Xử lý hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác?

xuc-pham-danh-du-nhan-pham-cua-nguoi-khac-bi-xu-ly-the-nao

Danh dự, nhân phẩm là những giá trị gắn liền với nhân thân của con người và được pháp luật bảo vệ. Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bằng nhiều hình thức khác nhau. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm ở mức độ nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức độ nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác và người thực hiện hành vi trên có thể bị xử lý như thế nào? Hãy cùng luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

  • Hiến pháp 2013;
  • Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017);
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
  • Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

1. Thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác?

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là hành vi dùng những lời lẽ khó nghe, mang tính sỉ nhục, thô bỉ, nhục mạ nhằm để hạ thấp, chà đạp giá trị của người khác. Đồng thời làm giảm uy tín, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của đối phương. Hiện nay pháp luật chưa có một khái niệm cụ thể thế nào về xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác do đó có thể hiểu đơn giản như trên.

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm không chỉ làm tổn thương đến những giá trị về tinh thần, lòng tự tôn, tự trọng của người bị xúc phạm, khiến họ cảm thấy nhục nhã, tức giận, tủi hổ mà còn có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của những người khác đến người bị xúc phạm, là hành vi trái pháp luật. Từ đó dẫn đến những tổn thương về tâm lý của người bị xúc phạm khi tình trạng này diễn ra nhiều lần, trong thời gian dài.

Thuê Luật sư hình sự tại Đà Nẵng

2. Quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm?

Khoản 1 Điều 20 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người như sau:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” 

Không những vậy, theo Ðiều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Tùy theo mức độ, hành vi của người có hành vi xâm phạm quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

3. Xử phạt vi phạm hành chính người xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác

3.1. Trường hợp thứ nhất

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt vi phạm hành chính với các mức phạt như sau:

– Đối với người thi hành công vụ: 

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ (điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);

– Đối với thành viên trong gia đình:

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

(Căn cứ Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

– Đối với các trường hợp khác:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. (Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, người xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác buộc phải khắc phục hậu quả mà mình gây ra đối với nạn nhân mà mình đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Theo điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: “Buộc phải xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, các điểm d và đ khoản 5 điều này trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.”

3.2. Trường hợp thứ hai

Theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 15/20210/NĐ-CP về biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.” Như vậy, người có hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

4. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh sau đây:

4.1. Tội làm nhục người khác

Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.2. Tội vu khống

Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, người có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống.

Mức phạt thấp nhất với tội danh này là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Mức phạt cao nhất có thể lên đến 07 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.3. Xúc phạm người khác trong một số trường hợp đặc biệt

– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia phiên tòa:

Điều 391 Bộ luật hình sự quy định: Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Mức phạt đối với tội danh này là đến 03 tù.

– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm đồng đội trong quá trình công tác:

Điều 397 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trong quan hệ công tác mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự đồng đội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức phạt cao nhất đối với tội danh này là đến 05 năm tù.

4.4. Dấu hiệu pháp lý có liên quan

– Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Tất cả hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Nếu hành vi làm nhục người khác lại cấu thành một tội độc lập thì tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.

– Người bị hại phải là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự nhưng thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau nhưng có người thấy nhục hoặc rất nhục nhưng có người lạ thấy bình thường. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục.

– Nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác mà phải kết hợp với các yếu tố như trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình…Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trương hợp nà có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến “Xử lý hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác?”. Nếu quý khách đang gặp phải trường hợp tương tự khi bị một người xúc phạm danh dự nhân phẩm một cách vô lý và cần sự hỗ trợ pháp luật về mặt pháp lý. Xin vui lòng liên hệ đến chúng tôi theo số Hotline: 1900.6568 để nhận được sự lựa chọn, tư vấn tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon