Lịch sử hình thành và phát triển quy định của pháp luật về tài sản (Phần 1)

lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-tai-san

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nội dung và hình thức có mối quan hệ biện chứng với nhau. Vận dụng vào quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về tài sản ở Việt Nam, các giai đoạn hình thành và phát triển của pháp luật tài sản và nội dung của nó bao giờ cũng là một thể thống nhất, có quan hệ tác động qua lại lẫn nhau.

Sự hình thành và phát triển của pháp luật tài sản diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi thường xuyên, các yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, ràng buộc lẫn nhau. Vì vậy, cần phải phân kỳ quá trình xây dựng và phát triển của pháp luật tài sản theo một trật tự nhất định để có sự nhận thức một cách có hệ thống các thời kỳ đó. Phân kỳ quá trình xây dựng và phát triển của pháp luật tài sản ngoài việc chia quá trình xây dựng và phát triển của pháp luật tài sản thành các giai đoạn dựa trên cơ sở một căn cứ xác định nhằm vào một mục đích nhất định.

Mục đích của việc phân kỳ quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về tài sản là để làm rõ đặc trưng của từng thời kỳ xây dựng và phát triển của pháp luật về tài sản ở Việt Nam. Để đạt được mục đích này, việc phân kỳ quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về tài sản ở Việt Nam có thể dựa trên hai tiêu chí:

Tiêu chí thứ nhất: Tình hình kinh tế, xã hội của đất nước

Tiêu chí thứ hai: Đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam

Như vậy, dựa trên cơ sở hai tiêu chí phân kỳ nói trên, chúng ta có thể chia quá trình xây dựng và phát triển của pháp luật về tài sản ở Việt Nam thành ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất, từ trước năm 1945, từ thế kỷ thứ X – giai đoạn phong kiến độc lập.

Giai đoạn thứ hai, từ năm 1945 đến năm 1995, gia đoạn từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi có Bộ luật Dân sự đầu tiên tại Việt Nam.

Giai đoạn thứ ba, từ năm 1995 cho đến nay. Trong gia đoạn này, chúng ta tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là giai đoạn ban hành Bộ luật dân sự (BLDS) đầu tiên năm 1995 và sau đó được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện vào các năm 2005 và 2015.

1. Giai đoạn trước cách mạng tháng Tám năm 1945

Giai đoạn này là giai đoạn từ thời kỳ phong kiến độc lập (từ thế kỷ thứ X) đến hết thời kỳ thuộc địa.

1.1. Thời kỳ phong kiến độc lập

1.1.1. Thời kỳ nhà Lý

Có thể thấy rằng trong lịch sử tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, các nhà nước quân chủ và phong kiến ở Việt Nam đã nhận thức được vai trò của luật pháp và quan tâm, đầu tư cho việc ban hành pháp luật. Hệ thống pháp luật thời kỳ này gồm các bộ luật tổng hợp và các văn bản pháp luật khác như: Chiếu, Chỉ, Lệ, Lệnh, Dụ, Sắc…Trong đó, các bộ luật: Hình thư (thời Lý), Quốc triều Hình luật (thời Trần), Quốc triều Hình luật (còn gọi là bộ luật Hồng Đức – thời Lê) và Hoàng Việt Luật lệ (còn gọi là bộ luật Gia Long – Thời Nguyễn) là những bộ luật cổ tiêu biểu nhất được xây dựng và ban hành trong lịch sử Việt Nam (từ thế kỳ XI đến thế kỷ XIX).

Theo các cứ liệu lịch sử, trong lịch sử lập pháp Việt Nam, Hình thư là bộ luật quốc gia thành văn đầu tiên, được ban hành dưới thời nhà Lý. Căn cứ vào những ghi chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư thì Hình thư là sưu tập luật lệ mang tính pháp điển. Về quy mô, theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, Hình thư gồm 3 quyền. Về nội dung, qua những ghi chép còn lại trong lịch sử cũ, bộ luật có những quy định về tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại; quy định biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội; quy định một số vấn đề về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản; quy định về thuế…

Kế thừa và phát triển tư duy lập pháp từ thời Lý, nhà nước Việt Nam dưới thời Trần tiếp tục quan tâm đến vấn đề xây dựng pháp luật. Về nội dung, ngoài việc kế thừa những quy định có từ thời Lý, bộ luật Hình thư của thời Trần đã có những bổ sung và điều chỉnh nhất định, đặc biệt là những quy định về hình phạt, thủ tục tố tụng và chế độ tư hữu đất đai, tài sản.

1.1.2. Thời kỳ nhà Lê

Bộ cổ luật quan trọng thứ ba trong lịch sử lập pháp Việt Nam là Quốc triều Hình luật (hay còn gọi là Bộ Luật Hồng Đức), được ban hành dưới thời Lê Thánh Tông, trên cơ sở sưu tập tất cả các điều luật, các văn bản pháp luật đã ban bố và thi hành trong các đời vu trước, được sửa chữa, bổ sung và san định lại cho hoàn chỉnh. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước “Quốc triều hình luật là thành tựu có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử pháp luật Việt Nam”.

Về nội dung, ngoài những quy định chung, bộ luật đã dành từng chương để quy định các vấn đề cụ thể thuộc nhiều ngành luật (theo cách phân loại hiện nay) như: hành chính, hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, tố tụng…Trong đó, có các quy định về điền sản, như trong chương Điền sản gồm 39 điều (Điều 342-373), ngoài ra luật quy định nhà, cửa là đối tượng của hợp đồng mua bán. Quốc triều Hình luật quy định điền thổ là đối tượng của sở hữu tư nhân. Trong đó, điền sản là ruộng đất để canh tác và dùng làm hương hoả; ngoài những tài sản trên, luật không quy định về các loại tài sản khác.

1.1.3. Thời kỳ nhà Nguyễn

Sau khi triều Lê suy yếu, Việt Nam rơi vào tình trạng nội chiến kéo dài suốt 3 thế kỷ, cho đến khi Nguyễn Ánh lập ra triều Nguyễn năm 1802. Để củng cố chế độ phong kiến, bảo vệ quyền lực vương triều và ổn định xã hội sau một thời gian dài biến động, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã lập tức sai quần thần biên soạn một bộ luật mới. Năm 1815, bộ Hoàng Việt Luật Lệ gồm 398 điều, chia thành 22 quyển. Các điều luật được phân loại và sắp xếp theo 6 lĩnh vực, tương ứng với nhiệm vụ của 6 Bộ, trong đó có quy định về quản lý dân cư và đất đai (hộ luật).

Nhìn chung, trước thế kỷ XIV nông nghiệp nông thôn Đại Việt từng tồn tại loại hình kinh tế đại điền trang với kiểu bóc lột nông nô, nô tỳ thời Lý, Trần. Nền kinh tế này cơ bản bị thủ tiêu vào cuối thế kỳ thứ XIV. Sang thời Lê Sơ, chế độ lộc điền lớn chưa từng có, Vua ban cho quan lại cận thần nhà cửa, quan lại được dụng ích suốt đời. Mặc khác, chế độ quân điền được thực hiện, ruộng đất chia cho nhân dân để canh tác và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.

Đây là một chính sách đất đai mới của nhà Lê nhằm đảm bảo lượng thực cho nhân dân và quân lương cho nhà nước. Vào thời kỳ này đất đai là tài sản quý nhất là vốn liếng của nông dân, là công cụ bóc lột của quan lại đối với người nghèo thông qua việc phát canh thu tô. Vì vậy, trong luật điều chỉnh loại tài sản chủ yếu là điền thổ, còn các tài sản khác giá trị nhỏ nên luật không đề cập đến.

Có thể thấy, các bộ luật trên đây đều được ban hành để phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành quốc gia của các triều dại và đã phát huy tác dụng trong xã hội đương thời. Trong đó, các quy định về tài sản chủ yếu thời kỳ này quy định về điền sản. Về vấn đề này, tác giả Vũ Văn Mẫu trong lời tựa của cuốn Hồng Đức thiện chính thư (Sài gòn 1959) cho rằng: “Điều này cũng dễ hiểu vì trong một nền kinh tế trọng nông thì chỉ có điền thổ mới được coi là yếu tố tư bản chính yếu, các động sản khác chỉ những vật ít có giá trị”.

1.2. Thời kỳ Pháp thuộc

Giữa thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và cuối cùng đã đầu hàng vô điều kiện. Thời kỳ Pháp thuộc kéo dài gần tám chục năm, với chính sách “chia để trị”, thực dân Pháp đã chia nước ta thành ba miền và ở từng miền cho ban hành và áp dụng các bộ luật riêng điều chỉnh:

(i) Bắc kỳ áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1931 (Dân luật Bắc kỳ);

(ii) Ở Trung kỳ áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1936 (Dân luật Trung kỳ);

(iii) Ở Nam kỳ cho ban hành tập Dân luật giản yếu năm 1883 (Dân luật giản yếu Nam kỳ).

Để khai thác thuộc địa có hiệu quả có hiệu quả các phương thức bóc lột kiểu tư bản chủ nghĩa được áp dụng tại Việt Nam. Bởi vậy, nền kinh tế của Việt Nam một số ngành công nghiệp và dịch vụ được hình thành những công nghiệp khai khoáng, dịch vụ ngân hàng…

Nhìn chung, thời kỳ này quy định về tài sản là đối tượng của sở hữu, giao dịch và thừa kế. Các quy định thời kỳ này phỏng theo quy định của pháp luật dân sự Pháp, trong thời gian này tài sản được chia thành hai loại bao gồm: động sản và bất động sản, như:

– Về Bất động sản lại được phân chia theo tính chất, theo mục đích và theo quyền sử dụng:

a) Bất động sản về tính chất: (Điều 450 DLBK và Điều 461 HVTKHL) bao gồm: Ruộng đất; nhà cửa, trừ những nhà có thể tháo ra, lắp lại mà không hư hại nhiều; tường xây xung quanh, hàng rào; ao, hồ, rãnh, sông đào, lòng sông; đê đập và các công trình xây đắp khác để chắn nước; rừng, cây cối mọc liền trên đất; mỏ cùng đá chưa khai quật lên; hoa quả, mùa màng chưa gặt hái; những vật tuy về tính chất là động sản nhưng là những phụ thuộc cốt yếu của ruộng đất, nhà cửa.

b) Bất động sản về mục đích: (quy định tại Điều 452 DLBK và Điều 462, 463 HVTKHL) bao gồm: Các động sản mà người chủ đặt trong nhà, đất của mình để khai thác, trang hoàng hoặc đặt vĩnh viễn hay nhất thời; những vật – hạng sau đây, nếu không có bằng chứng trái lại thì cho là bất động sản vì mục đích: Súc vật dùng để cày bừa, khai thác ruộng đất; dụng cụ nông nghiệp (điền khí); máy móc, dụng cụ để chế biến nông phẩm; máy móc, dụng cụ trong các nhà máy; tranh, gương, đồ trạm, những ống và máy điện đặt liền vào nhà cửa mà không thể tháo ra mà không hư hại được, hoặc những đồ vật kể trên gắn vào bất kỳ một bất động sản nào khác; cá ở ao, ong ở tổ, chim bồ câu ở chuồng.

c) Bất động sản về quyền sử dụng (được quy định tại Điều 453 DLBK và 464 HVTKHL) bao gồm: Những vật quyền: quyền sở hữu, quyền hưởng dụng thu lợi, quyền dùng và ở, quyền cho thuê dài hạn, địa dịch, quyền cầm cố bất động sản, quyền đệ đương; quyền đi kiện để đòi lại một bất động sản.

–  Về động sản: động sản được chia thành động sản theo tính chất và động sản do pháp luật quy định.

+ Động sản về tính chất là những vật có thể di chuyển được hoặc tự nó di chuyển được như các động vật hoặc nhờ sức người như đồ vật (Điều 454 DLBK và Điều 466 HVTKHL);

+ Động sản do luật định là những vật thuộc về động sản, cổ phần công ty, các cửa hàng buôn bán, tiền nợ, lãi, quyền sở hữu văn học, nghệ thuật, công nghiệp (Điều 469 HVTKHL).

Ngoài ra, trong luật quy định nhà ở ở đối tượng của mua bán, cho tặng, thừa kế

2. Giai đoạn từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi có Bộ luật Dân sự đầu tiên tại Việt Nam (1945-1995)

2.1. Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975

2.1.1. Giai đoạn từ 1945 – 1960

Đây là giai đoạn giành độc lập của nước ta với dấu mốc quan trọng ngày tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà – ngày 2/9/1945. Tiếp đến là những cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân dân Pháp, đế quốc Mỹ và kết thúc vào ngày 30/4/1975 khi đất nước thống nhất, không còn phân chia hai miền Nam, Bắc. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà phải xây dựng chính quyền mới và đối phó với thù trong giặc ngoài.

Trong khi chưa có điều kiện ban hành các văn bản pháp luật của chế độ mới, ngày 10/10/1945, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 90/SL quy định tạm thời sử dụng các luật lệ cũ hiện hành ở Việt Nam. Theo Sắc lệnh này, Bộ Dân luật Bắc kỳ (1931) và Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật (1936) được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ dân sự trong chế độ mới.

Sau gần năm năm áp dụng pháp luật của chế độ cũ, Nhà nước ta thấy rằng có những nguyên tắc cơ bản không phù hợp với chế độ mới, cho nên ngày 22/5/1950 Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 97/SL về sửa đổi số quy lệ và chế định trong dân luật. Sắc lệnh đã sửa và bỏ một số nguyên tắc cơ bản của Dân luật cũ không phù hợp với lợi ích của nhân dân. Điều 19 quy định: “Người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không gây thiệt hại đến quyền lợi ích của nhân dân”.

Năm 1954 miền Bắc giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, nước ta đã chủ động xây dựng một hệ thống pháp luật Xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện sức người, sức của cho miền Nam, việc ban hành các văn bản pháp quy, được giao cho cơ quan chuyên môn và các cơ quan quản lý của Nhà nước thực hiện. Trên cơ sở đó, TANDTC ban hành Chỉ thị số 772-TANDTC ngày 10/7/1959 quy định về xét xử phải theo pháp luật và chính sách của chế độ mới, không áp dụng luật của chế độ cũ.

Như vậy, các quy định về bất động sản và động sản trong các bộ luật dân sự của chế độ cũ được áp dụng đến năm 1959. Vì không áp dụng luật của chế độ cũ, nên chúng ta cần nghiên cứu sự hình thành và phát triển pháp luật về tài sản trong pháp luật dân sự của nhà nước ta từ đó cho đến nay.

2.1.2. Giai đoạn 1960 – 1975

Những năm 1960 ở miền Bắc nước ta nhân dân phấn khởi thực hiện đường lối chính sách của Đảng là xây dựng phong trào hợp tác hoá, mọi người, mọi gia đình đưa ruộng đất, tư liệu sản xuất của riêng vào hợp tác xã để xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Thu nhập của xã viên chủ yếu từ thu nhập của hợp tác xã, cho nên tài sản của xã viên và gia đình họ không đáng kể.

Tài sản quan trọng nhất là nhà ở và một số tư liệu tiêu dùng khác. Bên cạnh phong trào hợp tác hoá, còn một số gia đình vì lý do chủ quan, khách quan chưa vào hợp tác xã và tiếp tục làm ăn cá thể hoặc một số nhà tư bản dân tộc còn ít tư liệu sản xuất mà Nhà nước cho phép sử dụng để sản xuất kinh doanh.

Thành phần tư bản dân tộc tập trung chủ yếu ở thành thị. Đây chính là những thành phần kinh tế cần tuyên truyền, giao dịch để đi theo con đường XHCN. Trong thời kỳ này, xã hội có nhiều thành kiến đối với những người làm ăn riêng lẻ. Tuy nhiên, pháp luật vẫn bảo hộ quyền sở hữu đối với các tư liệu sản xuất và tài sản của họ và cho phép họ để lại thừa kế. Điều 19 Hiến pháp 1959 quy định: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân”.

Những năm 1960 của thế kỷ XX, Nhà nước ta thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và tiếp tục cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế phi XHCN. Đối với những người nông dân, thợ tiểu thủ công làm ăn cá thế, Nhà nước khuyến khích động viên vào làm ăn tập thể. Những người tiểu thương, các nhà tư bản dân tộc đưa tài sản của mình vào công tư hợp doanh. Thu nhập hợp pháp của công dân trong tất cả các thành phần kinh tế đều được pháp luật bảo hộ và họ có uyền để lại thừa kế cho người khác.

Để thực hiện chính sách cải tạo XHCN về nhà ở và tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước quản lý quỹ nhà ở tại các thành phố, thị xã, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP ngày 29/6/1960 về chính sách đối với việc cho thuê nhà tư nhân ở các tỉnh, thành phố và thị xã, Nghị định số 115-CP ngày 29/7/1964 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ cho thuê nhà ở các Thành phố và thị xã.

Đây là những văn bản pháp quy có hiệu lực cao nhất, điều chỉnh hợp đồng thuê nhà giữa Nhà nước với cá nhân. Tuy nhiên, việc thuê nhà mang tính hành chính. Quỹ nhà cho thêu chủ yếu là tịch thu của thành phần bóc lột, cho cán bộ, công nhân, viên chức thuê theo chỉ tiêu, kế hoạch của các cơ quan nhà nước, của nhà máy và của xí nghiệp…

Khi thực hiện cải tạo XHCN đối với thành phần kinh thế tư nhân, Nhà nước khuyến khích những nhà tiểu thương góp vốn và tư liệu sản xuất vào xí nghiệp. Mặt khác, để tạo điều kiện cho các tiểu chủ an tâm sản xuất, Thông tư số 62 ngày 31/1/1960, Bộ Nội thương hướng dẫn: “Vốn và tư liệu sản xuất của cá nhân tiểu thương hoặc của xã viên hợp tác xã vận tải thô sơ thì khi họ chết, vốn hoặc tư liệu sản xuất đó thuộc di sản của người đã chết”.

Để thực hiện chính sách cải tạo XHCN về nhà ở, Nhà nước chuyển toàn bộ nhà ở, nhà cho thuê của những nhà tư sản sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, Nhà nước có chính sách đảm bảo chỗ ở cho gia đình nhà tư sản bằng nhiều hình thức, như cấp cho gia đình họ một diện tích nhà ở trong khu nhà ở khác hoặc để lại một phần nhà ở trong nhà bị cải tạo cho gia đình nhà tư sản, phần diện tích này thuộc quyền sở hữu của gia đình họ.

Đối với những nhà tư sản bị cải tạo XHCN về nhà ở, Nhà nước sẽ trả một tỷ lệ tiền thuê cho chủ nhà, nhằm giúp đỡ chủ nhà sau cải tạo, có điều kiện lao động để dần dần tiến tới hoàn toàn sống bằng sức lao động của mình. Trường hợp, trong thời gian hưởng một phần tiền thuê nhà mà chủ nhà chết thì tỉ lệ tiền thuê được hưởng đó không chia thừa kế cho người khác.

Còn tiếp …

Trên đây là bài viết về “Lịch sử và hình thành và phát triển quy định của pháp luật về tài sản (Phần 1)”. Trường hợp bạn còn đang thắc mắc hoặc cần tư vấn và hỗ trợ pháp lý, liên hệ ngay Luật Dương Gia qua số Hotline: 079.497.8999 – 093. 154.8999 để được hỗ trợ sớm nhất!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon