Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất nhằm tước đoạt mạng sống của người phạm tội. Trước đây, tử hình được đặt ra với các hình thức dã man, tàn khốc nhằm mục đích ” trả thù” người phạm tội. Tuy nhiên qua thời gian các quốc gia đã dần có những quan điểm tiến bộ, nhân đạo về biện pháp tử hình. Vậy tử hình qua các thời kỳ ở Việt Nam và tử hình ở các quốc gia khác như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tử hình là gì?
Thuật ngữ “tử hình” có nguồn gốc từ Hán Việt, nghĩa là hình phạt chết. Đây là việc hành quyết một người theo quy trình pháp luật như một sự trừng phạt đối với tội phạm thực hiện hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội.
Dưới góc độ pháp luật Việt Nam, tử hình là hình phạt tước bỏ quyền sống của người bị kết án, tử hình được coi là hình phạt đặc biệt trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam, là hình phạt nghiêm khắc nhất. Tử hình chỉ được áp dụng đối với các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật hình sự Việt Nam quy định được thi hành theo một thủ tục tố tụng chặt chẽ.
Mục đích của tử hình không phải để cải tạo, giáo dục người kết án mà nhằm phòng ngừa, loại bỏ khả năng phạm tội mới của người bị kết án, trừng trị tội ác mà họ gây ra. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp tử hình cũng nhằm mục đích răn đe những người khác trong xã hội, cảnh cáo nghiêm khắc những kẻ có ý định tương tự, từ đó hạn chế tối đa những tội ác tương tự diễn ra trong tương lai.
2. Hình thức tử hình ở Việt Nam
2.1 Một số hình thức tử hình dưới thời phong kiến ở Việt Nam
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, do ảnh hưởng ít nhiều từ pháp luật Trung Quốc hình phạt luôn mang tính dã man và tàn bạo. Tội tử hình được áp dụng ngay cả khi cá nhân phạm tội ít nghiêm trọng.
Dưới thời Ngô – Đinh – Tiền Lê, Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại việc vua Đinh Tiên Hoàng vì muốn thể hiện uy nghiêm của mình đã hạ lệnh nuôi hổ lớn trong củi, đặt vạc dầu giữa sân triều. Kẻ nào trái lệnh vua thì hoặc là cho hổ ăn hoặc là bỏ vạc dầu.
Sang đến các triều Lý – Trần – Hồ – Lê Sơ – Nhà Nguyễn, tử hình là một trong các hình phạt nằm trong ngũ hình. Ngũ hình gồm có 5 cấp bậc gồm: xuy (đánh bằng roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (đưa đi làm khổ sai), lưu (lưu đầy đi nơi xa), tử (giết chết). Việc tử hình được thực hiện dưới nhiều hình thức bao gồm:
- Giảo: Đây là hình thức tử hình nhẹ nhất, các tội nhân sẽ bị treo cổ đến chết. Mặc dù cũng là hình thức chấm dứt sự sống của tội nhân nhưng vẫn giữ được thân thể khi chết được nguyên vẹn.
- Trảm: Là hình phạt các tội nhân sẽ bị đưa lên pháp trường và bị đao phủ chém đầu. Theo đó, đây là hình thức tử hình không giữ được thân thể nguyên vẹn.
- Trảm kiêu: Cũng giống như trảm, trảm kiêu cũng là hình thức đưa tội nhân ra pháp trường và chém đầu. Tuy nhiên sau khi bị chém, người ta sẽ ghi rõ tên, tội đem đầu treo lên đầu một cây sào, sau đó đem đi cắm bêu ở nơi ngã tư đường cho tất mọi người đều biết để mà răn sợ. Hình phạt tử hình này thường được áp dụng đối với các tội nặng, chống phá vua chúa, mục đích nhằm cảnh cáo những người có ý định sẽ phạm tội tiếp theo. Hình phạt này được lấy cảm hứng từ loài chim Kiêu, do đó mới có tên là trảm kiêu.
- Lăng trì (tùng xẻo): Đây là hình thức tử hình vô cùng tàn bạo. Hình thức này được thực hiện như sau: tội nhân sẽ bị xẻo từng miếng thịt một, người ta khoét thịt trên thân tội nhân một tất. Tiếp đó, đối với nam giới thì cắt bỏ bộ phận sinh dục, đối với nữ giới thì mổ bụng moi tạng phủ cho đến khi chết hẳn. Cuối cùng, cắt lấy tay chân, cắt những khớp xương, đập bể đối với xương sống rồi đem xương đi muối. Hình thức này được thực hiện nhằm khiến cho tội nhân nhận cái chết từ từ và đau đớn, đồng thời cũng nhằm răn đe người khác. Thường được áp dụng cho tội bất trung, bất hiếu như: Mưu phản và đại nghịch chống vua và xã tắc; Mưu giết ông bà, cha mẹ; Gian dâm và âm mưu giết chồng; Giết một nhà ba người.
Ngoài ra còn có hình thức phạt khác như lục thi ( phân thây) hình phạt băm xác áp dụng sau khi tội nhân chết; voi giày, ngựa xé xác,…
2.2 Các hình thức tử hình ở Việt Nam sau đổi mới
Sau khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước, theo thời gian hình phạt tử hình đã dần tiến bộ và có tính nhân đạo hơn.
2.2.1 Xử bắn
Bộ luật tố tụng hình sự nước ta năm 2003 quy định “Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn”. Bộ Công an được giao chủ trì tổ chức thi hành hình phạt tử hình.
Tại pháp trường, đội thi hành gồm 5 chiến sĩ công an bắn giỏi sẽ bắn một loạt súng trường thẳng vào tim nạn nhân, cuối cùng kết thúc bằng 1 viên đạn ân huệ vào thái dương phạm nhân. Sau khi đã thi hành án tử hình, Cơ quan Công an có trách nhiệm làm giấy báo cho thân nhân, gia đình phạm nhân biết.
2.2.2 Tiêm thuốc độc
Hiện nay, hình thức tử hình bằng xử bắn đã bị bãi bỏ, thay vào đó là hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc. Án tử hình chỉ áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gồm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia/phản quốc, tội giết người, tội hiếp dâm trẻ em, tội phạm về ma túy, tội tham nhũng và tội phạm chiến tranh.
Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015: Không thi hành án tử hình (chuyển thành tù chung thân) đối với: phụ nữ có thai; Phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc xét xử; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định. Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau:
- Chuẩn bị đủ 03 liều thuốc (trong đó có 02 liều dự phòng)
- Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm; trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch;
- Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo quy trình: tiêm thuốc làm mất tri giác; Tiêm thuốc làm tê liệt hệ thần kinh vận động; Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
- Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Nếu người bị thi hành án tử chưa chết thì sử dụng thuộc dự phòng sau 10 phút. Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau mười phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.
- Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng. Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình. Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản theo quy định về việc người bị thi hành án đã chết. Người nhà được phép nhận thi hài tử tội theo quy định của pháp luật.
3. Các hình thức tử hình trên thế giới
Hiện nay, hình phạt tử hình đã bị bãi bỏ ở nhiều nơi trên thế giới. Theo đó, tính đến tháng 7 năm 2018, tính trên 165 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc thì ta có thống kê về tình hình áp dụng án tử hình của các quốc gia trên như sau: có 55 quốc gia vẫn còn hình phạt tử hình, 104 quốc gia đã hoàn toàn bãi bỏ hình phạt này ( Madagascar (2015), Fiji (2015), Cộng hòa Dân chủ Congo (2015),…);
28 quốc gia trên thực tế có thể xem như đã bãi bỏ án tử hình, nghĩa là chưa ghi nhận vụ xử tử nào trong hơn một thập kỉ qua, có chính sách để không áp dụng hình phạt này nhưng chưa chính thức đưa vào luật; 8 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình trên thực tế, nghĩa là quốc gia đó chưa xử tử ai trong suốt hơn 14 năm trở lại đây; bao gồm các quốc gia đã bãi bỏ án tử hình theo luật định, tuy nhiên một vài trường hợp bất khả kháng sẽ được áp dụng.
3.1 Tử hình bằng hình thức treo cổ
Đây là hình thức tử hình phổ biến từ cổ đại đến hiện đại. Hiện nay, hình thức này vẫn còn có tính phổ biến ở nhiều quốc gia, người hỗ trợ thi hành án sẽ có những tính toán giúp tử tù giảm đau đớn.
Tử tù sẽ bị buộc dây vào cổ và treo lên cao, phạm nhân sẽ bị gãy cổ hoặc tắt thở và tắt mạch máu, mất ý thức ngay lập tức sau đó chết. Phương thức này cũng giúp giảm rất nhiều chi phí cho Nhà nước. Một số quốc gia vẫn còn áp dụng bao gồm: Nhật Bản, Iran, Singapore, Ấn Độ,…
3.2 Tiêm thuốc độc
Đây là hình thức tử hình đang được Việt Nam áp dụng. Thông thường tiêm thuốc độc là việc tiêm vào cơ thể người một liều thuốc độc tổng hợp gồm ba loại: gây mê; gây tê liệt cơ bắp và dây thần kinh; làm tim ngừng đập. Hình thức này dẫn đến cái chết êm ái và từ từ, giúp giảm đau đớn cho phạm nhân, một trong những hình thức tử hình có tính nhân đạo.
Tuy nhiên, phương thức tử hình này có chi phí khá cao và đôi lúc cũng kéo đến nhiều rủi ro. Hiện nay, hình thức này được áp dụng ở một số nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan,…
3.3 Ghế điện
Đây là phương thức hành quyết có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, trong đó tử tù sẽ ngồi lên một chiếc ghế gỗ được chế tạo đặc biệt và để cho một dòng điện cực lớn chạy qua cơ thể của người tử tù thông qua các điện cực được gắn chặt trên đầu và chân của họ. Đây từng được xem là một hình thức tử hình nhân đạo, được áp dụng đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, về sau khi hình thức tử hình bằng thuốc độc phổ biến thì phương thức này dần có ít nơi thực hiện. Hiện nay, phương thức này được sử dụng dưới dạng thay thế cho hình thức tiêm thuốc độc khi có sự yêu cầu của tù nhân hoặc khi việc tiêm thuốc độc đang không thực hiện được. Hình thức thay thế này phổ biến ở các tiểu bang Hoa Kỳ.
3.4 Xử bắn
Đây là hình thức được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia, có nguồn gốc từ thời chiến. Hình thức này trước đây được sử dụng phổ biến nhất là ở Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên về sau, do yếu tố nhân đạo nên hình thức này cũng ít phổ biến hơn.
Theo đó, phạm nhân sẽ bị bịt mắt, trói lên cây cột/ quỳ/ đứng thành hình trung trực. Đội thi hành gồm mười người, mỗi người được phát một khẩu súng trường có lắp một viên đạn. Khi có hiệu lệnh thì đội sẽ đồng loạt nổ súng vào tim và cuối cùng sẽ có một phát súng vào thái dương của phạm nhân. Đây là hình thức xử tử hình mà trước đây Việt Nam từng áp dụng.
3.5 Phòng hơi ngạt
Đây là hình thức xử tử bằng khí độc hoặc khí gây ngạt. Khí độc thường được sử dụng nhiều nhất là HCN, CO2, CO. Hiện nay, phương thức này chỉ còn hợp pháp ở các tiểu bang của Hoa Kỳ. Giống như hình thức tử hình bằng ghế điện, đây cũng là hình thức tử hình thay thế nếu tiêm thuốc độc không áp dụng được hoặc khi có sự yêu cầu của phạm nhân.
3.6 Chém đầu
Chém đầu là việc hình thức tách đầu ra khỏi cơ thể phạm nhân, được sử dụng bởi dao, đao, rìu hoặc máy chém. Chém đầu dẫn đến cái chết nhanh chóng, phạm nhân sẽ chết trong vòng vài phút vì không có máu dưỡng khí lưu thông. Đây là hình phạt rất phổ biến từ thời xa xưa, bao gồm các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, các nước Châu Âu và cả Việt Nam. Hiện nay, hình thức nào vẫn còn được áp dụng ở Ả rập Saudi với một thanh kiếm. Tại đây, người thi hành và phạm nhân đều mặc đồ trắng, quá trình hành quyết được diễn ra công khai tại những nơi công cộng.
3.7 Ném đá
Ném đá hay còn được gọi là thạch hình là việc một nhóm người thi nhau ném đá về phía phạm nhân cho đến khi họ chết vì tổng các vết thương dồn nén. Đây là hình thức tử hình thô bạo, xuất phát từ thời trung cổ, hiện nay vẫn duy trì ở một số quốc gia như: các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iraq, Qatar,…
Ngoài ra còn các hình thức tử hình khác như: đóng đinh, ngộ độc, con lắc, xẻ đôi người,… Tuy nhiên hiện các hình thức đó không còn được áp dụng vì mang tính tàn bạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nhân đạo của con người
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Các hình thức tử hình trên thế giới”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.