Thời gian gần đây, những vụ giết người có xu hướng tăng, mạng xã hội cũng như các báo điện tử liên tục đăng thông tin những vụ việc thương tâm, những tình tiết tưởng chừng như chỉ có trên phim nhưng lại xảy ra trong thực tế. Không những thế, hành vi, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động và nguy hiểm. Nhiều vụ án xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ hay mâu thuẫn tình cảm không đáng có. Thêm vào đó, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hoá, có những thủ phạm còn chưa tới tuổi vị thành niên, đang trong độ tuổi học sinh, còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng lại có hành vi giết người man rợ. Bài viết sẽ đi sâu phân tích tội giết người và các vấn đề pháp lý liên quan để người đọc hiểu rõ về hậu quả pháp lý của tội danh này, từ đó hạn chế những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Căn cứ pháp lý
- Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021;
1. Tội giết người
Tội danh Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Về cơ bản, không mô tả rõ ràng các dấu hiệu của tội danh này, chỉ quy định về chế tài nếu một người phạm tội giết người.
Trong khoa học pháp lý hình sự, tội giết được xác định là tội phạm có cấu thành vật chất. Điều này đồng nghĩa với việc để định tội danh này thì cần có hậu quả “chết người” xảy ra trên thực tế.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong nhiều trường hợp khi người phạm tội thực hiện hành vi như cầm súng hung khí nguy hiểm (dao, mã tấu) đâm vào bộ phận trọng yếu của người khác (ngực, tim, vùng đầu..) thì dù cho người bị đâm không chết thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người. Vậy, tại sao lại có sự mâu thuẫn này, như phân tích ở trên, tội Giết người là tội phạm có cấu thành vật chất, không có hậu quả chết người vẫn khởi tố, truy tố xét xử tội giết người thì có oan sai hay không?
Vấn đề này được xuất phát từ việc định tội khác nhau dựa trên hình thức lỗi khác nhau. Tội giết người được thực hiện chắc chắn với lỗi cố ý. Nếu vô ý sẽ tương ứng với tội Vô ý làm chết người. Do đó, đối với hình thức lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội thấy rõ được hậu quả chết người tất yếu sẽ xảy ra hoặc mong muốn hậu quả đó xảy ra, hoặc pháp luật buộc phải biết, thì hậu quả chết người không còn là dấu hiệu để định tội mà nó chỉ mang ý nghĩa xác định thời điểm tội phạm hoàn thành, mức hình phạt…
Đối với trường hợp lỗi cố ý trực tiếp như vậy, nếu người bị hại chết thì tội phạm đã hoàn thành, còn nếu người bị hại chưa chết thì được xem là giết người chưa đạt.
Hành vi giết người không thành là hành vi được thực hiện bởi người có mục đích giết người, nhưng vì yếu tố chủ quan hay khách quan mà hành vi đó không thực hiện được, dẫn đến bị hại không chết. Theo pháp luật hình sự hiện nay, tuỳ thuộc vào yếu tố chủ quan hoặc khách quan đó mà người có hành vi giết người không thành được xem là phạm tội chưa đạt hay tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vấn đề này xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau như nạn nhân hoặc người bị hại chống lại được hoặc tránh được; người khác ngăn chặn trước; có một số trở ngại khác, hoặc người có ý định phạm tội không thực hiện hành vi, thay đổi ý định…
Các trường hợp được nêu tại khoản 1 Điều 123 BLHS được xem là những hành vi dã man, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, do đó phải chịu chế tài, mức hình phạt nặng nhất:
– Giết người dưới 16 tuổi: Nạn nhân trong trường hợp này là người dưới 16 tuổi, đây là đối tượng cần được xã hội quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Không riêng Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đều có những quy định pháp luật bảo vệ người chưa vị thành niên rất nghiêm khắc. Vì người dưới 16 tuổi được xem là tương lai của quốc gia nên điều này là vô cùng cần thiết.
– Giết phụ nữ mà biết là có thai: Trong trường hợp này, nạn nhân là người đang mang thai và khi thực hiện hành vi, người phạm tội biết rõ điều này. Đây được coi là hành vi giết người tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì hành vi này thể hiện tính vô nhân đạo cao, không giống với những trường hợp phạm tội giết người thông thường. Hành vi xâm phạm trực tiếp đến mạng sống của người phụ nữ và gián tiếp giết chết đứa trẻ chưa sinh ra đời. Không chỉ có những quy định pháp luật trừng trị nghiêm khắc hành vi này mà xã hội cũng kịch liệt lên án.
– Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lí do công vụ của nạn nhân: Trường hợp này hành vi xuất phát từ động cơ gắn liền với việc thi hành công vụ của nạn nhân. Công vụ ở đây được hiểu như sau: là hoạt động theo đúng pháp luật của chủ thể được cơ quan nhà nước giao nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bao gồm quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Ví dụ: Đã có không ít vụ giết người liên quan đến vấn đề giao thông. Công an giao thông đang thi hành công vụ bảo đảm trật tự giao thông, vì mắc lỗi bị công an gọi lại kiểm tra giấy tờ mà nảy sinh động cơ chạy xe đâm thẳng vào chiến sĩ công an gây thiệt hại về người.
– Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: Động cơ phạm tội của hành vi này là để chiếm đoạt bộ phận cơ thể của nạn nhân với mục đích trao đổi, mua bán hoặc cho người thân. Đây được xem là động cơ đê hèn, thể hiện tính ích kỉ cá nhân.
– Thực hiện tội phạm một cách man rợ: Hành vi giết người trong trường hợp này đặc biệt tàn ác, dã man khiến cho nạn nhân đau đớn rất nhiều trước khi chết. Chẳng hạn, giết bằng cách hành hạ cho đến chết, chặt rời tay chân, khoét mắt nạn nhân,…
– Giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp: Đây là trường hợp giết người mà chủ thể phạm tội lợi dụng nghề nghiệp của mình để dễ dàng thực hiện hoặc che giấu hành vi giết người nhằm trốn tránh, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
– Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người: Cụ thể, người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện hoặc thủ đoạn phạm tội có khả năng làm chết nhiều người. Ví dụ: dùng chất nổ, chất độc hóa học, khí ga… giết chết nạn nhân đang ở trong nhà cùng với những người khác,…
Chủ thể của tội giết người cũng giống như chủ thể của tội phạm nói chung là con người có đủ điều kiện để có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chủ thể này phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo yêu cầu tất yếu của xã hội. Và để có được những năng lực này, con người phải đạt đến một độ tuổi nhất định được pháp luật hình sự quy định.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
2. Mức hình phạt
Mức hình phạt cao nhất mà người phạm tội tội giết người phải nhận là tử hình. Đây là mức hình phạt nghiêm khắc nhất, loại bỏ người phạm tội ra khỏi xã hội, vừa là trừng trị người phạm tội vừa răn đe những người khác có ý định phạm tội, tránh khỏi hành vi xâm phạm đến tính mạng người khác, coi thường pháp luật.
Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 BLHS, Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Về mức xử phạt cao nhất là tử hình, trước đây pháp luật Việt Nam quy định hình thức thi hành án tử hình là xử bắn tử tù. Việc thi hành án tử hình phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, hình thức thi hành án tử hình bằng cách xử bắn đã được thay thế bằng hình thức tiêm thuốc độc, quy định tại Luật thi hành án hình sự năm 2019 và Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra; mở niêm phong và lập biên bản theo quy định. Hình thức này đã được nghiên cứu kỹ, có tiếp thu, chọn lọc pháp luật, kinh nghiệm từ nước ngoài. Phù hợp với xu thế chung về thi hành án hình sự của các nước trên thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Mục đích của việc thay đổi này nhằm giúp người bị thi hành án tử hình ít đau đơn hơn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn. Và việc này cũng khắc phục những khó khăn, bất cập trong thi hành án tử hình bằng cách xử bắn tử tù. Điều này còn mang ý nghĩa nhân văn đối với xã hội.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 123, người phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội giết người, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 đến 05 năm.
Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Và tuỳ theo mức độ, tính chất của hành vi, người có hành vi giết người sẽ có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đặc biệt, đối với phạm tội chưa đạt, quyết định hình phạt sẽ tương ứng tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội về hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác. Riêng đối với phạm tội chưa đạt nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định căn cứ tại Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như vậy, đồng nghĩa với việc nếu tội phạm giết người mà nạn nhân không chết thì không áp dụng hình thức tử hình.
Một điều đặc biệt trong pháp luật tố tụng hình sự, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án tử hình có quyền được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình chỉ được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Vấn đề này được quy định tại điểm d, e khoản 1 Điều 367 Bộ Luật tố tụng hình sự. Quy định này mang tính nhân văn rất lớn nhưng cũng tạo ra vướng mắc trong quá trình thi hành án. Bởi lẽ, hiện nay chưa có bất kỳ văn bản nào quy định về thời hạn xem xét, phản hồi đơn ân giảm của Chủ tịch nước trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm. Do đó, dẫn đền việc thi hành án bị kéo dài, ảnh hưởng tới tâm lý người bị thi hành án cũng như gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và phức tạp trong quá trình giam giữ.
3. Thẩm quyền giải quyết
Về việc giải quyết, xét xử các vụ án về tội giết người sẽ thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 268 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2021, các vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện thì sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 268 Bộ luật này có nêu ra tội được quy định tại Điều 123 Bộ luật này, cụ thể là về tội giết người. Theo đó, thẩm quyền giải quyết là của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Trong gia đoạn khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có quyền thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra căn cứ theo quy định tại Điều 156 Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo đó, có một số vụ án khởi tố về tội Cố ý gây thương tích, nhưng sau đó, qua quá trình điều tra, có căn cứ xác định là tội Giết người thì Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp quận, huyện sẽ tiến hành thủ tục thay đổi tội danh, đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn và chuyển hồ sơ vụ án để giải quyết theo thẩm quyền.
4. Phạm tội giết người có bắt buộc phải có luật sư bào chữa hay không?
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, thuê luật sư hoặc nhờ người khác bào chữa căn cứ tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự. Ngoài ra, nếu người bị buộc tội không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ trong các trường hợp sau đây:
– Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình.
– Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc người dưới 18 tuổi.
Như vậy, trường hợp người phạm tội bị khởi tố về tội Giết người, có quyền tự mình thuê luật sư để bào chữa giống như các tội khác. Ngoài ra, trường hợp bị khởi tố theo khoản 1 Điều 123 BLHS, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Nếu bị can không tự thuê luật sư, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm thủ tục chỉ định người bào chữa để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho bị can, đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về tội giết người và những vấn đề liên quan. Trường hợp có thắc mắc hoặc cần thuê luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong các vụ án hình sự, Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.