Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các điểm mới theo BLDS năm 2015

boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định rất quan trọng trong bộ luật dân sự. Từ khi bộ luật dân sự năm 2015 ra đời và có hiệu lực, các quy định có liên quan đến nội dung này đã được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung để phù hợp với tình hình phát triển của xã hội. Cùng tìm hiểu về “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các điểm mới theo BLDS năm 2015” trong bài viết dưới đây

1. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

Bộ luật dân sự năm 2015 đã bỏ quy định mà hiện tại đang được quy định tại khoản 1 Điều 614 Bộ luật dân sự năm 2005, đó là: “Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Đây là một sự sửa đổi hợp lý, bởi vì quy định về “Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại” đã bao trùm cả quy định này. Do đó, không cần thiết phải đưa ra quy định như tại khoản 1 Điều 614 Bộ luật dân sự năm 2005.

2. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Đây là một trong những trường hợp bồi thường thiệt hại cụ thể được quy định tại Điều 616 Bộ luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, trong Bộ luật dân sự năm 2015, quy định này đã được chuyển lên thành một trong những quy định chung về bồi thường thiệt hại và được áp dụng cho mọi trường hợp cụ thể mà có nhiều người cùng gây ra. Sự thay đổi này cũng hoàn toàn hợp lý.

3. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi

Đây cũng là một trong những trường hợp bồi thường thiệt hại cụ thể trong Bộ luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phù hợp nên trong Bộ luật dân sự năm 2015, trường hợp này được chuyển lên phần quy định chung và được ghi nhận trong hai điều với những phần khác nhau. Theo đó, một phần được ghi nhận trong Điều 584 khoản 2 như một trong các căn cứ loại trừ trách nhiệm của người gây thiệt hại (người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi thì người gây thiệt hại không phải bồi thường). Phần khác thì lại được ghi nhận trong khoản 4 Điều 585 như một trong những nguyên tắc bồi thường thiệt hại (khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra).

4. Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra

Đây là một quy định mới về hình thức thể hiện và nội dung điều chỉnh. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định này đã gộp hai quy định về bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra (Điều 619 Bộ luật dân sự năm 2005) và bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2005).

Thứ hai, xác định chủ thể phải bồi thường thiệt hại là Nhà nước chứ không phải cơ quan quản lý cán bộ, công chức hay cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ ba, xác định rõ luật áp dụng để giải quyết là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chứ không phải Bộ luật dân sự.

5. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.

Quy định này có một số sự thay đổi nhỏ so với Bộ luật dân sự năm 2005:

Thứ nhất, hai từ “tổ chức” được thay thế bằng hai từ “pháp nhân”. Thay đổi này dẫn đến việc xác định chủ thể quản lý người gây thiệt hại trong trường hợp này chỉ có thể là pháp nhân. Tuy nhiên, sự sửa đổi này không hợp lý và không bao quát được tất cả các trường hợp xảy ra trên thực tế. Ví dụ, một hộ gia đình ký hợp đồng dịch vụ trông trẻ với nhiều gia đình khác, trong thời gian trông giữ, các bé đánh nhau gây thiệt hại thì việc bồi thường thiệt hại được xác định theo quy định nào?

Thứ hai, cụm từ “dưới 15 tuổi” được sửa đổi thành “chưa đủ 15 tuổi”. Những phân tích cho sự thay đổi này đã được làm rõ ở những phần trên.

6. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra

Bộ luật dân sự năm 2015 đã bỏ cụm từ “và các chủ thể khác” khi xác định người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra. Điều này cho thấy Bộ luật dân sự chỉ điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề của cá nhân, pháp nhân. Đối với các trường hợp người làm công, người học nghề do các chủ thể khác sử dụng mà gây thiệt hại thì không áp dụng quy định này, nhưng rõ ràng cũng không có quy định nào phù hợp để áp dụng đối với các trường hợp này.

7. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Thứ nhất, khoản 2 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung thêm một nội dung trong nghĩa vụ của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đó là ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật về “bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ” như trong Bộ luật dân sự năm 2005, thì còn phải tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến việc “vận hành” nguồn nguy hiểm cao độ.

Thứ hai, trong khoản 3 và khoản 4 Bộ luật dân sự năm 2015, cụm từ “người chiếm hữu, sử dụng” được dùng thay cho cụm từ “người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng”. Việc sử dụng cụm từ “người chiếm hữu, sử dụng” mặc dù bao quát được cả các chủ thể chiếm hữu, sử dụng có căn cứ pháp luật khác mà không bao gồm chủ sở hữu và người được chủ sở hữu chuyển giao. Tuy nhiên, cụm từ này cũng gây ra bất cập ở chỗ chính bản thân nó cũng bao hàm cả người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Do đó, dẫn đến vấn đề rằng người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ có được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 hay không. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ không được áp dụng căn cứ loại trừ trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, bởi vì bản thân họ luôn bị coi là có lỗi do chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ của người khác. Đối với trường hợp hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì chúng tôi cho rằng nên loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Theo đó, cần phải sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

Khoản 3: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây …”

Khoản 4: “Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại”.

8. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Bộ luật dân sự năm 2015 sử dụng hai từ “chủ thể” để thay thế cho cụm từ “cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác” và “người gây ô nhiễm môi trường”. Sự sửa đổi này chỉ đơn giản về thuật ngữ, chứ không làm thay đổi nội dung quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005.

9. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Thứ nhất, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bỏ quy định “nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Thực chất quy định này đã được lồng ghép vào quy định tại khoản 2 Điều 584 về căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường, trong đó cũng có căn cứ đó là “hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại”. Do vậy, việc loại bỏ quy định này là hoàn toàn phù hợp, tránh trùng lặp giữa các quy định.

Thứ hai, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, người sử dụng súc vật tại khoản 1 Điều 603: “Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Quy định này hoàn toàn phù hợp, bởi vì người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng  súc vật là người có quyền nhất định đối với súc vật đó (thông thường đó là người được khai thác công dụng của súc vật, hoặc người được hưởng một chi phí nhất định để quản lý súc vật), nên phải bồi thường thiệt hại do súc vật đó gây ra.

Thứ ba, Bộ luật dân sự năm 2005 bổ sung quy định liên quan đến trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật khi súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật: “khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”. Việc bổ sung quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật trong việc quản lý súc vật. Do đó, nếu không quản lý tốt súc vật thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải chịu trách nhiệm về việc quản lý của mình.

10. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Thứ nhất, Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối. Đây là quy định nhằm xác định trách nhiệm của người quản lý cây cối khi cây cối gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, người được giao quản lý cây cối cũng có thể coi là người chiếm hữu cây cối, bởi vì “chiếm hữu là nắm giữ, quản lý”. Do đó, nên sử dụng một cụm từ “chiếm hữu” hơn là sử dụng cả “chiếm hữu” và “quản lý”.

Thứ hai, Bộ luật dân sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi các trường hợp cây cối gây thiệt hại mà phát sinh trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người quản lý cây cối. Theo Bộ luật dân sự năm 2005, chỉ khi cây cối đổ, gẫy mà gây thiệt hại mới phát sinh trách nhiệm bồi thường. Các trường hợp cây cối gây thiệt hại mà không do đổ, gẫy thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, Bộ luật dân sự năm 2015 đã không còn quy định hai trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường do cây cối gây ra (hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại và bất khả kháng). Tuy nhiên, những căn cứ này đã được quy định chung cho mọi trường hợp tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015.

11. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Thứ nhất, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung một chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại đó là “người chiếm hữu”. Tuy nhiên, nếu bổ sung người chiếm hữu thì nên bỏ quy định về “người quản lý” bởi vì khái niệm chiếm hữu đã bao gồm cả khái niệm quản lý trong đó.

Thứ hai, Bộ luật dân sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi các trường hợp bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Theo đó, tất cả các trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì đều phát sinh trách nhiệm bồi thường nếu đủ các điều kiện.

Thứ ba, hai căn cứ loại trừ cũng được bỏ đi là “hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại” và “sự kiện bất khả kháng”. Những quy định này đã được đề cập trong khoản 1 Điều 584 và áp dụng cho mọi trường hợp.

Thứ tư, Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung quy định liên quan đến trách nhiệm của người thi công: “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế đòi hỏi phải thật chính xác, bởi vì sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại với hành vi thi công nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra thiệt hại.

12. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể

Thứ nhất, Bộ luật dân sự 2015 giới hạn các chủ thể xâm phạm thi thể chỉ gồm cá nhân, pháp nhân, trong khi đó Bộ luật dân sự năm 2005 còn xác định thêm cả các chủ thể khác ngoài cá nhân và pháp nhân.

Thứ hai, khái niệm “người xâm phạm thi thể” được thay bằng khái niệm “người chịu trách nhiệm bồi thường” khi xác định chủ thể phải bù đắp về tinh thần. Sự thay đổi này là phù hợp, bởi vì không phải trường hợp nào người xâm phạm thi thể cũng phải tự bồi thường.

Thứ ba, việc xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần và căn cứ để xác định cũng được thay đổi. Theo đó, mức bù đắp sẽ áp dụng cho mỗi thi thể bị xâm phạm (Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định rõ vấn đề này) và căn cứ để tính là lương cơ sở chứ không phải lương tối thiểu như Bộ luật dân sự năm 2005.

13. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

Bộ luật dân sự năm 2015 có hai sự thay đổi so với Bộ luật dân sự năm 2005:

Một là, chỉ xác định cá nhân và pháp nhân là chủ thể xâm phạm mồ mả;

Hai là, bổ sung quy định liên quan đến bù đắp tổn thất về tinh thần khi xâm phạm mồ mả là 10 lần mức lương cơ sở cho mỗi mồ mà bị xâm phạm.

14. Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

Trong Bộ luật dân sự năm 2015, chủ thể vi phạm quyền lợi người tiêu dùng chỉ có thể là cá nhân và pháp nhân (trong Bộ luật dân sự năm 2005 còn bao gồm các chủ thể khác). Ngoài ra, trong Bộ luật dân sự năm 2015, hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể áp dụng với cả trường hợp kinh doanh hàng hóa và dịch vụ (trong Bộ luật dân sự năm 2005 chỉ đề cập đến hàng hóa).

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon