Thời hạn, thời hiệu là gì? Phân biệt thời hạn và thời hiệu

thoi-han-thoi-hieu-la-gi-phan-biet-thoi-han-va-thoi-hieu

Trong xã hội học, thời gian thường sẽ được gọi chung chung là một khoảng thời gian như ngày, tháng, năm… Nhưng trong pháp luật học, sẽ có những quy định nêu tên cụ thể khoảng thời gian. Cụ thể là thời hạn và thời hiệu. Đây là những khái niệm về một khoảng thời gian trong một quan hệ pháp luật, nó có thể xác định được thời điểm bắt đầu hay kết thúc của một quan hệ pháp luật dân sự. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu thời hiệu, thời hạn là gì và phân biệt được thời hạn và thời hiệu.

Căn cứ pháp lý

Bộ Luật dân sự năm 2015;

1. Thời hiệu là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 149 Bộ Luật dân sự 2015, thời hiệu được xác định là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Có thể hiểu rằng, thời hiệu là một khoảng thời gian được pháp luật lấy làm căn cứ để xác lập hoặc chấm dứt một quyền. Nói theo một cách khác, đây là khoảng thời gian để thực hiện quyền hoặc được miễn trừ nghĩa vụ.

2. Thời hạn là gì?

Thời hạn được quy định là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Nó có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra. Khái niệm này được quy định tại Điều 144 Bộ Luật dân sự năm 2015.

Có thể lấy một ví dụ nhằm giúp diễn đạt hoá khái niệm về thời hạn như thế này: thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện hành vi tố tụng do Bộ Luật tố tụng dân sự quy định.

3. Phân biệt thời hạn, thời hiệu

Tiêu chí  

Thời hạn

 

Thời hiệu
Đơn vị tính Phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc một sự kiện có thể xảy ra. Năm
Thời điểm bắt đầu và kết thúc Ngày bắt đầu của thời hạn không tính vào thời hạn

Ví dụ: Thời hạn từ ngày 01/01/2022 đến 01/06/2022 thì thời điểm bắt đầu tính từ 0h ngày 02/01/2022 đến ngày 01/06/2022

Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

 

Phân loại Dựa vào chủ thể quy định có 3 loại:

– Thời hạn do luật định

– Thời hạn thoả thuận theo ý chí của các bên

– Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định khi xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể.

Gồm 4 loại:

– Thời hiệu hưởng quyền dân sự

– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự

– Thời hiệu khởi kiện

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự

Chủ thể áp dụng Cơ quan nhà nước

Cá nhân, tổ chức

Các cơ quan nhà nước, chủ yếu là Toà án, Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát
Trường hợp áp dụng Trong giao dịch dân sự giữa cá nhân, tổ chức với nhau

Cơ quan nhà nước áp dụng để giải quyết vấn đề cụ thể

Cơ quan nhà nước áp dụng để giải quyết các yêu cầu, tranh chấp theo luật định.
Vấn đề gia hạn Thời hạn đã hết có thể gia hạn, kéo dài thời hạn. Thời hiệu hết thì không được gia hạn, không được rút ngắn hoặc kéo dài.

Sau đây là một vài phân tích nhằm làm rõ các tiêu chí nêu trên để bạn đọc dễ dàng hiểu phân biệt được thời hạn và thời hiệu:

– Trong phân loại:

+ Thời hạn:

Đối với các giao dịch dân sự, đặc biệt là các hợp đồng thông thường đều có các điều khoản về thời hạn như thời hạn giao nhận hàng, thời hạn thanh toán, thời hạn phát sinh quyền khởi kiện… Mọi sự thoả thuận của các bên đương sự không trái với nguyên tắc cơ bản sẽ được pháp luật dân sự công nhận. Ngoài ra còn quy định rõ thêm từng loại thoả thuận về thời gian để các bên tự nguyện thực hiện hoặc nếu có tranh chấp xảy ra sẽ có căn cứ xử lý để xác định thời hạn xem xét có vi phạm về quyền và nghĩa vụ theo thoả thuận không. Trường hợp có tranh chấp xảy ra mà yêu cầu Toà án giải quyết thì thời hạn thực hiện xem xét giải quyết phải thực hiện theo thời hạn tố tụng. Hiểu đơn giản là phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, thời hạn được phân loại gồm thời hạn do các bên thoả thuận với nhau, thời hạn do pháp luật quy định.

+ Thời hiệu:

Dựa vào tiêu chí phân loại là nội dung yêu cầu sự việc có tranh chấp hay không, có hai loại thời hiệu được quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 như: thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Dấu mốc chính là thời điểm trước khi đưa ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ việc dân sự thì Toà án cấp sơ thẩm phải chấp nhận các yêu cầu áp dụng thời hiệu của các bên đương sự và dùng đó làm căn cứ tính thời hiệu. Đối với trường hợp này, những người liên quan được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của đương sự hoàn toàn có quyền từ chối áp dụng thời hiệu theo như quy định này. Và pháp luật chỉ loại trừ trường hợp từ chối áp dụng thời hiệu với mục đích nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ khác.

– Về cách xác định:

+ Thời hạn:

Theo pháp luật tố tụng dân sự, thời hạn không được quy định rõ ràng. Để xác định thời hạn được tính như thế nào cần căn cứ theo pháp luật dân sự. Thời hạn tố tụng được tính từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc trong Bộ Luật tố tụng dân sự đều áp dụng dựa vào quy định tại các điều khoản tương ứng tại Bộ Luật dân sự. Để xác định cách tính thời hạn, thời điểm tính thời hạn, thời điểm bắt đầu thời hạn cũng như thời điểm kết thúc thời hạn cần dựa vào quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015. Trừ các trường hợp các bên thoả thuận hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì khoảng thời gian trong thời hạn được tính theo dương lịch. Khoảng thời gian được xem là thời hạn khi có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Nhưng tuỳ theo mỗi loại thời hạn khác nhau thì các thời điểm này cũng sẽ khác nhau:

(1) Khoảng thời gian được xác định bằng đơn vị phút hay giờ thì thời hạn sẽ được xem là bắt đầu từ thời điểm đã xác định.

(2) Nếu xác định khoảng thời gian bằng đơn vị ngày, tuần, tháng, năm thì thời điểm bắt đầu của thời hạn không được tính từ ngày đầu tiên mà bắt đầu từ ngày tiếp theo của ngày được xác định. Không vì vậy mà ngày đầu tiên bị xem là vô nghĩa, nó được xác định là điểm mốc thời gian để xác định thời hạn.

Đối với điểm cuối của khoảng thời gian xác định thời hạn được tính là thời điểm kết thúc của ngày cuối cùng, tính theo 24 giờ, cụ thể là tính đến tận giờ phút cuối cùng trong ngày đó. Nếu ngày cuối của thời hạn trùng các ngày lễ thì thời điểm kết thúc được tính đến giờ phút cuối cùng kết thúc 24 giờ của ngày làm việc trở lại đầu tiên tiếp theo của ngày nghỉ đó.

(3) Trường hợp thời gian được xác định dựa vào một sự kiện có thể xảy ra trên thực tiễn thì thời điểm bắt đầu thời hạn được xác định là ngày tiếp theo kế tiếp của ngày diễn ra sự kiện đó. Ngày sự kiện diễn ra được xem là ngày sự kiện đó kết thúc, diễn ra xong.

Tuy nhiên, sau khi thời hạn kết thúc có thể gia hạn thời hạn. Cụ thể là sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn theo sự thoả thuận của hai bên, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

+ Thời hiệu:

Một điểm giống với thời hạn, để xác định một khoảng thời gian là thời hiệu thì cần xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc. Và việc này cũng phải tuân thủ các nguyên tắc tính như trên.

Về cách xác định thời hiệu, khoảng thời gian được lấy làm thời điểm bắt đầu là ngày đầu tiên của thời hiệu và thời điểm kết thúc chính là ngày cuối cùng của thời hiệu. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng sẽ có những trường hợp đặc biệt khi pháp luật quy định thời hiệu chỉ có thời điểm bắt đầu mà không có thời điểm kết thúc, tức thời hiệu dễ ra vô hạn.

Ví dụ cụ thể như thời hiệu tranh chấp bất động sản không có quy định về thời điểm kết thúc. Các thời điểm này khi xác định thời hiệu thường được tính là ngày có sự kiện pháp lý thực tế đã diễn ra. Chẳng hạn, ngày xảy ra tai nạn giao thông, ngày người chết để lại di sản,…

Thời hiệu là khoảng thời gian do pháp luật quy định. Chính vì thế, cách xác định thời hiệu sẽ không thay đổi khi luật không thay đổi, không bị tác động bởi bất kỳ chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Thời hiệu không thể bị tăng lên, không bị rút ngắn và khi thời hiệu đã kết thúc thì chủ thể cũng không thể yêu cầu gia hạn theo ý chí của mình.

– Về hậu quả pháp lý khi hết thời gian:

+ Thời hạn: Khi hết thời hạn, chủ thể tham gia giao dịch dân sự sẽ phải chịu một hậu quả pháp lý nhất định. Các trường hợp được quy định phải áp dụng thời hạn: các giao dịch dân sự giữa các cá nhân, tổ chức với nhau; cơ quan nhà nước giải quyết các vấn đề cụ thể như thời hạn tạm gia với bị can… Hậu quả pháp lý của vấn đề này thường sẽ bất lợi và có thể do các bên thoả thuận, thương lượng với nhau hoặc theo quy định pháp luật.

+ Thời hiệu: Đối với thời hiệu, việc áp dụng được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, sử dụng “dấu mốc thời gian” này để giải quyết các yêu cầu, tranh chấp theo luật định nên khi kết thúc thời hiệu, chủ thể không phải gánh chịu bất cứ một hậu quả pháp lý nào. Điều này là điểm khác biệt cơ bản và dễ nhận thấy nhất của thời hạn và thời hiệu.

Vấn đề thời hạn, thời hiệu được xác định đúng có thể giúp các mối quan hệ xã hội hay quan hệ pháp luật diễn ra một cách rõ ràng, chính xác, tuân thủ pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Nhưng hiện nay, việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời hạn và thời hiệu vẫn chưa được thống nhất nên có rất nhiều tình huống nhầm lẫn giữa hai mốc thời gian này. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể. Chính vì vậy, trước khi pháp luật liên quan có sự thống nhất quy định về thời hạn và thời hiệu thì bài viết này để bạn đọc tham khảo để dễ dàng phân biệt giữa thời hạn và thời hiệu.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về thời hạn, thời hiệu là gì và phân biệt thời hạn, thời hiệu. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ86trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon