Vay FE không trả có bị đi tù không

vay-fe-khong-tra-co-bi-di-tu-khong

Hiện nay nhu cầu vay tín chấp tại Việt Nam đã tăng mạnh, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ vay tiêu dùng tăng gần 20% mỗi năm. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của hình thức vay tín chấp của các công ty tài chính nhất là khi ưu điểm của nó là không cần tài sản đảm bảo, thủ tục vay xét duyệt nhanh chóng và hạn mức vay cao. Có thể kể qua một số công ty tài chính phổ biến được nhiều người sử dụng hiện nay như FE CREDIT, HOME CREDIT, HD SAISON…Bên cạnh tiện lợi về thủ tục làm hồ sơ vay thì vấn đề thanh toán khoản vay khi đến thời hạn trả nợ cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Một số thông tin cho rằng khi vay bên FE cũng như các công ty tài chính khác thì có thể bùng và không phải chịu trách nhiệm gì. Tuy nhiên, đây là những thông tin sai lệch chưa được kiểm chứng. Như vậy khi vay bên FE hoặc các công ty tài chính khác không trả thì có chịu trách nhiệm hay có bị đi tù không ? Cùng tham khảo qua bài viết để hiểu rõ hơn.

Căn cứ pháp lý

1. Thông tin chung

1.1. Thông tin về Công ty tài chính FE

Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (Viết tắt: FE CREDIT) tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank).

Công ty tài chính Fe Credit có vốn điều lệ 10.928 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nắm giữ 51% cổ phần và Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (Thuộc tập đoàn Sumitomo Mitsui Banking Corporation) nắm giữ 49% cổ phần.

Quá trình mở rộng của Fe Credit đã được thể hiện qua những cột móc như sau:

2016: FE Credit nâng vốn điều lệ từ 1.900 tỷ đồng lên 2.790 tỷ đồng.

2017: FE Credit gia nhập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

2018: FE Credit được vinh danh là “Công ty Tài chính tiêu dùng tốt nhất Việt Nam” bởi The Asian Banker.

2019: FE Credit ra mắt ứng dụng di động “FE Credit Mobile”.

2020: FE Credit đạt giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” do The Asian Banker bình chọn.

2021: FE Credit hợp tác với VPBank triển khai dịch vụ cho vay trả góp online.

Cho đến hiện nay, Fe Credit đã có được những điều như sau:

FE Credit hiện là công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu ở Việt Nam với hơn 10 triệu khách hàng tin tưởng.

FE Credit hiện cung cấp đa dạng sản phẩm và dịch vụ tài chính tiêu dùng như vay trả góp, thẻ tín dụng, vay mua nhà, vay mua xe… đáp ứng nhu cầu mà bạn mong muốn.

FE Credit có mạng lưới hoạt động rộng khắp với hơn 200 chi nhánh và văn phòng đại diện trên toàn quốc.

1.2. Hợp đồng vay FE có phải là hợp đồng vay tài sản không

Căn cứ theo Điều 119 và Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 463: Hợp đồng vay tài sản

“ Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Điều 119: Hình thức giao dịch dân sự

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2.Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Như vậy có thể thấy hợp đồng vay giữa FE và bên vay là một hợp đồng vay tài sản phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì đó là hợp đồng tự nguyện  thể hiện sự thoả thuận của các bên với nhau bên FE giao tài sản cho bên vay, bên vay có nghĩa vụ hoàn trả số lượng, trả lãi ( nếu có) theo thoả thuận hoặc pháp luật quy định . Hình thức của hợp đồng vay có thể bằng văn bản, phương tiện điện tử….

2. Vay tiền FE, bùng nợ có được không?

Vay tiền tại FE hay vay tại ngân hàng, công ty tài chính đều là hình thức vay tài sản được quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Bởi đây là giao dịch dân sự, được thực hiện dựa trên sự thoả thuận của các bên và chỉ khác về hình thức. Ví dụ, vay tiền trực tiếp tại ngân hàng, công ty tài chính thì hai bên sẽ thực hiện giao dịch vay tiền thông qua hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tiêu dùng…

Còn riêng việc vay tiền tại FE, các bên ký kết hợp đồng thông qua các hình thức trực tiếp tại quầy hoặc qua các phương tiện điện tử, như ứng dụng hoặc website. Do đó, khi thực hiện vay tiền FE, các bên cũng đã ký kết một hợp đồng theo quy định của pháp luật, có thể là hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng điện tử.

Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn thoả thuận, nợ bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi (nếu có).

Hiện nay, FE là một trong các công ty tài chính hợp pháp, triển khai việc vay tiền với thủ tục nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn vay của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thiếu các tổ chức tài chính “núp bóng” nhằm trá hình cho vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ”. Với những trường hợp này, người cho vay sẽ bị xử lý nghiêm về hành vi cho vay nặng lãi.

Như vậy, dù vay tiền tại FE hay bất kỳ tổ chức tài chính nào, người vay nợ cũng buộc phải trả đủ số tiền đã vay theo khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự. Việc bùng nợ khi vay tiền FE cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

3. Cố tình không trả nợ khi vay tiền FE, người vay có bị đi tù?

Như đã phân tích, khi vay tiền, dù vay trực tiếp hay vay tại FE Credit, người vay đều có nghĩa vụ trả nợ theo quy định pháp luật. Nếu cố tình không trả nợ, người vay có thể đối mặt với các hậu quả pháp lý sau:

3.1 Phải trả lãi số tiền vay chưa thanh toán

Trong trường hợp người vay tiền tại FE thực hiện vay thông qua hợp đồng tín dụng, nếu đến hạn thanh toán mà không trả hoặc trả không đủ số nợ gốc và lãi, người vay sẽ phải trả thêm các khoản lãi, căn cứ khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:

  • Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thoả thuận tương ứng với thời gian chưa trả.
  • Lãi chậm trả theo mức lãi suất thoả thuận trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả.
  • Nếu khoản nợ bị chuyển sang nợ quá hạn, người vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn với mức lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Trường hợp vay tiền từ các nguồn khác ngoài FE, như cá nhân hoặc tổ chức khác, người vay cũng phải chịu mức lãi suất và các điều khoản theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015:

  • Vay không có lãi: Người vay phải trả lãi chậm trả không quá 10%/năm trên số tiền chậm trả.
  • Vay có lãi: Người vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn với mức không vượt quá 150% lãi suất vay theo thoả thuận trong hợp đồng.

3.2 Bị cho vào nhóm nợ xấu

Nếu người vay tiền tại FE không trả nợ đúng hạn, trường hợp này sẽ được báo cáo lên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), theo quy định tại Điều 8 Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Khi khoản vay rơi vào nhóm nợ xấu (nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên), người vay sẽ bị phân loại thành nhóm nợ có rủi ro cao (nhóm 3, 4, 5).

Khi đã bị liệt kê vào nhóm nợ xấu, người vay sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vay vốn tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác, thậm chí không thể vay vốn được.

3.3 Bị gọi điện giục nợ

Nếu người vay không trả nợ đúng hạn, FE hoặc các tổ chức liên quan sẽ thực hiện nhắc nhở thông qua các biện pháp như gọi điện, nhắn tin, gửi email. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN:

  • Không được gọi quá 05 lần/ngày trong khung giờ từ 07:00 – 21:00.
  • Không được gọi nhắc nợ với những người không liên quan hoặc không có nghĩa vụ trả nợ.

3.4 Bị phạt hành chính

Theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu người vay tại FE đến hạn trả nợ mà có khả năng trả nhưng cố tình không trả, sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 2 – 3 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ, mức phạt cũng sẽ áp dụng tương tự.

3.5 Chịu trách nhiệm hình sự

Nếu cố tình không trả nợ với dấu hiệu lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản, người vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017). Các mức xử phạt như sau:

Hành vi Mức phạt
Vay từ 4 – dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị phạt hành chính, chưa xoá án tích mà tiếp tục vi phạm, dùng thủ đoạn gian dối/bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc cố tình không trả dù có khả năng Cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm
– Có tổ chức;
– Tính chất chuyên nghiệp;
– Số tiền từ 50 – dưới 200 triệu đồng;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn/danh nghĩa cơ quan để chiếm đoạt tài sản;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự;
– Tái phạm nguy hiểm
Phạt tù từ 2 – 7 năm
Số tiền từ 200 – dưới 500 triệu đồng Phạt tù từ 5 – 12 năm
Số tiền trên 500 triệu đồng Phạt tù từ 12 – 20 năm

Như vậy, nếu cố tình trốn nợ sau khi vay tiền tại FE, người vay có thể đối mặt với các hình thức xử lý từ phạt hành chính, ghi nhận nợ xấu, đến chịu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù nếu có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

4. Quy định pháp luật đối với trường hợp vay không trả

4.1. Trường hợp vay nhưng không có đủ điều kiện để trả

Căn cứ theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Có thể thấy hợp đồng giữa FE và bên vay được coi là một hợp đồng dân sự. Vậy nên khi có tranh chấp xảy ra bên FE có quyền khởi kiện bên vay ra Toà án để giải quyết. Bên vay sẽ phải tốn thời gian lên Toà án để tham gia giải quyết. Đồng thời sẽ phải đóng phí khi thua kiện. Sau khi thua kiện, trường hợp bên vay vẫn không trả nợ thì bên FE có yêu cầu thi hành án.

Cơ quan thi hành án sẽ tìm kiếm nguồn thu nhập của bên vay để thì hành án như khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định…

Ngoài ra, nếu không trả tiền, người vay sẽ thuộc đối tượng nợ xấu và gặp khó khăn, thậm chí không thể vay được tiền từ các ngân hàng và công ty tài chính khác.

4.2. Trường hợp vay có đủ điều kiện trả nhưng không trả

  • Quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Căn cứ theo Điều 175 Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

* Khung 1:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

* Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

– Có tổ chức;

– Có tính chất chuyên nghiệp;

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

– Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự,an toàn xã hội;

– Tái phạm nguy hiểm.

* Khung 3:

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

* Khung 4:

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

* Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tuỳ vào giá trị của khoản vay giữa bên vay và FE. Trường hợp đến thời hạn thanh toán cho FE mà bên vay có điều kiện thanh toán mà cố tình không trả thì sẽ bị truy cứu với mức hình phạt cao nhất là 20 năm.

4.3. Mức xử phạt hành chính

Căn cứ Điểm c, d khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021

Nếu chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

– Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

– Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Trên đây là quy định về việc Vay FE không trả có bị đi tù không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được hỗ trợ, giải đáp.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon