Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân quan trọng được pháp luật dân sự ghi nhận. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì nguy cơ quyền của cá nhân đối với hình ảnh có nguy cơ bị xâm phạm ngày càng cao. Đặc biệt là hình ảnh của người nổi tiếng, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người có hình ảnh. Do đó, pháp luật ghi nhận quyền nhân thân đối với hình ảnh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích cụ thể về quyền của cá nhân đối với hình ảnh và hình thức xử lý hành vi vi phạm hình ảnh của cá nhân.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
1. Khái niệm về quyền nhân thân đối với hình ảnh
Khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền do Nhà nước quy định. Mọi người đều có quyền này kể từ khi họ được sinh ra, không phân biệt giới tính, tôn giáo, thành phần giai cấp, địa vị xã hội,… Mặc dù quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác nhưng quyền này không phải tự nhiên mà có, mà nó được pháp luật quy định làm phát sinh quyền và bảo vệ khỏi sự xâm phạm từ những hành vi vi phạm.
Như vậy, quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh có thể được hiểu là quyền nhân thân gắn liền với cá nhân được pháp luật quy định và bảo vệ, liên quan đến việc sử dụng và cho phép sử dụng hình ảnh của chính cá nhân đó.
Theo đó, quyền của cá nhân đối với hình ảnh mang một số đặc điểm sau:
– Thứ nhất, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân không gắn với tài sản. Về bản chất quyền nhân thân đối với hình ảnh chỉ mang lại giá trị tinh thần cho mối cá nhân có hình ảnh.Mỗi chủ thể được công nhân một cách vô điều kiện với quyền nhân thân gắn với hình ảnh, quyền này không phải là tài sản để có thể đem ra giao dịch.Tuy nhiên hiện nay trên thực tế thì nhiều cá nhân đang sử dụng hình ảnh của mình để định giá bằng tài sản.
Như hiện nay có rất nhiều người mẫu, diễn viên…có sức ảnh hưởng đối với công chúng được các công ty sử dụng hình ảnh của họ để làm người mẫu độc quyền cho một nhãn hàng, một sản phẩm nào đó và được công ty trả một khoản tiền nhất định. Mặc dù như vậy nhưng xét về mặt pháp lí thì quyền cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân không gắn liền với tài sản.Quyền nhân thân đối với hình ảnh được công nhận đối với mọi cá nhân một cách bình đẳng và suốt đời, không phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, địa vị xã hội hay mức đọ tài sản của người đó.
– Thứ hai, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền cá biệt hóa chủ thể. Cùng với các quyền nhân thân gắn liền với họ tên và dân tộc thì quyền nhân thân đối với hình ảnh thuộc quyền cá biệt hóa cá nhân. Đây là quyền nhân thân tuyệt đối, gắn liền với bản thân cá nhân đó.
Đây là những quyền nhân thân ghi nhận những đặc điểm của mỗi cá nhân trong quan hệ xã hội nói chung và trong quan hệ dân sự nói riêng. Quyền cá biệt hóa chủ thể được thể hiện dưới hình thức các công cụ cá biệt hóa khác nhau ở mỗi chủ thể. Tập hợp các công cụ cá biệt hóa đó ở mỗi chủ thể sẽ cho ra sự hình dung bên ngoài về chủ thể đó khác biệt với các chủ thể khác.
– Thứ ba, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền được bảo hộ vô thời hạn. Khoản 2 điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”.
Quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo hộ vĩnh viễn. Khi chủ thể không còn nữa thì những người có liên quan được quyền yêu cầu bảo vệ khi có hành vi xâm phạm.
– Thứ tư, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền được bảo vệ khi có yêu cầu.Có nghĩa là pháp luật chỉ bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân khi quyền đó bị xâm phạm và có yêu cầu của người bị ảnh hưởng về quyền và lợi ích hợp pháp.
– Thứ năm, quyền nhân thân đối với hình ảnh thuộc nhóm các hành vi tác động vật phẩm liên quan đến quyền. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân một cách gián tiếp đã xâm phạm quyền của cá nhân đó đối với hình ảnh. Khi quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị xâm pham dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có hình ảnh bị xâm phạm thì cá nhân sử dụng hình ảnh trái pháp luật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Để khắc phục những hậu quả này thì chủ thể có hành vi xâm phạm buộc phải dừng ngay hành vi xâm phạm, buộc phải xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường một khoản tiền nhằm bù đắp một phần nào đó thiệt hại do hành vi của chủ thể này gây ra.
2. Nội dung của quyền nhân thân đối với hình ảnh
Khoản 1 và khoản 3 Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Với quy định trên, nội dung của quyền nhân thân đối với hình ảnh bao gồm: quyền được định đoạt đối với hình ảnh của mình; quyền cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình và quyền được bảo vệ khi có hành vi xâm phạm.
– Thứ nhất, quyền được định đoạt đối với hình ảnh của mình.
Pháp luật quy định cho mỗi cá nhân có quyền định đoạt đối với hình ảnh của mình, không một ai được quyền ngăn cản hay xâm phạm quyền này. Quyền định đoạt đó có thể là quyền quyết định đối với hình ảnh, vẻ bề ngoài của mình như kiểu tóc, cách trang điểm hoặc phong cách ăn mặc, dáng điệu, hình thể,… hoặc cũng có thể là quyền quyết định đối với việc công khai, phát tán, đưa hình ảnh của mình ra xã hội hoặc quyền quyết định mục đích sử dụng, khai thác hình ảnh.
– Thứ hai, quyền cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình.
Hình ảnh là yếu tố nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, do đó, cá nhân có quyền kiểm soát đối với hình ảnh của mình bằng việc đồng ý hoặc không đồng ý để người khác sử dụng hình ảnh của mình. Điều đó có nghĩa là, thông qua việc đồng ý, cá nhân đó đã thực hiện quyền cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó, trong trường hợp cá nhân đó là người bị tuyên bố mất tích hoặc người đã chết thì việc sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý của vợ, chồng, con thành niên hoặc cha, mẹ người đó.
– Thứ ba, quyền được bảo vệ khi có hành vi xâm phạm.
Bên cạnh quyền được tự do định đoạt đối với hình ảnh và quyền cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình thì cá nhân còn có quyền được bảo vệ tối đa khi có hành vi xâm phạm. Vì hình ảnh là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân, hành vi xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn có thể xâm phạm đến cả danh dự, nhân phẩm của cá nhân đó, do vậy, pháp luật buộc phải đặt ra cơ chế bảo vệ quyền đối với hình ảnh nhằm hạn chế một cách tối đa các hành vi xâm phạm cũng như đảm bảo được quyền và lợi ích của người bị xâm phạm.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, khắc phục thiệt hại xảy ra thì trước tiên, chủ thể có quyền bị xâm phạm phải thực hiện các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền của mình thông qua các hình thức như: tự mình cải chính, yêu cầu người vi phạm phải công nhận quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu người vi phạm xin lỗi, cải chính công khai hoặc bồi thường thiệt hại…
Trong trường hợp, sau khi thực hiện biện pháp tự mình bảo vệ mà không mang lại hiệu quả, pháp luật cho phép cá nhân có quyền bị xâm phạm thực hiện quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính để xử lý hành vi xâm phạm hoặc áp dụng biện pháp dân sự để giải quyết tranh chấp giữa các bên.
3. Xử lý hành vi vi phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân
Về hình thức xử lý đối với hành vi xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh:
Theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.
Theo đó, người có hành vi xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, nếu cho rằng hành vi xâm phạm hình ảnh làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, người bị xâm phạm có thể khởi kiện dân sự yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường tổn thất tinh thần theo điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.