Nguồn của pháp luật là gì? Các loại nguồn của pháp luật

nguon-cua-phap-luat-la-gi-cac-loai-nguon-cua-phap-luat

Nguồn của pháp luật là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc bởi việc xác định đầy đủ, chính xác và sử dụng đúng đắn các loại nguồn của pháp luật sẽ góp phần tích cực vào công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bài viết tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận cơ bản về nguồn của pháp luật, phân tích các loại nguồn của pháp luật.

1. Một số quan niệm về nguồn của pháp luật

Nguồn của pháp luật là vấn đề tương đối phức tạp trong khoa học pháp lý, bởi xung quanh câu chuyện nguồn của pháp luật là gì còn tồn tại nhiều quan niệm, ý kiến chưa thống nhất với nhau ở cả phạm vi trong và ngoài nước.

Theo Từ điển Black Law Dictionary thì nguồn của pháp luật là khái niệm rộng, có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Cụ thể, ở nghĩa hẹp thì nguồn của pháp luật là “…Cái mà (như là hiến pháp, điều ước, đạo luật, hoặc tập quán) quy định quyền lực của luật và của các quyết định của toà án; điểm khởi nguồn của pháp luật hoặc sự phân tích pháp lí…

Trong các tài liệu luật học, vấn đề nguồn liên quan tới câu hỏi: Thẩm phán tìm được các quy định để giải quyết vụ việc ở đâu?…”[1]. Đó có thể coi là khái niệm dùng để chỉ tất cả những nơi có chứa đựng các qui định mà các thẩm phán có thể dựa vào đó để giải quyết vụ án. Ngược lại ở nghĩa rộng,

“Trong phạm vi nghiên cứu pháp lí, thuật ngữ “các nguồn của pháp luật” nói đến 3 khái niệm khác nhau mà có thể phân biệt được. Một, nguồn của pháp luật có thể nói đến nguồn gốc của các khái niệm và tư tưởng pháp lí… Hai, nguồn pháp luật có thể nói đến các cơ quan, tổ chức chính phủ mà đã tạo ra các quy định pháp luật… Ba, nguồn của pháp luật có thể nói đến những quy định pháp luật đã được công bố rõ ràng…”[2]. Như vậy, nói đến nguồn của pháp luật là nói đến nguồn gốc của các khái niệm, tư tưởng pháp lí; chủ thể có thẩm quyền ban hành pháp luật; các qui định của pháp luật; …

Bên cạnh đó, một số học giả người Pháp lại cho rằng, trong thực tế, pháp luật có hai nguồn là nguồn nội dung và nguồn hình thức. Nguồn nội dung là nguồn quan trọng nhất vì là nguồn cơ bản nhất, nó giúp cho việc lí giải các câu hỏi tại sao người ta lại ban hành quy phạm này mà không ban hành quy phạm khác? Tại sao và tại sao..? Họ coi “Đó là căn nguyên của pháp luật: các động cơ chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, văn hóa, đạo đức, …”[3].

Trong khi, nguồn hình thức được quan niệm là “Các phương pháp thiết lập các quy phạm pháp luật, tức là các cách thức và văn bản thông qua đó các quy phạm này có thể tồn tại về mặt pháp lí, trở thành bộ phận của pháp luật thực định và phát huy hiệu lực”[4]. Như vậy, các nguồn này lại gồm các nguồn hình thức được thiết lập để làm nguồn và các nguồn hình thức tự nhiên. Các nguồn này có hiệu lực nhờ vào hình thức trình bày của chúng. Chúng là nguồn vì chúng đã được ban hành bởi các cơ quan quyền lực nhà nước duy nhất có thẩm quyền làm luật và có tính bắt buộc. Do vậy chúng được coi là nguồn hình thức[5].

Trong khoa học pháp lí ở Việt Nam hiện nay, tồn tại một số quan niệm khác nhau về nguồn của pháp luật. Chẳng hạn, có quan niệm cho rằng, nguồn của pháp luật là tất cả những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, thực hiện pháp luật, cũng như áp dụng pháp luật để giải quyết những vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tiễn.

Theo đó, nguồn của pháp luật bao gồm có nguồn nội dung và nguồn hình thức. trong đó, “nguồn nội dung của pháp luật là xuất xứ, là căn nguyên của pháp luật bởi vì nó được các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để xây dựng, ban hành và giải thích pháp luật” … “nguồn hình thức của pháp luật được hiểu là phương thức tồn tại của các quy phạm pháp luật trong thực tế hay là nơi chứa đựng, nơi có thể cung cấp các quy phạm pháp luật, tức là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế”. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối[6].

Ở một số công trình khoa học pháp lý Việt Nam, nguồn pháp luật được hiểu là nơi chứa đựng các quy tắc pháp luật hoặc các giải pháp pháp lý để áp dụng cho các trường hợp tranh chấp xảy ra trong tương lai. Về mặt lý luận, nguồn pháp luật được xem là hình thức biểu hiện bên ngoài của pháp luật[7].

Ngoài ra, không ít nhà khoa học cho rằng, cần hiểu nguồn pháp luật theo hai nghĩa: là nguồn vật chất và nguồn pháp lý. Theo đó, nguồn vật chất là thực tiễn cuộc sống xã hội (kinh tế, chính trị, tôn giáo, đạo đức, truyền thống, tinh thần…) đã tạo nền tảng vật chất cho việc tạo ra pháp luật. Nguồn pháp luật hiểu theo nghĩa pháp lý là hình thức biểu hiện của các quy phạm pháp luật[8].

Nguồn của pháp luật tiếp cận trên khía cạnh nguồn hình thức của nó, gắn với các hoạt động thực tiễn. Cụ thể, trong đời sống pháp lí, khi thực hiện hành vi có thể là kí kết hợp đồng, khiếu nai, tố cáo, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền, … các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền cũng như mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều phải dựa trên những căn cứ pháp lí nhất định.

Những yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp căn cứ pháp lí cho hoạt động của các chủ thể được coi là nguồn của pháp luật. Từ đó, nguồn của pháp luật là tất cả những yếu tố chức đựng hoặc cung cấp căn cứ pháp lí để các chủ thể thực hiện hành vi thực tế. Nói cách khác, nguồn của pháp luật là tất cả các yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp căn cứ pháp lí cho hoạt động của cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền cũng như các chủ thể khác trong xã hội.[9]

Như vậy, dù có nhiều quan niệm, ý kiến khác nhau về vấn đề nguồn của pháp luật, tuy nhiên ở góc độ tương đối, có thể thấy nội hàm của khái niệm nguồn của pháp luật thường đề cập tới hai nội dung cơ bản là yếu tố chứa đựng qui định pháp luật đồng thời là nơi cung cấp căn cứ pháp lý cho hoạt động của các chủ thể trong thực tế. Trong phạm vi của bài viết này, tác giả cũng xin được tiếp cận từ hai góc độ cơ bản nêu trên.

2. Các loại nguồn của pháp luật hiện nay

Tiếp cận về khái niệm nguồn của pháp luật từ góc độ là nơi chứa đựng qui định pháp luật hoặc cung cấp căn cứ pháp lý cho hoạt động của các chủ thể trong thực tiễn, nguồn của pháp luật hiện nay bao gồm những loại sau:

2.1. Tập quán pháp

Tập quán pháp vừa là một nguồn của pháp luật, vừa là một hình thức thể hiện, một dạng tồn tại của pháp luật trên thực tế. Ở hình thức này, pháp luật tồn tại dưới dạng thói quen ứng xử của một cộng đồng. Theo đó, tập quán pháp là những tập quán của cộng đồng được nhà nước thừa nhận, nâng lên thành pháp luật. Việc nhà nước thừa nhận một tập quán thành tập quán pháp có ý nghĩa đối với cả nhà nước và xã hội.

Đối với nhà nước, tập quán pháp đóng vai trò quan trọng tạo nên hệ thống pháp luật của một quốc gia. Thông thường, nhà nước thừa nhận một tập quán nào đó, biến chúng thành tập quán pháp nhằm đáp ứng nhu cầu quản lí của nhà nước, trong khi chưa có nhu cầu hoặc chưa có điều kiện xây dựng pháp luật thành văn. Đối với xã hội, tập quán pháp thể hiện sự chấp nhận của nhà nước đối với một thói quen ứng xử của cộng đồng, đó chính là sự thống nhất giữa ý chí nhà nước với ý chí cộng đồng.

Tập quán pháp là loại nguồn pháp luật được sử dụng sớm nhất, tồn tại một cách khá phổ biến trong thời kì chưa có pháp luật thành văn. Trong điều kiện hiện nay, tập quán pháp đóng vai trò là nguồn bổ sung cho các văn bản quy phạm pháp luật. Thực tiễn cho thấy, trong hoạt động xây dựng pháp luật thành văn có thể có những hạn chế nhất định do những lí do khách quan và chủ quan. Trong điều kiện đó, tập quán của địa phương chính là nguồn bổ sung quan trọng cho những khoảng trống của pháp luật thành văn. Pháp luật của các quốc gia thường có các qui định cụ thể về thứ tự áp dụng đối với tập quán pháp.

2.2. Tiền lệ pháp (Án lệ)

Tiền lệ pháp là loại nguồn tồn tại khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước theo hệ thống pháp luật Common Law, mặc dù đây cũng là loại nguồn khá phức tạp. Với tính chất là một loại nguồn của pháp luật, tiền lệ pháp có thể được hiểu là những bản án, quyết định của chủ thể có thẩm quyền khi giải quyết các vụ việc cụ thể, được nhà nước thừa nhận có chứa đựng khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc khác tương tự. Từ đó, có thể thấy, chủ thể của tiền lệ pháp trong lịch sử có thể là cơ quan tòa án và các cơ quan khác có thẩm quyền xét xử.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nhìn chung các quốc gia trên thế giới thường chỉ thừa nhận tiền lệ pháp do tòa án tạo ra, vì vậy ngày nay tiền lệ pháp còn được gọi là án lệ. Trên thực thế có hai loại án lệ, một là án lệ tạo ra quy phạm pháp luật, nguyên tắc pháp luật mới, đây là loại án lệ cơ bản gắn với chức năng sáng tạo pháp luật của tóa àn; hai là án lệ hình thành bởi quá trình tòa án giải thích các quy định trong pháp luật thành văn. Loại án lệ thứ hai là sản phẩm của quá trình tòa án áp dụng và giải thích những qui định do cơ quan lập pháp ban hành.

Pháp luật của mỗi quốc gia có các qui định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp lí để tạo ra án lệ. Các bản án, quyết định được thừa nhận là án lệ sẽ được viện dẫn làm các căn cứ pháp lí để giải quyết các vụ việc có tính chất tương tự.

Án lệ cũng có tính thứ bậc về hiệu lực pháp lí, điều này phụ thuộc vào thẩm quyền của cơ quan tạo ra chúng. Khi đó cơ quan cấp dưới bắt buộc phải tuân thủ án lệ do cơ quan cấp trên tạo ra.

2.3. Văn bản quy phạm pháp luật

Với tư cách là một loại nguồn của pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là những văn bản do các chủ thể có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục, hình thức do pháp luật qui định, trong đó có chứa đựng các qui tắc xử sự chung để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Văn bản quy phạm pháp luật được coi là nguồn quan trọng bậc nhất bởi nó là hình thức pháp luật thành văn, thể hiện rõ nét nhất tính xác định về hình thức của pháp luật. Pháp luật của các nhà nước hiện đại đều qui định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành đối với từng loại văn bản cụ thể.

Thực tiễn tại mỗi nước tương ứng với những điều kiện hoàn cảnh cụ thể kết hợp với truyền thống pháp luật của đất nước, có những qui định riêng về tên gọi, hiệu lực, thẩm quyền và trình tự thủ tục ban hành đối với từng loại văn bản quy phạm pháp luật. Ngày nay, nhìn chung, trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia đều có nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể khác nhau có thẩm quyền ban hành, với hiệu lực pháp lí cao, thấp khác nhau.

Trong hệ thống pháp luật của một quốc gia, hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lí cao nhất, sau đó là văn bản luật, tiếp đến là các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, việc sử dụng loại nguồn này trên thực tế còn tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, truyền thống pháp luật của mỗi quốc gia.

Thực tế, một số nước, văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng là nguồn chủ yếu. Đó là những nước chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Civil Law, văn bản quy phạm pháp luật thường được ưu tiên sử dụng nhiều hơn so với án lệ. Bên cạnh đó, một số nước khác lại không coi văn bản quy phạm pháp luật là nguồn chủ yếu.

3. Các loại nguồn khác của pháp luật

3.1. Điều ước quốc tế

Điều ước quốc tế là những văn bản chứa đựng các nguyên tắc, qui tắc xử sự cho các tổ chức quốc tế hoặc các quốc gia cùng nhau thỏa thuận ban hành. Điều ước quốc tế thường được thể hiện dưới dạng hiến chương, công ước, hiệp định, …chúng ngày càng trở thành nguồn quan trọng, nhất là trong điều kiện hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Mỗi quốc gia thường có các qui định cụ thể về việc áp dụng các điều ước quốc tế trong thực tế.

3.2. Hợp đồng

Hợp đồng được coi là nguồn của pháp luật. Theo đó, hợp đồng có thể hiểu là sự thỏa thuận, giao ước giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội để xác định cách thức ứng xử giữa các chủ thể đó với nhau. Khi hợp đồng được xác lập trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật, không trái đạo đức xã hội sẽ được coi là một loại nguồn của pháp luật. Bởi đó chính là căn cứ pháp lí để các bên trong hợp đồng thực hiện hành vi đối với nhau, đồng thời là căn cứ pháp lí để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên.

3.3. Đường lối, chính sách của lực lượng cầm quyền

Có thể thấy, ở một số quốc gia, đường lối, chính sách của lực lượng cầm quyền được coi là một loại nguồn pháp luật quan trọng. Trong nhiều trường hợp, đường lối chính sách của lực lượng cầm quyền có thể được viện dẫn trực tiếp, thay thế cho các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, ở các quốc gia khác, đường lối, chính sách của lực lượng cầm quyền sẽ được thể chế hóa thành các qui định pháp luật nhất định. Do vậy, một số người quan niệm đường lối, chính sách của lực lượng cầm quyền chính là nguồn nội dung của pháp luật[10]

3.4. Pháp luật nước ngoài

Trong xu thế giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình, kinh tế, … có yếu tố nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống pháp lí quốc gia. Do vậy, để điều chỉnh các quan hệ có yếu tố nước ngoài như trên, trong một số trường hợp nhà nước có thể phải ban hành các qui định dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài. Điều này có nghĩa là nhà nước thừa nhận và cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài. Đây là một đòi hỏi thực tế khách quan, đáp ứng nhu cầu hợp tác, hội nhập quốc tế hiện nay.

Ngoài ra, các quan niệm, chuẩn mực đạo đức xã hội; quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp; các tín điều tôn giáo; các quan điểm, tư tưởng, học thuyết của các nhà khoa học pháp lí cũng được coi là nguồn của pháp luật tại một số quốc gia. Tuy nhiên, vị trí, vai trò cũng như mức độ sử dụng chúng còn phụ thuộc vào các yếu tố chính trị, truyền thống của mỗi quốc gia cụ thể.

[1] Xem: Black/s Law Dictionary. Seventh Edition. Bryan A, Garner. Editor in Chief. ST. PAUL, MINN, 1999, tr. 1401; dẫn theo Nguyễn Thị Hồi, “Về khái niệm nguồn của pháp luật”, Tạp chí Luật học số 2/2008, tr 29-30.

[2] Xem: Black/s Law Dictionary. Sđd.

[3] .Xem: Jean – Claude Ricci, “Nhập môn Luật học”, Nxb. Văn hoá – thông tin, Hà Nội, 2002, tr.43.

[4] Xem: Jean – Claude Ricci, sđd, tr 44-45.

[5] Xem: Nguyễn Thị Hồi, Về khái niệm nguồn của pháp luật, Tạp chí Luật học, số 2/2008, tr. 26.

[6] Xem: Nguyễn Thị Hồi, Các loại nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12 (128) tháng 8/2008.

[7] Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Hà Nội, 1993. tr.345.

[8] Xem: http://maivanthangsl.blogspot.com/2015/06/a-dang-hoa-cac-loai-nguon-phap-luat-o.html, truy cập ngày 22/10/2020.

[9] Xem: Trường Đại học Luật HN, Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội – 2017, tr 285.

[10] Xem: Nguyễn Thị Hồi, Các loại nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12 (128) tháng 8/2008.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon