Tài sản là một chế định quan trọng của Luật Dân sự, tài sản cũng là một đối tượng xuất hiện phổ biến trong các giao dịch dân sự. Mỗi loại tài sản lại có những đặc tính khác nhau nên cần thiết phải có một cơ chế pháp lý điều chỉnh riêng. Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về việc phân loại tài sản nhằm xây dựng quy chế pháp lý điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tài sản. Hơn nữa, chỉ qua phân loại mới có thể hiểu rõ khái niệm tài sản, giúp xác định rõ đối tượng tài sản trong từng giao dịch dân sự.
Căn cứ pháp lý
Tài sản được phân loại thành những loại sau:
1. Bất động sản và động sản
Căn cứ Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; Tài sản khác theo quy định của pháp luật. Và động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Theo đó, có thể hiểu, bất động sản là những vật không di chuyển, dịch chuyển được; còn động sản là những vật di chuyển, dịch chuyển được.
2. Tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai
Căn cứ vào thời điểm hình thành tài sản và thời điểm xác lập quyền sở hữu, tài sản được phân chia thành tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch. Ví dụ: Ngôi nhà đã xây, chiếc xe máy của chủ sở hữu cụ thể, xưởng sản xuất đang vận hành,…
Tài sản hình thành trong tương lai là loại tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch, ví dụ: ngôi nhà sẽ được xây, công trình xây dựng đang được hình thành theo tiến độ của dự án,…
Bên cạnh đó, việc phân định thành tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai cũng mang những ý nghĩa nhất định.
Một là, xác định đối tượng được phép giao dịch dân sự. Theo đó, chỉ những tài sản hiện có và tài sản được chắc chắn hình thành trong tương lai mới có thể trở thành đối tượng của giao dịch dân sự. Còn những tài sản mà chủ thể cho rằng có thể sẽ có mà không có căn cứ chắn chắc sẽ hình thành trong tương lai thì không thể được coi là đối tượng trong giao dịch.
Hai là, phân loại như vậy có thể xác định hình thức, thủ tục xác lập quyền sở hữu. Nghĩa là, việc xác lập giao dịch đối với tài sản được hình thành trong tương lai chỉ có thể được thực hiện khi các chủ thể phải đưa ra những giấy tờ, chứng cứ chứng minh về quyền sở hữu của mình đối với tài sản sẽ được hình thành trong tương lai.
3. Tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức
Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật dân sự năm 2015, hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Ví dụ: hoa quả từ các loại cây, trứng của các loại gia cầm,…
Lợi tức được hiểu là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Đây là những khoản thu được cho chủ sở hữu thông qua việc khai thác công dụng của các tài sản. Ví dụ: các khoản tiền có được từ việc cho thuê nhà, tiền có được từ cho vay có lãi…. Như vật, một cách tổng quát, hoa lợi và lợi tức đều là vật có giá trị tiền tệ do tài sản sinh ra và ta gọi tài sản sinh ra là hoa lơi, lợi tức là tài sản gốc. Tài sản gốc được hiểu là tài sản khi sử dụng, khai thác công dụng thì sinh ra lợi ích vật chất nhất định. Ví như: tài sản gốc là cây, hoa lợi, lợi tức như hoa, quả sản sinh ra từ cây đó.
Về nguyên tắc, hoa lợi thuộc về chủ sở hữu tài sản, lợi tức thuộc về người có quyền sử dụng hợp pháp tài sản đó. Trong các hợp đồng thuê, mượn tài sản thì hoa lợi thuộc về chủ sở hữu tài sản, lợi tức thuộc về người sử dụng tài sản đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Ví dụ: Trường hợp chiếm hữu hợp pháp gia súc, gia cầm thất lạc thì người chiếm hữu được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra hoặc toàn bộ hoa lợi do gia cầm sinh ra (theo Điều 231, Điều 232 BLDS 2015).
4. Tài sản là vật
Vật trong tự nhiên tồn tại rất nhiều dạng khác nhau. Dựa vào giá trị, đặc tính tự nhiên và xã hội, ý nghĩa pháp lý của vật, người ta phân chia vật thành các loại khác nhau. Theo quy định hiện hành của pháp luật dân sự Việt Nam, vật được phân định dưới các dạng sau:
4.1. Vật chính và vật phụ
Căn cứ theo khoản 1 Điều 110 BLDS 2015 quy định, vật chính được hiểu là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng. Ví dụ: máy ảnh là vật chính, đèn led trên máy ảnh đó là vật phụ.
Theo khoản 2 Điều 110 BLDS 2015, vật phụ được hiểu là vật trực tiếp phục vụ cho công việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính. Ví dụ: điều khiển từ xa của tivi, điều hoà,…
Việc phân loại vật chính và vật phụ có ý nghĩa trong việc xác định đúng nghĩa vụ giao vật. Trong giao dịch dân sự, nếu các bên không có thoả thuận khác thì vật chính và vật phụ phải được đi kèm nhau khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật (theo khoản 3 Điều 110 BLDS 2015). Điều này dựa trên nguyên tắc chung là vật chính và vật phụ là đối tượng thống nhất.
4.2. Vật chia được và vật không chia được
Vật tồn tại ở nhiều dạng khác nhau do tính chất vật lý và cơ học của nó. Vì vậy, sẽ có những vật có thể chia tách được và những vật không chia tách được. Dựa vào việc xác định giá trị sử dụng của vật khi được chi ra thành nhiều phần nhỏ mà pháp luật dân sự chia vật thành loại vật chia được và vật không chia được.
Vật chia được là vật khi bị phân chia thì vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu (theo khoản 1 Điều 111 BLDS 2015). Ví dụ: xăng, dầu, lúa, gạo,… được coi là những vật chia được, vì chúng có thể phân chia thành nhiều phần khác nhau mà vẫn giữ nguyên tính chất, tính năng sử dụng ban đầu.
Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được đặc tính ban đầu, tính năng sử dụng ban đầu (theo khoản 2 Điều 111 BLDS 2015). Ví dụ: Xe máy, ô tô,…
Pháp luật dân sự quy định về vật không chia được và vật chia được để phục vụ cho việc phân chia tài sản giữa các chủ thể trong dân sự. Trong trường hợp vật chia được thì phân chia tài sản theo phần mà các chủ thể được hưởng. Đối với trường hợp vật không chia được thì khi phân chia tài sản vật phải được trị giá thành tiền để phân chia.
4.3. Vật tiêu hao và vật không tiêu hao
Dựa vào tính năng sử dụng, tính chất, hình dáng thì sau khi sử dụng mà pháp luật chia vật thành hai loại:
Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn.
Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu (khoản 1 Điều 112 BLDS 2015). Biểu hiện thông qua việc giảm đi trọng lượng của vật hay biến đổi thành vật khác hay trạng thái khác. Ví dụ: Xi măng, vôi, cát, xà phòng,…
Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình sáng và tính năng sử dụng ban đầu (theo khoản 2 Điều 112 BLDS 2015). Ví dụ: Các loại xe máy, ô tô, nhà ở,…
Vật tiêu hao có thể biến mất hoàn toàn về mặt vật chất sau lần sử dụng đầu tiên. Ví dụ: Thức ăn,… Vật tiêu hao cũng có thể không hoàn toàn biến mất nhưng không mang tính chất, tính năng và hình dáng ban đầu sau một lần sử dụng mà mang tính chất, tính năng và hình dáng của vật khác, ví dụ như giấy in.
4.4. Vật cùng loại và vật đặc định
Dựa trên đặc điểm về vật lý của vật mà pháp luật dân sự có thể chia vật thành vật cùng loại và vật đặc định.
Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau (khoản 1 Điều 113 BLDS 2015). Do vậy, nếu nó bị tiêu huỷ thì có thể được thay thế bằng vật cùng loại khác. Những vật này được xác định thông qua những đơn vị đo lường như: xăng, dầu, gạo cùng loại, máy vi tính cùng loại,…
Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí (khoản 2 Điều 113 BLDS 2015).
Tại khoản 2 Điều 113 BLDS 2015 quy định, khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó, nghĩa là người có quyền yêu cầu giao vật có thể thoả thuận đòi hỏi giao đúng vật đó. Ngoài ra, tại Điều 383 BLDS 2015 còn quy định, trong trường hợp vật phải giao là vật đặc định không còn, nghĩa vụ giao vật sẽ chấm dứt. Đối với vật cùng loại thì cần được chuyển giao đủ và đúng loại, người có quyền yêu cầu giao vật cùng loại không có quyền ưu tiên trên bất kỳ vật nào thuộc về các vật cùng loại trong khối tài sản của người có nghĩa vụ.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 378 BLDS 2015 quy định, trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt với điều kiện luật không có quy định khác. Đây là việc bù trừ nghĩa vụ, và việc bù trừ này chỉ áp dụng đối với các nghĩa vụ về tài sản cùng loại.
4.5. Vật đồng bộ
Căn cứ theo khoản 1 Điều 114 BLDS 2015, vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút. Ví dụ: Dây chuyền sản xuất công nghệ,…
Mỗi bộ phận trong vật đồng bộ phải có mối liên hệ với nhau thành một chỉnh thể hoàn chỉnh có giá trị hoặc giá trị sử dụng. Nếu thiếu một trong các phần thì “vật đồng bộ” đó không hoạt động được hoặc không sử dụng được. Hoặc nếu có các phần, các bộ phận nào đó mà không hợp chủng loại, kích thước, quy cách,… thì “vật đồng bộ” đó giảm sút về giá trị, công năng. Ví dụ: bộ máy vi tính,…
Nếu các bên không có thoả thuận khác khi chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành của vật đó.
5. Tài sản có đăng ký quyền sở hữu, tài sản không đăng ký quyền sở hữu.
Tài sản có đăng ký quyền sở hữu là tài sản mà pháp luật quy định bắt buộc phải đăng ký, nếu không đăng ký sẽ không được công nhận quyền sở hữu đối với tài sản đó. Tài sản có đăng ký quyền sở hữu hiện nay là nhà ở, máy bay, ô tô,… Tài sản không đăng ký quyền sở hữu là tài sản mà theo quy định của pháp luật không buộc phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc phân loại này trước hết là căn cứ để xác định hình thức của hợp đồng. Chẳng hạn, hợp đồng tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật (Điều 459 BLDS 2015). Mặc khác, nó còn là cơ sở xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho bất động sản kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
6. Tài sản cấm lưu thông, hạn chế lưu thông, tự do lưu thông
– Tài sản cấm lưu thông được hiểu là tài sản mà vì lợi ích đối với nền kinh tế, an ninh, quốc phòng,… mà Nhà nước cấm giao dịch, lưu thông. Ví dụ: vũ khí quân dụng, chất nổ,… Nhà nước quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông các tài sản trên.
– Tài sản hạn chế lưu thông
Tài sản bị hạn chế lưu thông là tài sản được coi là có ý nghĩa quan trọng đến đời sống xã hội, an ninh, quốc phòng,… Trong những trường hợp nhất định, khi chuyển giao quyền sở hữu những tài sản này cần phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. nếu không thì việc chuyển giao bị coi là vô hiệu. Ví dụ: súng bắn hơi cay,…
– Tài sản tự do lưu thông
Là tài sản được tự do chuyển dịch và được pháp luật bảo vệ sự chuyển dịch của tài sản đó. Ví dụ: xe máy, tivi, tủ lạnh,…
7. Tài sản chung, tài sản riêng
Tài sản chung là tài sản của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu của các chủ sở hữu đối với tài sản chung có thể tồn tại dưới hình thức sở hữu chung hợp nhất hoặc sở hữu chung theo phần.
Tài sản riêng là tài sản của một chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Chủ sở hữu ở đây có thể là cá nhân, Nhà nước,…
8. Tài sản xác định được chủ sở hữu, tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu
Tài sản xác định được chủ sở hữu là tài sản vào thời điểm xem xét có chủ sở hữu đối với tài sản đó.
Tài sản vô chủ, về lý thuyết tài sản vô chủ là tài sản mà vào thời điểm xem xét thì chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó.
Tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu là tài sản mà vào thời điểm xem xét không xác định được chủ sở hữu và cũng không có căn cứ chứng minh rằng chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.
9. Tài sản hữu hình, tài sản vô hình
Tài sản hữu hình được hiểu là những tài sản tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể mà con người có thể dùng các giác quan nhận biết được hoặc dùng đơn vị cân, đong, đo, đếm được.
Tài sản vô hình được hiểu là tài sản mà con người không thể dùng giác quan để thấy được và không thể dùng đại lượng để tính. Tài sản vô hình chính là các quyền tài sản như quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả…
Trên đây là nội dung đối với “Các loại tài sản theo Luật Dân sự”. Nếu có bất kỳ thắc mắc cần được giải đáp về pháp luật, vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.