Phân biệt tội giết người với tội vô ý làm chết người

phan-biet-toi-giet-nguoi-voi-toi-vo-y-lam-chet-nguoi

Tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người là bất khả xâm phạm được pháp luật hình sự bảo vệ. Khi một người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mặc dù có hậu quả chết người xảy ra nhưng người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý. Vậy tội vô ý làm chết người là gì? Tội giết người và tội vô ý làm chết người có những đặc điểm gì giống và khác nhau.

Để hiểu rõ hơn về hai tội danh này mời các bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

1. Tội giết người là gì?

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt quyền sống của người khác một cách trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng của con người.

Pháp luật quy định chỉ những hành vi tước đoạt mạng sống con người trái pháp luật mới cấu thành tội giết người còn đối với những hành vi tước đoạt mạng sống con người theo quy định pháp luật thì không cấu thành tội này (ví dụ: thi hành án tử)

Tội phạm và hình phạt của tội giết người được quy định cụ thể tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 123. Tội giết người

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, tội giết người có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đây cũng là một trong số ít những tội phạm mà pháp luật hình sự quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Đối với người phạm tội giết người nếu thuộc trong những trường hợp có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình nếu người phạm tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.

Khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

“a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình”

2. Tội vô ý làm chết người là gì?

Vô ý giết người hay còn gọi là vô ý làm chết người là hành vi của một người làm cho người khác bị chết với lỗi vô ý; có nghĩa là người thực hiện hành vi gây hậu quả chết người do không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước được; hoặc tuy biết hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Tội phạm và hình phạt của tội giết người được quy định cụ thể tại Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Như vậy, tội vô ý làm chết người có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù.

3. Phân biệt tội giết người với tội vô ý làm chết người

3.1. Giống nhau

Có thể nói điểm chung của tội giết người và tội vô ý làm chết người đều xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, tính mạng của người khác.

3.2. Khác nhau

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các tội danh khác nhau là căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội; căn cứ vào quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ (khách thể của tội phạm); căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi của mình (lỗi); căn cứ vào nhân thân người phạm tội, trong một số trường hợp căn cứ vào giới tính, độ tuổi của người phạm tội và bị hại…

Tiêu chí đánh giá Tội giết người Tội vô ý làm chết người
Chủ thể Bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự
Mặt chủ quan Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi là lỗi cố ý Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi là lỗi vô ý có thể chia làm hai trường hợp là vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin
Mặt khách quan Hành vi đâm, chém, bắn… vào những vị trí trọng yếu có thể gây chết người (ví dụ: đầu, ngực…) Những hành vi không nhằm mục đích giết người (ví dụ: lỡ tay đẩy bạn ngã đập đầu vào cạnh bàn khiến bạn chết
Hậu quả Chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác như đánh vào vùng trọng yếu của cơ thể như vùng đầu, vùng bụng…thì được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không. Phải có người chết đây là dấu hiệu bắt buộc của tội danh này.
Hình phạt Khung hình phạt cao, có cả tù chung thân và tử hình. Không có hình phạt tử hình, tù chung thân

Có cải tạo không giam giữ

Loại tội phạm Đặc biệt nghiêm trọng Có khung thuộc loại ít nghiêm trọng, không có khung thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng

Như vậy, để phân biệt tội “giết người” hay tội “vô ý làm chết người” thì phải tổng hợp tất cả các dấu hiệu của vụ án, mà xác định ý thức chủ quan của người phạm tội. Khi phân biệt hai tội trên, phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người phạm tội thực hiện, hậu quả xảy ra.

Trong đó, ở tội “giết người”, hành vi tấn công thường quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, chủ yếu nhằm vào những nơi xung yếu trên cơ thể nạn nhân như: Vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng… nhưng vì khách quan nên người phạm tội không thực hiện được hành vi của mình hoặc bị cản trở nên không thực hiện được việc tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Ví dụ: A dùng mã tấu chém vào đầu nạn nhân nhưng vì nạn nhân giơ tay lên đỡ nên chỉ bị thương vào bàn tay. Đối với tội giết người thì chỉ cần hành vi của người phạm tội có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác như đánh vào vùng trọng yếu của cơ thể như vùng đầu, vùng bụng…thì được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không. Còn đối với tội “vô ý làm chết người”, hành vi phạm tội không nhằm mục đích giết người và hậu quả chết người là dấu hiệu đặc trưng của tội này.

Ví dụ: A là người yêu của B và thường đến ở cùng B tại nơi B thuê trọ. Vào khoảng 09 giờ ngày 15/5/2021, khi anh A đang ngủ, B phát hiện trong chiếc điện thoại A có tin nhắn của với người yêu cũ. B ghen nên đã gọi anh A dậy cãi nhau.

Lúc này, anh C và anh E can ngăn để B và anh A không xô xát với nhau. Anh C và anh E kéo B ra khỏi phòng trọ và đưa B lên đường phía trên của phòng trọ để tránh mặt anh A. Khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi bình tĩnh lại, B cùng anh C, anh E xuống phòng trọ nói chuyện với anh A.

Thấy anh A định xông lên đánh B thì anh E, kéo A về đầu giường ngủ và giữ chặt anh A lại, còn anh C thì can ngăn B. Lúc này B nhìn thấy trên mặt bếp có một con dao nên nảy sinh ý định cầm con dao này để dọa anh A. B dùng tay phải cầm cán dao, mũi dao hướng về phía trước rồi quay người lại phía sau theo hướng từ phải sang trái. Ngay lúc đó anh C từ phía sau lao đến ôm B để can ngăn thì bị lưỡi dao trên tay B đâm vào mạn sườn trái làm anh C bị thương.

Anh E thấy vậy chạy đến giật con dao trên tay B ra, vứt trước cửa phòng trọ. Sau đó B cùng mọi người đưa anh C đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng đến 16 giờ 30 phút cùng ngày thì anh C tử vong tại bệnh viện.

Mặc dù hành vi của B là dùng dao đâm vào mạn sườn trái của C nhưng lỗi của B là vô ý chứ B không có ý định giết anh C nên B bị xét xử với tội danh “Vô ý làm chết người”.

Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta khi tương tác trong cuộc sống hàng ngày cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng khi thực hiện bất cứ một hành vi nào để không bị vướng vào vòng lao lý.

Trên đây là những điểm giống và khác nhau của hai tội danh nói trên mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp cần được tư vấn khác vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon