Chế độ pháp lý đối với tài sản

che-do-phap-ly-doi-voi-tai-san

Theo pháp luật Việt Nam, tài sản được phân chia dựa vào nhiều khía cạnh khác nhau như dựa vào nguồn gốc, cách thức hình thành tài sản; dựa vào giá trị của tài sản, vai trò và ý nghĩa của tài sản của tài sản đối với kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng; dựa vào chế độ pháp lý; dựa vào thời điểm hình thành tài sản và thời điểm xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu…

Tuy nhiên, hành lang pháp lý đối với từng loại tà sản này chưa được pháp luật quy định một cách đầy đủ, toàn diện. Điển hình, vấn đề chế độ pháp lý đối với tài sản, bài viết làm rõ những quy định hiện hành liên quan vấn đề này.

1. Khái quát chung về tài sản

1.1. Quan điểm về khái niệm tài sản ở một số quốc gia trên thế giới

Tài sản là một khái niệm lâu đời và phức tạp trong khoa học pháp lý. Luật dân sự La Mã định nghĩa tài sản bao gồm vật và quyền liên quan tới vật. Trong đó, một vật có đặc điểm (i) tồn tại theo tính chất riêng của nó và (ii) có thể “nắm giữ”. Con người đưa vật vào các giao dịch và là chủ thể có quyền đối vật, vật là đối tượng của quyền, xuất phát từ đó vật được coi là tài sản theo pháp luật nhằm bảo vệ các quyền của con người.

Kế thừa quan điểm, Bộ luật Dân sự (BLDS) Pháp quy định: “ tài sản bao gồm động sản và bất động sản” (Điều 516) và “tài sản có thể động sản do tính chất hoặc do pháp luật quy định” (Điều 527). Trong đó, động sản có thể là tàu thủy, thuyền, các ” đồ đạc trong nhà” …; bất động sản có thể là đất đai và các công trình xây dựng, hoa lợi từ bất dộng sản, các dịch quyền hay địa dịch, quyền khở kiện nhằm đòi lại một bất động sản…

Như vậy, tài sản là vật hoặc quyền là quyền liên quan tới vật. BLDS Hà Lan định nghĩa: “Tài sản là tất cả mọi vật hoặc mọi quyền tài sản”; trong đó vật là tất cả các đối tượng hữu hình có thể chịu sự kiểm soát của con người, có thể chuyển giao các quyền được dự định để thu được một lợi ích vật chất cho chủ sở hữu của chúng hoặc các quyền đã có được để đổi lấy lợi ích vật chất thực tế hoặc dự kiến.

Hệ thống pháp luật Commow law nói chung hay pháp luật Hoa Kỳ nói riêng quan tâm đến những quyền lợi có thể phát sinh liên quan tới vật hơn là hiểu tài sản theo cách hiểu thông thường (nhận diện dựa trên tính chất vật lý hay chất liệu), do đó định nghĩa tài sản là một tập hợp các quyền hay “một mớ quyền” (abundle of rights). Theo cách hiểu thông thường, tài sản là một vật được con người sử dụng một cách cụ thể; nhận biết được bằng giác qua tiếp xúc. Trong một chừng mực nào đó, tất cả các tài sản đều có thể hữu hình hoặc hữu hình hóa.

1.2. Quan điểm về khái niệm tài sản theo quy định của Việt Nam

Như vậy, khái niệm tài sản, theo các quan điểm tại mục 1.1, được xem xét dưới góc độ vật hoặc quyền liên quan tới vật. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không tiếp cận khái niệm tài sản dưới các góc độ này mà định nghĩa theo hướng liệt kê các loại tài sản. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 định nghĩa “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” (khoản 1 Điều 105).

Với sự xuất hiện của các loại tài sản mới lưu thông trên thị trường hiện nay như tiền ảo (bitcoin…) thì vấn đề pháp lý cần xem xét là liệu rằng đây được coi là một tài sản hay không? Nếu có tài sản thì tiền ảo thuộc loại tài sản nào? Ai có thể là chủ sở hữu? Các giao dịch liên quan đến tài sản đó như thế nào? Có thể nói cách hiểu khái niệm tài sản theo hướng liệt kê như trên đã dẫn đến tình trạng không bao quát được những tài sản mới xuất hiện, mặt khác không đảm bảo được tính ổn định của pháp luật. Do vậy, để có thể hiểu được khái niệm tài sản cần xét đến tiêu chị phân loại tài sản.

Ngày nay, tài sản tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như điện thoại, xe máy, nhà ở (đã hình thành hoặc hình thành trong tương lai), tiền, cổ phiếu, quyền sở hữu trí tuệ, giấy chứng nhận quyến sử dụng đất… Trong các giao dịch dân sự, thông qua tài sản, các bên đạt được mục đích của mình. Cũng từ giao dịch dân sự liên quan đến tài sản mà phát sinh ra những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên đòi hỏi cần có các quy định phù hợp để giải quyết mâu thuẫn đó.

1.3. Phân loại tài sản theo quy định ở Việt Nam

Mỗi loại tài sản có những đặc tính và quy chế pháp lý riêng nên cần có sự phân loại tài sản để giải quyết những yêu càu tương ứng với giao dịch liên quan đến từng loại tài sản mà thực tiễn đặt ra. Có nhiều cách phân loại tài sản, có thể đến các cách như:

Thứ nhất, dựa trên tính chất vật lý của tài sản, đặc tính di dời được hay không, mà có thể phân lọai tài sản thành (i) động sản và (ii) bất động sản. Đây là phân loại quan trọng nhất mà hầu hết các nước đều ghi nhận, điển hình trong BLDS Pháp như đã nêu trên, BLDS năm 2015 cũng ghi nhận phân loại này tại Điều 107.

Thứ hai, dựa vào trạng thái tồn tại, tài sản được phân loại thành (i) tài sản hữu hình và (ii) tài sản vô hình. Cách phân loại này nhằm quy định những quy phạm bảo vệ quyền của chủ sở hữu như quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Thứ ba, dựa vào nguồn gốc và cách thức hình thành, tài sản có thể được phân thành tài sản và hoa lợi, lợi tức. Hoa lợi, lợi tức là sự “gia tăng” từ tài sản gốc. Trong đó, “hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại”, như trứng gà thu được từ nuôi gà mái; còn “lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản”, như tiền lãi thu được từ việc cho vay tiền. Cách phân loại này nhằm xác định chủ sở hữu của tài sản và các quyền về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản.

Thứ tư, dựa vào vai trò và ý nghĩa của tài sản đối với chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, quản lí nhà nước, tài sản được chi thành tài sản có đăng kí sở hữu, tài sản không đăng kí quyền sở hữu. Cũng từ căn cứ này mà pháp luật có quy định về việc đăng kí quyền sở hữu đối với một số tài sản nhất định trong BLDS năm 2015.

Thứ năm, dựa vào chế độ pháp lí đối với tài sản có thể phân loại tài sản thành (i) tài sản cấm lưu thông,(ii) tài sản hạn chế lưu thông và (iii) tài sản tự do lưu thông.Trong đó, chế độ pháp lí đối với tài sản là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trình tự, phương thức dịch chuyển tài sản đó.

Việc xác định đúng loại tài sản này cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định hiệu lực pháp lí của giao dịch về tài sản; đồng thời cũng có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chẳng hạn: tài sản cấm lưu thông là những tài sản nguy hiểm cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc nên pháp luật đã đặt ra quy định cấm giao dịch đối với loại tài sản này nhằm đảm bảo lợi ích chung, sự phát triển chung của đất nước.

Mọi giao dịch liên quan đến tài sản cấm lưu thông đều vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng điều cấm của pháp luật; tài sản hạn chế lưu thông là tài sản chỉ được thực hiện giao dịch bởi một số đối tượng nhất định và phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt được pháp luật đặt ra. Các giao dịch đối với tài sản này sẽ chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ tất cả các điều kiện pháp luật đề ra; tài sản tự do lưu thông là tài sản phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, thiết yếu trong đời sống con người. Đây là loại tài sản các chủ thể được phép giao dịch rộng rãi mà không cần chịu sự ràng buộc nào về các điều kiện đặc thù riêng của tài sản; không ảnh hưởng đến chính trị, an ninh quốc gia.

Nội dung bài viết nghiên cứu tài sản bằng cách thức sử dụng tiêu chí về quy chế pháp lý, tài sản được phân thành ba loại: tài sản cấm lưu thông, tài sản hạn chế lưu thông và tài sản tự do lưu thông. Tuy nhiên, hiện nay, khung pháp lý đối với các loại tài sản này không được quy định tập trung trong cùng một văn bản pháp luật mà nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau.

2. Tài sản cấm lưu thông

2.1. Tài sản cấm lưu thông theo quy định pháp luật Việt Nam

Tài sản cấm lưu thông là những tài sản vì vai trò to lớn của nó đối với nền kinh tế quốc dân hoặc đối với an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia… mà Nhà nước cấm giao dịch (mua bán, chuyển dịch, chuyển nhượng…), chẳng hạn như vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, chất ma tuý, động vật quý hiếm… Những tài sản này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, đến an ninh quốc gia, vì thế mà Nhà nước đã quy định cấm lưu thông trong xã hội.

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 4 Điều 3). Như vậy, các giao dịch đối với tài sản mà xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng sẽ được xác định là giao dịch vi phạm điều cấm của luật, đồng thời tài sản là đối tượng của những giao dịch này chính là tài sản cấm lưu thông vì những tác động của nó khi giao dịch sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, xâm phạm đến an ninh trật tự, lợi ích quốc gia, công cộng.

Bên cạnh đó, một số luật chuyên ngành cũng có những quy định về việc cấm giao dịch đối với một số loại tài sản có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của trật tự xã hội, sự phát triển của nền kinh tế hoặc chính trị, an ninh, quốc phòng, phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự như Luật Đầu tư năm 2020 cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh các chất ma túy, các loại hóa chất, khoáng vật, mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, pháo nổ… (Điều 6).

Tuy pháp luật đã có quy định chặt chẽ nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại những hành vi lưu thông tài sản này. Điển hình như các vi phạm liên quan đến tài sản bị cấm là chất ma túy, tính đến hết 30/11/2021, đã phát hiện 25.175 vụ có hành vi phạm tội về ma túy, bắt giữ 37.056 đối tượng, thu giữ: 596kg heroin, 2,6 tấn, 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp, gần 1 tấn cần sa, 67 khẩu súng quân dụng, 07 lựu đạn hàng trăm viên đạt cùng nhiều phương tiện, tài sản có liên quan.159

Ngoài ra, về nguyên tắc, những tài sản thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định tại Điều 197 BLDS năm 2015 (bao gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý) là tài sản cấm lưu thông nhưng để mở rộng giao lưu dân sự trong điều kiện nền kinh tế thị trường, riêng đối với loại tài sản đặc biệt là đất đai, Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai cho phép những người tuy không phải là chủ sở hữu trong những điều kiện nhất định có thể có một số quyền năng đối với các loại tài sản này.

Tài sản cấm lưu thông không thể trở thành đối tượng trong giao dịch dân sự. Việc lưu thông các loại tài sản này do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Do đó, mỗi hình thức sở hữu có một phạm vi khách thể khác nhau. Chính vì vậy, nếu các bên vẫn xác lập những giao dịch này thì giao dịch đó sẽ là giao dịch vô hiệu tuyệt đối do có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 123 BLDS năm 2015); và khi đó tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Người nào tàng trữ, sử dụng, mua bán các loại tài sản cấm lưu thông trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với hình phạt nặng nhất là tử hình, có thể kể đến như Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm), Điều 344 (Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản), các tội phạm về ma túy (Điều 251 – Tội mua bán trái phép chất ma túy,…).

2.2. Tài sản cấm lưu thông theo quy định ở một số quốc gia trên thế giới

Tương tự Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Brasil, Malaysia, Thái Lan… cũng có quy định cấm lưu thông chất ma túy trái phép. Luật Phòng, chống ma túy của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định “cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, cung cấp, tàng trữ, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy, hướng thần hoặc các nguyên liệu hóa học có thể dễ dàng chuyển hóa thành chất ma túy” (Điều 21). Đạo luật về các chất bị kiểm soát của Bộ luật Hoa Kỳ, United States Code (USC) Controlled Substances Act, quy định danh mục các chất bị kiểm soát, trong đó có các chất ma túy.

Bên cạnh đó, pháp luật một số quốc gia như Canada, Bồ Đào Nha… đã coi cần sa (hay còn gọi là cabinas, một trong những chất ma túy) là tài sản hạn chế lưu thông.Tuy có thu được thêm thuế từ đó nhưng thực tế quốc gia này vẫn còn hiện tượng sử dụng trái phép cần sa và có xu hướng tăng trong những năm gần đây (giai đoạn 2017-2019 tăng từ 59831kg đến 178480kg).

Nhận thấy, các tài sản cấm lưu thông được quy định tại các văn bản pháp luật Việt Nam như hiện nay là phù hợp bởi các tài sản này có vai trò to lớn đối với nền kinh tế, với an ninh chính trị của mỗi quốc gia. Tuy nhiên để thuận lợi cho việc kiểm soát các tài sản bị cấm lưu thông trong dân sự thì cần có quy định tập trung tại Bộ luật dân sự.

Còn tiếp…

Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về “Chế độ pháp lý đối với tài sản”. Trường hợp bạn đang còn thắc mắc hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Hotline: 079.497.8999 hoặc 093.154.8999 để đươc tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon