Lịch sử hình thành và phát triển quy định của pháp luật về tài sản (Phần 2)

lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-tai-san-phan-2

Phần 1 của bài viết tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về tài sản từ thời kỳ phong kiến độc lập đến trước năm 1975. Ở phần 2 cùng Luật Dương Gia đi vào giai đoạn 1975 – 1995 và giai đoạn 3 từ năm 1995 đến nay.

Đặc biệt, giai đoạn 3 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với việc ban hành Bộ luật dân sự đầu tiên vào năm 1995 và những lần sửa đổi, bổ sung sau đó. Đây là giai đoạn mà pháp luật về tài sản không ngừng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

2. Giai đoạn từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi có Bộ luật Dân sự đầu tiên tại Việt Nam (1945-1995)

2.2. Giai đoạn từ năm 1975 – 1995

Từ những năm 1960 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), thống nhất đất nước năm 1976, chúng ta mới có điều kiện xây dựng lại nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng và phát triển đất nước. Tình hình đất nước trong giai đoạn này có hai đặc điểm lớn:

Một là, nước ta đang trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Hai là, cả nước hoà bình, độc lập và thống nhất cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội với nhiều thuận lợi, song cũng còn nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh và các tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới gây ra.

Nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế thời kỳ này nhằm hai mục tiêu vừa cơ bản vừa cấp bách là bảo đảm nhu cầu của đời sống nhân dân, tích luỹ để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà nước. Trong đó, nhiệm vụ chính của nhân dân miền Bắc là tập trung sức người, sức của để chi viện cho đồng bào miền Nam, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy trong thời gian này, các giao lưu dân sự để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân như lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác Nhà nước phân phối cho nhân dân. Vì vậy, các tranh chấp dân sự hầu như không có.

Tuy nhiên, trong nhân dân, vẫn tồn tại một số giao dịch như mua bán nhà ở, đất đai, cho vay thóc gạo…Trong thời kỳ này, việc giải quyết các tranh chấp dân sự chủ yếu bằng biện pháp hoà giải ở hợp tác xã. Tuy nhiên, những tranh chấp dân sự không hoà giải được thì giải quyết tại Toà án. Để thống nhất đường lối giải quyết các tranh chấp về giao dịch và các tranh chấp dân sự khác, TANDTC ban hành một số văn bản hướng dẫn TAND các cấp về đường lối xét xử dân sự, gồm các văn bản sau:

– Chỉ thị số 4-DS ngày 14/10/1963 của TANDTC về đường lối giải quyết những giao dịch hợp pháp và bất hợp pháp.

– Thông tư số 594/TANDTC, ngày 27/8/1968 tổng kết kinh nghiệm và hướng dẫn đường lối xử các việc tranh chấp về thừa kế.

– Thông tư số 2/TANCTC ngày 2/8/1973 hướng dẫn đường lối xử lý các tranh chấp về thưà kế di sản của liệt sỹ.

– Thông tư số 57/TANCTC ngày 16/8/1977 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thưà kế ở các tỉnh phía nam.

– Thông tư số 81/TANCTC ngày 24/7/1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thưà kế.

Sau khi thống nhất đất nước, Nhà nước ta cần xây dựng một hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm lúc này là cải tạo XHCN ở miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN ở miền Bắc, cho nên chưa thể xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, do vậy Nhà nước tập trung vào xây dựng những văn bản pháp luật cần thiết phục vụ cho nhiệm vụ trên.

Trong lĩnh vực dân sự, Nhà nước ta chưa ban hành ngay được Bộ luật Dân sự, bởi vì khi bắt đầu đổi mới, chúng ta chưa dự liệu được hết quá trình hình thành và phát triển của các quan hệ kinh tế, quan hệ tài sản, mặc dù Nhà nước đã có định hướng cho những quan hệ này phát triển. Tuy nhiên, các quan hệ kinh tế, quan hệ tài sản phát sinh và tồn tại theo quy định của kinh tế thị trường. Cho nên, trong thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới chúng ta đang đi tìm một con đường phát triển kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, chính trị, kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Trong khi Nhà nước chưa ban hành được BLDS điều chỉnh các quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân của cá nhân, tổ chức. Nhà nước ban hành các pháp lệnh điều chỉnh từng lĩnh vực của đời sống dân sự, như pháp lệnh Sở hữu Công nghiệp năm 1989, Pháp lệnh Thừa kế 1990, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991, Pháp lệnh Nhà ở năm 1991…

Có thể thấy, các văn bản pháp luật được ban hành trong thời kỳ này thường có hình thức pháp lý cao (luật hoặc pháp lệnh), có nhiều nội dung phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội theo đường lối đổi mới, nhiều quy định đã thể hiện được những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, kinh tế là tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, phù hợp với thông lệ quốc tế.

3.  Giai đoạn từ khi có Bộ luật Dân sự năm 1995 có hiệu lực tới nay

Giai đoạn này chia thành 3 thời kỳ: giai đoạn từ khi Bộ luật Dân sự 1995 có hiệu lực tới trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2005; giai đoạn từ khi Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực tới trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2015; giai đoạn từ khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực tới nay.

3.1. Giai đoạn từ khi Bộ luật Dân sự 1995 có hiệu lực tới trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2005

Bước vào thời kỳ mới, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Quan hệ sản xuất được điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Sự ra đời của Bộ luật Dân sự năm 1995 là hoàn toàn cần thiết, xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

Trong Tờ trình của Chính phủ về Dự án Bộ luật Dân sự năm 1995 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng nêu: Cũng do thiếu pháp luật dân sự nên trên thực tế đã xảy ra không ít những trường hợp xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại cho tài sản cá nhân, tập thể và Nhà nước, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức mà chưa được Nhà nước bảo hộ một cách thích đáng, độ an toàn pháp lý của mỗi công dân và tổ chức trong sinh hoạt cộng đồng còn thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, gây nên sự hiểu lầm về bản chất của chế độ.

Thực tế phát triển của các quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài cũng cho thấy, pháp luật trong nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra, nhất là các vấn đề về xác định địa vị pháp lý của người nước ngoài tại Việt Nam, đa dạng hóa hơn nữa các hình thức đầu tư, vấn đề thuê đất, sở hữu và thừa kế tài sản của người nước ngoài tại Việt Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến độ tin cậy của môi trường pháp lý – một yếu tố rất quan trọng không thể thiếu của môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung. Tình hình nêu trên cho thấy cần thiết phải sớm ban hành Bộ luật Dân sự nhằm các mục tiêu sau:

Trước hết, tiến hành pháp điển hóa một bước quan trọng pháp luật dân sự nước nhà, tạo ra một văn bản pháp luật thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao nhằm khắc phục tình trạng tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ của pháp luật dân sự hiện nay và tiến tới hoàn thiện lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay cũng như trong nhiều năm tiếp theo.

Sau đó, tạo ra các chuẩn mực về cách ứng xử của cá nhân, tổ chức khi tham gia quan hệ dân sự, kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích xã hội. Đồng thời, tạo cơ sở pháp luật hết sức cần thiết cho công tác xét xử của các cơ quan tài phán, bảo đảm xét xử công minh, khách quan và đúng pháp luật.

Tiến hành một bước cơ bản tiêu chuẩn hóa các khái niệm và phạm trù pháp lý dân sự – một tiền đề không thể thiếu cho sự phát triển lâu dài khoa học pháp luật dân sự, làm cơ sở xây dựng ngành pháp luật dân sự hoàn chỉnh, thực sự trở thành công cụ quan trọng thúc đẩy nền kinh tế thị trường văn minh phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp đến, tạo tiền đề cho pháp luật dân sự nước ta vừa tính đến, tiếp thu những thành tựu – tinh hoa của pháp luật dân sự ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, vừa thể hiện đầy đủ các đặc thù của tình hình và giai đoạn phát triển hiện nay của xã hội ta theo đường lối đổi mới, vận dụng, kế thừa các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc hình thành qua nhiều thế hệ trong sinh hoạt dân sự cộng đồng truyền đến ngày nay, kịp thời và đúng đắn xử lý các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, phục vụ có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh giao lưu quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội.

Với các lý do trên, Bộ luât Dân sự năm 1995 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/1996 đánh dấu một bước phát triển lớn trong quá trình lập pháp của Nhà nước ta. Bộ luật Dân sự có quy mô lớn nhất trong các bộ luật từ trước đến nay nhưng vì phạm vi điều chỉnh của Bộ luật quá rộng lớn và đa dạng, phức tạp cho nên cần phải có rất nhiều các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Bộ luật Dân sự năm 1995 đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lí điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước và lợi ích công cộng.

Bộ luật Dân sự năm 1995 với tổng thể 7 phần, 838 điều luật: Phần thứ nhất, những quy định chung ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của luật dân sự, quy định về cá nhân, quyền nhân thân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ họp tác, giao dịch dân sự, đại diện, thời hạn, thời hiệu; phần thứ hai, quy định về tài sản và quyền sở hữu; phần thứ ba, quy định về hợp đồng và nghĩa vụ dân sự; phần thứ tư, quy định về thừa kế; phần thứ năm,những quy định về chuyển quyền sử dụng đất; Phần thứ sáu, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; phần thứ bảy, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Trong đó, các quy định cụ thể về tài sản được ghi nhận trong BLDS 1995: Điều 172 BLDS 1995 quy định: “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, gíấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Vật có thực là các vật đang tồn tại như nhà ở đã được xây dựng, hoa mầu đã thu hoạch. Quy định này hạn chế các đối tượng là tài sản sẽ hình thành và đang hình thành. Vật là giấy tờ trị giá bằng tiền, có thể được hiểu là giấy tờ trị giá bằng tiền là các loại giấy tờ mà xác định được giá trị của nó bằng một số tiền nhất định. Do đó, việc xác định này phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

3.2. Giai đoạn từ khi Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực tới trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2015

Sau một thời gian áp dụng, Bộ luật Dân sự năm 1995 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: Hiệu lực áp dụng của Bộ luật Dân sự đã bị hạn chế rất nhiều do nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành đều khoanh vùng áp dụng, một số quy định trong Bộ luật dân sự không còn phù hợp với thực tế, có những quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, quy định quá chung chung…

Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước ta đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 1995 và ngày 14/6/2005 Quốc hội khoá XI kì họp thứ 7 đã thông Bộ luật Dân sự năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. So với Bộ luật dân sự 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 có nhiều điểm mới tiến bộ, nhiều quy định cụ thể và tuơng thích với pháp luật và thông lệ quốc tế hơn.

Đối với các quy định pháp luật về tài sản, có thể thấy, trong phần thứ hai của BLDS quy định về tài sản và quyền sở hữu, có thể coi đây là chế định trung tâm trong pháp luật dân sự. Việc điều chỉnh của pháp luật phản ánh đúng bản chất các quan hệ sở hữu sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy các giao lưu dân sự phát triển, khuyến khích các chủ thể đầu tư sản xuất kinh doanh và khai thác tài sản đạt hiệu quả cao.

Phần thứ hai quy định về tài sản trong BLDS năm 2005 cơ bản không khác với BLDS năm 1995 về nội sung. Điều 172 BLDS 1995, Điều 163 BLDS 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tài sản là vật đã có hoặc dang hình thành như hoa màu chưa đến ngay thu hoạch, tài sản sẽ hình thành như các dự án xây dựng nhà chung cư đã được cấp phép xây dựng. Tài sản là giấy tờ có giá như ngân phiếu, trái phiếu…đây là những loại giấy tờ giá do Nhà nước quy định và cso thể giao dịch được trong quan hệ dân sự.

Theo quy định tại Điều 163 BLDS 2005, tài sản chia thành ba nhóm vật chất trong thế giới tự nhiên hoặc do con người tạo ra, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Những loại tài sản này thuộc về chủ thể nhất định và sẽ được đưa vào giao lưu dân sự.

Về cơ bản, tại Điều 163 BLDS 2005 quy định các loại tài sản không có gì khác so với Điều 172 BLDS 1995 nhưng khái niệm về vật đã có sự nhìn nhận mới. Trong khi Điều 172 BLDS 1995 nói rằng “tài sản bao gồm vật có thực…” thì Điều 163 BLDS 2005 lại nói rằng “ tài sản bao gồm vật, tiền…”. Với quy định này, BLDS 2005 đã bỏ cụm từ “có thực”.

Việc thay đổi này không chỉ đơn thuần là việc thay đổi câu từ mà nó có ý nghĩa pháp lý quan trọng trong việc xác lập, thực hiện và bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp trong giao lưu dân sự, phản ánh đúng tình hình phát triển của các quan hệ kinh tế. Bởi lẽ trong quan hệ dân sự nói chung và quan hệ thương mại, kinh doanh nói riêng có những quan hệ được thiết lập mà tài sản được hình thành trong tương lai như công trình xây dựng, hoa lợi, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh… Vì vậy các chủ thể có thể tự do thỏa thuận xác lập các giao dịch mà đối tượng là tài sản hình thành trong tương lai mà không sợ bị tuyên bố vô hiệu.

Trong BLDS 2005, chương XI quy định các loại tài sản. Điều 174 quy định về động sản và bất động sản. Điều 175 quy định về hoa lợi, lợi tức. Từ Điều 176 đến 180 quy định về các loại vật và phương thức chuyển giao vật. Cách phân loại tài sản theo quy định này của BLDS 2005 cho thấy còn nhiều bất cập, điều luật này không dựa trên các tiêu chí cụ thể hoặc không đưa ra các tiêu chí để xác định tài sản là động sản hay bất động sản, cho nên trong quy định này có những nội dung không rõ ràng khó xác định bất động sản hay động sản.

3.3. Giai đoạn từ khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực tới nay

Hiện nay, Bộ luật Dân sự hiện hành và đang có hiệu lực điều chỉnh là Bộ luật Dân sự 2015. Chế độ pháp lý về tài sản luôn là phần “nặng” và quan trọng trong trong hệ thống pháp luật dân sự. Có thể thấy, hầu hết các chế định khác nhau của hệ thống pháp luật dân sự đều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến chế định tài sản.

Trong BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 thì chế định về tài sản được đặt ra tại phần thứ hai – Tài sản và Quyền sở hữu. Tuy nhiên, đến BLDS năm 2015 thì chế dịnh về tài sản được chuyển sang phần Những quy định chung. Về cơ cấu: Chế định về tài sản được quy định tại Chương VII BLDS 2015, bao gồm 11 điều luật, từ Điều 105 đến Điều 115 BLDS năm 2015, trong đó có:

–         1 điều về khái niệm tài sản nói chung (Điều 105);

–         1 điều về đăng ký tài sản (Điều 106);

–         3 điều về phân loại tài sản ( các điều từ Điều 107 đến Điều 109);

–         5 điều về cách phân loại vật (từ Điều 110 đến Điều 114)

–         1 điều về khái niệm Quyền tài sản (Điều 115).

Về cơ bản các quy định của BLDS năm 2015 về tài sản có một số điểm mới so với BLDS năm 2005, đó là: Bổ sung quy định về tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng và đầy đủ hơn về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác và quy định thêm thời điểm xác lập quyền sở hữu khác đối với tài sản, quy định trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản.

Mỗi một giai đoạn phụ thuộc vào đặc trưng lịch sử, bối cảnh xã hội mà Việt Nam có những văn bản pháp luật điều chỉnh về tài sản khác nhau. Trong đó các quy định pháp luật về tài sản ở mỗi giai đoạn bên cạnh việc kế thừa thành tựu của giai đoạn trước cũng đã có những điểm mới, những điểm chưa phù hợp. Bài viết chỉ dừng lại ở việc tổng hợp quy định pháp luật về tài sản, chỉ ra những nguyên nhân của sự thay đổi và kết quả của sự thay đổi đó./.

Trên đây là bài viết về “Lịch sử hình thành và phát triển quy định của pháp luật về tài sản (Phần 2)”. Trường hợp bạn còn đang thắc mắc hoặc cần tư vấn và hỗ trợ pháp lý, liên hệ ngay Luật Dương Gia qua số Hotline: 079.497.8999 – 093.154.8999 để được hỗ trợ sớm nhất!

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon