốn hạ là loại gỗ thuộc nhóm III và VII, có khối lượng 35m3 gỗ tròn, diện tích rừng bị thiệt hại không đáng kể, vì các cây gỗ ngã nằm liền kề khu vực đất trống.

Sau đó, Nguyễn Văn A có đơn báo cáo thừa nhận hành vi trên của mình. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện K kết luận giá trị thiệt hại khối lượng gỗ do A khai thác trái phép là 60 triệu đồng và thiệt hại về môi trường không đáng kể. Công an huyện K ra quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức chuyển giao cho hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM tổ chức thu gom số gỗ tròn tận thu được là 25m3, số gỗ còn lại là 10m3 không tận thu được đã tiêu huỷ. Sau khi hoàn tất thủ tục nghiệm thu, Hội đồng định giá bán đấu giá 25m3 gỗ, thu được 125 triệu đồng.

Chi phí cho công tác bảo quản, xử lý bán tài sản là 85 triệu đồng” và kết luận cuối cùng đặt ra vấn đề lớn “thiệt hại thực tế trong vụ này là 60 triệu đồng theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự hay là 125 triệu đồng theo Hội đồng bán đấu giá tài sản?”. Như vậy, xác định thiệt hại thực tế luôn là vấn đề không dễ dàng, ngay cả với các cơ quan có thẩm quyền hoặc có chuyên môn trong lĩnh vực bị thiệt hại nên khi BLDS hiện hành quy định nguyên tắc này thì để đưa nguyên tắc này vào cuộc sống được thực hiện nhất quán, thống nhất cũng không phải là dễ dàng.

Nguyên tắc kịp thời bồi thường được hiểu là “ ngay khi thiệt hại xảy ra, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải nhanh chóng khắc phục tổn thất mà người bị thiệt hại phải gánh chịu”.Để xác định kịp thời bồi thường rất khó có một chuẩn nhất định nhưng được hiểu trong từng tình huống cụ thể, bên bồi thường thiệt hại có những chi trả nhanh chóng, nhất định một phần hoặc toàn bộ thiệt hại, tạo điều kiện cho người bị thiệt hại có thể chữa trị hoặc hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại.

2. Nguyên tắc trong giảm mức bồi thường

Việc bồi thường không hẳn lúc nào cũng tuân thủ thiệt hại bao nhiêu được bồi thường bấy nhiêu bởi trong nhiều trường hợp, việc bồi thường nằm ngoài khả năng của người có trách nhiệm bồi thường. Chính vì vậy, tại khoản 2 Điều 585 BLDS năm 2015 ghi nhận trường hợp “có thể” được giảm mức bồi thường, có nghĩa là khi bồi thường thiệt hại thoả mãn các điều kiện thì sẽ được xem xét để giảm bớt mức bồi thường chứ không đương nhiên được giảm. Các điều kiện mà nhà làm luật đặt ra bao gồm:

Một là, người gây thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi vô ý. Người thực hiện hành vi không có bất kỳ sự nhận thức nào về hành vi của mình có khả năng gây nguy hiểm hoặc do quá chủ quan hoặc quá tự tin rằng hành vi của mình không gây thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế hành vi của họ lại gây ra thiệt hại cho người khác, có thể thiệt hại vật chất hoặc tinh thần.

Hai là, thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Trong BLDS năm 2015 thì quy định so với khả năng kinh tế của mình như vậy, khả năng kinh tế này sẽ được xác định vào lúc nào: thời điểm gây thiệt hại hay thời điểm bồi thường thiệt hại? Thực tế, khả năng kinh tế sẽ được xem xét trong một khoảng thời gian nhất định mà thường kéo dài từ lúc gây thiệt hại cho đến lúc bồi thường. Khả năng kinh tế của người bồi thường thiệt hại không thể chi trả được cho toàn bộ thiệt hại mà hành vi của họ gây ra.

Với sự hội tụ đầy đủ hai điều kiện nêu trên thì người gây thiệt hại có thể được xem xét để giảm mức bồi thường. Xem xét giảm mức bồi thường trước hết thuộc về chính người bị thiệt hại. Nếu người bị thiệt hại đồng thuận giảm mức bồi thường thì giá trị bồi thường được coi như các bên thống nhất với nhau. Trường hợp các bên không đạt được sự thoả thuận thì Toà án sẽ có thẩm quyền xem xét giảm mức bồi thường và tất nhiên, mức độ giảm sẽ được đưa ra dựa trên chính khả năng kinh tế của người phải bồi thường. Điều đó đồng nghĩa, mỗi một vụ việc cụ thể thì mức giảm bồi thường cũng sẽ khác nhau, không tuân theo một tỉ lệ hoặc một công thức cố định.

Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra là sau khi có quyết định giảm mức bồi thường mà khả năng kinh tế của người phải bồi thường thiệt hại được cải thiện đáng kể (tăng khả năng kinh tế) thì Toà án có thẩm quyền thay đổi quyết định của mình không hay chỉ được xem xét dựa trên yêu cầu của một trong hai bên đương sự (thông thường chỉ có bên bị thiệt hại mới có yêu cầu thay đổi mức bồi thường) hay sẽ phải thực hiện theo thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 585 BLDS năm 2015.

3. Nguyên tắc giảm mức bồi thường

Pháp luật dân sự hiện hành cho phép giảm mức bồi thường và quy định tại khoản 3 Điều 585 BLDS năm 2015 khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau:

Một là, mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế. Mức bồi thường là một số tiền cụ thể được các bên thống nhất hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc không phù hợp với thực tế được hiểu theo hai trường hợp: mức bồi thường cao hơn so với thực tế hoặc thấp hơn so với thực tế. Những trường hợp hay gặp phải của mức bồi thường cao hơn thực tế là sự hồi phục của bên bị thiệt hại tốt hơn hoặc khả năng kinh tế của bên bồi thường thiệt hại giảm sút đáng kể. Trường hợp mức bồi thường thấp hơn với điều kiện thực tế cũng có thể xảy ra.

Tại thời điểm đưa ra mức bồi thường thì chi phí cấp dưỡng phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội nói chung. Tuy nhiên, sau đó vài năm, điều kiện kinh tế – xã hội thay đổi, nhu cầu cuộc sống tăng lên thì mức cấp dưỡng không còn đáp ứng nên cần thay đổi mức bồi thường. Điều kiện đầu tiên chính là mức bồi thường không còn phù hợp và sự phù hợp phải được hiểu là cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể so với nhu cầu thực tiễn. Mặc dù luật không ghi nhận chi tiết nhưng phải hiểu, sự không phù hợp của mức bồi thường phải được xác định dựa trên các căn cứ, minh chứng cụ thể mà bên yêu cầu thay đổi mức bồi thường chứng minh.

Hai là, quyền yêu cầu thay đổi mức bồi thường thuộc bên bồi thường thiệt hại hoặc bên được bồi thường thiệt hại. Một yêu cầu đặt ra cho việc xem xét thay đổi mức bồi thường chính là yêu cầu đến từ bên bồi thường thiệt hại hoặc bên được bồi thường thiệt hại. Bên bị thiệt hại sẽ thường đưa ra yêu cầu điều chỉnh mức bồi thường nếu nhận thấy mức bồi thường mình được nhận thấp hơn đáng kể so với nhu cầu thực tế. Nên để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho cả bên bồi thường và bên được bồi thường, pháp luật đều cho phép một trong hai bên có quyền đề nghị để thay đổi mức bồi thường. Bên yêu cầu thay đổi mức bồi thường có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình. Tất nhiên, bên yêu cầu cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết phù hợp.

Cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định thay đổi mức bồi thường thuộc về Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Toà án có thẩm quyền ra quyết định mức bồi thường dựa trên yêu cầu bồi thường hoặc tranh chấp về việc bồi thường thiệt hại. Tóm lại, cơ quan ra quyết định về mức bồi thường thì cũng có thẩm quyền trong việc thay đổi mức bồi thường nếu như thoả mãn các điều kiện luật định.

Điểm khó trong quy định này chính là các thủ tục, quy trình tố tụng còn nhiều phức tạp nên nhiều khi yêu cầu đưa ra nhưng để có được quyết định của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mức bồi thường nhiều khi khó đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng.

Thế nên, đối với nguyên tắc này, điểm khó khăn không lệ thuộc vào nhiều các quy định pháp luật hiện hành bởi các quy định pháp luật hiện hành đã đưa ra được những nguyên tắc chung, điều kiện chung áp dụng mà nằm ở cơ chế tổ chức thực thi, áp dụng. Đồng thời, chính bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bên bị thiệt hại cũng phải có nhận thức đầy đủ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình với sự cân bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan thì mới có thể thực hiện tốt được nguyên tắc này.

4. Nguyên tắc bồi thường khi bên bị thiệt hại cũng có lỗi

Trong nhiều trường hợp, bên bị thiệt hại cũng có lỗi nhất định với phần thiệt hại xảy ra nên tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 quy định về trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi thì sẽ không được bồi thường phần giá trị thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Khi xem xét để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, để xác định chủ thể có lỗi hay không cần phải xác định được cả yếu tố ý chí và lý trí. Nếu yếu tố ý chí là đề cập để khả năng nhận thức nói chung thì yếu tố lý trí thể hiện khả năng làm chủ hành vi của chính người thực hiện hành vi trái pháp luật này.

Sự nhận thức có thể hoàn toàn cố ý, tức là biết về hành vi trái pháp luật cũng như hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn mong muốn nó xảy ra hoặc cũng có thể là vô ý, tức là có thể do quá cẩu thả hoặc quá tự tin khi thực hiện hành vi mà không cho rằng hậu quả có thể xảy ra. Đương nhiên, điều này sẽ đồng nghĩa, nếu thực hiện hành vi mà hoàn toàn không có lỗi thì pháp luật sẽ không đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp này.

Thiệt hại nói chung thì dễ xác định hơn nhưng trong bản thân phần tổng giá trị thiệt hại ấy, phần nào do lỗi của từng bên thì khó xác định hơn rất nhiều. Nếu muốn xác định phần thiệt hại do lỗi bên nào sẽ trông chờ nhiều vào ‘sự thoả thuận’ của hai bên (bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại). Trường hợp hai bên chủ thể không đạt được sự thoả thuận sẽ dẫn đến rất khó khăn trong áp dụng với cơ quan nhà nước tiếp nhận được yêu cầu của một trong hai bên chủ thể. Trường hợp khó xác định một tỉ lệ tương đối tương ứng với mức độ lỗi của từng bên thì có thể coi như lỗi hai bên như nhau và tỉ lệ thiệt hại phải gánh chịu sẽ như nhau.

Điểm khó khăn thứ hai trong việc áp dụng nguyên tắc này khi kết hợp với nguyên tắc được ghi nhận tại khoản 2 Điều 585 BLDS năm 2015. Nếu bên bị thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi cố ý có thể là một trong các điều kiện để căn cứ xem xét giảm mức bồi thường. Trong khi đó phần thiệt hại bị gây ra do lỗi của bên bị thiệt hại (có thể cố ý hoặc vô ý) thì đều không được bồi thường nên giá trị bồi thường để xem xét giảm phải là phần giá trị thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại gây ra do lỗi của bên bị thiệt hại. Như vậy mới đảm bảo sự công bằng, hài hoà trong việc áp dụng.

5. Trường hợp không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

BLDS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc không được bồi thường khi thoả mãn các điều kiện được quy định tại khoản 5 Điều 585, theo đó: “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

Nguyên tắc được ghi nhận tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015 dẫn đến nhiều quan điểm trái chiều về sự logic trong nội dung quy định tại Điều luật này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc ghi nhận tại Khoản 5 không phù hợp với đúng tiêu đề Điều 585 là “Nguyên tắc bồi thường thiệt hại” vì chỉ khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì mới áp dụng nguyên tắc này.

Vì thế, quy định tại khoản 5 khi ghi nhận không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là không phù hợp với đúng nội dung của Điều luật và cần được đưa quy định này ra thành một quy định riêng. Quan điểm thứ hai thì ngược chiều với quan điểm thứ nhất vì cho rằng, Điều 585 quy định các nguyên tắc chung nhất áp dụng khi tiến hành xác định và cơ chế thực hiện bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp. Thế nên, nếu đáp ứng các điều kiện được ghi nhận tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015 thì cũng được thực hiện theo nguyên tắc chung là không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xét ở giác độ là các nguyên tắc chung thì quy định về không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Việc xác định biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn thiệt hại mà người bị thiệt hại áp dụng phải được xem xét trong khả năng của người bị thiệt hại. Khả năng người bị thiệt hại được xem xét trong nhiều góc độ:

Khả năng nhận thức, chuyên môn của người bị thiệt hại về thiệt hại đang xảy ra hay điều kiện vật chất của người bị thiệt hại ngay khi xảy ra thiệt hại.

Nên để xem xét đã áp dụng đúng các biện pháp phù hợp, hợp lý, cần thiết cho việc ngăn chặn hoặc giảm mức bồi thường hay chưa cần phải xem xét rất nhiều yếu tố, thậm chí đôi lúc phải cần đến đánh giá của cơ quan chuyên môn.

Dù còn nhiều vấn đề còn đặt ra nhưng nguyên tắc được ghi nhận tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015 bước đầu đặt ra nghĩa vụ về áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho những người bị thiệt hại. Như vậy, mọi cá nhân bị thiệt hại đều phải có ý thức trong việc bảo vệ bản thân mình cũng như bảo vệ những người khác.

Bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về nguyên tắc bồi thường quy định trong pháp luật hiện hành. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon